Kinh tế Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi phương thức phát triển hiện nay
TCCSĐT - Tình hình phát triển của kinh tế Trung Quốc hiện đang là đề tài thu hút giới nghiên cứu và bình luận quốc tế. Đã có những ý kiến đánh giá khác nhau, thậm chí trái chiều về tình hình và triển vọng của nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới này.
Những thành tựu kinh tế nổi bật
Trước hết, có thể thấy rằng, qua hơn 35 năm cải cách và phát triển (1978 - 2015), Trung Quốc đã đạt được thành tựu to lớn về kinh tế, nhưng tới nay, Trung Quốc vẫn mới chỉ là nước đang phát triển.
Trong 30 năm (1980 - 2010), GDP bình quân hằng năm của Trung Quốc tăng 9,8%, ngay trong những năm đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Khi bắt đầu bước vào thế kỷ XXI, kinh tế Trung Quốc xếp ở vị trí thứ sáu thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp), đến năm 2010 đã vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế có tổng lượng lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ). Thế nhưng với thành tựu đó, kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thể vượt qua được giới hạn của một nền kinh tế “đang phát triển”, vì chất lượng của nền kinh tế còn thấp. GDP bình quân đầu người không cao (năm 2014 mới đạt khoảng 7.400 USD/năm), những vấn đề và khó khăn trong tầng sâu của nền kinh tế vẫn chưa giải quyết được, nhất là kết cấu kinh tế chưa hợp lý, tăng trưởng kinh tế chưa hài hòa với phát triển xã hội và thiếu bền vững.
Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu càng thấm sâu, những khó khăn và vấn đề trong tầng sâu của kinh tế Trung Quốc càng bộc lộ nghiêm trọng hơn, khiến kinh tế Trung Quốc chuyển sang xu hướng tăng chậm lại. Từ tốc độ cao của năm 2010 là 10,4%, tăng trưởng GDP tương ứng vào các năm 2011, 2012, 2013, 2014 là 9,4%; 7,7%; 7,7%; 7,3%, và dự đoán năm 2015 cũng chỉ trên dưới 7%. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã chủ động hạ chỉ tiêu tăng trưởng GDP, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ XII (2011 - 2015) quy định chỉ tiêu tăng trưởng bình quân hằng năm là 7% do phải tính đến yêu cầu của cải cách thể chế, nhưng để đạt được chỉ tiêu đó cũng không hề dễ dàng và hầu như thường xuyên phải chịu sức ép rủi ro.
Qua hơn 30 năm cải cách và phát triển, tình hình kinh tế - xã hội Trung Quốc theo đánh giá của Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2012) là “đang ở và sẽ còn ở lâu dài trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội; mâu thuẫn xã hội chủ yếu là mâu thuẫn giữa nhu cầu vật chất văn hóa ngày càng cao của nhân dân với nền sản xuất xã hội lạc hậu vẫn chưa thay đổi” (1). Trong Báo cáo công tác của Chính phủ trình bày trước kỳ họp Quốc hội Trung Quốc (ngày 05-3-2014), Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đánh giá thực trạng kinh tế Trung Quốc “còn không ít khó khăn và vấn đề trên đường đi tới. Chủ yếu là cơ sở để nền kinh tế phát triển ổn định vẫn không vững chắc, động lực nội sinh của tăng trưởng còn phải tăng cường, các lĩnh vực tài chính, tiền tệ… vẫn còn ẩn chứa nhiều rủi ro, khó khăn trong quản lý vĩ mô ngày càng lớn…”.
Ngoài những nguyên nhân khách quan như hạn chế về trình độ phát triển, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu,… tình trạng trên của kinh tế Trung Quốc còn do những rào cản về thể chế kinh tế và những bất cập về thể chế chính trị, những vấn đề về mặt xã hội, nhất là nạn tham nhũng trong cơ quan công quyền. Sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ban lãnh đạo mới chủ trương “thúc đẩy toàn diện cải cách theo chiều sâu” thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 3 (tháng 11-2013) và “thúc đẩy xây dựng nhà nước pháp trị” thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 4 (tháng 10-2014), đồng thời tiến hành quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng.
Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định “chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế… là sự lựa chọn chiến lược liên quan tới toàn bộ cục diện phát triển của Trung Quốc”. Nội hàm của “chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế” bao gồm cả “chuyển đổi phương thức tăng trưởng kinh tế”, không chỉ yêu cầu tăng sản lượng kinh tế mà còn phải tối ưu hóa kết cấu kinh tế, nâng cao chất lượng nền kinh tế; không những phải tuân theo quy luật kinh tế, mà còn phải tuân theo quy luật phát triển xã hội, coi trọng và kết hợp một cách đồng bộ các mối quan hệ giữa kinh tế và xã hội.
Nghị quyết Trung ương 3 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định “cải cách thể chế kinh tế là trọng điểm của cải cách toàn diện theo chiều sâu”, vấn đề cốt lõi là xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa thị trường và chính phủ, làm cho thị trường “đóng vai trò quyết định trong phân bổ nguồn lực” và “phát huy tốt hơn vai trò của Chính phủ” (trước đó, từ năm 1992, khi Trung Quốc chuyển sang “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” đã quy định thị trường giữ “vai trò cơ sở” trong phân phối nguồn lực). Từ Đại hội XVIII, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề xuất một loạt chủ trương, chính sách nhằm “đẩy nhanh hoàn thiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế”: đưa cải cách thể chế kinh tế vào chiều sâu toàn diện; thực thi chiến lược lấy sáng tạo để thúc đẩy phát triển; thúc đẩy quá trình nhất thể hóa phát triển thành thị và nông thôn; nâng cao toàn diện trình độ của nền kinh tế mở…
Năm 2014 là năm đầu tiên triển khai cải cách thể chế kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc và đã đạt được những kết quả bước đầu. Báo cáo công tác của Chính phủ do Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày trước Quốc hội ngày 05-3-2015 cho biết: trong năm 2014, Trung Quốc đã đạt những mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, mở đầu thuận lợi cho cải cách theo chiều sâu toàn diện: GDP tăng 7,4% (về sau điều chỉnh là 7,3%), tạo thêm 13,2% việc làm mới ở thành phố, mặt bằng giá tiêu dùng tăng 2%, kết cấu kinh tế có bước cải tiến: tỷ lệ đóng góp của tiêu dùng trong tăng trưởng kinh tế tăng 3%, đạt 51,2%, giá trị gia tăng của ngành dịch vụ từ 46,9% tăng lên 48,2%, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở miền Trung và miền Tây cao hơn miền Đông, chất lượng tăng trưởng được nâng cao, thu ngân sách tăng 8,6%, ngân sách nghiên cứu phát triển đạt trên 2% GDP, tỷ lệ tiêu hao năng lượng giảm xuống còn 4,8%, mức sống của người dân được cải thiện một bước, thu nhập của cư dân nông thôn tăng 9,2% so với năm 2013, cao hơn mức tăng của cư dân thành phố (2).
Hội nghị công tác kinh tế trung ương năm 2014 của Trung Quốc đã đánh giá kinh tế Trung Quốc năm 2014 có 5 thay đổi lớn: từ giai đoạn tăng trưởng cao chuyển sang giai đoạn phát triển trung bình cao; không kích thích toàn bộ các ngành kinh tế, mà điều tiết có định hướng trở thành giải pháp mới trong quản lý vĩ mô; không đơn giản chạy theo tăng trưởng GDP mà quan tâm hơn tới chất lượng và hiệu quả; tạo được đột phá trong những lĩnh vực trọng điểm khi tiến hành cải cách theo chiều sâu; tổng sản lượng kinh tế đạt trên 10.440 tỷ USD, lần đầu tiên trở thành quốc gia có vốn ròng đầu tư ra nước ngoài.
Năm 2015 là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội lần thứ XII (2011 - 2015). Kinh tế Trung Quốc được đánh giá là đã chuyển sang “thời kỳ trạng thái bình thường mới”. Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2015 là GDP tăng khoảng 7%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 3%, tạo thêm 10 triệu việc làm mới ở thành phố, tỷ lệ thất nghiệp ở thành phố không quá 4,5%, xuất nhập khẩu tăng khoảng 6%, thu chi quốc tế cơ bản cân bằng, thu nhập quốc dân tăng đồng bộ với phát triển kinh tế, tỷ lệ tiêu dùng năng lượng giảm trên 3,1%, các chất thải chủ yếu gây ô nhiễm tiếp tục giảm… (3).
Để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói trên, Trung Quốc tập trung nỗ lực thực thi 3 nhóm giải pháp chủ yếu: Một là, tiếp tục thục thi chính sách tài chính tích cực và chính sách tiền tệ ổn định lành mạnh. Hai là, duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng ổn định với điều chỉnh kết cấu. Ba là, tăng động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội bằng tăng đầu tư cho dân sinh, dịch vụ, tiêu dùng trong nước…
Đồng thời, Trung Quốc thúc đẩy kinh tế đối ngoại trên quy mô lớn, trọng tâm là xây dựng “vành đai kinh tế con đường tơ lụa” (SREB) và “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” (MSR), gọi tắt là “một vành đai, một con đường”; thiết lập các thể chế tài chính mới do Trung Quốc đề xướng và lập các thể chế tài chính mới do Trung Quốc đề xướng và đóng vai trò chi phối, như Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển các nền kinh tế lớn mới nổi…
Dự báo về nền kinh tế Trung Quốc
Quá trình chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế ở Trung Quốc không hề dễ dàng và luôn phải đối phó với những rủi ro, nhất là trong lĩnh vực tài chính chính, tiền tệ. Sự kiện thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc và đồng nhân dân tệ bị hạ giá đột ngột giữa năm 2015 vừa qua đã phần nào thể hiện sức ép rủi ro đối với nền kinh tế Trung Quốc, gây nên những dư chấn liên hoàn và tâm lý lo ngại trên thị trường tài chính quốc tế. Từ lần sụt giảm xảy ra đầu tiên vào ngày 15-6-2015, qua lần sụt giảm ngày 27-7, tới “ngày thứ hai đen tối” 24-8, chỉ số chứng khoán chính tại Thượng Hải đã mất 30% giá trị và gây ảnh hưởng lớn các thị trường chứng khoán lân cận, như Thâm Quyến… Đồng nhân dân tệ cũng được điều chỉnh giảm tỷ giá liên tiếp trong hai ngày 11 và 12-8 và sau đó, tổng cộng mất giá 3,8%, tạo phản ứng dây chuyền trên thị trường hối đoái quốc tế.
Giới nghiên cứu và bình luận quốc tế đã có những nhận xét đánh giá khác nhau về mức độ, thậm chí trái chiều về hiện tình và triển vọng kinh tế Trung Quốc. Đối với những hiện tượng trước mắt, cần có thời gian và tình hình diễn biến cụ thể mới có thể kết luận một cách chuẩn xác. Nhưng nếu mở rộng tầm nhìn qua mấy chục năm cải cách, phát triển và triển vọng của tình hình Trung Quốc và thế giới trong những năm tới, có thể rút ra một số nhận xét:
Một là, trong 30 năm đầu cải cách và phát triển (1980 - 2010), thành tựu được công bố GDP tăng trưởng bình quân hằng năm 9,8% là một thành tựu to lớn. Nhật Bản và “4 con rồng châu Á” (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Xin-ga-po) sau Chiến tranh thế giới thứ hai cũng đã có chu kỳ tăng trưởng kinh tế cao kéo dài nhưng không đạt tới thời gian dài 30 năm như Trung Quốc.
Hai là, chuyển sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chuyển sang xu thế sút giảm là không tránh khỏi, vì bốn lý do: Thứ nhất, những động lực tăng trưởng đã suy giảm. Thứ hai, tổng lượng kinh tế đã lớn. Thứ ba, tác động của các thể chế nhằm đạt tăng trưởng bền vững. Thứ tư, tác động của các nhân tố quốc tế. Xu thế giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã thể hiện rõ từ năm 2011 tới nay và sẽ tiếp tục thể hiện trong kế hoạch 5 năm lần thứ XIII (2016 - 2020).
Tuy tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhưng kinh tế Trung Quốc ít có khả năng đi tới “sụp đổ” như dự đoán của một số nhà bình luận quốc tế. Trong thời hạn có thể dự báo, từ nay đến khoảng năm 2020, bên cạnh những vấn đề khó khăn, kinh tế Trung Quốc có những điều kiện thuận lợi cơ bản: Một là, một nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, có nhiều dư địa để tiếp tục phát triển. Hai là, Trung Quốc có một thị trường tiêu thụ trong nước rất lớn với gần 1,4 tỷ dân. Ba là, qua hơn 35 năm Trung Quốc đã tạo được những điều kiện cần thiết để tiếp tục phát triển về thực lực kinh tế (nhất là dự trữ ngoại tệ lớn, có lúc đạt khoảng 4.000 tỷ USD), về trình độ khoa học quản lý, về nhân tố thuận lợi trong kinh tế đối ngoại (hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của 95 quốc gia trên thế giới). Do vậy, ít có khả năng kinh tế Trung Quốc “sụp đổ” trong tương lai như dự báo, nhưng những rủi ro gây chấn động cục bộ trong một số lĩnh vực kinh tế, nhất là trên lĩnh vực tài chính - tiền tệ là khó tránh khỏi./.
-----------------------------------------------
(1) Báo cáo Chính trị tại Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc
http://www.sinonet.org/news/china/2012-11-08/235417.html
(2), (3) Lý Khắc Cường: “Báo cáo công tác của Chính phủ” (trình bày trước Quốc hội Trung Quốc, ngày 05-3-2015)
http://news.ifeng.com/a/20150305/43275818.shtml
“Cơ chế điều phối liên kết vùng” - từ thực tiễn vùng đồng bằng sông Cửu Long đến Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII  (16/10/2015)
“Cơ chế điều phối liên kết vùng” - từ thực tiễn vùng đồng bằng sông Cửu Long đến Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII  (16/10/2015)
Sớm đưa Nghệ An thành một tỉnh giàu mạnh  (16/10/2015)
Đồng chí Đào Ngọc Dung tái đắc cử Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương  (15/10/2015)
Hoạt động của thành phố Tam Sa không có cơ sở pháp lý nào  (15/10/2015)
Tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền lập hội  (15/10/2015)
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay