Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 22-02 đến ngày 28-02-2016)

Nhân Hòa (Tổng hợp từ TTXVN, TCCSĐT)
17:28, ngày 02-03-2016

TCCSĐT - Chủ tịch nước thăm đảo Lý Sơn; Thành phố Hồ Chí Minh: Hơn 4.100 thanh niên lên đường nhập ngũ; Hướng dẫn cách giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội; Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ sớm trình dự án Luật Biểu tình; Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng các thế hệ Thầy thuốc Việt Nam; Hoàn thiện chính sách phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Các địa phương tổ chức phát động Tháng Thanh niên 2016… là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Chủ tịch nước thăm quê hương Hải đội hùng binh Hoàng Sa

Ngày 22-02-2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã về thăm huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - quê hương của Hải đội hùng binh Hoàng Sa.Tại Âm linh tự và Mộ lính đội Hoàng Sa - di tích lịch sử quốc gia, từng hồi chiêng trống hùng thiêng đã được các cụ cao niên của xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, mặc lễ phục truyền thống, cử hành rộn rã, đón lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dâng hương tưởng niệm.

Thắp hương tại nơi lưu dấu chứng tích hào hùng một thuở của những người con đất Việt, Chủ tịch nước cùng đoàn công tác thành kính tưởng niệm công lao của những thủy binh hải đội Hoàng Sa quả cảm đã không quản gian khổ, hy sinh, vượt ngàn dặm biển khơi, đặt dấu mốc chủ quyền đất nước, khẳng định chân lý Hoàng Sa là cương thổ không thể tách rời của nước Việt Nam.

Chủ tịch nước ân cần thăm hỏi và căn dặn những hậu duệ của các cai cơ, binh phu thời ấy, ngày nay càng cần làm rạng danh tổ tiên, dòng họ, bằng những hoạt động thiết thực: bám biển vươn khơi, bảo tồn và giới thiệu lịch sử quê hương, chăm lo đời sống tinh thần của người dân huyện đảo.

Chủ tịch nước cũng đã thăm và khảo sát hoạt động của đơn vị ra-đa tầm xa thuộc lực lượng trinh sát kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam; tặng quà 20 hộ gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn trên đảo; thăm mô hình chuyên canh cây đậu kết hợp hệ thống phun tưới dưỡng của nông dân xã An Hải, Lý Sơn.

Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng khi lần thứ hai trong nhiệm kỳ công tác được trở lại huyện đảo Lý Sơn và chứng kiến những đổi thay nhiều mặt của huyện đảo. Chủ tịch nước đánh giá cao chính quyền, người dân và lực lượng vũ trang đã chăm lo đời sống người dân, nâng cấp hạ tầng điện đường, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo điều kiện tàu bè ra vào tấp nập.

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh, Chủ tịch nước đã nghe báo cáo về kết quả phát triển kinh tế biển đảo thời gian qua và tình hình trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2016. Chủ tịch nước hoan nghênh những kiến nghị của lãnh đạo tỉnh nhằm tạo bước chuyển biến đưa kinh tế biển của Quảng Ngãi phát triển. Chủ tịch nước lưu ý, quy mô kinh tế biển của tỉnh hiện vẫn còn nhỏ, cơ cấu thiếu đồng bộ; phương tiện thiết bị kỹ thuật của lực lượng quản lý bảo vệ biển chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển thủy sản còn chậm, đời sống người dân vùng biển còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Với mong muốn xây dựng Lý Sơn giàu về kinh tế, vững về quốc phòng an ninh, Chủ tịch nước nhấn mạnh tỉnh tiếp tục quan tâm, chú trọng yêu cầu quy hoạch bền vững, tập trung đầu tư công trình trọng điểm, giúp huyện đảo giàu mạnh, trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn, xứng tầm vị thế tiền tiêu của Tổ quốc.

Thành phố Hồ Chí Minh: Hơn 4.100 thanh niên lên đường nhập ngũ

Sáng 24-02-2016, trên địa bàn Quân khu 7 đã đồng loạt tổ chức Lễ giao quân và có hơn 18.000 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có số thanh niên nhập ngũ đông nhất là 4.100 người.

Để bảo đảm công tác giao quân đạt kết quả đề ra, trước giờ giao quân, Thiếu tướng Trương Văn Hai, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nghĩa vụ quân sự Thành phố đã yêu cầu hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, giữa địa phương với đơn vị nhận quân cũng như tổ chức chu đáo, trang trọng trong hội trại tòng quân và lễ giao quân, bảo đảm giao quân nhanh gọn, an toàn, đúng luật với quyết tâm phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân ở cả 3 cấp. Chính vì vậy, đợt giao quân năm 2016, Thành phố có 4.100 thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, với gần 38% có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp; đảng viên vượt chỉ tiêu quy định 2,26%, trong đó 300 thanh niên ở quận 1, 5, 8, 12, Thủ Đức và huyện Củ Chi sẽ nhập ngũ về Quân chủng Hải quân, 712 thanh niên về phục vụ Công an và Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy của Thành phố. Đặc biệt, Thành phố có 2.688 thanh niên (chiếm 62,57%) viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Điểm mới trong công tác tuyển quân năm nay là Thành phố chỉ giao quân một đợt, thời gian phục vụ tại ngũ là 24 tháng. Đối với công dân tốt nghiệp cao đẳng và đại học, độ tuổi nhập ngũ kéo dài đến hết 27 tuổi.

Trước ngày giao quân hôm nay, tại 24 quận, huyện đã tổ chức hội trại tòng quân tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho thanh niên trước ngày lên đường về đơn vị mới. Cùng với nhiều hoạt động như gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, tặng quà… trên địa bàn Thành phố có gần 14 tỉ đồng chăm lo chính sách hậu phương quân đội trong việc hỗ trợ thanh niên trúng tuyển nhập ngũ.

Hướng dẫn cách giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội

Sáng 24-02, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị hướng dẫn cách tiến hành giới thiệu người ứng cử đối với các cơ quan tổ chức, đơn vị ở Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim nêu rõ ngày 04-01-2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 51-CT/TW, về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Đồng chí Vũ Trọng Kim nhấn mạnh bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là một sự kiện có ý nghĩa chính trị trọng đại, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2016. Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, trên cơ sở điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương để tiến hành giới thiệu người ra ứng cử.

Đây là bước quan trọng để lập danh sách những người giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vừa bảo đảm cả số lượng, chất lượng, vừa thể hiện cơ cấu, thành phần đại diện cho trí tuệ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo Nghị quyết 1140/2016/UBTVQH13 dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV và số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV là 198 đại biểu, bằng 39,6%, trong đó, cơ cấu, thành phần được dự kiến phân bổ là: các cơ quan Đảng 11 đại biểu; cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu; các cơ quan của Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương) 114 đại biểu, trong đó dự kiến khoảng 20% đại biểu là phụ nữ và khoảng 10% đại biểu là người dân tộc thiểu số; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ là 18 đại biểu, phấn đấu có đại biểu là phụ nữ và đại biểu là là người dân tộc thiểu số.

Bộ Quốc phòng (gồm Bộ trưởng và các quân khu, quân chủng) 15 đại biểu; Bộ Công an (gồm cả Bộ trưởng Bộ Công an) 3 đại biểu; Tòa án nhân dân tối cao 1 đại biểu; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 1 đại biểu; Kiểm toán Nhà nước 1 đại biểu; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên 31 đại biểu, trong đó có đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), đại biểu tôn giáo, đại biểu ngoài Đảng, đại biểu tái cử và nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu...

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha, việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành từ ngày 24-02 đến ngày 10-3-2016.

Chậm nhất là ngày 13-3-2016, người ứng cử phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, để đến ngày 15-3-2016 đưa vào danh sách hiệp thương. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày16-3 đến ngày 18-3.

Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ sớm trình dự án Luật Biểu tình

Sáng 24-02, trong phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn thảo về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 11 sẽ diễn ra vào cuối tháng 3-2016.

Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11 do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày cho biết theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, gồm: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Đối với dự án Luật Biểu tình - nội dung nhận được nhiều ý kiến quan tâm tại buổi thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần khẳng định dứt khoát về việc có hay không trình dự án này bởi đây là dự án luật nhạy cảm, nhận được sự quan tâm theo dõi của đông đảo đại biểu Quốc hội và cử tri.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận việc xây dựng dự án Luật Biểu tình đã nhận được ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị cũng như có trong chương trình kế hoạch xây dựng luật nên không có cớ gì không trình Quốc hội. Việc chuẩn bị chưa xong thì các bên tiếp tục phối hợp để thực hiện đúng nội dung chương trình như kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại đầu phiên họp 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Như vậy, nếu diễn ra đúng thời gian, kế hoạch, theo quy trình, sau khi Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét dự án Luật Biểu tình tại phiên họp thứ 46 vào tháng 3 tới, trước khi khai mạc kỳ họp thứ 11.

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử

Ngày 25-2, tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”.

Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ con số 3% nữ đại biểu Quốc hội khóa 1 đến tỷ lệ 24,4% của Quốc hội khóa XIII.

Trong cơ quan dân cử ở địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016 cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 25,17%, cấp quận, huyện, thị xã là 24,62% và cấp xã, phường, thị trấn là 21,71%.

Phát biểu tại tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử chính là một trong những mục tiêu phấn đấu của bình đẳng thực chất, giúp đảm bảo cho việc tham gia quyết định chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, các chính sách bảo vệ quyền con người, về văn hóa, giáo dục, các vấn đề xã hội và môi trường. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nữ giới muốn có được tiếng nói quyết định cần phải có ít nhất 30% đại diện trong bộ máy nhà nước.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phân tích thực tế cho thấy, sự hạn chế của phụ nữ trong tham gia vào các cơ quan dân cử không hẳn do không đủ năng lực mà còn do các yếu tố thuộc về nhận thức giới và các yếu tố khách quan khác.

Trong quá trình khắc phục những hạn chế này, các cơ quan truyền thông đóng vai trò quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, thúc đẩy sự ủng hộ phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực chính trị. Do đó, công tác truyền thông về bình đẳng giới, ủng hộ sự tham gia của phụ nữ trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp được tăng cường với các nội dung trọng tâm như các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý; các quy định của Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong đó có quy định có ít nhất 35% phụ nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân; tuyên truyền vai trò và những đóng góp quan trọng của phụ nữ trong quá trình phát triển đất nước và những tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong công tác lãnh đạo, quản lý...

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng các thế hệ Thầy thuốc Việt Nam

Trong những ngày này, người dân cả nước đều hướng về người thầy thuốc, đội ngũ cán bộ, y bác sỹ với tình cảm biết ơn và kính trọng. Các thế hệ thầy thuốc và những người làm y tế trong cả nước đã luôn nỗ lực, cống hiến sức khỏe, trí tuệ vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ngày 26-2, tại Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức Lễ kỷ niệm 61 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động cho Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa.

Chúc mừng cán bộ, y bác sỹ nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao danh hiệu Anh hùng Lao động tặng Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa; trao Huân chương Lao động tặng hai cá nhân của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có thành tích xuất sắc trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến thăm, chúc mừng Tổng Hội Y học Việt Nam, Bệnh viện Quân y 354, Tổng cục hậu cần, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gửi lời cảm ơn chân thành, sự tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy thuốc và những người làm y tế trong cả nước đã luôn nỗ lực, cống hiến sức khỏe, trí tuệ vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong những ngày này, người dân cả nước đều hướng về người thầy thuốc, đội ngũ cán bộ, y bác sỹ với sự cảm ơn và kính trọng.

Cảm ơn đội ngũ cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện đã có những đóng góp âm thầm nhưng hết sức quan trọng trong việc giảm tỷ lệ người chết vì bệnh lao, phổi, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn đội ngũ cán bộ, y bác sỹ của Bệnh viện sẽ tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực chuyên môn, chủ động sáng tạo; tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo các công nghệ, thành tựu y tế mới để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, hướng đến thực hiện tốt mục tiêu đến năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao xuống dưới 20/100.000 dân.

Hoàn thiện chính sách phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 27-02-2016, tại Lào Cai, Ủy ban Dân tộc và Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân tộc, chính sách dân tộc nhiệm kỳ (2011-2015) và triển khai nhiệm vụ năm 2016.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử; lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, đại diện các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Lào Cai và 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện Ủy ban Dân tộc các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã về dự Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Do vậy, vấn đề hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức quan trọng.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015 được xây dựng khá đồng bộ, bao phủ tất cả các lĩnh vực, địa bàn vùng dân tộc và miền núi.

Nhìn chung, tình hình vùng dân tộc và miền núi cơ bản ổn định, đời sống của đồng bào tiếp tục được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Ngân sách Nhà nước đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhiều hơn. Trong 5 năm qua, ngân sách Nhà nước đã bố trí đầu tư 135.800 tỷ đồng (chiếm 12,8% kinh phí đầu tư cho nông nghiệp nông thôn) để thực hiện các chính sách ở vùng dân tộc và miền núi. Riêng kinh phí thực hiện các chương trình, chính sách do Ủy ban dân tộc trực tiếp quản lý là 27.144 tỷ đồng, chiếm 2,55% kinh phí đầu tư cho nông nghiệp nông thôn.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu cũng cho rằng, trong 5 năm qua Chính phủ đã quan tâm sâu sắc đến đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa thông qua việc ban hành Nghị quyết 05/NQ-CP góp phần đổi mới, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc và miền núi.

Vùng dân tộc trong thời gian tới còn nhiều thách thức, bởi địa bàn nhiều vùng còn khó khăn và có những đặc thù khác nhau nên việc đề ra chính sách đặc thù đến các vùng miền, nếu cứ cào bằng thì khó thực thi các chính sách dân tộc, trong đó có sản xuất hàng hóa lớn, liên kết vùng…Vì một bộ phận đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn chênh lệch, tỷ lệ đói nghèo cao.

Trên cơ sở những kết quả thực hiện năm 2015 và cả giai đoạn 2011-2015, Hội nghị đã thống nhất một số nhiệm vụ trong tâm về chính sách dân tộc trong năm 2016, như chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các Chương trình, chính sách, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai các nhiệm vụ kế hoạch và dự toán năm 2016; trọng tâm là chỉ đạo thực hiện Chương trình 135 và các chính sách đặc thù khi được phê duyệt.

Ngành Y tế cần tiếp tục đổi mới toàn diện cơ chế hoạt động

Tối 27-02-2016, Bộ Y tế tổ chức Chương trình “Y tế Việt Nam: Đổi mới phục vụ, Hội nhập và Phát triển” nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Phát biểu khai mạc chương trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian qua, ngành y tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Trong bài phát biểu của mình, người đứng đầu ngành y tế cũng thẳng thắn đưa ra những đề nghị với Đảng, Quốc hội và Chính phủ để ngành thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đạt được những mục tiêu trong 5 năm tới, đã được đề ra cụ thể trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là “có 9-10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Riêng ngành y tế sẽ tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ hướng tới sự hài lòng của người bệnh; đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế về y tế và phấn đấu đưa ngành y tế tiếp tục phát triển sánh ngang các nước trong khu vực”.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dẫn lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27-02-1955: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu...”. Đồng thời khẳng định, 61 năm qua, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, ngành y tế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc.

Chủ tịch nước đề nghị, ngành y tế cần tiếp tục đổi mới toàn diện cơ chế hoạt động, tài chính, phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ; đổi mới công tác đào tạo, sử dụng cán bộ; công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân và cộng đồng...; đồng thời, tiếp tục xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật y học tiên tiến, các kinh nghiệm quý báu của y học cổ truyền trong công tác phòng và khám chữa bệnh. Ngoài ra, cần tăng cường nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để sản xuất thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế trong nước.

Các địa phương tổ chức phát động Tháng Thanh niên 2016

Trong những ngày qua, các cấp bộ Đoàn nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức lễ phát động Tháng Thanh niên 2016 (từ ngày 27-02 đến 31-3-2016) với nhiều hoạt động thiết thực của thanh niên hướng về cơ sở.

Sáng 28-02, Tỉnh Đoàn Bình Thuận phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh ra quân “Tháng Thanh niên” năm 2016 tại thị xã La Gi (Bình Thuận) với sự tham gia của hơn 500 cán bộ, đoàn viên thanh niên.

Ngày 28-02 tại huyện Phú Ninh, Tỉnh Đoàn Quảng Nam tổ chức lễ phát động ra quân Tháng Thanh niên 2016 với chủ đề “Thanh niên hành động vì cộng đồng; xã hội chăm lo, bồi dưỡng thanh niên”. Lễ phát động đã thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên trong tỉnh tham gia hưởng ứng.

Ngày 28-02, Tỉnh đoàn Lai Châu đã ra quân thực hiện Tháng Thanh niên năm 2016. Ngay sau buổi lễ, gần 1.000 thanh niên tiêu biểu của tỉnh Lai Châu đã thực hiện Công trình thanh niên tại Bản du lịch Giao Khâu, xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, với phần việc trồng, chăm sóc hơn 600 cây đào.

Sáng 27-02, Thành đoàn Hà Nội tổ chức “Lễ phát động và ra quân Tháng thanh niên năm 2016”. Hơn 1.000 đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên tiêu biểu của Thủ đô đã tham dự.

Ngày 27-02, tại làng Tang, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi đã tổ chức Lễ phát động Tháng Thanh niên năm 2016 với chủ đề “ Tuổi trẻ Quảng Ngãi hành động vì cộng đồng - xã hội chăm lo, bồi dưỡng thanh niên ” và xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp Sơn Bua.