Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 30-11 đến ngày 6-12-2015)
Thành phố Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp để xây dựng và phát triển xứng đáng với vai trò đô thị đặc biệt
Sáng 01-12-2015, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X đã khai mạc dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết: Năm 2015, kinh tế Thành phố đã phục hồi và tăng trưởng ổn định, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong ba năm gần đây; chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh được cải thiện, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực, quản lý đô thị được tăng cường, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội đạt nhiều tiến bộ. Cùng với những thanh qyuar đạt được, đồng chí Võ Văn Thưởng thẳng thắn chỉ rõ, nền kinh tế của Thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý là, năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; doanh nghiệp và người sản xuất kinh doanh còn khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác giải quyết những vấn đề bức xúc của dân, nhất là tình trạng ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm, tình hình an ninh trật tự chưa thực sự đạt kết quả cao. Việc đổi mới phương thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa đạt yêu cầu. Có lúc, có nơi công tác tự phê bình, phê bình, đấu tranh xây dựng nội bộ chưa tốt; tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn bức xúc, trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp xúc, đối thoại, giải quyết kiến nghị của công dân chưa cao.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, tại Hội nghị lần này, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố cần sáng suốt tìm ra giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở từng loại hình tổ chức cơ sở đảng. Trong đó, chú trọng đổi mới công tác đánh giá cán bộ, cũng như việc giới thiệu cán bộ có năng lực, đạo đức tốt ứng cử vào hội đồng nhân dân và chính quyền các cấp cho nhiệm kỳ 2016 - 2020. Bên cạnh đó, cùng với việc xây dựng chính quyền điện tử phù hợp với điều kiện của một đô thị đặc biệt, Thành phố cần quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện mức độ hài lòng của người dân về cách điều hành của chính quyền.
Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy đã đọc Tờ trình báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 11 của Thành ủy về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận năm 2015, nhiệm vụ và giải pháp năm 2016. Đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã đọc Tờ trình về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, ngân sách năm 2015 và mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp chủ yếu năm 2016.
Hội nghị bế mạc vào trưa 02-12-2015.
Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2015 hướng đến “Nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi giá trị sản phẩm”
Ngày 02-12-2015 tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ đã khai mạc Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2015 với chủ đề “Nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi giá trị sản phẩm”. Hội chợ do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp chỉ đạo, tổ chức, đã thu hút 400 đơn vị gian hàng của 200 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.
Ban Tổ chức Hội chợ cho biết, Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2015 tại thành phố Cần Thơ nhằm tạo cơ hội giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài, qua đó giới thiệu, quảng bá nông sản Việt Nam trên thương trường quốc tế và giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, công nghệ mới từ nước ngoài. Hội chợ cũng là dịp để tăng cường sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh, gắn kết giữa các đơn vị - địa phương, giữa các doanh nghiệp - người tiêu dùng. Thông qua các chương trình hoạt động đa dạng, phong phú tại hội chợ, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân có điều kiện gặp gỡ, trao đổi để tăng cường liên kết, xúc tiến đầu tư, thương mại, tìm ra nhiều giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản của Việt Nam.
Trong thời gian diễn ra hội chợ (từ ngày 02 đến 06-12-2015), ngoài các hoạt động trưng bày, giới thiệu, mua bán các sản phẩm nông nghiệp; giới thiệu các cơ hội hợp tác sản xuất - kinh doanh giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, Ban Tổ chức hội chợ còn tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo có liên quan đến nội dung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị. Đó là: Hội nghị “Phổ biến thông tin về các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước”, Hội thảo “Nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương - TPP”, Hội nghị “Công nghệ chế biến tiên tiến - nâng cao lợi nhuận doanh nghiệp và nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam”, Hội nghị “Ứng dụng công nghệ sáng tạo trong phát triển nông nghiệp xanh”, Hội nghị “Tổng kết công tác xúc tiến thương mại phía Nam”.
Thành phố Cần Thơ đạt và vượt 15/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2015
Báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ 18, Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) vào sáng 02-12-2016, đồng chí Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, cho biết: Đến cuối năm 2015, thành phố đã đạt và vượt 15/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đã đề ra từ đầu năm.
Năm 2015, tăng trưởng kinh tế (GDP) của Thành phố đạt mức 12,28%/năm (kế hoạch tăng 12-12,5%); tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 79,4 triệu đồng (kế hoạch đạt 79,3 triệu đồng); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 13.730 tỷ đồng, vượt 24,5% dự toán Hội đồng nhân dân Thành phố giao; tổng vốn đầu tư trên địa bàn ước thực hiện 40.021 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch. Thành phố cũng đã giải quyết việc làm cho 60.220 lao động, vượt 20,4% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,84%; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 10,5% (kế hoạch là 11,1%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 70%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%. Chỉ tiêu duy nhất chưa đạt kế hoạch là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, với mức thực hiện 1.375,6 triệu USD (đạt 94,9%). Theo nhận định của nhiều đại biểu tại kỳ họp, những kết quả đạt được năm 2015 đã tạo ra tiền đề và động lực mới để kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ tiếp tục phát triển trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân Thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong hoạt động điều hành phát triển kinh tế - xã hội Thành phố năm 2015.
Để đạt mục tiêu “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, kinh tế phát triển bền vững…”, Ủy ban nhân dân Thành phố xác định trong năm 2016 sẽ tập trung thực hiện một số nhóm nhiệm vụ và giải pháp sau: Một là, triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng các quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt. Hai là, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững. Ba là, tăng cường huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế; tranh thủ các nguồn vốn tài trợ để phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị, các công trình trọng điểm. Bốn là, đẩy mạnh công tác quản lý đô thị, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới. Năm là, tăng cường phát triển các lĩnh vực văn hoá - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Sáu là, gắn phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội, chú trọng giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội bức xúc. Bảy là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tư pháp; thanh tra, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Huân chương Quân công hạng Nhất cho Lực lượng vũ trang Quân khu 9
Ngày 03-12, tại thành phố Cần Thơ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (10-12-1945 - 10-12-2015) và trao Huân chương Quân công hạng Nhất cho Lực lượng vũ trang Quân khu 9.
Chúc mừng và biểu dương những thành tích to lớn của Lực lượng vũ trang Quân khu 9 trong suốt 70 năm qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Quân khu 9 bao gồm địa bàn 12 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Nhân dân vùng cực Nam Tổ quốc giàu truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động, đã đưa miền đất này trở thành vùng kinh tế trù phú, tiềm lực lớn của đất nước.
Chủ tịch nước nêu rõ, những năm tới, tình hình thế giới và khu vực, nhất là tình hình Biển Đông còn diễn biến phức tạp. Nhiệm vụ của Quân đội nói chung và Lực lượng vũ trang Quân khu 9 nói riêng nặng nề nhưng vẻ vang. Chủ tịch nước đề nghị Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung làm 4 nhiệm vụ: Tập trung xây dựng Lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh về chính trị, tư tưởng; xây dựng các tổ chức Đảng trong toàn Quân khu thực sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao; xây dựng Lực lượng vũ trang Quân khu theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; kiện toàn tổ chức lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, ưu tiên bảo đảm quân số các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, đơn vị làm nhiệm vụ trên các tuyến biên giới và các đảo. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và cấp ủy, chính quyền các địa phương, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn; tuyên truyền vận động giúp nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nhất là với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, góp phần xây dựng đồng bằng sông Cửu Long vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh trên con đường đổi mới. Thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại quân sự - quốc phòng, xây dựng tình đoàn kết gắn bó với lực lượng vũ trang và chính quyền các địa phương bạn giáp biên giới, xây dựng biên giới Việt Nam - Campuchia trở thành biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Bế mạc kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV
Ngày 4-12, kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV đã bế mạc sau bốn ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ với tinh thần trách nhiệm cao.
Tại phiên bế mạc kỳ họp, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội đánh giá cao hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV, đã có nhiều quyết sách quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của Thủ đô và cả nước, nổi bật là những đóng góp trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã sớm cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Thành ủy vào thực tiễn thành phố, đóng góp vào thành tựu chung của Thủ đô và đất nước. Vai trò của từng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được khẳng định và phát huy mạnh mẽ thông qua các hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát và trực tiếp tham gia các hoạt động của Hội đồng Nhân dân tại các kỳ họp.
Phát biểu trong phiên bế mạc, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Trong đó, có nhiệm vụ về kiện toàn nhân sự, bầu đồng chí Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các đại biểu dự kỳ họp đã thông qua những quyết định quan trọng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô, chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ khóa XIV. Đây cũng là kỳ họp triển khai nội dung các công tác trọng tâm của thành phố sau Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố.
Quân khu 7 đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất
Ngày 4-12, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Quân khu (10-12-1945 – 10-12-2015) và đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Huân chương Itxala hạng Hai của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Huân chương Hữu nghị hạng Nhất của Vương quốc Campuchia.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam ghi nhận và biểu dương những chiến công, thành tích to lớn của Lực lượng vũ trang Quân khu 7 qua các thời kỳ.
Nhằm tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng "Trung thành vô hạn, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, đoàn kết quyết thắng", Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh các nhiệm vụ mà Lực lượng vũ trang Quân khu 7 cần tập trung thực hiện, trong đó đặc biệt là cần quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng, chỉ thị của Chính phủ, Bộ Quốc phòng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Cán bộ, chiến sỹ Quân khu nắm vững nhiệm vụ chính trị của Quân khu, chủ động trong mọi tình huống; xây dựng Lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh toàn diện, tăng cường củng cố “thế trận lòng dân”; thực hiện tốt công tác đối ngoại quân sự - quốc phòng với các nước láng giềng; ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân.
Chủ tịch nước: “Làm một công dân tốt, còn hơn một cán bộ tồi”
Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, ngày 05-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3.
Tại các buổi tiếp xúc tại quận 1 và quận 3, đại biểu Trần Du Lịch thay mặt tổ đại biểu Quốc hội đã báo cáo với cử tri một số kết quả chính của kỳ họp thứ 10. Các cử tri hoan nghênh kỳ họp thứ 10 thông qua những dự luật quan trọng như: Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); luật giám sát, Luật Trưng cầu dân ý... và nhất là đánh giá tình hình kinh tế xã hội nhằm tìm giải pháp phát triển cho năm 2016 và giai đoạn 5 năm tới.
Các cử tri cũng đánh giá cao nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng với Quốc hội, đồng thời kiến nghị các cơ quan từ trung ương đến địa phương giải quyết nhiều bức xúc, khiếu kiện của cử tri. Trên cơ sở hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội, các cử tri Trần Hoàng Nam, Nguyễn Thị Nguyệt (quận 1) đều kiến nghị phải nâng cao hơn nữa vai trò của Quốc hội.
Với ý nghĩa đây là cuộc tiếp xúc cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đại biểu Trần Du Lịch đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội XIII. Chủ tịch nước bày tỏ trong suốt nhiệm kỳ vừa qua tự thấy rằng đã không phụ lòng tin tưởng cử tri. Cố gắng nghiêm túc chấp hành, toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân. Chủ tịch nước cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của các cử tri, đánh giá cao phát biểu tâm huyết của cử tri trên tinh thần nói thẳng nói thật. Chủ tịch nước khẳng định là đại biểu dù còn giây phút nào cũng làm hết sức theo chức trách của mình để đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: "Không thể nói bàn giao lại cho khóa sau. Còn lại gần 1 năm trời không lo làm, bàn giao để đi chơi là tắc trách. Ngày mai nghỉ, chiều nay nghỉ cũng vẫn phải làm đó là trách nhiệm. Tôi xin cảm ơn cử tri và sẽ hoàn thành phần việc của mình để làm tròn trách nhiệm mà cử tri đã tín nhiệm giao cho.
Trao đổi với cử tri về thực trạng tình hình đất nước, Chủ tịch nước cho rằng những ý kiến của cử tri về quản lý xã hội còn nhiều hạn chế trong bối cảnh hội nhập là hoàn toàn đúng. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu nhưng phải thừa nhận quản lý Nhà nước còn bộc lộ yếu kém trên nhiều lĩnh vực trước sức ép của hội nhập với thế giới, cần phải đổi mới mạnh mẽ, nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý, gắn với giám sát chặt chẽ trong quá trình thực thi. Chủ tịch nước nhấn mạnh cải cách là tốt nhưng trước hết là phải cải cách con người.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: "Một việc làm mãi không xong, trước hết phải nhìn lại nội bộ. Cử tri cho rằng cải cách tư pháp muốn tốt trước hết phải cải cách những người làm tư pháp là rất đúng. Làm mãi một việc không xong là phải nhìn lại nội bộ, nhìn lại việc sử dụng con người”.Để làm được điều đó, Chủ tịch nước cho rằng căn nguyên vấn đề là phải đổi mới toàn diện giáo dục, quy trách nhiệm cụ thể đồng thời tăng cường sự giám sát của nhân dân. Chủ tịch nước mong rằng cử tri tiếp tục hiến kế và đóng góp cho đảng bộ, chính quyền trong quản lý điều hành địa phương cũng như đất nước nói chung.
Đề cập việc thất thoát trong quản lý kinh tế tại các tập đoàn kinh tế Nhà nước mà cử tri nêu, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Doanh nghiệp nhà nước có vai trò quan trọng trong sự phát triển đất nước, chúng ta phải công bằng trong nhìn nhận thành tựu và hạn chế. Đảng, Nhà nước đã và sẽ xử lý nghiêm những sai phạm; còn những tồn tại về cơ chế, về năng lực sẽ tiếp tục đổi mới, tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp, đủ sức cạnh tranh khi hội nhập với khu vực và thế giới.
Về chống tham nhũng, Chủ tịch nước cho rằng đây là vấn đề không mới nhưng rất thời sự, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã làm rất quyết liệt, đạt được những kết quả tích cực nhưng chưa đạt mục tiêu đặt ra. Để được kết quả cao phải có được những con người rất dũng cảm trong cấp ủy, trong bộ máy chính quyền; mọi người phải dám chỉ ra và đấu tranh với những tiêu cực, tham nhũng. Chủ tịch nước nhấn mạnh "làm một công dân tốt còn hơn 1 cán bộ tồi".
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du
Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du, tối 05-12-2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành trung ương đã về dâng hương tưởng niệm tại phần mộ và nhà thờ Đại thi hào Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Trong không khí trang nghiêm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo trung ương, đại diện UNESCO và tỉnh Hà Tĩnh đã thành kính dâng lên nén hương thơm, những bông hoa tươi thắm để tưởng nhớ, tri ân những đóng góp to lớn của Đại thi hào Nguyễn Du đối với nền văn học nước nhà, với văn hóa nhân loại.
Nhân dịp này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi thăm quan các hiện vật trưng bày trong Khu lưu niệm và nghe giới thiệu những nét chính về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du; trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Khu lưu niệm.
Thủ tướng phát lệnh thông xe cao tốc Hà Nội-Hải Phòng
Chiều 05-12-2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu tại Lễ khánh thành đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng - tuyến đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam từ trước đến nay. Cùng dự buổi lễ có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Để khai thác công trình hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn, giám sát kiểm tra, rà soát, hoàn tất các hạng mục phụ trợ theo đúng thiết kế, đảm bảo cao tốc Hà Nội-Hải Phòng thực sự là con đường cao tốc đồng bộ, hiện đại nhất hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Một trong những dự án quan trọng là đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sau 7 năm triển khai thi công xây dựng, hôm nay công trình đường đã được khánh thành và đưa vào khai thác.
Đây là một công trình đạt tiêu chuẩn tiên tiến của quốc tế, một công trình đường cao tốc hiện đại nhất của Việt Nam đến thời điểm hiện nay với tổng số vốn đầu tư khá lớn, hơn 40.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD). Với việc khánh thành và đưa vào sử dụng công trình này, thời gian đi từ Hà Nội đến Hải Phòng được rút ngắn xuống chỉ còn khoảng 45-50 phút thay vì khoảng 2,5 tiếng như trước khi đi bằng đường 5.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành, địa phương hữu quan, chủ đầu tư, các đơn vị thiết kế, thi công, các cán bộ, kỹ sư, người lao động đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, làm việc ngày đêm trên công trường, triển khai thi công công trình đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đặt ra.
Để công trình này đưa vào khai thác hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn, giám sát kiểm tra, rà soát, hoàn tất các hạng mục phụ trợ còn lại theo đúng thiết kế, đảm bảo để đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng thực sự là con đường cao tốc đồng bộ, hiện đại nhất hiện nay./.
Bảo đảm sinh kế cho người dân để xóa đói giảm nghèo bền vững  (07/12/2015)
Toàn văn phát động thi đua của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  (07/12/2015)
Báo chí là lực lượng nòng cốt để các phong trào thi đua lớn mạnh  (07/12/2015)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm hai Thứ trưởng  (07/12/2015)
Chủ tịch Quốc hội hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản  (07/12/2015)
Saint Petersburg mở rộng hợp tác với các địa phương của Việt Nam  (07/12/2015)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay