Nhân Ngày truyền thống học sinh, sinh viên 09-01
Tuyên dương các sinh viên tiêu biểu
Tối 09-01, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Phú Yên tổ chức chung kết hội thi “Thủ lĩnh sinh viên tỉnh Phú Yên” lần thứ I và trao giải thưởng “Sao tháng Giêng”, “Sinh viên 5 tốt”, “Sinh viên 3 rèn luyện” cho các sinh viên ưu tú.
Hội thi “Thủ lĩnh sinh viên tỉnh Phú Yên” được tổ chức từ ngày 20-12-2015 với hơn 500 sinh viên thuộc 6 trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn tỉnh Phú Yên tham gia. Các thí sinh trải qua 3 vòng thi: Vòng sơ loại, vòng bán kết và vòng chung kết. Ở vòng loại và bán kết các thí sinh thi trắc nghiệm về kiến thức lịch sử và kỹ năng công tác Đoàn, Hội; trình bày ý tưởng sáng tạo về mô hình hoạt động liên quan đến học thuật, phát triển kỹ năng mềm… Vòng chung kết, 7 sinh viên có số điểm cao nhất được lựa chọn từ 2 vòng thi trước, lần lượt thực hiện các phần thi “Thủ lĩnh tài năng”, “Thủ lĩnh trí tuệ”, “Thủ lĩnh tỏa sáng”. Qua 3 phần thi, các thí sinh đều chứng tỏ bản lĩnh, sự tự tin và tài năng của một thủ lĩnh sinh viên.
Nhân dịp này, 15 sinh viên ưu tú thuộc các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn tỉnh Phú Yên vinh dự được nhận các giải thưởng “Sao tháng Giêng”, “Sinh viên 5 tốt”, “Sinh viên 3 rèn luyện” do Trung ương Hội sinh viên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Phú Yên trao tặng.
Cũng trong tối 09-01, Hội sinh viên tỉnh Vĩnh Long tổ chức kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam và tuyên dương "Sinh viên 5 tốt". Tại Vĩnh Long, phong trào “Sinh viên 5 tốt” được Hội Sinh viên phát động bằng nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thúc đẩy sinh viên rèn luyện, phát triển toàn diện và khẳng định được vai trò của trí thức trẻ. Qua các hoạt động: “Sinh viên rèn luyện đạo đức, tác phong”, “Hiến máu nhân đạo”, “Ngày thứ 7 tình nguyện ”... đã nâng cao năng lực tập hợp, tạo điều kiện cho các hội viên, sinh viên thể hiện bản lĩnh, kỹ năng và phát triển tài năng. Qua phong trào các năm, Hội sinh viên tỉnh Vĩnh Long đã trao 444 giấy chứng nhận sinh viên 5 tốt cấp tỉnh và có 9 bạn sinh viên được nhận sinh viên 5 tốt cấp Trung ương; 13 sinh viên tiêu biểu nhận giải thưởng Sao tháng Giêng.
Nhân dịp này, Hội sinh viên tỉnh Vĩnh Long cũng tổ chức các hoạt động sôi nổi như: Hội thao Sinh viên khỏe, Hội thi “Sinh viên tài năng” và tuyên dương 99 cá nhân và 3 tập thể xuất sắc trong thực hiện phong trào sinh viên 5 tốt cấp tỉnh, trong đó có 21 cá nhân đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” xuất sắc tiêu biểu năm học 2014 -2015.
Thành phố Hồ Chí Minh: Các hoạt động kỷ niệm sôi nổi, ý nghĩa
Ngày 09-01 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi ý nghĩa dành cho cho học sinh, sinh viên thành phố.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội trại Truyền thống học sinh, sinh viên lần thứ 10 với chủ đề "Tự hào học sinh thành phố học tập và làm theo lời Bác" thu hút hàng ngàn học sinh đến từ các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố tham gia.
Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động bổ ích vừa rèn luyện kỹ năng sống, vừa gợi lên lòng tự hào dân tộc, về thế hệ học sinh - sinh viên qua từng giai đoạn đấu tranh bảo vệ và phát triển đất nước. Cụ thể như: Chương trình sân khấu hóa "Việt Nam bản hùng ca" giúp các trại sinh hình dung được quá trình lịch sử dân tộc qua các giai đoạn đấu tranh; chương trình hướng về biển đảo quê hương; tổ chức các gian hàng khoa học vui, gian hàng thư pháp, trò chơi dân gian, khoa học kỹ thuật, gian hàng hướng nghiệp... Đặc biệt, các trại sinh cùng tham dự chương trình rước đuốc truyền thống từ Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh - nơi Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước về Hội trại.
Cùng ngày, Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi công Công trình “Không gian truyền thống phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh” tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là địa điểm đầu tiên trong 6 địa điểm được lựa chọn để xây dựng Công trình “Không gian truyền thống phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh” từ nay đến 2020, gồm: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng; Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai; Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Công trình gồm Bức Phù điêu được đặt trong khuôn viên sân của mỗi công trình có nội dung tái hiện lịch sử phong trào học sinh, sinh viên với nội dung là khát vọng hòa bình, tình nguyện xếp bút nghiên tham gia lực lượng đấu tranh chính trị, đấu tranh công khai, đấu tranh vũ trang của học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định .
Anh Lâm Đình Thắng, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Công trình nhằm ghi nhận lại các “địa chỉ đỏ” trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên những năm tháng chống Pháp và chống Mỹ. Đây không chỉ là những công trình mang tính giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh, sinh viên thành phố hiện nay mà còn là nghĩa cử, một thông điệp tri ân đến các thế hệ anh hùng, học sinh, sinh viên đã hy sinh vì hòa bình, độc lập, thống nhất của Tổ quốc hôm nay.
Gương nữ sinh viên say mê nghiên cứu khoa học
Lê Thị Hương - sinh viên năm thứ 4 lớp K11A Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên, là một trong 20 nữ sinh tiêu biểu toàn quốc được nhận phần thưởng “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật năm 2015” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Ninh Bình, không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, ngay từ nhỏ, Hương đã phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ và sống cùng với bà. Từ những ngày còn là học sinh, cô bé Hương đã nuôi ước mơ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên em lại không chọn ngành y mà lại theo học Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên, Khoa Công nghệ điện tử và truyền thông, ngành Kỹ thuật y sinh vì Hương cho rằng: Không phải chỉ có bác sỹ mới có thể chữa bệnh, hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh ngày càng phát triển, điều này cũng sẽ giúp bác sỹ và bệnh nhân thuận lợi hơn trong quá trình điều trị.
Chính từ những suy nghĩ này, Hương đã nghiên cứu làm ra sản phẩm “Thiết bị theo dõi thông số đường huyết trong y tế” cùng với sự trợ giúp của 6 bạn sinh viên nam trong lớp. Sản phẩm này cung cấp các dữ liệu, thông số về nhịp tim, huyết áp, hơi thở của con người và được tích hợp trên máy. Khi đưa vào sử dụng, sản phẩm sẽ giúp cho công tác thăm khám, theo dõi sức khỏe người bệnh của các bác sĩ trở nên thuận tiện, dễ dàng, giảm bớt thao tác thăm khám trực tiếp trên người bệnh. Đây cũng là sản phẩm giúp Lê Thị Hương xuất sắc vượt qua gần 100 sản phẩm khác của các ngành Công nghệ thông tin, Điện, Điện tử, Cơ khí đến từ các trường đại học lớn trong toàn quốc và lọt vào danh sách 20 tác giả nữ sinh tiêu biểu năm 2015 lĩnh vực kỹ thuật.
Không chỉ hăng say nghiên cứu khoa học, Lê Thị Hương còn là một cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt tình trong mọi hoạt động, là thành viên nòng cốt trong các chương trình tình nguyện do trường, khoa tổ chức như: Chương trình “Áo ấm cho em năm”, “Mùa đông yêu thương năm”, “Lớp học yêu thương - Cùng em tới trường”, “Tết yêu thương” và nhiều chương trình khác. Ngoài ra, Hương còn trực tiếp tham gia chương trình phổ biến kiến thức điện tử cho học sinh trung học phổ thông qua chương trình “Ươm mầm công nghệ” do trường tổ chức tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, trong năm 2015, Hương là đại biểu chính thức tham gia chương trình giao lưu thanh niên Nhật Bản - Đông Nam Á - JENESYS 2.0 và tham gia cuộc thi “Nhà sáng tạo Việt Nam với Intel Galileo năm 2015”.
Ước mơ giản dị mà đáng quý của cô sinh viên Lê Thị Hương là sẽ tạo ra những sản phẩm công nghệ mới giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngày một hiệu quả và chính xác, nhất là trong việc tư vấn và cấp cứu từ xa./.
Cục hàng không xác nhận máy bay Trung Quốc uy hiếp an toàn bay khu vực  (09/01/2016)
Giải thưởng KOVA cần được nâng chất và mở rộng để nhân lên những giá trị nhân văn sâu sắc  (09/01/2016)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay