Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 16-11 đến ngày 22-11-2015)
Hội nghị G20 ra Tuyên bố chung Các nước G20 tái khẳng định mục tiêu nâng GDP của toàn bộ G20 thêm 2% tới năm 2018. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 16-11-2015, sau hai ngày nhóm họp tại thành phố Antalya ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ra Tuyên bố chung, trong đó nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện không đồng đều và chậm hơn so với kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân gây cản trở là nhu cầu yếu và các vấn đề về cấu trúc. Các nước G20 tái khẳng định mục tiêu nâng GDP của toàn bộ G20 thêm 2% tới năm 2018, vốn được đặt ra cách đây một năm tại hội nghị thượng đỉnh ở Brisbane (Australia). Nhằm đạt mục tiêu này, các nền kinh tế G20 sẽ tiếp tục giám sát việc thực thi các cam kết, điều chỉnh chiến lược tăng trưởng phù hợp. Tuyên bố chung cũng khẳng định các nước G20 sẽ cẩn trọng và trao đổi rõ ràng các quyết sách lớn về tiền tệ cũng như các vấn đề khác, qua đó giảm tính khó dự báo, giảm thiểu những tín hiệu tiêu cực và tăng cường sự minh bạch. Lãnh đạo các nước G20 nhấn mạnh vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong hệ thống thương mại đa phương cũng như trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn cầu. Bên cạnh đó, tuyên bố chung của G20 cũng đề cập tới các vấn đề cải cách hệ thống thuế quốc tế, cải cách Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thúc đẩy tạo việc làm, đầu tư, đẩy mạnh hợp tác xóa đói nghèo, chống tham nhũng và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.
Đáng chú ý, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ lần này đã ra một tuyên bố riêng rẽ về vấn đề chống khủng bố, cam kết mang lại hòa bình cho Syria, tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và giải quyết mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan. Tuyên bố riêng rẽ này cũng hối thúc tất cả các quốc gia chia sẻ gánh nặng về cuộc khủng hoảng di cư hiện nay với dòng người ồ ạt đổ vào châu Âu. Hội nghị G20 tiếp theo sẽ diễn ra tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) từ ngày 04-9 đến ngày 05-9-2016.
Bế mạc Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 23 Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên tại Hội nghị cấp cao APEC tại Manina ngày 18-11. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Chiều 19-11, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế tại Thủ đô Manila, Philippines, các nhà lãnh đạo APEC tiếp tục Phiên thảo luận toàn thể thứ hai về “Tăng trưởng bao trùm thông qua cộng đồng tự cường và bền vững”. Các nhà lãnh đạo nhất trí cộng đồng bền vững, tự cường là nền tảng để bảo đảm tăng trưởng bao trùm ở khu vực trong một thế giới ngày càng gắn kết và bất định hiện nay. Các nhà lãnh đạo cũng nêu bật tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy bình đẳng giới,... trong việc nâng cao tính tự cường, bền vững của các cộng đồng. Các nhà lãnh đạo đánh giá cao ý nghĩa của Khuôn khổ Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai 2015 - 2030 và nỗ lực chung hướng tới thỏa thuận toàn cầu mới về biến đổi khí hậu tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP 21), nhất trí APEC cần tăng cường hợp tác, đóng góp đối với các nỗ lực toàn cầu trong lĩnh vực này. Hội nghị đã thông qua 2 tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC về “Phát triển kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn: Tầm nhìn về Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương” và “Tuyên bố về việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 10”, cùng 2 văn kiện kèm theo “Chiến lược APEC về tăng cường tăng trưởng chất lượng” và “Khuôn khổ hợp tác APEC về dịch vụ”.
Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 23 đã kết thúc tốt đẹp, chuyển thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và nỗ lực của các thành viên xây dựng các nền kinh tế tăng trưởng bền vững, bao trùm, vì một châu Á - Thái Bình Dương ổn định, công bằng, gắn kết và thịnh vượng, và góp phần nâng tầm APEC thành một diễn đàn “vì phát triển”. Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 24 sẽ được tổ chức tại Peru vào năm 2016.
Vụ tấn công khủng bố tại Pháp và bắt cóc con tin tại Mali: Dư luận ủng hộ tiếp tục thắt chặt an ninh Người thân xúc động đòn một số người thoát ra được nhà hát Bataclan, đêm 13-11. Ảnh: Reuters/TTXVN
Theo kết quả thăm dò dư luận do Viện Ifop công bố ngày 22-11-2015, hầu hết dân chúng Pháp đều ủng hộ các biện pháp an ninh mà chính phủ đề ra sau loạt vụ khủng bố đẫm máu ngày 13-11 vừa qua và mới đây là vụ bắt cóc con tin tại Mali ngày 20-11. Về việc kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm ba tháng, có tới 91% số người được hỏi tán đồng. 94% ủng hộ thiết lập kiểm soát ở đường biên giới quốc gia và 95% đồng ý với biện pháp tước quyền công dân đối với những công dân Pháp có những hành vi xâm phạm đến các lợi ích cơ bản của quốc gia hoặc có những hành động khủng bố. Biện pháp quản thúc tại gia đối với những người bị đánh giá là tư tưởng Hồi giáo cực đoan cũng được 92% dân Pháp ủng hộ. Bên cạnh đó, 86% tán đồng việc thành lập lực lượng “vệ binh quốc gia” bao gồm các quân nhân dự bị. Còn theo kết quả cuộc thăm dò dư luận của kênh truyền hình Đức ARD vừa công bố, có tới 91% số người được hỏi ủng hộ áp đặt “các biện pháp an ninh phù hợp” như tăng cường sự hiện diện của cảnh sát và kiểm tra an ninh vốn đã được thông báo ngay sau khi xảy ra các vụ đánh bom ở Pháp. Chỉ có 5% số người được hỏi cho rằng các biện pháp như vậy có thể gây tổn hại tới các quyền theo Hiến pháp của họ. Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Charles Michel, tối 22-11 đã thông báo tất cả các trường học từ phổ thông tới đại học trên địa bàn Thủ đô Brussels sẽ đóng cửa trong ngày 23-11, hệ thống tầu điện ngầm tiếp tục ngừng hoạt động, đồng thời cảnh báo khủng bố vẫn được duy trì ở mức 4.
Trước đó, ngày 13-11, đã xảy ra hàng loạt vụ tấn công nhằm vào nhà hát Bataclan, một số quán bar và nhà hàng ở phía Đông Paris cũng như sân vận động quốc gia Stade de France ở phía Bắc Thủ đô làm hàng trăm người chết và bị thương. Tiếp đó, ngày 20-11, một nhóm tay súng tiến vào khách sạn Radisson Blu (Mali) bằng một xe ôtô mang biển số ngoại giao và cầm giữ khoảng 170 người trong khách sạn làm con tin, trong đó có công dân các nước Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Algeria... làm ít nhất 27 người thiệt mạng.
Bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các Hội nghị cấp cao liên quan Thủ tướng Malaysia Najib Razak (giữa) khẳng định Cộng đồng ASEAN sẽ bắt đầu cuộc hành trình mới từ ngày 01-01-2016, sau khi ký Tuyên bố về thành lập Cộng đồng ASEAN. Ảnh: Vietnam+
Tối 22-11-2015, tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur đã diễn ra Lễ bế mạc trọng thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các hội nghị liên quan. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nước chủ nhà Malaysia Najib Razak cho biết, ngày 22-11, các nước thành viên ASEAN đã chứng kiến sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử của khu vực, đó là việc ký Tuyên bố về thành lập Cộng đồng ASEAN, đồng thời chính thức thông qua và ký Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn ASEAN 2025, định hướng cho ASEAN trong 10 năm tới. Cộng đồng ASEAN sẽ bắt đầu cuộc hành trình mới từ ngày 01-01-2016. Kết thúc Lễ bế mạc, Thủ tướng Najib Razak đã bàn giao chức Chủ tịch ASEAN cho Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong.
Tại cuộc họp báo sau Lễ bế mạc, Thủ tướng nước chủ nhà Najib Razak đã khẳng định Hội nghị cấp cao ASEAN 27 và các Hội nghị cấp cao liên quan đã kết thúc tốt đẹp. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã bày tỏ hài lòng với những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện Lộ trình Cộng đồng ASEAN (2009 - 2015), khẳng định cam kết tăng cường đoàn kết, làm sâu sắc hơn nữa các mối liên kết trong vòng 10 năm tới bằng việc thực hiện lộ trình theo Tuyên bố Kuala Lumpur về Tầm nhìn ASEAN 2025. Về vấn đề vai trò trung tâm của ASEAN, Thủ tướng tái khẳng định cam kết của Malaysia về việc hướng ASEAN gần hơn với người dân thông qua thúc đẩy xây dựng một ASEAN thực sự lấy người dân làm trung tâm. Liên quan đến vấn đề Biển Đông, ông cho biết, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, tăng cường tin cậy và hiểu biết lẫn nhau cũng như kiềm chế trong việc triển khai các hoạt động, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí đẩy nhanh việc hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) đồng thời nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông (DOC). Ngoài ra, tại các cuộc họp các nhà lãnh đạo cũng đã đề cập đến một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm khác như chống khủng bố và cực đoan, dòng người nhập cư bất hợp pháp, phong trào ôn hòa, biển đổi khí hậu, và khói bụi.
Diễn đàn Halifax lần thứ bảy: Nơi chia sẻ ý tưởng và thúc đẩy hợp tác đối phó với các thách thức an ninh Diễn đàn Halifax lần thứ bảy. Ảnh: cbc.ca
Từ ngày 20-11 đến ngày 22-11-2015, tại tỉnh bang Nova Scotia của Canada đã diễn ra Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax lần thứ bảy. Trong 3 ngày thảo luận, các đại biểu đã tham dự 8 phiên họp toàn thể về các chủ đề chính và 24 phiên họp kín về các chuyên đề liên quan. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng thế giới đang ngày càng phải đối mặt với những thách thức an ninh nghiêm trọng liên quan đến các hoạt động khủng bố, đặc biệt của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, những thay đổi trật tự thế giới liên quan đến các nước lớn, thách thức an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương, vai trò của Mỹ trên thế giới, những vấn đề nội tại của thế giới Hồi giáo, mặt trái của công nghệ cao và công nghệ sinh học, yêu cầu ngăn chặn nguồn cung tài chính cho khủng bố và bảo đảm an ninh mạng. Các ý kiến tranh luận tại Diễn đàn sẽ là nguồn thông tin đầu vào quan trọng giúp các chính phủ, giới hoạch định chính sách, quân đội, giới học giả và truyền thông có cái nhìn tổng quan và đa chiều về những vấn đề an ninh lớn của thế giới, cũng như các thách thức đang đặt ra để qua đó xây dựng chiến lược hợp tác và ngăn chặn hiệu quả trong thời gian tới.
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan nhấn mạnh sự phức tạp và nguy hiểm của các mối đe dọa an ninh toàn cầu vượt quá khả năng tự giải quyết của từng quốc gia đơn lẻ và diễn đàn này là nơi để các bên tìm kiếm cơ hội hợp tác đối phó với các thách thức an ninh. Thông qua Diễn đàn, các bên chia sẻ những ý tưởng sáng tạo mới và quan trọng nhất là thiết lập và làm mới các mối quan hệ hữu ích. Bộ trưởng Sajjan tin tưởng các nước sẽ được trang bị tốt hơn để đối phó với những thách thức trong tương lai. Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax được tổ chức thường niên và là một trong những diễn đàn an ninh quan trọng nhất ở khu vực Bắc Mỹ./.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đưa Biển Đông thành khu vực hòa bình  (22/11/2015)
Thông cáo báo chí về việc ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN  (22/11/2015)
Đại tướng Trần Đại Quang làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình  (22/11/2015)
Hội nghị Cấp cao ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên hợp quốc  (22/11/2015)
Vì một cộng đồng ASEAN gắn kết và cường thịnh  (22/11/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển