TCCSĐT - Ngày 10-8-2015, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo “Vai trò của ngôn ngữ ký hiệu trong giáo dục trẻ điếc”. Dự án được Quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản tài trợ, ủy thác thông qua WB, được tổ chức Quan tâm thế giới (World Concern) hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.

Đây là cơ hội để Ban quản lý Dự án, Ban thực hiện Dự án cùng tất cả các nhóm liên quan đến Dự án cùng đánh giá về sự phù hợp, hiệu quả, tác động và tính bền vững của Dự án, đồng thời thảo luận những khó khăn và hạn chế để từ đó đưa ra các đề xuất, khuyến nghị sau quá trình 4 năm triển khai dự án, kể từ tháng 8-2011.

Từ năm 2011 đến 2015, dự án Giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường (IDEO) đã giúp 255 trẻ em điếc ở độ tuổi mầm non được học ngôn ngữ ký hiệu tại nhà cùng với các thành viên khác trong gia đình. Dự án cũng giúp đào tạo hàng trăm hướng dẫn viên điếc, phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu và giáo viên là người nghe về phương thức giáo dục sử dụng ngôn ngữ ký hiệu.

Ước tính, Việt Nam có khoảng 15.500 trẻ em điếc dưới 6 tuổi. Phần lớn các em không được học mẫu giáo và cha mẹ các em không được hỗ trợ chuyên môn để giúp đỡ con em mình. IDEO là dự án đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ trẻ em điếc ở độ tuổi mầm non. Dự án cũng sử dụng một mô hình rất sáng tạo và hiện đại bằng cách xây dựng mô hình nhóm hỗ trợ gia đình, gồm có hướng dẫn viên là người điếc, phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu và giáo viên là người nghe, đến dạy trẻ điếc tại nhà với sự tham gia của các thành viên trong gia đình trẻ.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Toàn quốc có khoảng 15.500 trẻ dưới 6 tuổi là trẻ điếc hoặc trẻ nghe khó. Trong số đó, phần lớn trẻ không được tiếp cận với giáo dục mầm non, trong khi cha mẹ trẻ không có những hỗ trợ chuyên môn cần thiết. Dự án IDEO là dự án đầu tiên ở Việt Nam hướng đến đối tượng là trẻ điếc trước tuổi đến trường. Những thành công của Dự án đóng một vai trò quan trọng trong Chiến lược quốc gia về phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020, với mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi”.

Dự án đã xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn phục vụ cho giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường tại Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Bình và TP. Hồ Chí Minh. Kết quả đánh giá ban đầu cho thấy, việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu giúp tăng đáng kể sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức cũng như khả năng giao tiếp và kiến thức cơ bản của các trẻ điếc tham gia Dự án. Điểm về giao tiếp và kiến thức cơ bản của trẻ điếc từ 5 đến 8 tuổi trong Dự án là 7/10, so với điểm 8 của những trẻ có khả năng nghe ở lứa tuổi lên 5. Theo bà Vũ Lan Anh, chuyên gia về phát triển con người (WB): “Giai đoạn 6 năm đầu đời có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Việc hỗ trợ trẻ em điếc phát triển khả năng nhận thức một cách hoàn chỉnh trong những năm đầu đời là rất quan trọng”.

Dự án đã đào tạo được hơn 50 người điếc trưởng thành trở thành hướng dẫn viên dạy trẻ điếc; gần 200 giáo viên nghe được tập huấn ngôn ngữ ký hiệu để có thể hỗ trợ trẻ điếc hiệu quả hơn; và khoảng 50 người nghe được tập huấn để trở thành hướng dẫn viên hỗ trợ giao tiếp/phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu. Bên cạnh đó, cha mẹ trẻ điếc cũng tham gia học ngôn ngữ ký hiệu để có thể giao tiếp được với trẻ hằng ngày và đã tham gia rất tích cực vào các hoạt động của cộng đồng người điếc. Một ví dụ điển hình là tại Hà Nội, Hội cha mẹ trẻ điếc đã mở câu lạc bộ nghệ thuật để tạo môi trường cho trẻ điếc trước tuổi đến trường được học vẽ và kỹ năng mềm miễn phí.

Bà Lê Thị Kim Cúc, Quản lý dự án IDEO, Tổ chức Quan tâm thế giới, tại Việt Nam phát biểu: “Mô hình này gắn kết người điếc trưởng thành, trẻ điếc và gia đình của trẻ. Qua cách tiếp cận thân thiện với người học, lấy gia đình làm trung tâm, Dự án sẽ giúp trẻ điếc phát triển tiềm năng một cách tốt nhất”.

Theo các chuyên gia, tác động tích cực do IDEO mang lại hy vọng sẽ được Chính phủ Việt Nam kết hợp với những sáng kiến của chương trình vào chiến lược giáo dục cho trẻ điếc ở Việt Nam. Những tiến bộ trong việc học tập của trẻ điếc, sự hài lòng từ phía gia đình và nhu cầu về giáo dục mầm non của cha mẹ trẻ điếc sẽ thuyết phục Chính phủ đầu tư vào nguồn nhân lực giáo dục trẻ điếc của Dự án, giúp các trường mầm non và trung tâm duy trì hoạt động và tiếp tục phát triển những kết quả đã đạt được./.