TCCSĐT - Ngày 06-11-2015, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn đối thoại Á - Âu (ASEM) lần thứ 12 đã kết thúc tại Trung tâm Hội nghị châu Âu ở Luxembourg.

Hội nghị chống tham nhũng Liên hợp quốc

 

 Các quốc gia thành viên đã thống nhất thông qua 11 dự thảo về phòng ngừa và chống tham nhũng. Ảnh: Vietnam+

Từ ngày 02-11 đến ngày 07-11-2015, tại thành phố St. Petersburg, Nga đã diễn ra kỳ họp thứ sáu của Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Trong phiên họp toàn thể cuối cùng, các quốc gia thành viên đã thảo luận và thống nhất thông qua 11 dự thảo, bao gồm Tuyên bố St. Petersburg về thúc đẩy quan hệ đối tác giữa nhà nước và doanh nghiệp trong phòng ngừa và chống tham nhũng do nước chủ nhà Liên bang Nga đề xuất; 9 nghị quyết xoay quanh các nội dung liên quan đến việc đánh giá thực thi công ước trong chu trình thứ hai, thu hồi tài sản, phòng ngừa tham nhũng, hợp tác quốc tế trong thu hồi và hồi hương tài sản tham nhũng và một số chủ đề khác; Báo cáo kết quả kỳ họp thứ sáu của hội nghị. Các tuyên bố, nghị quyết và văn kiện được thông qua tại hội nghị này là tiền đề quan trọng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, tiếp tục thực hiện hiệu quả công ước trong thời gian tới.

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc

 

Việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc bắt tay nhau và cùng ngồi vào bàn đàm phán được xem là đã tạo ra bước tiến mới trong quan hệ ba nước. Ảnh: Reuters

Ngày 02-11, phát biểu trước báo giới, Vụ trưởng Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau cho biết Washington ủng hộ những nỗ lực cải thiện các mối quan hệ giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng các mối quan hệ chắc chắn và mang tính xây dựng giữa ba nước này sẽ hỗ trợ hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như mang lại nhiều lợi ích. Trước đó, ngày 01-11, kết thúc Hội nghị thượng đỉnh ba bên Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc ở Thủ đô Seoul, lãnh đạo ba nước khẳng định cam kết tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên một cách thường xuyên, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác tại Đông Bắc Á. Ba nhà lãnh đạo cũng nhất trí tạm thời gạt sang một bên những khúc mắc lịch sử để thảo luận các mối quan tâm chung về an ninh và thương mại. Cả ba nhà lãnh đạo dường như đã tránh đề cập vấn đề lãnh thổ và các vấn đề gai góc khác để đưa ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định sẽ nỗ lực vì hòa bình và ổn định trên tinh thần đối diện với lịch sử và hướng tới tương lai.

Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa lãnh đạo 3 nước kể từ tháng 5-2012, chấm dứt một giai đoạn bế tắc về ngoại giao do những căng thẳng trong khu vực. Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia, cuộc gặp đã không đạt được bước đột phá thực chất nào, song việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc bắt tay nhau và cùng ngồi vào bàn đàm phán được xem là đã tạo ra bước tiến mới trong quan hệ ba nước, là bước đi ban đầu hướng tới cải thiện quan hệ ba bên sau thời gian dài căng thẳng.

12 nước thành viên đồng loạt công bố toàn văn hiệp định TPP

 

Đại diện 12 nước tham gia đàm phán trong cuộc họp báo công bố đạt được thỏa thuận lịch sử TPP, tại Atlanta, Mỹ ngày 05-10. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 05-11-2015, văn bản bằng tiếng Anh của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước thành viên đồng loạt công bố. Theo thông lệ đàm phán thương mại quốc tế, một hiệp định sẽ chỉ được công bố sau khi các bên tham gia đàm phán đã hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý. Tuy nhiên, trước nhu cầu tìm hiểu thông tin rất lớn của người dân và doanh nghiệp, các nước tham gia đàm phán TPP đã quyết định công bố toàn văn hiệp định này mặc dù thủ tục rà soát pháp lý vẫn chưa hoàn tất. Bản cuối cùng có thể sẽ có một số thay đổi nhưng chỉ là các chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, không ảnh hưởng đến nội dung cam kết. Việc công bố toàn văn hiệp định TPP diễn ra đúng một tháng sau khi quá trình đàm phán kết thúc. Văn bản gồm đầy đủ thông tin chi tiết về các cam kết và các điều khoản áp dụng với tất cả các nước thành viên.

TPP sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ khi tất cả các thành viên thông báo đã hoàn tất trình tự thông qua về mặt pháp lý trong nước. Trong điều kiện một số điều khoản hoặc toàn bộ hiệp định không được một hoặc một số nước thành viên thông qua, TPP vẫn có hiệu lực nếu có ít nhất 6 trên 12 thành viên, chiếm tối thiểu 85% tổng sản lượng GDP toàn khối chấp nhận. Sau khi công bố toàn văn hiệp định, mỗi nước sẽ dành thời gian nhất định để người dân nghiên cứu hiệp định trước khi ký kết, dao động từ 60 đến 90 ngày. Sau khoảng thời gian này, các nước TPP sẽ tiến hành ký kết chính thức. Sau khi ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM

 

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM đã ra Tuyên bố chung thể hiện quyết tâm đưa hợp tác Á - Âu đi vào chiều sâu và hiệu quả. Ảnh: Reuters/VOV

Ngày 06-11-2015, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn đối thoại Á - Âu (ASEM) lần thứ 12 đã kết thúc tại Trung tâm Hội nghị châu Âu ở Luxembourg. Hội nghị đã ra Tuyên bố chung với những định hướng và biện pháp cụ thể với thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm đưa hợp tác Á - Âu đi vào chiều sâu và hiệu quả, nâng cao vị thế và tầm đóng góp của ASEM vào các nỗ lực chung của toàn cầu trong thập niên phát triển mới. Các bộ trưởng nhất trí tăng cường phối hợp, chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong năm 2015 - năm hành động toàn cầu vì phát triển bền vững, thiết thực, đáp ứng mong đợi của người dân. Hội nghị cũng nhất trí thúc đẩy đối thoại ASEM về phát triển bền vững, triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, trong đó có xóa đói, giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh lương thực, quản lý nguồn nước, hỗ trợ xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ cho các thành viên đang phát triển. Bên cạnh đó, các bộ trưởng đã đạt thỏa thuận toàn cầu mới về hợp tác giảm thiểu rủi ro về thiên tai. Điều này rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây ra những ảnh hưởng lớn cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội các nước.

Bên cạnh đó, Hội nghị đã nhấn mạnh sự tăng cường kết nối Á - Âu trên cả 3 phương diện: cơ sở hạ tầng, thể chế và con người nhằm phục hồi kinh tế, hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững và đồng đều, đáp ứng tốt nhất lợi ích của người dân. Tại Hội nghị, các bộ trưởng đã bàn và đưa vào Tuyên bố chung khả năng thành lập Nhóm làm việc về kết nối để đề xuất các nội hàm và biện pháp cụ thể nhằm kết nối các nền kinh tế với nhau, kể cả giữa Á và Âu cũng như trong từng khu vực và giữa các tiểu vùng, đặc biệt là Mê Công - Danub, trong đó tập trung vào kết nối kết cấu hạ tầng, giúp đỡ các quốc gia kém phát triển hơn trong ASEM. Hội nghị đã nhất trí khởi động lại Cuộc họp các quan chức cao cấp về thương mại và đầu tư (SOMTI), coi đây là bước quan trọng làm sống động hợp tác kinh tế bị chững lại trong 10 năm qua. Các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng phải duy trì an ninh và an toàn hàng hải, kiềm chế không tiến hành các hoạt động đơn phương, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Myanmar bước vào cuộc bầu cử lịch sử

 

Cử tri Myanmar bỏ phiếu sớm tại một điểm bầu cử ở Yangon ngày 08-11. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 08-11-2015, các điểm bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ Cộng hòa liên bang Myanmar đã mở cửa đón 32 triệu cử tri nước này tham gia cuộc tổng tuyển cử chưa từng có trong lịch sử quốc gia Đông Nam Á. Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi nước này tiến hành cải cách mở cửa sau khi chính quyền dân sự thay thế chính quyền quân sự cách đây 4 năm. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Bầu cử Liên bang Myanmar (MUEC), tổng cộng có 6.189 ứng cử viên ra tranh cử, bao gồm 5.866 ứng cử viên do 92 chính đảng chỉ định và 323 ứng cử viên độc lập. Riêng khu vực Yangon có hơn 4,9 triệu cử tri hợp lệ và 5.495 điểm bỏ phiếu. Trong số 1.163 đơn vị bầu cử, 330 đơn vị sẽ bầu Hạ viện liên bang, 168 đơn vị bầu Thượng viện liên bang, 636 đơn vị bầu nghị viện bang hoặc cấp vùng, và 29 đơn vị bầu nghị viện bang hoặc khu vực của các sắc tộc.

Kể từ khi giành độc lập từ Anh năm 1948, Myanmar liên tục chìm trong các biến cố chính trị và xung đột sắc tộc. Những giai đoạn ổn định để phát triển rất ngắn ngủi và thường xuyên bị gián đoạn. Cuộc bầu cử ngày 08-11 có thể coi là bước thứ bảy và cũng là bước cuối cùng trong lộ trình xây dựng đất nước của “Lộ trình 7 bước” được công bố và triển khai từ đầu năm 2003. Đó cũng là một dấu mốc quan trọng của diễn biến chính trị ở Myanmar trong thời gian tới bởi tiếp sau cuộc bầu cử sẽ là cuộc đấu tranh nghị trường, có thể là rất gay gắt giữa các đảng có thành viên tham gia quốc hội./.