Khai mạc Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 27 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương: nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường liên kết
Chiều ngày 16-11-2015, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 27 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã khai mạc tại thủ đô Manila (Philippines), với sự đồng chủ toạ của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario và Bộ trưởng Thương mại Philippines Gregory L. Domingo.
Tham dự có các bộ trưởng ngoại giao và kinh tế của 21 nền kinh tế thành viên. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị. Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), đồng Chủ tịch Tổng thư ký Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Tổng thư ký ASEAN, đại diện Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) tham dự hội nghị với tư cách khách mời.
Trước phiên khai mạc, các bộ trưởng đã dành một phút mặc niệm những nạn nhân trong các vụ thảm sát ở Paris tối ngày 13-11-2015.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Công thương Philippines nêu bật vai trò của APEC trong thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines cho rằng, việc APEC quan tâm hơn đến các vấn đề phát triển đã góp phần bảo đảm khu vực tăng trưởng bền vững và bao trùm hơn. Hai bộ trưởng cũng khẳng định các nền kinh tế thành viên APEC cần có cách tiếp cận tổng thể, chiến lược và toàn diện nhằm duy trì vai trò của APEC trong thúc đẩy châu Á - Thái Bình Dương năng động và là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Sau phiên khai mạc, các bộ trưởng tiến hành phiên họp toàn thể thứ nhất về tăng trưởng bao trùm thông qua liên kết kinh tế. Các bộ trưởng đề cao nhu cầu hợp tác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì lợi ích của người dân, nhất là cho thế hệ tương lai. Các bộ trưởng nhấn mạnh, APEC cần tăng cường liên kết kinh tế khu vực, hướng tới hoàn tất Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 và thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương. Hội nghị nhất trí đẩy mạnh kết nối về kết cấu hạ tầng có chất lượng, kết nối con người và thể chế, cải cách cơ cấu, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát biểu của Đoàn ta tại Hội nghị khẳng định tầm quan trọng của tăng cường liên kết, kết nối giữa các nền kinh tế thành viên và nỗ lực bảo đảm tăng trưởng bền vững và bao trùm ở khu vực. Việt Nam ủng hộ các ưu tiên của các nền kinh tế thành viên năm 2015 thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nhất là các nỗ lực hoàn thành các Mục tiêu Bogor, nghiên cứu nhằm hiện thực hóa khu vực do hóa thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 27 sẽ tiếp tục họp trong ngày 17-11 nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy các ưu tiên của năm APEC 2015 và hoàn tất chuẩn bị nội dung cho Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 23, được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 19-11 tới.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Australia, Canada, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Singapore và tiếp Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC và Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC).
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop, hai bên xác định các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ đối tác toàn diện, thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sớm có hiệu lực, tạo thuận lợi cho hàng nông sản, hoa quả và tăng cường tiếp nhận sinh viên Việt Nam. Bộ trưởng Bishop khẳng định, Chính phủ mới của Australia coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam tổ chức năm APEC 2017. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh an toàn hàng hải, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Canada Stephane Dion, Bộ trưởng Stephane khẳng định, Chính phủ mới của Canada mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên mọi cấp độ. Hai bên nhất trí triển khai hiệu quả Ý định thư ký giữa hai bộ trưởng ngoại giao ngày 29-9-2014 về hợp tác chính trị, ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục, biến đổi khí hậu, an ninh, quan hệ nhân dân.
Trao đổi với Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Singapore Mohamad Maliki Bin Osman, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chúc mừng Singapore mới tổ chức bầu cử thành công và lập nội các mới. Hai bên đã trao đổi một số biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, chính trị, ngoại giao... để tranh thủ các cơ hội khi Cộng đồng ASEAN hình thành và các hiệp định thương mại tự do, trong đó có TPP đi vào thực hiện.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng tiếp Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC và Hội đồng Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (PECC) để thống nhất kế hoạch hợp tác giữa Việt Nam với hai tổ chức này trong quá trình chuẩn bị cho Việt Nam đăng cai APEC 2017./.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật -Việt  (16/11/2015)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Malaysia  (16/11/2015)
Đồng chí Tô Huy Rứa tiếp Cố vấn Đặc biệt Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt Tsutomo Takebe  (16/11/2015)
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng APEC tại Philippines  (16/11/2015)
AIPA thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết vì nhân dân  (16/11/2015)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay