1. Phiên họp toàn thể đặc biệt của CHDCND Triều Tiên

Ngày 20-10-2008, Chính phủ CHDCND Triều Tiên triệu tập cuộc họp toàn thể đặc biệt với sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương và các doanh nghiệp để thảo luận về ngân sách và hướng lối phát triển kinh tế. Cuộc họp khẳng định yêu cầu gắn liền những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội với các dự án kinh tế và đề cao tính ưu việt của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy sản xuất trong các khu vực kinh tế quan trọng, phát triển bang giao kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, cuộc họp đặc biệt này là kết quả của việc Mỹ rút CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách “các quốc gia tài trợ khủng bố” nên Bình Nhưỡng có cơ hội mở rộng tiếp xúc với cộng đồng quốc tế. Bằng hành động này, Mỹ đã tháo gỡ các lệnh trừng phạt kinh tế của nhiều định chế quốc tế đối với CHDCND Triều Tiên như của Ngân hàng thế giới.

2. “OPEC khí đốt”- tổ chức hợp tác năng lượng Ca-ta, I-ran và Nga

Ngày 21-10-2008, tại Tê-hê-ran diễn ra cuộc đàm phán 3 bên giữa các bộ trưởng năng lượng Ca-ta, I-ran và A.Mi-lơ - người đứng đầu tập đoàn “Gazprom” của Nga, đánh dấu mốc lịch sử đối với các nhà khai thác “nhiên liệu xanh” lớn nhất trên thế giới. Cuộc đàm phán đạt được thỏa thuận về thành lập một liên minh khí đốt tương tự OPEC. Các bên đã thông qua các quyết định quan trọng. Bộ trưởng dầu lửa I-ran G. Nô-da-ri cho rằng có nhu cầu thành lập “OPEC khí đốt” và hiện nay đã đạt được thỏa thuận về sự thành lập tổ chức này. Trước đó, Vê-nê-du-ê-la và các nước tham gia Hội đồng về hợp tác của các nước A-rập vùng Vịnh và Liên hiệp Các tiểu vương quốc A-rập (UAE) đã bày tỏ sự quan tâm về việc thành lập một siêu tổ chức trên thị trường khí đốt. Liên minh giữa 3 nước có tổng tỷ trọng khí đốt bằng khoảng một nửa trữ lượng thế giới. Mỹ và EU đã nhiều lần chống lại việc thành lập liên minh này. Theo họ, việc liên kết các nhà xuất khẩu khí đốt có thể đe dọa an ninh năng lượng thế giới. Tuy nhiên, các nhà phân tích lại có ý kiến cho rằng “OPEC khí đốt” là cần thiết cũng giống như dầu lửa.

3. Ấn Độ phóng thành công tàu vũ trụ tự động đầu tiên lên Mặt Trăng

Vào lúc 0 giờ 50 phút (giờ GMT) ngày 22-10-2008, tàu vũ trụ Chandrayaan-1 của Ấn Độ được tên lửa mang PSLV-C11C cực mạnh phóng lên quỹ đạo, đánh dấu một giai đoạn mới rất quan trọng trong công cuộc chinh phục vũ trụ của Ấn Độ - một quốc gia có dân số đông đứng thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc và trở thành nước thứ 5, sau Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản chinh phục quỹ đạo xung quanh Mặt Trăng. Tàu vũ trụ Chandrayaan-1 sẽ thả trạm tự động thăm dò Mặt Trăng mang tên “Moon Impactor” xuống bề mặt hành tinh này và như vậy, Ấn Độ sẽ ở danh sách 4 quốc gia cắm quốc kỳ lên bề mặt Mặt Trăng, sau Mỹ, Nga và Nhật Bản.Nhận xét về sự kiện này, Thủ tướng Ấn Độ Man-mô-han Xinh cho rằng, sự kiện phóng thành công tàu Chandrayaan-1 là thời khắc lịch sử và là bước tiến rất quan trọng trong chương trình vũ trụ, tiếp theo các thành tựu của Ấn Độ phóng thành công vệ tinh viễn thông và dự báo thời tiết lên quỹ đạo xung quanh Trái Đất.

4. Cu-ba và Mê-hi-cô ra tuyên bố chung lên án Mỹ

Ngày 22-10-2008, Bộ trưởng Ngoại giao Cu-ba Phê-lip Pê-ret Rô-quy (Felipe Perez Roque) thăm chính thức Mê-hi-cô. Nhân dịp này, hai bên đã ký được một thỏa thuận về di cư, theo đó Mê-hi-cô đồng ý hồi hương về Cu-ba tất cả những người Cu-ba thâm nhập vào Mê-hi-cô bất hợp pháp để di cư sang Mỹ (khoảng 11.000 người năm 2007). Hai bên còn ra tuyên bố chung lên án Mỹ là nước đã kích động làn sóng người Cu-ba di cư bất hợp pháp và ngăn cản các công ty Mê-hi-cô làm ăn với Cu-ba theo luật Helms-Burton và tuyên bố cần bỏ lệnh cấm vận kinh tế thương mại và tài chính mà Mỹ đã áp dụng với Cu-ba từ gần 50 năm qua. Phía Mê-hi-cô cam kết sẽ bỏ phiếu đòi Mỹ bỏ cấm vận vào ngày 29-10-2008 tới tại Liên hợp quốc. Phát biểu trong buổi chiêu đãi tại Đại sứ quán Cu-ba, Bộ trưởng Ngoại giao Cu-ba Phê-lip Pê-ret Rô-quy nhấn mạnh 3 giấc mơ lớn của nhân dân Cu-ba là Mỹ bỏ cấm vận, thành lập Liên minh các nước Mỹ La-tinh và thay đổi hệ thống quan hệ quốc tế bất bình đẳng về kinh tế, chính trị, xã hội. Bộ trưởng nội vụ Mê-hi-cô cũng nhấn mạnh những nỗ lực nhằm củng cố và thúc đẩy quan hệ với Cu-ba là một ưu tiên của Chính phủ Liên bang.

5. Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 7 (ASEM 7)
 
ASEM 7 đã diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc trong 2 ngày 24 và 25-10-2008 với sự tham dự của những Người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ 43 nước thành viên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) và Tổng thư ký ASEAN. Cấp cao ASEM 7 có ý nghĩa quan trọng bởi đánh dấu lần mở rộng thứ hai của ASEM (sau lần mở rộng đầu tiên tại ASEM 5 – Hà Nội) với việc kết nạp thêm 6 thành viên mới bao gồm Ấn Độ, Pa-kít-xtan, Mông Cổ, Bun-ga-ri và Ru-ma-ni, Ban Thư ký ASEAN và diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động xấu tới nền kinh tế từng quốc gia thành viên. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã tham dự hội nghị và có những đóng góp tích cực. Theo tinh thần “Tầm nhìn và hành động: Hướng tới một giải pháp cùng có lợi” như chủ đề của ASEM 7, Hội nghị đã cùng nhìn lại 12 năm Tiến trình ASEM, kiểm điểm tình hình phát triển ở mỗi khu vực và thảo luận các vấn đề lớn như tăng cường chủ nghĩa đa phương; giải quyết các mối đe dọa an ninh trên cơ sở hoà bình; tăng cường khả năng ứng phó với các vấn đề toàn cầu như an ninh lương thực, sẵn sàng ứng phó và xử lý thiên tai; đảm bảo phát triển bền vững bao gồm các vấn đề thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), năng lượng, biến đổi khí hậu và gắn kết xã hội biến đổi khí hậu; toàn cầu hóa, cạnh tranh; tăng cường đối thoại văn hóa - văn minh. Đặc biệt, các nhà Lãnh đạo đã thảo luận sâu sắc về tình hình kinh tế và cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế nghiêm trọng hiện nay nhằm tìm ra các biện pháp giảm thiểu tác động của khủng hoảng tài chính và thiết lập các cơ chế hợp tác hữu hiệu.

6. Trung Quốc phóng thành công 2 vệ tinh

Ngày 25-10-2008, Trung Quốc dùng tên lửa đẩy Trường Chinh- 4B phóng thành công 2 vệ tinh nhóm 3 "Thực tiễn số 6" lên quỹ đạo. Theo các số liệu thu được từ Trung tâm quan sát vệ tinh Tây An, 11 phút sau khi tên lửa Trường Chinh - 4B được phóng đi, vệ tinh A nhóm 3 "Thực tiễn số 6" đã tách ra khỏi tên lửa, sau đó 1 phút đến lượt vệ tinh B cũng rời khỏi tên lửa đẩy. Như vậy, cả hai vệ tinh đã đi vào quỹ đạo thành công như dự kiến. Hai vệ tinh A, B được phóng lần này là do Viện nghiên cứu kỹ thuật hàng không Thượng Hải thuộc Tập đoàn kỹ thuật hàng không Trung Quốc và Công ty vệ tinh Đông Phương Hồng nghiên cứu chế tạo. Các vệ tinh sẽ hoạt động trên quỹ đạo 2 năm và sẽ thay thế vệ tinh nhóm 2 "Thực tiễn số 6" đượcđưa vào quỹđạo ngày 24-10-2006. Nhiệm vụ của những vệ tinh này là nghiên cứu quan sát môi trường không gian, bức xạ không gian, tham số môi trường vật lý không gian và các thí nghiệm khoa học không gian khác có liên quan./.