Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7-2015

Tin, ảnh: Đoàn Hiền
22:08, ngày 01-08-2015
TCCSĐT - Ngày 31-7-2015, Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên.

Trong khuôn khổ buổi họp báo, Chính phủ đã cung cấp một số thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7-2015 và 7 tháng đầu năm 2015 cơ bản như sau:

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội qua báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến các thành viên Chính phủ và nhiều báo cáo gửi kèm theo để các thành viên Chính phủ nghiên cứu, Thường trực Chính phủ kết luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tín hiệu đáng chú ý nhất là sản xuất công nghiệp vẫn trên đà phát triển; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 10%, góp phần đáng kể cho tăng trưởng. Một số chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, giá tiêu dùng có thấp so với nhiều năm nhưng đánh giá về sức mua tổng cầu tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, xuất hiện nhiều vấn đề cần phải chú ý. Trước hết, chúng ta hết sức chia sẻ nỗi đau với đồng bào Quảng Ninh đang phải gánh chịu từ trận lũ lịch sử do biến động khí hậu. Theo đánh giá của các chuyên gia, 50 năm nay mới có một cơn lũ như thế. Thường trực Chính phủ đã có 2 công điện và trực tiếp chỉ đạo qua nhiều kênh thông tin khác đối với các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão và cứu nạn. Hiện nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Thủ tướng phân công đang trực tiếp đến Quảng Ninh chỉ đạo khắc phục hậu quả của cơn lũ. Chính phủ chia buồn với gia đình có người thân bị chết, mất tích và những gia đình bị thiệt hại.

Sản xuất nông nghiệp vẫn gặp khó khăn. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay nhiều hộ nông dân đang cố gắng khắc phục những khó khăn và tiếp tục sản xuất, kinh doanh để vực dậy tình hình. Một vấn đề nữa là xuất khẩu có tăng so với cùng kỳ nhưng nhập khẩu vẫn ở mức cao, nhập siêu 3,3 tỉ USD. Du lịch đã tăng trở lại sau 2 tháng giảm nhưng cũng cần nhiều nỗ lực hơn nữa.

Những tháng còn lại của năm, từng bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, tình hình và những giải pháp để có những biện pháp phù hợp thực hiện 9 giải pháp đầu năm đã đề ra. Đồng thời phải có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa để vượt qua những khó khăn trên từng lĩnh vực, cố gắng đạt và vượt chỉ tiêu.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương thực hiện triệt để dự toán chi ngân sách đã đề ra, khi thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng (về tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2015) nhằm bảo đảm thực hiện tốt dự toán ngân sách đã đề ra trong năm 2015.

Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế vĩ mô đang tiếp tục xu hướng tích cực; lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Công nghiệp trong tháng 7 phát triển khá; xuất, nhập khẩu duy trì tăng trưởng, giữ được xuất siêu 1,26 tỷ USD, thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng về xuất khẩu. Thu ngân sách đạt kết quả tốt, vượt xa so với cùng kỳ. Văn hóa - xã hội tăng cường hoạt động, trong tháng 7 có nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) để đền ơn đáp nghĩa, tri ân những người có công; các ngành, đoàn thể tập trung vận động nhân dân thể hiện tinh thần uống nước, nhớ nguồn. An ninh, quốc phòng, ngoại giao được giữ vững.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, nếu duy trì tăng trưởng với đà này thì chưa vượt qua được sự trì trệ của nền kinh tế. Nếu không có đột phá nào mới sẽ rất khó khăn để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5,8%, biểu hiện là tổng cầu chưa có chuyển biến đáng kể, CPI tăng thấp. Hiện nay, một số lĩnh vực cạn vốn, nhất là vốn đối ứng ODA, một số dự án đang chờ vốn đối ứng, trong khi nguồn tiền đang đọng lại trong kho bạc chưa giải ngân.

Trong tháng 8-2015, Chính phủ sẽ công bố chỉ số cải cách hành chính, tiến tới công bố chỉ số hài lòng trên một số lĩnh vực phục vụ nhân dân. Trên tinh thần đó, chúng ta tiếp tục theo dõi, giám sát để cá nhân đều có trách nhiệm đều phải làm tròn nhiệm vụ, nếu không sẽ có quy định nhận xét, đánh giá và có chế tài xử lý, mà trước mắt tập trung vào lĩnh vực thuế, hải quan, để tạo chuyển biến mới./.