Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11-01 đến ngày 17-01-2016)
Thông điệp Liên bang Mỹ 2016: Tổng thống B. Obama khẳng định di sản nhiệm kỳ
Tổng thống B. Obama thừa nhận nước Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Ảnh: Reuters
Sáng 13-01-2016 (theo giờ Việt Nam), trong Thông điệp liên bang cuối cùng trình bày trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ trên cương vị tổng thống, Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa nhắc lại khẩu hiệu “Thay đổi” trong chiến dịch tranh cử năm 2008. Ông nhấn mạnh trong hơn 7 năm qua, nước Mỹ đã vững bước vượt qua cuộc Đại khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2007 - 2009, tạo thêm được 14 triệu việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 10% của năm 2009 xuống chỉ còn xấp xỉ 5% như hiện nay và ngày càng có nhiều người dân Mỹ được hưởng bảo hiểm y tế, số trẻ em được tiếp cận các cơ hội giáo dục ngày càng tăng. Tuy nhiên, Tổng thống B. Obama cũng thừa nhận nước Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Ngoài ra, ông cũng hối thúc Quốc hội lưỡng viện cần triển khai những bước đi cần thiết để đóng cửa nhà tù quân sự của Mỹ ở Vịnh Guantanamo của Cuba.
Trên lĩnh vực đối ngoại, Tổng thống B. Obama hối thúc Quốc hội Mỹ dỡ bỏ cấm vận Cuba, thúc đẩy việc mở cửa du lịch và thương mại, giúp cải thiện cuộc sống của người dân ở đảo quốc này. Về cuộc chiến chống khủng bố, Tổng thống Mỹ kêu gọi Quốc hội Mỹ trao cho ông quyền sử dụng sức mạnh quân sự để tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Bên cạnh đó, Tổng thống Obama cũng kêu gọi quốc hội nước này sớm thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thông điệp Liên bang năm 2016 của Tổng thống Obama là tâm điểm của đời sống chính trị nước Mỹ đầu năm 2016 và có thể sẽ định hình chương trình nghị sự của chính quyền và Đảng Dân chủ từ nay tới cuộc bầu cử Tổng thống 2016.
Nga tuyên bố đã phát triển được vaccine phòng, chống Ebola
3 tháng tới, các nhóm bác sĩ nước ngoài sẽ ngừng chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tại Tây Phi. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 13-01-2016, tại cuộc họp chính phủ, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này đã phát triển được vaccine phòng, chống virus Ebola, căn bệnh nguy hiểm đã cướp đi sinh mạng của hơn 11.000 người ở khu vực Tây Phi từ năm 2014 đến nay. Mặc dù chưa thông báo cụ thể tên loại vaccine cũng như cơ chế hoạt động, song ông V. Putin khẳng định đây là thông tin tốt lành vì sau các cuộc thử nghiệm, loại vaccine mới phát triển này cho thấy hiệu quả cao còn hơn các loại thuốc điều trị đang được sử dụng trên thế giới.
Cũng trong ngày 13-01, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cảnh báo dịch bệnh do virus Ebola gây ra vẫn có khả năng bùng phát trở lại tại khu vực Tây Phi trong năm tới, cho dù khu vực này đã xóa sổ được dịch khi Liberia trở thành quốc gia Tây Phi cuối cùng tuyên bố chấm dứt dịch Ebola sau hơn hai năm bùng phát. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Margaret Chan cho biết virus Ebola có thể tồn tại trong cơ thể của một số người sống sót sau dịch Ebola, thậm chí ngay cả sau khi họ đã hoàn toàn bình phục. Theo bà Chan, kể từ tháng 3 năm ngoái đến nay đã có 10 đợt bùng phát trở lại của dịch Ebola. Đại diện WHO cũng nhấn mạnh 3 tháng tới sẽ là khoảng thời gian quyết định đối với khu vực, khi các nhóm bác sĩ nước ngoài ngừng chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tại Tây Phi, trong khi bộ y tế các nước khu vực tiếp quản nhiệm vụ giám sát và phản ứng với dịch bệnh.
UNICEF báo động về số trẻ em thất học ở các vùng xung đột
Trẻ em Syria tại một trại tị nạn ở Osmaniye, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 14-01-2016, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, có gần 24 triệu trẻ em sống ở các khu vực khủng hoảng tại 22 quốc gia bị tác động bởi cuộc xung đột đã không được đến trường. Theo báo cáo của UNICEF, Nam Sudan có tỷ lệ trẻ em thất học ở mức cao nhất khi hơn một nửa trẻ em trong độ tuổi tiểu học và những lớp đầu trung học không được học hành. Tiếp đến là Niger với 47% trẻ em không được đi học, Sudan (41%) và Afghanistan (40%). UNICEF cho biết, bạo lực và nghèo đói là những nguyên nhân chính dẫn tới thảm họa này. Các tổ chức nhân đạo đã dựng lên các trường tạm ở các trại tị nạn nhưng thiếu ngân quỹ nên không đáp ứng nhu cầu của quốc gia này. Theo quy định, chỉ 2% viện trợ nhân đạo dành cho công tác giáo dục cần thiết, trong khi đó hầu hết viện trợ lại được dùng để cung cấp hàng thiết yếu như thực phẩm, lều trại và chăm sóc y tế.
Chia sẻ về những khó khăn trên, ông Gordon Brown, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về giáo dục toàn cầu, cho biết Liên hợp quốc đang lên kế hoạch thiết lập chương trình nhân đạo có tính chất khung cơ bản về giáo dục ở các khu vực xung đột tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về vấn đề nhân đạo diễn ra ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay. Theo UNICEF, ở những quốc gia đang trải qua thời kỳ bất ổn và bạo lực kéo dài thì trường học không chỉ là nơi học tập mà có ý nghĩa vô cùng to lớn như mang đến môi trường cho trẻ em vui chơi, học hành, cũng như niềm hy vọng về tương lại.
Venezuela ban bố tình trạng kinh tế khẩn cấp
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro chính thức ban bố tình trạng kinh tế khẩn cấp. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 15-01-2016, Chính phủ Venezuela đã ban bố tình trạng kinh tế khẩn cấp trong 60 ngày nhằm bảo vệ những quyền xã hội cơ bản của công dân, như giáo dục, sức khỏe, nhà ở và thể thao trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp cho phép các cơ quan chức năng thực thi các biện pháp, như tăng thuế, cho phép nhà nước kiểm soát nhiều hơn các doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp và các giao dịch tiền tệ điện tử,... Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng tuyên bố Venezuela sẽ tiếp tục trả nợ nước ngoài mặc dù dự trữ quốc tế sụt giảm, đồng thời nhấn mạnh “đã đến lúc” tăng giá nhiên liệu được trợ giá.
Nền kinh tế Venezuela vốn phụ thuộc tới 96% vào xuất khẩu dầu mỏ. Nước này hiện đang đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng với tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới (lên đến 141% vào tháng 9-2014) và tình trạng khan hiếm hàng hóa kinh niên. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây dự báo kinh tế Venezuela sẽ suy giảm từ 6% - 10% và tỷ lệ lạm phát có thể lên tới 200% trong năm nay. Tổng thống N. Maduro đã nhiều lần tố cáo phe cánh hữu đối lập được sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài đang tiến hành một cuộc chiến tranh kinh tế chống lại Chính phủ nhằm gây nên tình trạng bất ổn, cũng như những âm mưu của Mỹ trên thị trường dầu khí thế giới khiến giá dầu lao dốc gây thất thu cho Iran, Nga và Venezuela.
Bông hoa đầu tiên nở trên Trạm Vũ trụ quốc tế
Bông hoa đầu tiên nở trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Ảnh: goldrushcam.com/TTXVN
Ngày 16-01-2026, thành viên người Mỹ của nhóm phi hành gia đang làm việc tại Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) Scott Kelly đăng tải trên trang Twitter thông tin: “Bông hoa đầu tiên được trồng trên vũ trụ đã nở”. Theo tin từ báo chí Mỹ, đó là một loài hoa cúc. Hoa được các phi hành gia trồng tại ISS từ năm 2015 để quan sát quá trình tăng trưởng của thực vật trong vũ trụ, song hai cây đã bị chết và được gửi về Trái đất để nghiên cứu, hai cây còn sống và ra nụ ngày 12-01, một nụ đầu tiên đã nở ngày 16-01. Hồi tháng 8-2015, phi công vũ trụ người Nhật Bản Kimiya Yui cùng với cả nhóm cũng đã lần đầu tiên “được nếm” rau xà lách được trồng tại ISS trong chương trình thử nghiệm nhằm bảo đảm thực phẩm tươi cho các đoàn thám hiểm không gian. Rau được trồng trong một thiết bị đặc biệt, dùng các bóng đèn thay cho ánh sáng mặt trời. Một nửa “vụ” xà lách cũng được đông lạnh gửi về Trái đất để nghiên cứu.
Các thí nghiệm trồng rau đã được tiến hành trên ISS nhiều năm qua. Một trong những khó khăn chính của việc này là các vi khuẩn trên lá có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của các phi công vũ trụ. Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn hy vọng trong tương lai sẽ xây dựng được các “vườn rau” ngay trên khoang tàu vũ trụ cho các chuyến thám hiểm dài ngày, ví dụ như lên sao Hỏa. Hiện có 6 nhà du hành vũ trụ đang làm việc trên ISS bao gồm ba người Nga, đội trưởng Scott Kelly, đồng hương người Mỹ Timoti Kopra và phi công người Anh Tim Peake, người vừa có chuyến đi bộ đầu tiên ra ngoài khoảng không vũ trụ.
Cộng đồng quốc tế hoan nghênh dỡ bỏ trừng phạt Iran
Cao ủy EU phụ trách chính
sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini (trái) và Ngoại trưởng Iran
Javad Zarif tại Lễ công bố thỏa thuận Kế hoạch Hành động toàn diện
chung chính thức được thực thi. Ảnh: THX/TTXVN
Đêm 16-01-2016 (theo giờ Hà Nội), Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran, ngay sau khi Cơ quan Nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo khẳng định Tehran đã tuân thủ đúng các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi tháng 7 năm ngoái. Động thái này cũng chính thức xác nhận thỏa thuận lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức) mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung chính thức có hiệu lực sau 6 tháng ký kết.
Trước tin vui trên, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ hoan nghênh, coi đây là một thành công lịch sử sau nhiều nỗ lực của các bên, đồng thời hy vọng thành công này sẽ góp phần thúc đẩy các nỗ lực giải quyết các điểm nóng trên thế giới thông qua con đường ngoại giao. Phát biểu với báo giới ngày 16-01, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một mệnh lệnh hành pháp dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran, trong đó có các hạn chế trong lĩnh vực ngân hàng, thép, vận chuyển hàng hóa và một số lĩnh vực khác. Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hoan nghênh các bên đã thực thi nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân đạt được, đồng thời bày tỏ hy vọng sự thành công của thỏa thuận này sẽ là tiền đề góp phần duy trì sự ổn định, an ninh trong khu vực và tăng cường hợp tác quốc tế. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cùng khẳng định đây là bước đi quan trọng nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực và thế giới, đồng thời bày tỏ hy vọng có thể nhìn thấy tinh thần hợp tác tương tự trong việc những vấn đề nổi cộm khác. Trong khi đó, Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Israel Gilad Erdan cảnh báo rằng việc thực thi một thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới có thể gây nguy hiểm cho Trung Đông và sẽ không ngăn chặn được chương trình hạt nhân của Tehran./.
Sự trở lại của Iran làm tăng sức ép lên thị trường dầu mỏ thế giới  (18/01/2016)
Sự trở lại của Iran làm tăng sức ép lên thị trường dầu mỏ thế giới  (18/01/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 11 đến ngày 17-01-2016  (18/01/2016)
Con tàu chở mùa Xuân từ đất Mẹ đến với Nhà giàn DK1  (17/01/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển