TCCSĐT - Sáng 28-6, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016.

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,55%), trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%, đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,35% đóng góp 2,38 điểm phần trăm; riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay tuy cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cùng kỳ các năm 2012 - 2014 (lần lượt là 4,93%; 4,9%; 5,22%), nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong 6 tháng đầu năm 2015.

Tăng trưởng GDP có dấu hiệu chững lại là do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Đặc biệt, tình hình khí hậu diễn biến bất thường như rét buốt ở các tỉnh phía Bắc, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh phía Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, nặng nề nhất là đồng bằng sông Cửu Long, đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xuất - nhập khẩu. Đây là lý do khiến cho khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, đây là lần đầu tiên khu vực này giảm tăng trưởng (ở mức 0,78%) sau nhiều năm là điểm tựa cho tăng trưởng GDP, ngay cả trong những năm kinh tế khó khăn nhất.

Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 6,82% thấp hơn nhiều mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 2,2%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%, tương đương mức tăng của cùng kỳ 2015. Ngành sản xuất và phân phối điện và ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng trưởng khá tốt với mức tăng tương ứng là 11,7% và 8,1%. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng 8,8%.

Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2016, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,74%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,94%, khu vực dịch vụ chiếm 41,01% (thuế sản phẩm trừ nợ cấp sản phẩm chiếm 10,31%).

Khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay, trong đó, một số ngành tăng khá so với cùng kỳ năm trước như bán buôn, bán lẻ tăng 8,1%; hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm xã hội tăng 6,1%... Đặc biệt, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 3,77% là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có 54.501 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 427,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20% về số lượng và tăng 51,5% về số vốn so với cùng kỳ 2015. Số vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp là 7,8 tỷ đồng, tăng 26,2%. Bên cạnh đó, có hơn 16.000 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn, nâng tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế 1.202,5 nghìn tỷ đồng. Cũng trong 6 tháng này, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau thời gian ngưng trệ là 14.902 doanh nghiệp, tăng tới 75,2% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh tăng 17% so với năm trước, lên con số 5.507 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động cũng tăng 15% so với cùng kỳ.

Để GDP cả năm 2016 đạt mục tiêu tăng 6,7% như Quốc hội đề ra thì 6 tháng cuối năm, GDP phải đạt mức tăng trưởng 7,6%. Mặc dù môi trường đầu tư đã được Chính phủ quan tâm và có chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tuy nhiên, kinh tế thế giới năm 2016 theo dự báo vẫn gặp khó khăn và có diễn biến phức tạp nên kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Do đó, trước mắt, Tổng cục Thống kê đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành, địa phương cần đề ra các giải pháp để có mức tăng trưởng khá trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục triển khai nghiêm túc những giải pháp, chính sách hỗ trợ các vùng thiên tai bị hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường đã được Chính phủ ban hành.

Cần phân tích, đánh giá và làm rõ nguyên nhân tốc độ tăng trưởng thấp đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, từ đó có giải pháp pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như ngành du lịch, ngành viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng…

Các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, đầu tư công theo kế hoạch của năm 2016 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, cần có giải pháp thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng dưới hình thức hợp tác công tư…/.