TCCSĐT - Sau khi 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được đồng thuận về hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử, chiếm tới 40% nền kinh tế thương mại toàn cầu, giới chính trị nhiều nước đã đưa ra những đánh giá tích cực về sự kiện này.

Dư luận quốc tế hoan nghênh thỏa thuận TPP

 

TPP được đánh giá là thỏa thuận thương mại mang tầm vóc thế giới, vượt những gì mà Vòng đàm phán Doha cho tới giờ chưa đạt được. Ảnh: vinanet.vn

Sau khi 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) (gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam) đạt được đồng thuận về hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử, chiếm tới 40% nền kinh tế thương mại toàn cầu, giới chính trị nhiều nước đã đưa ra những đánh giá tích cực về sự kiện này.

Ngày 05-10, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã có bài phát biểu trấn an quan ngại của các ngành công nghiệp trong nước về những tác động ban đầu của việc tham gia TPP, đồng thời khẳng định hiệp định này mang lại lợi ích tốt nhất cho kinh tế Canada. Trong khi đó, bình luận về sự kiện này, cùng ngày Bộ trưởng Kinh tế Mexico Guajardo Villarreal cho rằng TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho nền kinh tế thứ hai Mỹ Latinh trong lĩnh vực sản xuất liên quan tới 6 thị trường châu Á - Thái Bình Dương (gồm Australia, Brunei, Malasia, New Zealand, Singapore và Việt Nam), khu vực hiện được dự báo có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong vòng 25 năm tới. Ngoại trưởng Chile Heraldo Muñoz đánh giá cao việc 12 quốc gia thành viên đã đạt được sự đồng thuận về TPP. Ngoại trưởng Muñoz cho rằng với TPP, Chile được quyền tiếp cận với thị trường của 11 quốc gia thành viên khác, trong đó có những thị trường rất lớn. Ông đánh giá TPP là thỏa thuận thương mại mang tầm vóc thế giới, vượt những gì mà Vòng đàm phán Doha cho tới giờ chưa đạt được. Theo quy định, sau khi được ký kết, Hiệp định TPP cần nhận được sự phê chuẩn của chính phủ và Quốc hội các nước thành viên để có hiệu lực.

Xuất hiện “chợ đen” bán nguyên liệu hạt nhân cho các nhóm cực đoan

 

Ảnh minh họa. Ảnh: AP/TTXVN

Phóng sự do hãng tin AP (Mỹ) thực hiện mới đây cho thấy một “chợ đen” sầm uất chuyên bán các nguyên liệu hạt nhân, chủ yếu cung cấp cho các nhóm cực đoan tại khu vực Trung Đông, đã được hình thành tại Moldova. Ước tính 4 vụ mua bán nguyên liệu hạt nhân đã bị phát hiện tại đây. Những năm gần đây, các băng nhóm tội phạm đã liên tục thực hiện nhiều thương vụ bán nguyên liệu chế tạo bom hạt nhân tại Moldova - một quốc gia nhỏ tại Đông Âu - cho “các khách hàng” ở Trung Đông. Các nhà điều tra hợp tác với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tháng 2 năm nay cũng đã phát hiện một kẻ buôn lậu chào bán chất phóng xạ cesium nồng độ cao cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại đây.

Vụ việc nghiêm trọng nhất diễn ra năm 2011, khi một đường dây tội phạm có tổ chức đã tìm cách bán urani cấp độ vũ khí cho một khách hàng từ Sudan. Trong thương vụ này, cảnh sát đã tìm thấy nhiều sơ đồ chế tạo bom “bẩn” cùng một hợp đồng mua bán vũ khí tại nhà riêng của kẻ trung gian mua bán. Tuy nhiên, sau đó những kẻ buôn lậu chỉ phải nhận án tù nhẹ và đã tiếp tục thực hiện các thương vụ phi pháp. Điều này cho thấy hoạt động buôn lậu nguyên liệu hạt nhân vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Thành lập Nhóm các nước dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu

 

Người dân và lực lượng cứu hộ dọn dẹp đống đổ nát ở thành phố Tacloban, Philippines sau trận bão tháng 11-2013. Ảnh: theguardian.com

Ngày 08-9-2015, tại Thủ đô Lima của Peru, các Bộ trưởng Tài chính của 20 nước có nguy cơ cao nhất hứng chịu hậu quả nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, từ Vương quốc Bhutan thuộc dãy Himalaya cho tới quốc đảo Tuvalu ở Thái Bình Dương (gồm Afghanistan, Bangladesh, Barbados, Bhutan, Costa Rica, Đông Timor, Ethiopia, Ghana, Kenya, Kiribati, Madagascar, Maldives, Nepal, Philippines, Rwanda, Saint Lucia, Tanzania, Tuvalu, Vanuatu và Việt Nam) đã nhóm họp đánh dấu sự ra đời của nhóm mới, với tên gọi V20.

Phiên họp đầu tiên của V20 diễn ra ngay trước thềm cuộc họp bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng tại Lima. Tại cuộc họp, các đại biểu đã nhất trí đẩy mạnh việc gây quỹ tài trợ cho các chiến dịch chống biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi hỗ trợ tài chính để bảo vệ những người nghèo trên thế giới khỏi những ảnh hưởng của tình trạng ấm lên toàn cầu. Các mục tiêu của V20 bao gồm, cải thiện việc tiếp cận nguồn tài chính quốc tế dành cho chống biến đổi khí hậu, nhằm giúp các nước đối phó với các đợt hạn hán, lũ lụt, tan bang và mực nước biển tăng cao. V20 cũng nhất trí thiết lập một cơ chế góp quỹ chung, tạo điều kiện để các nền kinh tế có thể phục hồi tốt hơn sau các thảm họa bằng cách tăng khả năng tiếp cận các loại bảo hiểm vừa túi tiền và khuyến khích các giải pháp phù hợp khác. Các bộ trưởng nhóm V20 cũng hy vọng chính phủ các nước phát triển sẽ thực hiện cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2020 để giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu.

Báo động nguy cơ hàng triệu thanh niên ở Trung Quốc tử vong sớm do hút thuốc lá

 

 Việc hút thuốc làm tăng nguy cơ tử vong sớm của thanh niên Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Theo kết quả nghiên cứu về hậu quả của việc hút thuốc lá đối với giới trẻ ở Trung Quốc, vừa được công bố trên Tạp chí y học “The Lancet” của Anh số ra ngày 08-10-2015, Trung Quốc hiện tiêu thụ hơn 1/3 lượng thuốc lá trên thế giới và số người tử vong chiếm tới 1/6 tổng số ca tử vong vì thuốc lá trên toàn cầu. Nếu số đông người hút thuốc ở Trung Quốc không từ bỏ thói quen xấu này, ước tính số người tử vong vì thuốc lá hằng năm ở nước này sẽ tăng từ khoảng 1 triệu người trong năm 2010 lên 2 triệu người vào năm 2030 và 3 triệu người sau 20 năm tiếp theo.

Ước tính bình quân cứ 3 nam thanh niên Trung Quốc thì sẽ có 1 người tử vong vì thuốc lá. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nữ giới thấp hơn do thói quen hút thuốc ở nữ giới ít hơn. Tuy nhiên, số liệu nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong do thuốc lá ở phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi từ 40 - 79 cũng đã tăng gấp đôi (từ khoảng 10%) trong những năm thập niên 90 (lên 20%) ở thời điểm hiện tại. Do đó, theo nghiên cứu trên, việc dừng thói quen hút thuốc trên diện rộng được đánh giá là một trong những chiến lược hiệu quả và tiết kiệm nhất để tránh nguy cơ bệnh tật và xu hướng chết trẻ trong những thập niên tới tại quốc gia có dân số khoảng 1,4 tỷ người này.

Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế - Ngân hàng Thế giới

 

 Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ dừng ở mức 3,1%, do sự bất ổn toàn cầu. Ảnh: reuters.com

Ngày 09-10-2015, tại Thủ đô Lima (Peru) đã diễn ra Hội nghị thường niên mùa thu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị, Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho biết tỷ lệ dân số cực nghèo trên thế giới lần đầu tiên sẽ dưới mức 15% trong năm 2015. Ông bày tỏ hy vọng tới năm 2030, thế giới không còn những đối tượng thuộc diện cực nghèo. Người đứng đầu WB cũng lưu ý rằng để xóa đói, giảm nghèo, điều kiện quan trọng là phải tìm được giải pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, qua đó giảm thiểu thiên tai. Cũng trong phiên họp toàn thể, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã có bài phát biểu về tình hình kinh tế toàn cầu, các giải pháp và cải cách của IMF. Bà nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ dừng ở mức 3,1%, thấp hơn so với mức dự đoán 3,3% đưa ra trước đó. Nguyên nhân là do sự bất ổn toàn cầu, trong đó bao gồm các điều chỉnh chính sách phát triển của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tổng Giám đốc C. Lagarde nhận định sự chuyển đổi chính sách, bao gồm việc tiến lên mô hình phát triển kiểu mới của Trung Quốc và những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ là cần thiết. Tuy nhiên chúng cũng tác động đến các quốc gia khác, thông qua hoạt động thương mại, tỷ giá hối đoái, thị trường tài sản và dòng vốn. Đề cập sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế thế giới và sự phát triển của các nền kinh tế mới nổi, bà C. Lagarde kiến nghị cần có những cải cách phù hợp./.