TCCSĐT - Trong hội nhập quốc tế và quá trình tiếp biến, giao lưu văn hóa, bên cạnh việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, cần chú trọng phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và quảng bá giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới.

Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực, mọi mặt hoạt động, mọi quan hệ xã hội, thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển bền vững. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để xây dựng con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khỏe về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật, phát huy tốt vai trò chủ thể sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiệm vụ đặt ra cho phát triển văn hóa là tiếp tục phát triển, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người và văn hóa Việt Nam, trên cơ sở kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân cũng như năng lực hội nhập văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Quán triệt tinh thần đó, phương châm phát triển văn hóa trong thời gian tới được xác định là:

Một là, việc hoạch định chiến lược và các chính sách văn hóa đều xuất phát và nhằm vào chiến lược con người, để tạo ra những con người phát triển về trí tuệ, về đạo đức, về thẩm mỹ và thể lực. Trong vấn đề này, thì khâu quan trọng hàng đầu là dân trí. Đây là đột phá để nâng cao nhu cầu văn hóa tinh thần của xã hội. Từ sau Đại hội lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1991) chúng ta đang từng bước thực hiện quan điểm coi giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đây là lực đẩy rất cơ bản trong chiến lược con người và cũng là chiến lược văn hóa. Thông qua thực hiện chiến lược con người nhằm tạo ra nguồn nhân lực có học vấn và nghề nghiệp, nếp sống, đạo đức và phong cách ứng xử văn hóa với môi trường để bảo tồn, phát triển văn hóa Việt Nam. Cũng thông qua chiến lược con người, việc hoạch định chiến lược và các chính sách văn hóa sẽ hài hòa với việc hoạch định các chính sách khác.

Hai là, việc hoạch định chiến lược và các chính sách văn hóa cơ bản phải thống nhất với việc hoạch định chiến lược và các chính sách kinh tế - xã hội. Phương châm này bảo đảm cho việc phát triển văn hóa với tính cách là lĩnh vực sản xuất tinh thần thống nhất với lĩnh vực sản xuất vật chất, nhằm xây dựng mối quan hệ đúng đắn giữa thương mại hóa các hoạt động và sản phẩm văn hóa với xã hội hóa văn hóa. Phát triển kinh tế du lịch và các vùng kinh tế trọng điểm, chẳng hạn tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, phù hợp với chiến lược chấn hưng văn hóa dân tộc và hội nhập văn hóa thế giới. Việc khai thác các loại hình nghệ thuật sân khấu, âm nhạc, kiến trúc và cảnh quan văn hóa cho các mục tiêu kinh tế phải hài hòa với việc giữ gìn và phát huy các giá trị tinh thần của chúng. Sự lồng ghép văn hóa với kinh tế, và ngược lại, là cơ sở đầu tiên và cơ bản cho quá trình xây dựng cơ chế và môi trường văn hóa vì sự phát triển bền vững.

Ba là, xã hội hóa việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và quảng bá giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam ra thế giới bằng luật pháp, bằng chính sách, bằng các phong trào văn hóa và sự hỗ trợ của các nguồn lực quốc tế,... Trong các giá trị văn hóa truyền thống, bên cạnh những cảnh quan văn hóa nghệ thuật, các không gian (thể loại) văn hóa dân gian, các biểu tượng văn hóa (sách Hán Nôm, bia, tượng...) và các giá trị tinh thần văn hóa khác,... cần đặc biệt chú ý đến không gian văn hóa vùng, tiểu vùng và làng. Bởi lẽ, không gian văn hóa vùng, tiểu vùng, làng là nền tảng của văn hóa truyền thống, và là môi trường vi mô có khả năng sàng lọc, tổng hợp việc chấn hưng và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.

Bốn là, giữ gìn và làm sâu sắc bản sắc, diện mạo của nền văn hóa Việt Nam là thống nhất trong đa dạng với sự phát triển không đồng đều về văn hóa. Ngày nay, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, cần củng cố và nâng cao sự thống nhất của nền văn hóa quốc gia từ cái nền tảng là sự đa dạng. Một nền văn hóa dân tộc phong phú và đa dạng là nền văn hóa có sức sống tiềm tàng dễ dàng chuyển thành khả năng phát triển. Do đó, phải tạo lập những không gian thích hợp để duy trì và phát huy các sắc thái đa dạng của các loại hình văn hóa nghệ thuật tộc người, của các vùng lãnh thổ trên toàn đất nước; phải coi các sắc thái đa dạng của văn hóa tộc người, văn hóa nghệ thuật vùng là nhân tố quan trọng trong quá trình giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc và quảng bá giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam ra thế giới.

Phương châm phát triển nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, một mặt, xuất phát từ sự phong phú của không gian văn hóa tộc người, của các không gian văn hóa vùng, tiểu vùng lãnh thổ; mặt khác, nó cũng phù hợp với sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và với phương hướng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm hay tam giác phát triển trên mọi miền đất nước ở các cấp độ khác nhau.

Tất nhiên, nói đến sự phát triển đa dạng là nói đến sự phát triển không đồng đều. Ngày nay trên thế giới và cả ở Việt Nam sự phát triển không đồng đều đã là một thực tế. Quan niệm phát triển không đồng đều đã được Đảng ta ghi nhận. Nghị quyết Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng, khoá VII (năm 1994) đã "coi việc một bộ phận dân cư giàu trước là cần thiết cho sự phát triển... Các vùng giàu, vùng phát triển trước phải cùng Nhà nước giúp đỡ, lôi cuốn các vùng nghèo, vùng phát triển sau để cùng vươn lên"(1). Triển khai quan niệm này trên thực tế, cần phải thừa nhận và tạo điều kiện cho một số cá nhân phát triển trước, làm giàu trước, cần phải có một số khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc khu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm phát triển trước để lôi kéo và làm bà đỡ cho cộng đồng, cho các vùng khác phát triển theo. Và cứ thế phát triển không ngừng theo vết dầu loang, theo cơ chế thúc đẩy nhau, nhằm thông qua đó mà đẩy nhanh sự phát triển chung của đất nước, trong đó có phát triển văn hóa.

Trong quan niệm phát triển, trong đó có phát triển văn hóa ở nước ta nổi lên các khía cạnh sau:

- Phát triển trong điều kiện có sự giao thoa và thống nhất giữa các mặt đối lập của làn sóng văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh điện tử - tin học. Sự giao thoa này diễn ra trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và trong điều kiện tồn tại đan xen giữa các vùng phát triển trước, đang phát triển và phát triển sau. Từ đó, có sự phát triển không đồng đều cả trong văn hóa.

- Do sự phát triển không đồng đều, cho nên ít ra trong một vài thập niên tới, ở các mức độ khác nhau và tuỳ theo không gian, thời gian cụ thể, có thể có sự lai căng giữa truyền thống và hiện đại, sự lệch pha một cách cục bộ và nhất thời, sự hỗn dung văn hóa nghệ thuật... Đây là thời kỳ chuyển tiếp cho sự tiếp biến và cộng sinh văn hóa truyền thống với hiện đại. Vì thế, cần phải tạo được môi trường đối thoại giữa hiện đại với truyền thống, để tìm ra cơ chế lựa chọn giá trị văn hóa một cách hài hoà. Yêu cầu này đặc biệt cần thiết khi mà cái hiện đại được tiếp nhận, và nhiều khi xâm thực ồ ạt vào nước ta trong quá trình hội nhập quốc tế và khu vực.

- Phát triển không đồng đều có nghĩa là thừa nhận sự tồn tại của cá nhân và những nhóm xã hội có giá trị văn hóa nghệ thuật trội, và của những tiểu vùng hoặc vùng phát triển văn hóa nghệ thuật trước trên một số khía cạnh nào đó, để thông qua phân công, hợp tác và cạnh tranh mà có thể nâng cao mức độ phổ biến hoá, xã hội hoá mặt bằng phát triển chung của văn hóa trong xã hội.

Trong quá trình phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, văn hóa ở mức độ này hay mức độ khác ít nhiều đều phải trải qua 3 pha phát triển sau:

- Chủ yếu phủ định cái cũ để phát triển cái mới;

- Phổ biến hoá cái mới và khai thác, phát huy các yếu tố tích cực của truyền thống;

- Phát triển hài hoà và ổn định trên nền móng cái truyền thống đã được cách tân cơ bản.

Chúng ta dĩ nhiên sẽ không dỡ bỏ thô bạo cái truyền thống. Chúng ta sẽ công nghiệp hoá, hiện đại hoá công nghiệp hoạt động văn hóa nghệ thuật trên nền móng cái truyền thống được đổi mới từng bước. Trong quá trình phát triển, tất nhiên chúng ta sẽ biết phải bỏ cái gì, tạm giữ cái gì, bỏ lúc nào, giữ đến lúc nào để đạt được mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Xu hướng vận động của phát triển không đồng đều, vì lẽ đó, không có nghĩa là đạt được sự phát triển đồng đều một cách tuyệt đối trong tiến trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phát triển không đồng đều sẽ vận động theo hướng phủ định biện chứng những cái không đồng đều ngẫu nhiên, tự phát, vô chính phủ, và duy ý chí để đạt trình độ phát triển ngày càng cao hơn. Nhờ đó, tính chất không đồng đều được ý thức hơn, hợp quy luật hơn. Đó là sự phát triển hài hoà và ổn định trên nền móng của truyền thống văn hóa Việt Nam, ngay cả trong các điều kiện biến động thường trực của thị trường, của công nghệ và tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực.

Năm là, tích cực hội nhập văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa. Bước vào thế kỷ XXI, Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, do đó cần tăng cường năng lực hợp tác và cạnh tranh quốc tế, phát triển mạnh mẽ văn hóa đối ngoại. Hiện nay, Việt Nam đã là một thành viên ngày càng quan trọng hơn trong hệ thống kinh tế thế giới, nhưng lĩnh vực trao đổi các sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa lại không tương xứng với bức tranh tổng thể về hoạt động đối ngoại; hơn nữa còn tồn tại những yếu kém lớn, chưa thích ứng được với yêu cầu của tình hình mới. Do đó, để phát triển mạnh mẽ ngành văn hóa, thì việc tích cực tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa, sẽ là bước phát triển mới, rất sâu sắc của Việt Nam.

Hội nhập văn hóa quốc tế là một vấn đề hoàn toàn mới trong việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, nhận thức đầy đủ việc phát triển các hoạt động văn hóa đối ngoại ở Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp xây dựng văn hóa Việt Nam, cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó, thúc đẩy phát triển ngành văn hóa, nâng cao năng lực hội nhập và cạnh tranh của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam cần môi trường hòa bình và thực hiện mục tiêu phát triển hòa bình trong thế kỷ XXI, do đó tất nhiên phải nhờ vào chức năng kinh tế và văn hóa của ngành văn hóa. Bởi lẽ, thông qua tăng cường các hoạt động văn hóa không chỉ thu được giá trị kinh tế, mà còn nâng tầm các hoạt động ngoại giao, văn hóa. Các sản phẩm văn hóa và quan niệm giá trị Việt Nam giúp thế giới hiểu rõ Việt Nam. Từ đó, xây dựng hình ảnh tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam trong con mắt các bạn quốc tế. Việc tích cực đẩy mạnh trao đổi, giao lưu đối ngoại về văn hóa với các nước trên thế giới sẽ tăng cường học hỏi và hợp tác về văn hóa, để văn hóa nhanh chóng thích ứng với môi trường cạnh tranh quốc tế, làm cho văn hóa Việt Nam không ngừng có tính quốc tế, trên cơ sở phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua đó, có thể thu hút được nguồn vốn, kỹ thuật, thông tin, nhân tài và sản phẩm từ các nước trên thế giới; và học tập, vận dụng những kinh nghiệm trong quản lý, vận hành kinh doanh văn hóa của họ nhằm nâng cao trình độ phát triển ngành văn hóa Việt Nam, đảm bảo được sự phát triển lành mạnh về văn hóa, đồng thời hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa du nhập từ bên ngoài.

Vấn đề mấu chốt là phải sáng tạo ra ngày càng nhiều các sản phẩm văn hóa để phát triển ngành văn hóa đối ngoại. Văn hóa Việt Nam có chiều sâu lịch sử với văn hóa các dân tộc, vùng, miền khá đa dạng. Quảng bá giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam ngày nay không thể không dựa vào việc xây dựng ngành văn hóa đối ngoại cụ thể là ngành xuất nhập khẩu văn hóa, có năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng cao./.

-----------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Báo Nhân dân, ngày 24-01-1994.