Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - In-đô-nê-xi-a góp phần vì sự phát triển của Cộng đồng ASEAN
TCCSĐT - Hướng tới kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - In-đô-nê-xi-a (30-12-1955 - 30-12-2015) cũng là thời điểm Cộng đồng ASEAN được hình thành, hai nước Việt Nam - In-đô-nê-xi-a cùng nhìn lại 60 năm hợp tác, phát triển nhằm thúc đẩy hơn nữa những thành quả hợp tác song phương cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của Cộng đồng ASEAN.
Năm 1955, hai nước Việt Nam - In-đô-nê-xi-a thiết lập quan hệ ở mức Tổng Lãnh sự và năm 1965 nâng lên cấp Đại sứ. Trải qua chặng đường 60 năm, quan hệ hai nước phát triển trên mọi lĩnh vực, đóng góp tích cực đối với sự phát triển của mỗi nước nói riêng, đối với hòa bình, thịnh vượng của khu vực và thế giới nói chung.
Củng cố sự tin cậy
Về chính trị, hai nước là đối tác tin cậy của nhau thông qua việc gặp gỡ thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, cũng như trao đổi đoàn ở các cấp. Năm 2003, trong chuyến thăm của Tổng thống In-đô-nê-xi-a M. Xu-các-nô-pu-tri đến Việt Nam, hai bên đã ký Hiệp định quan hệ đối tác toàn diện, mở đường cho hợp tác, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Tháng 9-2011, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến In-đô-nê-xi-a, hai bên đã nhất trí phát triển quan hệ hướng tới đối tác chiến lược; và tháng 6-2013, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo hai nước đã chính thức quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược. Đây là dấu mốc chuyển cả về chất và lượng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác song phương giữa hai nước. Đến tháng 10-2013, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã ký Chương trình hành động nhằm triển khai hợp tác đối tác chiến lược giai đoạn 2014 - 2018.
Điểm quan trọng nhất trong quan hệ chính trị giữa Việt Nam - In-đô-nê-xi-a là hai nước có nhiều lợi ích tương đồng và sự hội tụ các lợi ích chiến lược. Cho đến nay, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất trong ASEAN mà In-đô-nê-xi-a thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Với Việt Nam, đây là một trong những mối quan hệ đối tác chiến lược quan trọng và thực chất. Không chỉ có vậy, Việt Nam và In-đô-nê-xi-a là những nước có vị trí và vai trò quan trọng trong ASEAN, trong quan hệ quốc tế ở Đông Á và trong chiến lược của các nước lớn. Trong thời gian qua, hai nước ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC),… Đặc biệt, hai nước cùng có chung quan điểm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và Đông Nam Á, mong muốn giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới sớm hoàn tất việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tăng cường hợp tác song phương
Về hợp tác kinh tế, In-đô-nê-xi-a là đối tác kinh tế lớn thứ 4 của Việt Nam trong ASEAN và là một trong những nước đầu tư lớn ở Việt Nam. Theo Bộ Ngoại giao và Cơ quan thống kê quốc gia Indonesia (BPS), trong 5 năm qua, thương mại hai chiều giữa hai nước tăng trung bình 25%/năm, đạt 5,12 tỷ USD năm 2013 (cao gấp hai lần mức 2,01 tỷ USD năm 2009). Việt Nam và In-đô-nê-xi-a có cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu tương tự nhau, trong đó sản phẩm thế mạnh của Việt Nam xuất sang In-đô-nê-xi-a là gạo và dầu thô; sản phẩm thế mạnh của Indonesia xuất sang Việt Nam là một số mặt hàng phục vụ sản xuất công nghiệp, như hóa chất, bột giấy, nguyên phụ liệu dệt may, da,... đặc biệt là mặt hàng phân bón.
Từ góc độ kinh tế, cả Việt Nam và In-đô-nê-xi-a là những nền kinh tế đang trỗi dậy và phát triển nhanh chóng. In-đô-nê-xi-a là nước lớn có dân số trên 250 triệu người (đứng hàng thứ tư trên thế giới) với tốc độ phát triển kinh tế cao. Việt Nam là nước có 90 triệu dân, duy trì tốc độ phát triển kinh tế khả quan, là thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Do đó, các tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a hiện còn rất lớn và hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - In-đô-nê-xi-a từ 5,6 tỷ USD trong năm 2014 lên 10 tỷ USD vào năm 2018.
Về đầu tư, tính đến năm 2014, In-đô-nê-xi-a có 41 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư 382,91 triệu USD, đứng thứ 27 trong hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Năm 2014, In-đô-nê-xi-a có thêm 2 dự án cấp mới với tổng số vốn đăng ký 46,09 triệu USD. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện In-đô-nê-xi-a có 16 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 18,74 triệu USD. Việt Nam cũng có 8 dự án đầu tư triển khai tại In-đô-nê-xi-a, chủ yếu là các dự án khai khoáng, dầu khí, thông tin truyền thông.
Bên cạnh hợp tác kinh tế, thương mại, hai nước không ngừng phát triển hợp tác trên các lĩnh vực khác. Hợp tác an ninh - quốc phòng giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a trong những năm qua đã ghi nhận những bước phát triển tích cực. Hai nước hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn ARF, Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+),... Hai nước ký Hiệp định Hợp tác phòng, chống tội phạm (năm 2005), Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác giữa các quan chức quốc phòng và các hoạt động liên quan (năm 2010). Gần đây nhất, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á - Phi tại In-đô-nê-xi-a (tháng 4-2015), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống In-đô-nê-xi-a Joko Widodo đã trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng, như tập trận chung, chuyển giao công nghệ quốc phòng và tuần tra chung trên biển giữa quân đội hai nước.
Về giáo dục, hiện có hơn 200 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tại các trường đại học của In-đô-nê-xi-a và con số học sinh, sinh viên du học tại In-đô-nê-xi-a có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Hợp tác văn hóa giữa hai nước được thúc đẩy thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa nghệ thuật với các vùng, miền, qua đó, tăng cường hiểu biết, thúc đẩy giao lưu giữa người dân hai nước. Du lịch là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Hằng năm có khoảng 50.000 du khách Việt Nam đến In-đô-nê-xi-a và khoảng 80.000 người từ In-đô-nê-xi-a đến Việt Nam.
Góp phần thúc đẩy phát triển Cộng đồng ASEAN
Nhìn tổng thể, quan hệ Việt Nam - In-đô-nê-xi-a đã phát triển nhanh chóng, trở thành mối quan hệ đối tác chiến lược, tin cậy lẫn nhau, bao hàm tất cả các lĩnh vực hợp tác và là mối quan hệ hướng đến tương lai.
Trong những năm qua, Việt Nam luôn coi trọng In-đô-nê-xi-a với tư cách là đối tác quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác có hiệu quả, đồng thời là một quốc gia có vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới. Việt Nam đánh giá cao đóng góp của In-đô-nê-xi-a trong việc đề xuất nhiều sáng kiến có tầm chiến lược lớn định hướng cho hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, như Tuyên bố Bali II (Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II, năm 2003), Tuyên bố Bali III (Tuyên bố về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu, năm 2011). Trong năm Chủ tịch ASEAN 2011, Indonesia đã tích cực phát huy vai trò đi đầu trong việc định hướng cho ASEAN tăng cường phối hợp quan điểm và hành động trong các vấn đề toàn cầu; củng cố đoàn kết nội khối và xử lý khác biệt giữa các nước thành viên…
Về phần mình, In-đô-nê-xi-a khẳng định chính sách nhất quán là thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị với Việt Nam trên cơ sở những phát triển tích cực của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước. In-đô-nê-xi-a đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế, hội nhập khu vực và quốc tế. Với tư cách là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, thành viên của G20, Indonesia cùng chia sẻ nhiều quan điểm tương đồng với Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển chung của cả khu vực.
Để tiếp tục đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - In-đô-nê-xi-a phát triển theo hướng thực chất, hiệu quả vì lợi ích của nhân dân hai nước, cũng như đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, trong những năm tiếp theo, hai nước nhất trí triển khai các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác, đối thoại trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, an ninh - quốc phòng, văn hóa, giáo dục,... Trên cơ sở quan hệ chính trị được tăng cường nhằm tạo đà đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - In-đô-nê-xi-a phát triển sâu rộng hơn nữa, hai nước tích cực hợp tác chặt chẽ trong các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Cộng đồng ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, Phong trào Không liên kết; đồng thời thường xuyên trao đổi quan điểm về một số vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước cũng là thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN. In-đô-nê-xi-a - quốc gia đưa ra sáng kiến thành lập Cộng đồng ASEAN (năm 2003), cùng với Việt Nam - thành viên tích cực và có trách nhiệm được đánh giá cao tại ASEAN, nhận thức sâu sắc việc hình thành Cộng đồng ASEAN cũng như thắt chặt quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - In-đô-nê-xi-a phù hợp và phục vụ lợi ích quốc gia của hai nước, giúp tăng cường nội lực của từng nước, tạo môi trường an ninh bên ngoài tốt hơn phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của cả Việt Nam và In-đô-nê-xi-a ở khu vực và trên thế giới. Qua đó, hai nước có thêm nhiều động lực để mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai. Bên cạnh đó, sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - In-đô-nê-xi-a cũng sẽ là chất xúc tác, khuyến khích các quan hệ song phương khác trong ASEAN được thắt chặt và tăng cường hơn. Khi những mối quan hệ này được thúc đẩy sẽ góp phần tạo ra các quan hệ đan xen, hỗ trợ, thắt chặt sự đoàn kết và thống nhất hơn nữa trong ASEAN.
Chính vì vậy, trong bối cảnh an ninh khu vực còn nhiều thách thức, Việt Nam và In-đô-nê-xi-a khẳng định quyết tâm đóng góp vì sự phát triển của toàn Cộng đồng. Đều là những thành viên quan trọng của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam và In-đô-nê-xi-a cùng nhau thúc đẩy ASEAN có tiếng nói đồng thuận trong việc đề cao các nguyên tắc về tôn trọng luật pháp quốc tế; kiềm chế và không sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việc có tiếng nói thống nhất sẽ tạo cho ASEAN sức mạnh trong đàm phán với các đối tác, góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
Với nền tảng dựa trên những thành tựu to lớn, toàn diện của mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong 60 năm qua, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - In-đô-nê-xi-a sẽ ngày càng phát triển, góp phần vào sự phồn vinh của mỗi nước cũng như sự phát triển vững mạnh của Cộng đồng ASEAN./.
Thông báo về Đại hội Đảng lần thứ XII tới các đoàn ngoại giao  (23/12/2015)
Bộ trưởng Quốc phòng tiếp đoàn Hội Cựu chiến binh Campuchia  (23/12/2015)
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ký bản ghi nhớ thương mại gạo với Timor-Leste  (22/12/2015)
Phó Chủ tịch Quốc hội tiếp đại biểu Quốc hội Hải Dương các thời kỳ  (22/12/2015)
Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Campuchia  (22/12/2015)
Google: Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất  (22/12/2015)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên