Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính toán của các chuyên gia cho thấy tác động của việc đồng nhân dân tệ giảm giá và biến động giá dầu thời gian qua không lớn, do đó, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 của Việt Nam vẫn có thể đạt ở mức 6,4%.

"Mặc dù, trước những biến động kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến Việt Nam, nhưng với những giải pháp, chính sách của Chính phủ vừa qua, về tổng thể chúng ta vẫn kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô. Nền kinh tế vẫn tiếp tục phục hồi và đạt nhiều kết quả tích cực," Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết.

Các chuyên gia kinh tế lý giải Việt Nam nhập khẩu lớn từ Trung Quốc với cơ cấu nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu và máy móc thiết bị. Vì vậy, việc đồng nhân dân tệ giảm giá cùng với giá xăng, dầu xuống thấp, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi khi cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là mặt hàng tiêu dùng.

Trong tháng Tám, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng đã chứng minh điều này. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Tám ước giảm 1,3% so với tháng trước, nhưng tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 9,9%, cao hơn cùng kỳ các năm trước. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Tám của cả ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Tám tăng 9,5%.

Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 8 tháng ước tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2014. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,1%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cao hơn mức tăng 7,8% của cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sức mua và tổng cầu đang có chuyển biến phục hồi khá tích cực. Sức mua hồi phục sẽ tạo động lực thúc đẩy sản xuất-kinh doanh, qua đó tác động tới tăng trưởng kinh tế.

Đối với hoạt động doanh nghiệp, trong tháng Tám, cả nước có 9.301 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 55.200 tỷ đồng. So với tháng trước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 41%, số vốn đăng ký tăng 41,9%, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng 0,7%.

Mặc dù vậy, từ nay đến cuối năm, nền kinh tế vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức như giá dầu thô, hàng hóa thế giới giảm mạnh, cùng với diễn biến phức tạp của thị trường tài chính thế giới sau khi Trung Quốc phá giá mạnh đồng nhân dân tệ.

Khu vực nông nghiệp và thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, hạn hán, mưa lũ và những khó khăn về thị trường, giá xuất khẩu giảm mạnh; sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản đạt thấp so với cùng kỳ./.