Đảng, Nhà nước luôn ghi nhớ cống hiến của người có công với cách mạng
TCCSĐT - Sáng 23-6, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thân mật tiếp đoàn đại biểu người có công thành phố Cần Thơ, nhân dịp đoàn ra thăm ra Hà Nội và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhớ những hy sinh và cống hiến to lớn của các chiến sĩ, người có công với cách mạng trên cả nước nói chung và của thành phố Cần Thơ nói riêng, đã đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.
Phó Chủ tịch nước cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành những chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng như chi ngân sách thường xuyên để thực hiện chính sách cho người có công, cấp thẻ bảo hiểm y tế, điều dưỡng, hỗ trợ về đất đai, tín dụng để người có công phát triển sản xuất... Mặc dù mức chi cho việc thực hiện các chính sách đối với người có công thời gian qua có tăng, nhưng với số lượng gia đình chính sách rất lớn nên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Phó Chủ tịch nước mong muốn các Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công của thành phố Cần Thơ tiếp tục giáo dục con cháu luôn ghi nhớ công ơn của các bậc cha anh, phấn đấu vươn lên, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Bên cạnh đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội của thành phố Cần Thơ bằng nhiều nguồn, ngoài nguồn ngân sách tiếp tục vận động kêu gọi các nhà hảo tâm chăm lo tốt hơn nữa đời sống cho người có công.
Theo Báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Cần Thơ: hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 37.300 người có công với cách mạng. Trong đó, số người đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 8.460 người, với kinh phí chi trợ cấp hàng tháng hơn 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn hơn 11.500 người tham gia kháng chiến ở chiến trường được trợ cấp 1 lần. Bên cạnh chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, việc chăm lo đời sống, sức khỏe của người có công được quan tâm thường xuyên. Toàn thành phố có hơn 14.300 người có công được cấp thẻ bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 100%.
Cần Thơ cũng đã xây dựng được 476 căn nhà và sửa chữa 466 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 28 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương.
** Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã gặp mặt Đoàn đại biểu người có công tỉnh Quảng Ngãi gồm 35 đại biểu, trong đó có 22 thương binh.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn ghi nhớ công ơn những người có công với cách mạng và nỗ lực chăm lo bằng các chính sách như xây dựng nhà ở, trợ cấp, phụ cấp hằng tháng và nhiều chính sách lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chính sách tín dụng cho người nghèo, tín dụng giải quyết việc làm, an sinh xã hội khác.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, hàng triệu chiến sỹ, người con đã hy sinh, đóng góp xương máu. Cả nước hiện có hơn 8 triệu người có công. Quảng Ngãi là miền đất cách mạng kiên cường, kiên trung, đã đóng góp nhiều sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Quốc hội thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình thực hiện chính sách với người có công; tiến hành tổng rà soát người có công để xem xét các trường hợp còn sót do các nguyên nhân khác nhau.
Tuy ngân sách còn khó khăn, nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn cố gắng cải tiến, hoàn thiện các chính sách để tăng dần chế độ trợ cấp đối với người có công. Hằng năm, Chính phủ điều chỉnh chế độ trợ cấp để giảm bớt khó khăn cho các gia đình người có công.
Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi trong điều kiện còn khó khăn đã chăm lo hỗ trợ người có công cả về đời sống vật chất và tinh thần.
Hiện vẫn còn nhiều người có công do các nguyên nhân chủ quan và khách quan chưa được hưởng chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước nhưng tỉnh đã có sự quan tâm nhất định.
Phó Thủ tướng đề nghị Quảng Ngãi làm tốt hơn nữa chính sách đối với người có công để các chính sách của Đảng, Nhà nước đến trực tiếp, đến nhanh và đầy đủ đối với người có công; huy động các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để chăm lo cho người có công theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tham mưu cho các cấp chính quyền huy động nguồn lực xã hội và cộng đồng để chăm lo cho người có công chưa được hưởng chế độ, chính sách bằng mức phụ cấp và trợ cấp của người có công.
Chia sẻ với đoàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống bộ đội Cụ Hồ, là tấm gương trong giáo dục truyền thống cách mạng cho con cháu, là công dân tiêu biểu và nòng cốt cho chính quyền cơ sở, đóng góp ý kiến, hiến kế cho chính quyền các cấp, cho Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để đất nước ngày càng phát triển, đời sống ngày càng cao hơn, người có công được chăm lo chu đáo hơn.
Hiện nay, Quảng Ngãi đã xác nhận trên 180.000 người có công với cách mạng, trong đó có trên 37.000 liệt sỹ, 25.000 thương binh, 5.711 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện nay còn sống là 514 mẹ), trên 12.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, trên 6.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học... Hiện, có gần 50.400 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với tổng kinh phí chi trả là 71,9 tỷ đồng/tháng.
Những năm qua, cùng với việc giải quyết xác nhận hồ sơ, đối tượng tham gia kháng chiến còn tồn đọng và kịp thời thực hiện các chính sách, chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người có công, tỉnh đã tập trung huy động nhiều nguồn lực xã hội để thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt 5 chương trình chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ.
Từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa, bình quân hằng năm tỉnh đã đầu tư, nâng cấp, sửa chữa 12 công trình ghi công liệt sỹ, với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng; khoảng 25.000 người có công và thân nhân được hưởng chế độ điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe với số tiền 30 tỷ đồng; 100% người có công và thân nhân được mua bảo hiểm y tế.
Trong hoạt động sản xuất, chính quyền cơ sở luôn ưu tiên giải quyết các dự án vay vốn hỗ trợ việc làm từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng, đặc biệt là nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội; thực hiện tốt chính sách miễn, giảm thuế, giúp đỡ vốn, mặt bằng để gia đình người có công mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, hiện có trên 90% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú./.
Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi  (23/06/2016)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay