TCCSĐT - Ngày 24-10, Quốc hội dành thời lượng cả ngày để thảo luận lần cuối về những vấn đề còn ý kiến khác nhau trước khi thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đây là lần thứ ba dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được Quốc hội xem xét sau khi tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào 10 vấn đề lớn của dự thảo.

Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo.

Kết quả qua hai lần thảo luận và tiếp thu ý kiến nhân dân

Các đại biểu Quốc hội nhất trí cho rằng việc sửa đổi, bổ sung lần này phải thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Chiến lược cải cách tư pháp; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, về xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc sửa đổi Bộ luật Dân sự cũng cần phải bảo đảm tính kế thừa của Bộ luật Dân sự hiện hành, nhất là những nội dung qua thực tiễn thi hành không có vướng mắc, bất cập; các nội dung sửa đổi, bổ sung cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng cả về lý luận và thực tiễn để bảo đảm phù hợp, tương thích với hệ thống pháp luật và thực tiễn các quan hệ dân sự ngày càng phát triển trong xã hội ở Việt Nam hiện nay và tương lai.

Phạm vi điều chỉnh (Điều 1) quy định: Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Nêu quan điểm về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá một trong những quan điểm sửa đổi cơ bản của Bộ luật Dân sự là quy định cụ thể về địa vị pháp lý của cá nhân, pháp nhân; đối với hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, dự thảo Bộ luật quy định các đối tượng này tham gia quan hệ dân sự thông qua cá nhân là người đại diện hoặc là thành viên của mình theo quy định của Bộ luật này, pháp luật khác có liên quan; các thành viên có thể thỏa thuận cử người đại diện tham gia, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự vì lợi ích chung. Quy định như dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) nhằm minh bạch các chủ thể có đầy đủ quyền, nghĩa vụ và năng lực chủ thể pháp luật dân sự chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân.

Chuyển đổi giới tính (Điều 37) là một trong những vấn đề qua 2 lần thảo luận vẫn còn những quan điểm khác nhau. Nhiều ý kiến không tán thành với quy định của dự thảo về việc không công nhận quyền chuyển đổi giới tính nhưng người đã chuyển đổi giới tính được thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân kèm theo giới tính mới được chuyển đổi.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về mục đích, nguyên nhân của việc chuyển giới, trường hợp nào được chuyển đổi giới tính để tránh lạm dụng. Ý kiến khác đề nghị chưa nên quy định “công nhận việc chuyển đổi giới tính.”

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc chuyển đổi giới tính kèm theo nhiều vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội... Để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, đề nghị Quốc hội cho tách việc chuyển đổi giới tính thành một điều riêng (Điều 37 mới) và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan."

Ngoài các vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo làm rõ các vấn đề còn ý kiến khác nhau xung quanh nội dung bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân của cá nhân; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; điều kiện của cá nhân, pháp nhân làm người giám hộ; pháp nhân; chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; giao dịch dân sự vô hiệu; sở hữu chung; lãi suất…

Bộ luật đã có những quy định để tăng cường các biện pháp công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự, cũng như những tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các chủ thể thuộc mọi hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.

Làm rõ những nội dung còn ý kiến trong dự thảo Bộ luật Dân sự

Về việc bảo vệ quyền dân sự, qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành việc cần quy định về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền để thể chế hóa Hiến pháp. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về áp dụng tập quán, lẽ công bằng, tương tự pháp luật cho phù hợp với quy định Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Đồng tình với quy định bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền trong dự thảo Bộ luật, đại biểu Nguyễn Kim Thúy (Đà Nẵng) nhấn mạnh pháp luật không thể bao quát, dự liệu hết tất cả các trường hợp phát sinh trong xã hội nên quy định áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự cũng như án lệ, lẽ công bằng để giải quyết là phù hợp.

Thể hiện sự tán thành với quy định như dự thảo, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đánh giá việc cho phép áp dụng tập quán, lẽ công bằng, tương tự pháp luật không trái với quy định Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Thực tế pháp luật không thể bao quát, dự liệu hết mọi tình huống phát sinh trong xã hội, do đó quy định này trong dự thảo Bộ luật là phù hợp.

Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quan điểm quy định về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật hiện đã có trong Bộ luật Dân sự hiện hành (Điều 3 Bộ luật Dân sự 2005). Tham khảo kinh nghiệm thế giới cho thấy, ở những nước có nền pháp lý phát triển, hệ thống luật thành văn cũng không thể bao quát hết mọi tình huống phát sinh trong xã hội. Vì vậy, việc quy định cho phép áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng trong Bộ luật Dân sự là cần thiết.

Để áp dụng cơ chế này, trước hết phải tin tưởng và giao cho Thẩm phán áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và do đó quy định như dự thảo Bộ luật là phù hợp.

Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Bộ luật quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân không phải là chủ thể của quan hệ dân sự, mà tùy thuộc vào từng quan hệ dân sự, việc tham gia của các chủ thể này thực hiện thông qua các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác hoặc thông qua người đại diện.

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) qua tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự hiện hành cho thấy có rất nhiều bất cập, vướng mắc trong việc xác định tư cách thành viên, tư cách đại diện tài sản chung, trách nhiệm pháp lý… Đại biểu phân tích: về bản chất pháp lý, sự tham gia của các chủ thể này thực chất là sự tham gia của cá nhân chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự bằng tài sản riêng của mình. Hơn nữa, Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng nên theo đại biểu phương án 1 Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội là hợp lý.

Theo đó, "trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự mỗi thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể của quan hệ dân sự trực tiếp tham gia hoặc cử người đại diện tham gia quan hệ dân sự. Việc cử, thay đổi người đại diện phải được lập thành văn bản. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết.

Trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác cử làm đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện.

Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai."

Tán thành với lập luận này, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) nêu rõ việc loại bỏ hộ gia đình, tổ hợp tác ra khỏi chủ thể quan hệ pháp luật dân sự là phù hợp vì trong thực tế đã xuất hiện nhiều vướng mắc khi để các thành phần này tham gia quan hệ pháp luật dân sự.

Đại biểu nhấn mạnh việc bỏ hộ gia đình, tổ hợp tác ra khỏi chủ thể quan hệ pháp luật dân sự không vướng gì trong xử lý thực tế hiện nay vì tại Điều 101 đã có quy định rõ hộ gia đình, tổ hợp tác có thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự vào những trường hợp nhất định.

Chia sẻ về chuyển đổi giới tính trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình phân tích: Dự thảo Bộ luật lần này đã tách việc xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính thành 2 Điều 36 và 37. Trong đó, chuyển đổi giới tính là điều mới đã quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính rõ ràng. Cụ thể, người chuyển đổi giới tính có quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch; thực hiện các quyền về y tế, bảo hiểm, hôn nhân gia đình. Nghĩa là những quyền liên quan đến dân sự của công dân khi chuyển đổi giới tính đã được dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) ghi nhận chính thức. Điều này khi thực hiện Luật hôn nhân và gia đình và tổ chức các pháp luật liên quan như: hộ tịch, chăm sóc sức khỏe… đã có cơ sở pháp lý. Nếu vấn đề này được Quốc hội ủng hộ, thông qua, đây sẽ là một bước phát triển pháp luật dân sự liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Cũng theo đại biểu, trong lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch, đây là một căn cứ pháp lý có thể tháo gỡ cho những trường hợp đã chuyển đổi giới tính trước khi có quy định của luật. Bởi hiện nay, chưa có quy định nên việc đảm bảo quyền đăng ký hộ tịch của công dân đã chuyển đổi giới tính rất lúng túng. Do đó, đứng ở góc độ hộ tịch, dự thảo Bộ luật quy định như vậy là rất rõ ràng. Riêng lĩnh vực y tế, khi điều này được tổ chức thực hiện, các cơ quan có thẩm quyền cần có những hướng dẫn cụ thể để đảm bảo quyền chăm sóc sức khỏe cho công dân; đồng thời giải quyết được những vấn đề phát sinh của vấn đề nhạy cảm này.

Tại phiên họp, các ý kiến còn tập trung thảo luận về các vấn đề lớn vẫn còn những ý kiến khác nhau xung quanh quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 129); thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản (Điều 419); lãi suất (Điều 467)…./.