Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh
Tìm lối ra mới để Nghệ An phát triển, đưa Cửa Lò thành đô thị biển, khắc phục tình trạng khai thác du lịch mùa vụ, quy hoạch đại lộ Vinh - Cửa Lò thành trục phát triển, động lực tăng trưởng mới của tỉnh cùng với việc xây dựng cầu Cửa Hội, cảng nước sâu Nghi Thiết… là nội dung được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đặt ra trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An sáng 09-5-2016.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nghe lãnh đạo tỉnh Nghệ An đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 trên địa bàn, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cho thấy trong quý I-2016, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh đạt 6,46%, cao hơn so với tốc độ tăng của 4 năm gần đây. Môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Năm 2015 và 4 tháng đầu năm 2016, Nghệ An đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 190 dự án với tổng vốn đăng ký trên 103,7 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đã khởi công dự án Tổ hợp khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, là dự án có ý nghĩa quan trọng, mở ra cơ hội tăng trưởng và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Một số dự án lớn của Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hemaraj, Tập đoàn năng lượng POSCO… đang tích cực hoàn chỉnh thủ tục để triển khai đầu tư. Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 14.300 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong đó riêng 4 tháng đầu năm đã cấp mới chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 469 doanh nghiệp, tăng 30,27% so với cùng kỳ.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nghe một số tập đoàn lớn phản ánh về những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện các dự án đầu tư, hiến kế về thể chế, chính sách để Nghệ An có thể phát triển, cùng những thông tin giải đáp của các bộ, ngành liên quan. Qua báo cáo và khảo sát thực tế tại một số huyện, công trình, dự án, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Nghệ An đạt được thời gian qua. Phó Thủ tướng lưu ý, Nghệ An rà soát các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng chương trình hành động , bám sát Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 19–2016/NQ-CP về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và tới đây là nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp để quyết liệt trong triển khai thực hiện. Phó Thủ tướng nêu rõ, “Nghệ An phải đổi mới tư duy, cách làm, phát triển bằng cơ chế chính sách, nội lực là chính, lấy ngắn nuôi dài, từng bước một”; đồng thời khẳng định Chính phủ đang xây dựng cơ chế cho doanh nghiệp khởi động, kích hoạt, sốc lại doanh nghiệp. Phó Thủ tướng yêu cầu Nghệ An rà soát lại các dự án trọng điểm theo thứ tự ưu tiên, thẩm định lại, dự án nào không đúng hoặc chưa cần thiết cần cắt bỏ. Nhìn nhận Cửa Lò đã tụt lại rất xa so với các trọng điểm du lịch trong việc thu hút du khách, Phó Thủ tướng nêu rõ, Nghệ An cần cụ thể hóa việc xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm tài chính thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng theo Quyết định 2468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Về đô thị biển Cửa Lò, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh quy hoạch lại căn cơ về xây dựng, kinh tế, xã hội đi liền với sắp xếp lại việc làm, sinh kế cho người dân và kêu gọi các nhà đầu tư nâng cấp hạ tầng. Tỉnh làm rõ vị trí, vai trò của đại lộ Vinh - Cửa Lò, có đề án riêng cho trục tăng trưởng này trong tương lai, không chỉ là trục giao thông mà còn là trục thương mại, dịch vụ mang tính lâu dài, không tư duy theo kiểu phân nền, bán đất và phải bắt tay làm ngay, không được đánh trống bỏ dùi.
Đối với dự án cầu Cửa Hội, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Nghệ An phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương báo cáo Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ cho ý kiến. Theo Phó Thủ tướng, dự án này có ý nghĩa rất lớn trong liên kết phát triển vùng về du lịch, thương mại, góp phần tạo điều kiện phát triển bứt phá cho Cửa Lò và các khu du lịch lân cận. Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Nghệ An nhanh chóng tạo điều kiện để nhà đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 của cảng nước sâu ở xã Nghi Thiết vào cuối năm nay, tạo cửa ngõ xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
* Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Theo báo cáo, năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 17,5%; tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) đạt trên 38,9 triệu đồng; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng 23,89% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, toàn tỉnh có 2 khu kinh tế, 19 khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút 446 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn đăng ký trên 49.700 tỷ đồng và 21 tỷ USD. Khu kinh tế Vũng Áng từng bước trở thành trung tâm công nghiệp nặng, với các sản phẩm chủ lực là thép, nhiệt điện và dịch vụ cảng biển.
Từ ngày 06 đến ngày 18-4, tại khu vực ven biển thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra tình trạng thủy sản nuôi trồng và hải sản tự nhiên bị chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Trong đó, riêng thủy sản nuôi trồng là khoảng 82 tấn, thiệt hại ước tính 4,71 tỷ đồng. Các loại thủy, hải sản chết trôi dạt vào bờ đã được thu gom, chôn lấp khoảng 10 tấn. Từ ngày 28-4 đến nay, trên địa bàn tỉnh không còn phát hiện hải sản chết bất thường.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời thăm hỏi, động viên tinh thần và vật chất để nhân dân an tâm, sớm khôi phục sản xuất; bước đầu cấp hỗ trợ các đối tượng nuôi trồng bị thiệt hại 750 triệu đồng; hỗ trợ ngư dân vùng bị thiệt hại do hiện tượng cá chết bất thường 15kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian 1,5 tháng, đã chuyển 605,65 tấn gạo đến các địa phương và đã cấp phát đến 6.388 hộ dân (26.912 khẩu). Tỉnh đã động viên, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức thu mua hải sản cho ngư dân; đến ngày 07-5, đã thu mua được 243 tấn.
Các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp với các cơ quan Trung ương tiến hành quan trắc, công bố các chỉ số môi trường biển mỗi ngày một lần, đặc biệt tại các khu du lịch ven biển; đồng thời lấy mẫu quan trắc môi trường biển, hải sản đánh bắt tại vùng lộng (từ 20 hải lý trở vào) để công bố cho người dân biết, chủ động tham gia các hoạt động du lịch, đánh bắt hải sản. Kết quả cho thấy, chất lượng các mẫu hải sản, mẫu nước biển được kiểm nghiệm đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn. Tỉnh cũng đang phối hợp với các Đoàn công tác của các bộ, ngành, nhà khoa học trong nước và quốc tế tiến hành lấy mẫu nước, trầm tích và các mẫu khác để phân tích, đánh giá chất lượng môi trường và xác định nguyên nhân thủy, hải sản chết. Đến ngày 08-5, tổng cộng có 2.663/3.750 tàu ra khơi đánh bắt hải sản (đạt 71%), trong đó tàu khai thác xa bờ (ngoài 20 hải lý) là 196/253 tàu (đạt 77,5%), tàu khai thác gần bờ (từ 20 hải lý trở vào) là 2.467/3.497 tàu (đạt 70,5%). Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận Hà Tĩnh là tỉnh năng động, đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, có tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng giá trị sản phẩm công nghiệp nhanh và cao, có nhiều mô hình trong xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã bám sát Nghị quyết 01/NQ-CP và các chỉ đạo của Chính phủ để triển khai phát triển kinh tế - xã hội. Phó Thủ tướng đánh giá cao cách thức phản ứng và sự quan tâm của tỉnh trong giải quyết vấn đề phát sinh do sự cố cá chết bất thường theo chỉ đạo của Chính phủ, duy trì được trên 70% tàu đánh bắt xa bờ, đó là sự cố gắng lớn. Công tác thông tin tuyên truyền được tỉnh triển khai kịp thời. Phó Thủ tướng đề nghị Hà Tĩnh đánh giá kỹ lại khả năng hoàn thành các mục tiêu đề ra; đồng thời khẳng định chỉ có thay đổi cách làm mới, với tư duy sáng tạo và tổ chức thực hiện quyết liệt mới tạo ra dư địa tăng trưởng. Từng tỉnh tăng trưởng, cả nước mới có thể tăng trưởng được.
Về bồi thường, hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản, Phó Thủ tướng cho biết, sáng 09-5, Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định 772/QĐ-TTg về hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng bởi hiện tượng hải sản chết bất thường. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Hà Tĩnh công bố, thông tin tuyên truyền về chủ trương này và thực hiện nghiêm túc với tinh thần phục vụ dân kịp thời, hợp lý, đúng đối tượng và có thời gian cụ thể, tuyệt đối không để xảy ra sai phạm, tiêu cực. Cán bộ nào để xảy ra sai phạm, lợi dụng chính sách để xà xẻo, nhũng nhiễu, trục lợi phải phạt nặng - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó Thủ tướng cũng đồng ý với các kiến nghị của tỉnh về triển khai đề án phát triển Khu di tích Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du xứng tầm Khu di tích quốc gia; đề án phát triển kinh tế biển và ven biển Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, trọng tâm là xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế động lực của khu vực và cả nước, có tầm quốc tế, khai thác tiềm năng, lợi thế vùng biển và ven biển để phát triển mạnh du lịch, dịch vụ.
Làm việc tại hai địa phương trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh tập trung mọi điều kiện để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra thành công, bảo đảm an toàn tuyệt đối./.
Kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại tỉnh Tuyên Quang  (09/05/2016)
Cử tri Hà Nam đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên  (09/05/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Lắng nghe ý kiến nguyện vọng chính đáng của cử tri để xây dựng đất nước giàu mạnh  (09/05/2016)
Đại hội Đảng lao động Triều Tiên bầu 5 Ủy viên thường trực Bộ Chính trị  (09/05/2016)
Người dân vùng cao Phú Thọ hân hoan đón ngày bầu cử  (09/05/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên