Cấp số định danh cá nhân đồng bộ, tránh sai sót
Sáng 18-01-2016, Ban chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 (Ban chỉ đạo 896) đã họp tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 896, triển khai Luật Căn cước công dân, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2015/NĐ-CP, ngày 31-12-2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân. Nội dung Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấu trúc số định danh cá nhân, phương thức kết nối, cập nhật, khai thác, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; quy định cụ thể thủ tục cấp số định danh cá nhân cho các nhóm đối tượng được xác định tại Đề án 896. Về việc cấp số định danh cá nhân khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được vận hành hoặc Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đối với nhóm trẻ em được thực hiện đăng ký khai sinh từ ngày 01-01-2016, Nghị định đã quy định cụ thể sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp và cơ quan công an, theo đó cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua tài khoản truy cập do cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an, cung cấp để lấy số định danh cá nhân từ Trung tâm cấp số định danh cá nhân cấp cho người được đăng ký khai sinh. Như vậy đã bảo đảm việc cấp số định danh cá nhân không phát sinh thêm thủ tục hay kéo dài quy trình giải quyết việc đăng ký khai sinh. Từ ngày 01-01-2016, Bộ Tư pháp đã triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và đến ngày 16-01-2016 đã có trên 8700 trẻ được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân.
Đối với những người đã đăng ký khai sinh và đăng ký thường trú, việc cấp số định danh cá nhân được thực hiện khi cấp thẻ căn cước công dân. Việc cấp thẻ căn cước công dân đã được Bộ Công an triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố từ ngày 01-01-2016, việc thực hiện thủ tục được đánh giá nhanh chóng và đơn giản. Trên cơ sở Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để phê duyệt dự án khả thi. Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, được triển khai và quản lý tập trung tại Bộ Công an. Nội dung đầu tư bao gồm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thuê hạ tầng truyền dẫn, xây dựng, triển khai hệ thống phần mềm ứng dụng, tổ chức thu thập, tạo lập và chuyển đổi dữ liệu dân cư và cấp số định danh cá nhân cho công dân và các hoạt động đào tạo, tuyên truyền. Tổng mức đầu tư của dự án là 3.367 tỷ đồng với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Để triển khai xây dựng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) ứng vốn thực hiện và được sử dụng lợi nhuận sau thuế để thực hiện dự án, sau khi dự án hoàn thành sẽ bố trí ngân sách nhà nước để hoàn trả. Dự án dự kiến hoàn thành cuối năm 2017, đúng với kế hoạch đề ra. Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng trong năm 2015, Văn phòng Ban chỉ đạo 896 và các bộ, ngành đã quyết liệt tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện, nhất là vấn đề nguồn vốn xây dựng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thiện thể chế cho việc cấp số định danh cá nhân, hoàn thành 22/28 nội dung công việc theo Kế hoạch. Việc cấp số định danh cá nhân đã được triển khai thí điểm tại một số địa phương, bước đầu đạt kết quả khả quan. Việc rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân đã được bộ, ngành quan tâm thực hiện.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả đạt được trong việc cấp số định danh cá nhân và đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh từ ngày 01-01-2016, đây là một bước cải cách rất lớn, bước đầu không phát sinh thủ tục mới, nhanh chóng, thuận lợi, không kéo dài quá trình giải quyết đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của Ban chỉ đạo trong thời gian qua như: Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chủ trương, nhưng vẫn đang trong quá trình thẩm định để Bộ Công an phê duyệt, hay Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin đến nay vẫn chưa được công bố theo Kế hoạch...
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị Văn phòng Ban chỉ đạo, đặc biệt là Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thành dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 896 năm 2016 làm cơ sở để các bộ, ngành thực hiện, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai, trên tinh thần bảo đảm tiến độ, tính khoa học, khả thi của phương án đã được phê duyệt. Các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện tại bộ, ngành mình, trong đó tập trung rà soát, xây dựng và trình Chính phủ Nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu dân cư thuộc phạm vi quản lý, các dự thảo Nghị quyết cần bảo đảm tiến độ, tính khoa học, khả thi của các phương án đơn giản hóa.
Phó Thủ tướng nêu rõ, được Chính phủ giao làm tổng thầu EPC, Viettel cần đôn đốc triển khai tốt nhiệm vụ được giao; Bộ Công an sớm phê duyệt dự án khả thi. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không chỉ để thực hiện nhiệm vụ của Đề án 896 mà còn để triển khai Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch. Chính vì vậy, Bộ Công an cần xây dựng chương trình phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tập huấn khai thác sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân, nghiên cứu tính toán các cơ sở dữ liệu đầu vào, đề ra một phương án chung để Viettel thực hiện. Đồng thời, Bộ Công an nghiên cứu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tăng cường phối hợp trong tổ chức triển khai đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những công việc này liên quan đến người dân, phải tập trung tốt hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đỡ phiền hà, giảm chi phí, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương để làm cơ sở cho việc kết nối sau này.
Phó Thủ tướng nêu rõ, cái gốc của Đề án được xã hội quan tâm chính là Cơ sở dữ liệu quốc gia, vì thế Ban chỉ đạo, Văn phòng Ban chỉ đạo phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kịp thời báo cáo các vấn đề phát sinh. Đối với việc cấp số định danh cá nhân, sau giai đoạn thí điểm, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông cần đánh giá, rút kinh nghiệm và lường trước những khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin giữa các địa phương không tương xứng nhau, từ đó khi tổ chức triển khai cấp số định danh cá nhân trên phạm vi cả nước bảo đảm đồng bộ, tránh sai sót. Việc cấp số định danh cá nhân rất quan trọng để phục vụ công tác quản lý mà Luật Hộ tịch đã yêu cầu. Các bộ có liên quan chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền tác dụng tích cực của thẻ căn cước công dân, số định danh cá nhân, cũng như tư tưởng đổi mới trong công tác quản lý dân cư để tạo đồng thuận trong nhân dân./.
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương thông báo Kết quả Hội nghị Trung ương 14 (khóa XI)  (18/01/2016)
Tiến đến không có nợ đọng bảo hiểm xã hội  (18/01/2016)
Kỷ niệm 66 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc  (18/01/2016)
Quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại  (18/01/2016)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển