TCCSĐT - Sự kiện Liên minh châu Âu và Mỹ tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran là bước tiếp theo trong lộ trình thực hiện thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đạt được với nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức). Thế giới đón nhận thông tin này với quan điểm khác nhau, tuy nhiên, thái độ hoan nghênh đã được phát đi từ nhiều nước và khu vực.

 
 Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini (trái) và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tại lễ công bố thỏa thuận JCPOA chính thức được thực thi.

Đêm 16-01 theo giờ Hà Nội, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran, ngay sau khi Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố báo cáo khẳng định Tehran đã tuân thủ đúng các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi tháng Bảy năm ngoái.

Động thái này cũng chính thức xác nhận thỏa thuận lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức) mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung chính thức có hiệu lực sau 6 tháng ký kết.

Tại cuộc họp báo ở Vienna (Áo), trong tuyên bố chính thức về sự kiện quan trọng này, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini nêu rõ “Hôm nay 16-01, Kế hoạch Hành động toàn diện chung giữa Iran và nhóm P5+1 chính thức có hiệu lực. Trong 6 tháng kể từ ngày ký kết thỏa thuận, các bên đã thể hiện tinh thần hợp tác, thực hiện đúng các điều khoản đã cam kết vì mục đích chung là đưa thỏa thuận vào thực thi một cách toàn diện.”

Trong phát biểu của mình, bà Mogherini cũng xác nhận EU, Mỹ và Liên hợp quốc đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, tài chính nhằm vào Iran. Bên cạnh đó, EU và Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi sát quá trình thực thi thỏa thuận của các bên.

Cùng phát biểu tại tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javed Zarif khẳng định cả Tehran và nhóm P5+1 đã đều nỗ lực thực hiện đúng các điều khoản thỏa thuận.

Ông Zarif nhấn mạnh “Thỏa thuận đã thể hiện ý chí ngoại giao bền bỉ của các bên trong việc giải quyết các vấn đề gai góc nhất và tìm ra giải pháp hiệu quả. Điều này cũng gửi tới một thông điệp rằng những nỗ lực của tất cả các bên là nhằm mang lại hòa bình, ổn định, hòa và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới.”

IAEA xác nhận Iran đã tuân thủ cam kết thỏa thuận hạt nhân

 
 Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano.

Theo hãng thông tấn Fars của Iran, trong một tuyên bố chính thức ngày 16-01, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano xác nhận rằng Iran đã tuân thủ các cam kết của nước này theo thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Tehran và 6 cường quốc thế giới thuộc nhóm P5+1 hồi tháng Bảy năm ngoái tại thủ đô Vienna của Áo, mở đường cho việc bãi bỏ hoàn toàn tất cả các lệnh trừng phạt quốc tế đối với nước Cộng hòa Hồi giáo trong vài giờ tới.

Trong tuyên bố được đăng tải trên website chính thức của IAEA ngày 16-01, ông Amano nói: "Hôm nay, tôi công bố báo cáo xác nhận rằng Iran đã hoàn tất các bước chuẩn bị cần thiết để bắt đầu thực hiện Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA). Báo cáo đã được đệ trình lên Ban điều hành IAEA và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc."

Theo ông Amano, báo cáo được đưa ra sau khi các thanh sát viên của IAEA đánh giá rằng Iran đã thực hiện tất cả các biện pháp theo yêu cầu của JCPOA để thỏa thuận này có hiệu lực.

Người đứng đầu IAEA nhấn mạnh: "Điều này sẽ mở đường cho IAEA bắt đầu kiểm tra và giám sát các cam kết liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, theo yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như sự ủy quyền của Ban điều hành IAEA.

Mối quan hệ giữa Iran và IAEA đã bước vào một giai đoạn mới. Hôm nay là một ngày quan trọng đối với cộng đồng quốc tế."

Ngoài ra, IAEA cũng đã công bố một báo cáo khác về hệ thống thanh sát hoạt động làm giàu urani để xác nhận rằng Iran thực hiệc đầy đủ các cam kết theo JCPOA.

Phản ứng của cộng đồng thế giới

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã bày tỏ hoan nghênh sự kiện quan trọng này, nhấn mạnh đây là “chiến thắng vẻ vang” của đất nước và nhân dân Iran.

Cộng đồng quốc tế cũng đã bày tỏ hoan nghênh, coi đây là một thành công lịch sử sau nhiều nỗ lực của các bên, đồng thời hy vọng thành công này sẽ góp phần thúc đẩy các nỗ lực giải quyết các điểm nóng trên thế giới thông qua con đường ngoại giao.

Phát biểu với báo giới ngày 16-01, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hoan nghênh việc Iran tuân thủ các cam kết theo thỏa thuận đã ký với nhóm P5+1. Ông cũng cho biết Washington làm đúng trách nhiệm của mình là dỡ bỏ lượng lớn các lệnh trừng phạt kinh tế, tài chính nhằm vào Iran, ngay sau khi IAEA công bố báo cáo xác nhận Tehran đã hoàn tất các bước cần thiết để thực hiện thỏa thuận đã ký.

Trong khi đó, Nhà Trắng cũng cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một mệnh lệnh hành pháp dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran, trong đó có các hạn chế trong lĩnh vực ngân hàng, thép, vận chuyển hàng hóa và một số lĩnh vực khác.

Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hoan nghênh các bên đã thực thi nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân đạt được, đồng thời bày tỏ hy vọng sự thành công của thỏa thuận này sẽ là tiền đề góp phần duy trì sự ổn định, an ninh trong khu vực và tăng cường hợp tác quốc tế.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã ca ngợi đây là một thành công lịch sử trong lĩnh vực ngoại giao khi các bên nỗ lực đàm phán trong nhiều năm để đi đến thỏa thuận. Ông cũng hy vọng những kết quả tích cực trong giải quyết hồ sơ hạt nhân của Iran sẽ giúp đem lại niềm tin rằng những căng thẳng và xung đột trong khu vực, đặc biệt là vấn đề Syria, có thể được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Cùng quan điểm, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã hoan nghênh việc thực thi thỏa thuận hạt nhân của các bên, khẳng định đây là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực và thế giới, đồng thời bày tỏ hy vọng có thể nhìn thấy tinh thần hợp tác tương tự trong việc những vấn đề nổi cộm khác.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond nhấn mạnh động thái mới nói trên là thành quả của nhiều năm đàm phán với tinh thần đối thoại bền bỉ giữa Iran và nhóm P5+1. London hy vọng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Tehran sẽ giúp các doanh nghiệp Anh mở rộng hoạt động vào quốc gia Hồi giáo này.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã hoan nghênh các động thái mới nói trên, đồng thời bày tỏ hy vọng tất cả các bên tiếp tục có thái độ trách nhiệm và trung thực đối với các vấn đề liên quan việc thực thi Kế hoạch hành động toàn diện chung. Moskva tin rằng thành công bước đầu nói trên sẽ giúp củng cố nguyên tắc không phổ biến hạt nhân cũng như củng cố an ninh khu vực và quốc tế.

Trong khi đó, Israel vẫn giữ lập trường khác biệt. Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Israel Gilad Erdan ngày 16-01 cảnh báo rằng việc thực thi một thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới có thể gây nguy hiểm cho Trung Đông và sẽ không ngăn chặn được chương trình hạt nhân của Tehran.

Còn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng ngày đề nghị các cơ quan Liên hợp quốc và nhóm P5+1 phải giám sát chặt chẽ việc thực thi thỏa thuận của Iran để đảm bảo nước này không phát triển vũ khí hạt nhân./.