TCCSĐT - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ cải cách hành chính trong năm 2016, vẫn còn 11 tỉnh sử dụng vượt chỉ tiêu biên chế, công bố 167 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, kết quả thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ, Quảng Bình khởi động thực hiện dự án Dân chấm điểm M-Score, cải cách thủ tục hành chính ở Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh là những tin chủ yếu tuần qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ cải cách hành chính trong năm 2016

Ngày 29-12, trong phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp lớn.

Trong nhóm nhiệm vụ thứ 3, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung chỉ đạo tốt hơn nữa cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh; giảm chi phí phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, quan tâm ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước nhằm tăng tính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, giảm thời gian, công sức cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, từ những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành thời gian qua, tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được, khắc phục những hạn chế, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, đề cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

11 tỉnh sử dụng vượt chỉ tiêu biên chế

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 29-12, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thừa nhận không chỉ khó tinh giản biên chế các cơ quan hành chính mà việc giảm biên chế với các đơn vị sự nghiệp cũng không hề dễ dàng. Qua rà soát vẫn còn 11 tỉnh sử dụng biên chế vượt so với số được Chính phủ giao. Vì vậy để thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, Bộ trưởng đề nghị các địa phương đang sử dụng “vượt” biên chế được giao phải tự điều phối, giảm đúng chỉ tiêu được giao.

Cùng với đó, tinh giản biên chế ở khu vực sự nghiệp cũng không dễ dàng vì như phản ánh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, “bệnh viện xây mới, trung tâm y tế ở cấp xã cũng được nâng cấp, số giường bệnh tăng lên mà phải kiên quyết tinh giản biên chế đối với đơn vị sự nghiệp quả là khó khăn”.

Hiện hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã có đề án xác định vị trí việc làm, đã được Bộ Nội vụ phê duyệt. Chỉ còn 7 cơ quan còn lại chưa xác định vị trí việc làm cần đẩy nhanh tiến độ trong thời gian sắp đến làm căn cứ đánh giá chất lượng cán bộ và phục vụ cho việc xây dựng các đề án biên chế.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, sắp tới, sẽ khoán biên chế đối với cơ quan hành chính nhà nước. Đối với đơn vị sự nghiệp sẽ tiến tới thực hiện tự chủ 50%, 100%, đồng thời, xã hội hóa một số dịch vụ công để đến năm 2021 giảm được 10% biên chế đơn vị sự nghiệp và tiến tới tự chủ thêm 10% đơn vị sự nghiệp nữa.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu để có thể đơn giản hóa, thu gọn đầu mối các cơ quan thuộc các bộ, các cơ quan của UBND cấp tỉnh, huyện.

Cải cách thủ tục hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Năm 2015 có thể là coi là năm được mùa của cải cách hành chính. Những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện thể chế kinh tế từ thực hiện Nghị quyết 19 đang thổi một luồng không khí mới vào nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng vào kinh tế khu vực và thế giới với một loạt hiệp định mới được ký kết; việc minh bạch hóa, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo cơ sở để các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, nâng cao năng lực doanh nghiệp quốc nội là điều kiện cần thiết. Để thực hiện những mục tiêu này, 2 nghị quyết mang tính đột phá là Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18-3-2014 và Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ đã ra đời.

Hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật về thuế, hải quan, khởi sự kinh doanh… và những chính sách về hợp tác công tư được ban hành, sửa đổi trong thời gian ngắn đã thực sự làm thay đổi mạnh mẽ môi trường kinh doanh, “tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn”. Có thể nói, việc mở rộng, tạo sự thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp thỏa sức sáng tạo vì lợi ích của chính họ và đóng góp cho xã hội, không chỉ trên giấy tờ hay lời nói, mà còn đang được mở rộng bằng những hành động chính sách cụ thể của Chính phủ.

Hiệu quả từ việc thực hiện Nghị quyết là rất rõ. Chẳng hạn, thời gian nộp thuế đã giảm 370 giờ trong năm 2014 và 50 giờ trong năm 2015. Tổng thời gian giảm đến nay là 420 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm, tương đương giảm được 78% số giờ thực tế). Những con số thống kê này đã được Ngân hàng Thế giới ghi nhận trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2016 (Doing Business 2016) mới công bố ngày 28-10-2015, khẳng định: Việt Nam đã vượt lên đứng thứ 90 trong tổng số 189 nền kinh tế được xếp hạng.

Việt Nam đã tăng 3 bậc so với năm 2014 nhờ những cải cách mạnh mẽ từ 5 chỉ số có tác động lớn đến môi trường kinh doanh.

Theo đó, Việt Nam thuộc nhóm cải cách mạnh mẽ nhất với nhiều chỉ số tăng hạng so với năm ngoái như: khởi sự kinh doanh (tăng 6 bậc, từ 125 của năm ngoái lên thứ hạng 119); tiếp cận điện năng (tăng 22 bậc, từ 130 lên 108); tiếp cận tín dụng (tăng 8 bậc, từ 36 lên 28); nộp thuế (tăng 4 bậc, từ 172 lên 168).
Ghi nhận những nỗ lực trong đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng trong thu hút đầu tư, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: những nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã tạo ra những cải tiến thực sự cho môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế, “môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện trong năm qua, đặc biệt là hai lĩnh vực hệ thống thông tin tín dụng quốc gia và giảm bớt chi phí thuế”.

Khẳng định Việt Nam tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong tương lai gần khi TPP có hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, sau những nỗ lực cải cách, năm 2015 lĩnh vực thuế và hải quan đã có thể vào nhóm ASEAN 6, thì cuối năm 2016 việc nắm chắc mục tiêu ASEAN 4 là điều có thể đạt được.

Phấn đấu chốt nợ văn bản quy phạm pháp luật đến hết quý I năm 2016

Chiều 29-12, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2015 Chính phủ đã tiến hành đánh giá kết quả thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật pháp lệnh năm 2015.

Các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, năm 2015, số lượng các dự án luật, pháp lệnh mà Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến với số lượng các dự án được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và cho ý kiến là rất lớn. Đánh giá chung, cơ bản các dự án đều được trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng thời hạn và chất lượng. Chất lượng văn bản quy định chi tiết ngày càng được nâng lên, tiến độ nhanh hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng thẳng thắn nhìn nhận còn tình trạng một số dự án luật, pháp lệnh bị lùi thời hạn trình. Tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn tương đối lớn, đến ngày 01-01-2016, số văn bản nợ động sẽ tăng lên khoảng gần 60 văn bản.

Đánh giá kết quả nhiệm vụ này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nhiệm vụ xây dựng pháp luật thời gian qua của Chính phủ đã có nhiều tiến bộ; ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ này đã được từng đồng chí Bộ trưởng đề cao.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành thời gian tới tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo nguồn lực, con người, trước hết phấn đấu đến hết quý I năm 2016 hoàn thành các văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng trong năm 2015 cũng như văn bản hướng dẫn thi hành các luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01-01-2016.

Công bố 167 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan

Bộ Tài chính vừa có quyết định công bố thủ tục hành chính mới/thủ tục hành chính thay thế/thủ tục hành chính bãi bỏ/thủ tục hành chính giữ nguyên trong lĩnh vực hải quan thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, gồm 167 thủ tục hành chính.

Theo đó, có 27 thủ tục hành chính mới; 127 thủ tục hành chính thay thế; 85 thủ tục hành chính được bãi bỏ và 13 thủ tục hành chính giữ nguyên theo các quyết định đã công bố.

Trong 167 thủ tục hành chính có 38 thủ tục cấp Tổng cục, cấp Cục có 24 thủ tục và cấp chi cục có 105 thủ tục được công bố trên cơ sở các thủ tục hành chính được ban hành mới, thay thế, bãi bỏ và giữ nguyên.

Trong đó, 27 thủ tục hành chính mới ban hành (cấp Tổng cục Hải quan có 12 thủ tục; cấp Cục Hải quan có 2 thủ tục; cấp chi cục hải quan có13 thủ tục); 127 thủ tục hành chính thay thế (cấp Tổng cục Hải quan có 20 thủ tục; cấp Cục Hải quan có 17 thủ tục; cấp chi cục hải quan có 90 thủ tục); 85 thủ tục hành chính được bãi bỏ, hủy bỏ (cấp Tổng cục Hải quan có 12 thủ tục; cấp cục hải quan có 10 thủ tục; cấp chi cục hải quan có 63 thủ tục); 13 thủ tục hành chính được giữ nguyên (cấp Tổng cục Hải quan có 6 thủ tục; cấp Cục Hải quan có 5 thủ tục và cấp chi cục hải quan có 2 thủ tục) .

Quảng Bình khởi động dự án Dân chấm điểm thủ tục hành chính

Sáng 04-01, HĐND tỉnh Quảng Bình phối hợp với Văn phòng đại diện tổ chức Oxfarm Anh tổ chức Hội nghị khởi động thực hiện dự án Dân chấm điểm M-Score.

Dân chấm điểm M-Score là một công cụ khảo sát ý kiến của người dân và doanh nghiệp về đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính một cách khách quan, thuận tiện và phù hợp với điều kiện thực tế ở tỉnh Quảng Bình.

Kết quả khảo sát sẽ cung cấp nguồn thông tin quan trọng để giúp người quản lý giám sát việc thực hiện công tác cải cách hành chính. Đồng thời là một trong những nguồn thông tin quan trọng để UBND các cấp, các cơ quan chức năng đánh giá một cách khách quan, toàn diện kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính của cấp mình. Quy trình thực hiện M-Score gồm 4 bước: Người dân đến văn phòng một cửa làm thủ tục và để lại số điện thoại; Công ty phân tích Thời gian thực RTA gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân hỏi đánh giá về dịch vụ công; Công ty phân tích Thời gian thực RTA hoặc Trung tâm Phân tích Dự báo CAF hoặc trường Đại học Indiana (Hoa Kỳ) phân tích kết quả đánh giá và viết báo cáo; HĐND tỉnh sử dụng kết quả báo cáo để khuyến nghị các cấp hành chính thực hiện cơ chế một cửa hiệu quả.

Bước đầu, dự án sẽ được triển khai thực hiện ở UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.

Quảng Ngãi: Cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư

Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, muốn thu hút đầu tư thì Quảng Ngãi phải có cơ chế thông thoáng, con người phải thực sự thân thiện và phải nguồn nhân lực có chất lượng để doanh nghiệp đến đầu tư thành công. Do đó, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã chọn năm 2016 là năm cải cách thủ tục hành chính và thu hút đầu tư.

Để thực hiện được chủ đề này, tỉnh Quảng Ngãi cần phải rà soát và hủy bỏ những thủ tục làm khó cho các nhà đầu tư kể cả trong và ngoài nước; ban hành nhiều cơ chế khuyến khích xã hội đưa nguồn vốn ra đầu tư. Tỉnh phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thực hiện công khai minh bạch tất cả các quy trình thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức công dân. Chính sự công khai này mới khắc phục được tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt trong quá trình làm thủ tục đầu tư.

Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã công bố số điện thoại và hộp thư cá nhân; đồng thời khuyến nghị các lãnh đạo đứng đầu các cấp càng phải công khai số điện thoại, công khai địa chỉ thư điện tử. Từ việc công khai này, người đứng đầu có thể tiếp nhận phản ảnh, tố cáo một cách trung thực của người dân, nhà doanh nghiệp về những biểu hiện nhũng nhiễu, tham nhũng vặt ở cán bộ hay cơ quan trên địa bàn.

Thời gian tới, Quảng Ngãi tiếp tục làm mạnh mẽ hơn đề án vị trí việc làm trong các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định sắp xếp lại các đơn vị hành chính, sự nghiệp công theo hướng giao mạnh quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự, nhiệm vụ và tự chủ về tài chính, khuyến khích xã hội hóa. Qua đây tạo được môi trường cạnh tranh các lĩnh vực dịch vụ để chất lượng dịch vụ được tốt hơn. UBND tỉnh sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, thủ tục hành chính liên quan đến chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư của tỉnh, chú trọng thanh tra, kiểm tra việc trả hồ sơ “đúng hẹn” đối với bộ phận “một cửa”…

TP. Hồ Chí Minh chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức hành dân

Ngày 02-01, Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính trên địa bàn năm 2016.

Theo đó, Thành phố tập trung cải cách đồng bộ trên các lĩnh vực thể chế và thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức và năng lực hội nhập, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính; chấn chỉnh tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, hành người dân, doanh nghiệp.

Trong năm 2016, Thành phố cũng tập trung xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, năng động, đề cao tinh thần phục vụ, hoạt động có hiệu quả, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở ngành, Chủ tịch UBND 24 quận, huyện tiến hành kiểm tra về công tác cải cách hành chính ít nhất 30% số cơ quan, đơn vị trực thuộc. Để siết chặt kỷ cương, Thành phố thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát về công tác cải cách hành chính nhằm kịp thời chấn chỉnh những hạn chế cũng như lắng nghe kiến nghị của các đơn vị./.