Sau hơn 4 năm kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Đắc Nông đã không ngừng phấn đấu, chủ động nắm bắt thời cơ, phát huy những điều kiện thuận lợi, vượt lên mọi khó khăn, thách thức và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện; tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững quốc phòng - an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I (nhiệm kỳ 2005 - 2010) đã đề ra; trong đó thành tựu nổi bật nhất là chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững.

Đắc Nông là tỉnh miền núi biên giới, nằm ở cực nam Tây Nguyên, được thành lập đầu năm 2004, trên cơ sở chia tách từ 6 huyện phía nam của tỉnh Đắc Lắc (cũ); có địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh của đất nước; có diện tích tự nhiên 651.438 ha, dân số khoảng 442 nghìn người, gồm 29 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn 7 huyện và 1 thị xã (gồm 71 xã, phường, thị trấn, trong đó có 7 xã biên giới thuộc 4 huyện); nằm dọc theo 130 km đường biên giới quốc gia giáp với tỉnh Môn-đu-ki-ri (Cam-pu-chia). Với tiềm năng chủ yếu là đất đai, rừng, khoáng sản và nước mặt, Đắc Nông có lợi thế phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp và dịch vụ du lịch.

Điểm nổi bật trong những năm qua là nền kinh tế của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hằng năm đạt 15,3% (năm 2005: 14,85%; năm 2006: 15,32%; năm 2007: 15,74%). Các nguồn lực cho đầu tư phát triển được huy động ngày càng nhiều hơn, góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; trong đó tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp giảm dần: từ 77,47% năm 2004 xuống còn 62,91% năm 2007; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 6,64% năm 2004 lên 19,85% năm 2007; dịch vụ từ 15,89% năm 2004 tăng lên 17,25% năm 2007. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2007 tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 355 tỉ đồng; dự báo năm 2008 đạt khoảng 500 tỉ đồng). Các ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh đều có bước phát triển khá theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển tương đối toàn diện. Giá trị sản xuất năm 2007 tăng 37,68% so với năm 2005 (bình quân mỗi năm tăng 17,34%); trong đó, trồng trọt chiếm tỷ trọng khá lớn trong ngành nông nghiệp. Năm 2007, diện tích gieo trồng các loại cây nông nghiệp là 225.239 ha, tăng 9% so với năm 2005, chủ yếu là cây cà phê (chiếm 59,95% tổng diện tích đất nông nghiệp) với sản lượng đạt 117.000 tấn. Do tập trung đầu tư thâm canh, cùng với chú trọng đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nên một số loại cây trồng đã đạt năng suất tương đối cao: lúa tăng từ 39,73 tạ/ha năm 2005 lên 43,71 tạ/ha năm 2007; ngô 55,72 tạ/ha năm 2005 lên 57,02 tạ/ha năm 2007; góp phần đưa tổng sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 525,17 kg/ người/năm (tăng 8,9% so với năm 2005). Như vậy, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắc Nông đang có những chuyển biến rõ nét; trong đó việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đem lại hiệu quả kinh tế nhất định cho người sản xuất và góp phần tăng trưởng kinh tế trong khu vực nông, lâm nghiệp.

Về chăn nuôi, việc áp dụng các thành tựu về lai tạo giống, nhất là giống bò lai, kết hợp với chế độ thức ăn, chăm sóc tốt đã làm tăng sản lượng thịt. Năm 2007, tổng đàn trâu của tỉnh là 7.227 con, đàn bò 23.530 con, đàn lợn 117.660 con; đàn gia cầm 953.245 con; đặc biệt trong đó tỷ lệ đàn bò tăng cao đột biến (52,16%) so với năm 2005.

Lâm nghiệp trong những năm qua có nhiều chuyển biến khá tích cực: bảo vệ tốt hàng ngàn héc-ta rừng, bao gồm đưa diện tích rừng vào khoanh nuôi, chăm sóc tu bổ, trồng rừng tập trung, phòng chống phá rừng, cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép. Năm 2007, diện tích rừng bị phá đã giảm; độ che phủ của rừng đã tăng lên (đạt khoảng 49,4% so với tổng diện tích có rừng là 325.004 ha); diện tích rừng trồng mới (tập trung và phân tán) đạt 2.761 ha và giao rừng thí điểm cho các tổ chức, cá nhân quản lý, bảo vệ là 7.760 ha.

Về công nghiệp, các doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh tiếp tục được tổ chức và sắp xếp lại; chú trọng đổi mới công nghệ, trong đó một số cơ sở công nghiệp lớn được quan tâm đầu tư đi vào sản xuất ổn định. Các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể của Đảng, Nhà nước nói chung và khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh nói riêng đã thúc đẩy các cơ sở sản xuất công nghiệp tăng nhanh. Năm 2007, trên địa bàn tỉnh có 9 doanh nghiệp nhà nước, tăng 12,5% so với năm 2005; 13 hợp tác xã, 44 doanh nghiệp tư nhân, tăng 120%; 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 1.870 cơ sở kinh tế công nghiệp cá thể, tăng 29,77%. Khu công nghiệp Tâm Thắng của tỉnh bước đầu đã phát huy được hiệu quả, sản xuất được nhiều sản phẩm cho xã hội và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương. Riêng năm 2007, ngành công nghiệp của tỉnh đã tạo ra giá trị sản xuất 1.510 tỉ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2005 (bình quân mỗi năm tăng 44,91%), nhờ đó đã tác động tích cực đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cùng với tăng trưởng kinh tế, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đã từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Trong điều kiện nguồn vốn còn hạn hẹp, tỉnh đã có cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, phát huy các nguồn lực trong dân cư để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng như: thủy lợi, giao thông, điện lưới quốc gia. Đến nay, hệ thống thủy lợi đã đáp ứng 40% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới; nhựa hóa 48,3% đường tỉnh lộ, 50% đường huyện, 40% số buôn, bon có 1 - 2 km đường nhựa, 98% thôn, bon có điện. Cơ sở vật chất của các ngành giáo dục, y tế, văn hóa, phát thanh truyền hình, bưu chính viễn thông v.v.. không ngừng được tăng cường, đã góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn của tỉnh. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; tỉnh đã giải quyết việc làm cho 210.557 lao động; năng suất lao động xã hội tăng từ 12,13 triệu đồng/lao động năm 2005 lên 13,12 triệu đồng/lao động năm 2007; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 6,32 triệu đồng năm 2005 lên 9,86 triệu đồng năm 2007; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,74% năm 2005 xuống còn 15,7% năm 2007.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh xác định vẫn còn những tồn tại, yếu kém cần tập trung tháo gỡ. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy khá cao nhưng chất lượng, hiệu quả của tăng trưởng, tính bền vững và sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn ở mức thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn còn chậm, nhất là cơ cấu lao động chuyển dịch chưa mạnh. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Các chỉ tiêu bình quân đầu người về xuất khẩu, về thu chi ngân sách, về sử dụng điện thoại, dịch vụ In-tơ-nét, về tỷ lệ đường giao thông nhựa hóa v.v.. còn thấp so với nhiều tỉnh trong cả nước và một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên. Một số vấn đề về xã hội như việc làm cho người lao động còn bức xúc; đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; sự phân hóa giàu nghèo và chênh lệch mức sống dân cư ngày càng lớn; tốc độ đô thị hóa còn chậm v.v..

Những tồn tại, yếu kém nói trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan; trong đó trước hết là do các chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh chưa thực sự hấp dẫn; công tác cải cách thủ tục hành chính chưa toàn diện và đồng bộ; môi trường đầu tư chưa được cải thiện và thực sự thông thoáng.

Trong những năm tới, Đắc Nông xác định và phấn đấu tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, mà trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp và các ngành dịch vụ trên cơ sở phát triển nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại; đồng thời xây dựng và nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Để đạt được các mục tiêu đó, Đắc Nông xác định tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, khai thác những tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên, lao động..., gắn sản xuất nông nghiệp với chế biến và thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Thực hiện tốt chương trình cây, con giống, nhằm phục vụ mục tiêu chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tạo ra hàng hóa có sức cạnh tranh cao. Đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi quy mô lớn như thủy lợi Đắc Rồ, Đắc Dia; các cụm công trình thủy lợi Gia Nghĩa, Đắc Song, Đắc Rấp... nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho các loại cây trồng, chú trọng nguồn nước tưới phục vụ thâm canh cho cây cà phê. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; tìm kiếm thị trường và mở rộng thị trường tiêu thụ; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ nông - lâm sản. Tăng cường công tác quản lý đất đai; tổ chức sản xuất chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, gắn với chế biến, thực hiện giết mổ gia súc gia cầm tập trung đi đôi với chủ động xây dựng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Thứ hai, đẩy mạnh tốc độ phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp mũi nhọn. Tập trung vốn xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tâm Thắng và các cụm công nghiệp. Có chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, vay tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về mặt bằng sản xuất và môi trường pháp lý để thu hút các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Tăng cường liên doanh, liên kết với các tỉnh và nước ngoài; có cơ chế chính sách rõ ràng, minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng và đúng pháp luật cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động sản xuất công nghiệp. Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất; có biện pháp tranh thủ tối đa các nguồn vốn và công nghệ của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường. Có kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động phù hợp với cơ cấu các ngành công nghiệp của tỉnh. Tập trung mở rộng và đầu tư mới các ngành công nghiệp có lợi thế như thủy điện, khai thác và chế biến quặng bô-xít, chế biến cà phê, cao su, mía đường, điều, ca cao, bông vải, gỗ và vật liệu xây dựng...

Thứ ba, tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là ngành thương mại, du lịch, vận tải, bưu chính - viễn thông, tài chính - ngân hàng. Khẩn trương xây dựng hệ thống thông tin giá cả thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận thị trường mới theo chương trình xúc tiến thương mại của Nhà nước; củng cố lại mạng lưới các chợ nông thôn, xây dựng các trung tâm thương mại ở các thị trấn, thị tứ để mở rộng giao lưu hàng hóa. Xây dựng, nâng cấp cửa khẩu biên giới Bu-Pơ-răng và Đắc Pơ nhằm tăng cường trao đổi hàng hóa, dịch vụ với tỉnh Môn-đu-ki-ri (Cam-pu-chia). Phát huy lợi thế về cảnh quan, môi trường và truyền thống văn hóa dân tộc của tỉnh, đẩy mạnh du lịch sinh thái, xây dựng các điểm du lịch văn hóa, hoàn thành các dự án du lịch trọng điểm đã được quy hoạch. Phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính - ngân hàng, giải quyết tốt nhu cầu vốn tín dụng cho các thành phần kinh tế. Nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính - viễn thông. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư tăng năng lực vận tải cả về quy mô và chất lượng, bảo đảm nhu cầu đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa./.