Để xứng đáng là biên tập viên Tạp chí Cộng sản
TCCSĐT - Để Tạp chí Cộng sản hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, bên cạnh vai trò quan trọng của đội ngũ cộng tác viên, thì phải dựa trên những cố gắng âm thầm của đội ngũ biên tập viên - những người đứng đằng sau, làm những công việc hậu trường không thể thiếu. Vì thế, Tạp chí cần có những biện pháp cần thiết để có được đội ngũ biên tập viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Nắm chắc các khái niệm cơ bản là yêu cầu quan trọng với biên tập viên Tạp chí Cộng sản
Từ năm 1992, Tạp chí Cộng sản đã mở chuyên mục Tìm hiểu khái niệm, nhằm tìm hiểu, xây dựng các khái niệm cần thiết, có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình; góp phần cùng toàn Đảng tích cực hiện thực hóa Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991). Thông qua đó, Tạp chí góp phần phục vụ việc xây dựng, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chính sách, pháp luật phục vụ công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Trong quá trình làm việc, sử dụng các khái niệm cơ bản là tất yếu đối với nhiệm vụ chính trị của đội ngũ biên tập viên Tạp chí. Bên cạnh đó, việc tìm tòi, nghiên cứu của đội ngũ này cũng dựa trên hệ thống các khái niệm. Vì vậy, nắm chắc các khái niệm cơ bản là yêu cầu nghiêm ngặt với các biên tập viên của Tạp chí Cộng sản khi thực hiện nhiệm vụ. Thông qua việc nắm chắc các khái niệm, việc biên tập, tổ chức bài viết, quan hệ với cộng tác viên… sẽ bảo đảm tính khoa học, có hệ thống và thống nhất với các sản phẩm trên mọi ấn phẩm của Tạp chí.
Tuy nhiên, Tạp chí Cộng sản là cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng, do đó trong khi thực hiện nhiệm vụ, những khái niệm, quan điểm, nhận định, đánh giá sử dụng trong bài viết phải được kiểm chứng về mặt khoa học, có sự thống nhất trong đánh giá về khía cạnh chính trị của vấn đề. Vì vậy, nếu xuất hiện những khái niệm, quan điểm, nhận định, đánh giá được đưa ra một cách vội vàng, mang tính chủ quan, hoặc sai thời điểm, sẽ gây ra những ảnh hưởng trên nhiều mặt. Điều này có thể xảy ra là do nhiều nguyên nhân. Như, chuyên ngành đào tạo của biên tập viên không đáp ứng trực tiếp yêu cầu công việc; biên tập viên chưa kịp thời được đào tạo bổ sung những chuyên ngành cần thiết; trong quá trình làm việc, biên tập viên chưa tìm hiểu kỹ về các khoa học cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; chưa cân nhắc kỹ khi biên tập… Tóm lại, từ phía biên tập viên có hai nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Để tránh những vấp váp trên, từ phía biên tập viên, đầu tiên cần phải nắm vững những khái niệm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, của các khoa học chuyên ngành được sử dụng trong công tác biên tập trên các ấn phẩm của Tạp chí. Các khái niệm này có thể tìm thấy trong các cuốn giáo trình, trong các từ điển chuyên ngành. Một nguồn mà đội ngũ biên tập viên cần phải khai thác kỹ, đó chính là văn kiện các kỳ đại hội đảng, các văn kiện hội nghị... Các tài liệu này bao hàm những định hướng lớn, chứa đựng các khái niệm, định nghĩa, đánh giá, số liệu về mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, quan hệ quốc tế…
Tiếp đến, nên theo dõi sát các sự kiện, hoạt động khoa học có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mà mỗi biên tập viên được phân công. Qua đó, có thể trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, đồng thời nắm được vấn đề đó đang được nghiên cứu đến đâu, thống nhất ở điểm nào… từ đó tránh được những sai sót về mặt khoa học cũng như chính trị.
Từ lĩnh vực được phân công theo dõi, cần mở rộng kiến thức bản thân
Có một thực tế là, mỗi biên tập viên các ban đều được giao theo dõi từ hai lĩnh vực trở lên. Điều đó đòi hỏi họ phải có một khối lượng kiến thức chuyên ngành, liên ngành tương đối rộng mới có thể đảm nhận lĩnh vực của mình. Nhìn chung, đội ngũ biên tập viên đều có ý thức trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể thực hiện nhiệm vụ biên tập, và đều cơ bản đáp ứng nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, người biên tập viên Tạp chí Cộng sản không chỉ làm công tác tổ chức bài, biên tập bài, mà còn phải trực tiếp viết bài, do đó khối kiến thức cần đáp ứng là không hề nhỏ. Có thể nói, đa phần các bài do đội ngũ biên tập viên Tạp chí viết đều thuộc loại phản ánh thực tiễn chính trị, xã hội… Chất lượng các bài đều đạt yêu cầu nêu được vấn đề, cách thể hiện sáng sủa, văn phong mạch lạc… Nhưng loại bài nghiên cứu về những vấn đề chính trị, xã hội cụ thể, dựa trên nền tảng các khoa học cơ bản, hiện nay số lượng còn rất hạn chế.
Nếu chỉ với yêu cầu tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như thực tiễn cách mạng đất nước, thì năng lực hiện tại của đội ngũ biên tập viên Tạp chí có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, so với yêu cầu tham gia nghiên cứu khoa học trên cơ sở tổng kết thực tiễn, thì còn cần cố gắng rất nhiều. Đồng thời, cũng vì thế mà Tạp chí còn ít những cây bút làm nên “thương hiệu”, những bài viết sắc sảo, kịp thời, qua đó góp phần tạo cho Tạp chí có chỗ đứng ngày càng vững chắc hơn trong lòng bạn đọc.
Nguyên nhân của thực trạng này có nhiều. Trước hết, không ít biên tập viên còn chưa thật sự hăng say trong việc nghiên cứu nâng cao ở các lĩnh vực; do số lượng biên tập viên một số ban còn mỏng, phải đáp ứng yêu cầu tổ chức bài cho từng số nên thời gian tự nghiên cứu cũng bị hạn chế; bên cạnh đó, cần nâng cao và cụ thể hóa vai trò của lãnh đạo các cấp của Tạp chí trong việc chủ động đào tạo, xây dựng đội ngũ biên tập viên có trình độ chuyên sâu có khả năng biên tập và trực tiếp viết bài có chất lượng. Hiện nay, công tác đào tạo chủ yếu tập trung vào việc xây dựng đội ngũ biên tập viên có trình độ trên đại học, được trang bị kiến thức về lý luận chính trị. Điều đó là đúng, nhưng chưa đủ cho mục tiêu xây dựng cây bút vững vàng, nổi bật. Vì, việc đào tạo, xây dựng được một cây bút bên cạnh năng lực và tố chất cá nhân của đối tượng; bên cạnh những kiến thức chung có thể có được từ các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng; các cây bút phải được rèn luyện lâu dài, kỹ càng, chuyên sâu, có thời gian công tác ổn định ở một ban chuyên môn… Có thể hình dung, cây bút nổi bật của Tạp chí vừa cần có tố chất của nhà báo: sắc sảo trong phát hiện vấn đề, thể hiện vấn đề một cách hấp dẫn; vừa có khả năng khái quát, lập luận thuyết phục của nhà khoa học, nhà lý luận. Vì vậy, đây là công việc không hề đơn giản, không thể hoàn thành trong thời gian ngắn. Nó đòi hỏi cần có mục tiêu, lộ trình, biện pháp cụ thể cùng với quyết tâm liên tục của đội ngũ lãnh đạo Tạp chí.
Một đồng chí lãnh đạo của Tạp chí nói rằng: không phải khi nào cũng nâng vấn đề lên thành lý luận, nhưng nếu chỉ phản ánh thực tiễn giản đơn thì Tạp chí không hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ. Có thể hiểu, bài viết trên Tạp chí phải xuất phát từ thực tiễn và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời cách thể hiện cần khúc triết, chặt chẽ, lập luận thể hiện rõ mục đích bài viết muốn truyền đạt tới bạn đọc. Muốn vậy, bên cạnh kiến thức chuyên môn được đào tạo kỹ lưỡng, biên tập viên Tạp chí cần không ngừng học hỏi, rèn luyện trong thực tế công việc, từ đó nâng dần mình lên, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của bạn đọc.
Về công tác sử dụng, bồi dưỡng đội ngũ biên tập viên và tính chủ động của biên tập viên
Hiện nay, Tạp chí có số lượng các ấn phẩm tương đối phong phú, đa dạng. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi để đăng tải các sản phẩm của đội ngũ biên tập viên. Biên tập viên được rèn giũa nhiều hơn qua công việc thực tế, thuận lợi trong việc tìm hướng đi phù hợp với tố chất và năng lực của mình, có điều kiện hơn để khẳng định mình trong công việc. Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ra một số vấn đề cần quan tâm. Đó là, nhiều khi biên tập viên được giao nhiệm vụ với yêu cầu có thể vượt quá khả năng của bản thân (do khối lượng công việc, do yêu cầu công việc mỗi thời điểm). Nếu người lãnh đạo trực tiếp không kịp thời phát hiện vấn đề để điều chỉnh, khi đó dễ dẫn đến những vấp váp trong công việc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như tương lai nghề nghiệp của biên tập viên.
Từ thực tế bản thân, tôi cho rằng bước đầu biên tập viên (nhất là đối với các biên tập viên trẻ, có thời gian công tác chưa dài) chỉ nên đảm nhận nhiệm vụ gần với chuyên ngành được đào tạo, để tạo điều kiện cho họ từng bước tích lũy kiến thức và kinh nghiệm làm việc cần thiết. Các cấp lãnh đạo cần có sự quan tâm, tạo điều kiện cần thiết giúp họ dần trưởng thành để có thể đảm nhiệm vững vàng lĩnh vực chuyên môn. Có như vậy, đội ngũ biên tập viên mới ngày càng trưởng thành.
Điều này đòi hỏi trách nhiệm của Ban Biên tập, Đảng ủy Tạp chí trong việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ biên tập viên; cũng như công tác quản lý của mỗi ban chuyên môn đối với nhân sự của mình.
Từ phía mỗi biên tập viên, nên đảm nhiệm công việc phù hợp năng lực của mình. Điều này rất thuận lợi cho bản thân biên tập viên, đồng thời cũng tránh gây ra những sai sót không đáng có cho Tạp chí. Bên cạnh việc tích lũy kinh nghiệm và kiến thức từ công việc đảm nhiệm, còn một hoạt động khác giúp đội ngũ biên tập viên nhanh chóng nâng cao trình độ, bắt kịp yêu cầu công việc. Đó là, tham gia đầy đủ các hội thảo khoa học và tự nghiên cứu khoa học để có được cái nhìn toàn diện hơn về từng vấn đề, qua đó tích lũy được kiến thức cần thiết về nhiều lĩnh vực để phục vụ công việc bản thân.
Về sự xuất hiện của một số ấn phẩm, về việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo cốt cán
Trước yêu cầu của công tác tuyên truyền trong tình hình mới, mà đến nay Tạp chí có thêm một số ấn phẩm. Điều này đã làm tăng thêm cơ hội để Tạp chí mở rộng đội ngũ bạn đọc; mở rộng đội ngũ cộng tác viên; gắn bó khăng khít với tổ chức đảng, hệ thống chính trị ở các địa phương, bộ, ban, ngành…, qua đó Tạp chí hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Cũng vì vậy, đội ngũ biên tập viên được rèn luyện nghề trong thực tế công việc, với việc có thêm cơ hội thử sức ở những ấn phẩm phù hợp với điều kiện bản thân. Nên có thể nói, các ấn phẩm mới tiếp thêm sức sống để Tạp chí hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Một vấn đề theo tôi là rất quan trọng đối với hiệu quả hoàn thành công việc của Tạp chí nói chung, của đội ngũ biên tập viên nói riêng, đó là xây dựng được đội ngũ lãnh đạo của các ban chuyên môn. Bởi, đây là đội ngũ góp phần quyết định vào chất lượng của các sản phẩm xuất hiện trên Tạp chí. Đội ngũ lãnh đạo các ban chuyên môn cần đáp ứng những yêu cầu về tri thức chính trị, tri thức khoa học chuyên ngành một cách nghiêm túc. Có nghĩa là, lãnh đạo ban chuyên môn nào phải có kiến thức chuyên ngành tương ứng, hoặc gần gũi với lĩnh vực đó. Nếu làm tốt được những điều này, cùng với tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm hiện nay, tin chắc rằng Tạp chí sẽ có một đội ngũ lãnh đạo vững vàng cho các ban chuyên môn - xương sống của Tạp chí.
Về quan hệ với cộng tác viên, với các cơ quan, đơn vị có liên quan
Tạp chí là một ban của Đảng, nhưng lại không có cơ quan ngành dọc ở các địa phương, đây là đặc thù cơ bản dẫn đến những khó khăn nhất định cho đội ngũ cán bộ, biên tập viên của Tạp chí khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Là cơ quan lý luận, chính trị của Trung ương Đảng, nhiệm vụ của Tạp chí đòi hỏi cao, phạm vi công việc rất rộng, do đó để hoàn thành nhiệm vụ không thể thiếu sự phối hợp khăng khít, hiệu quả của các bộ, ban, ngành, các địa phương. Hiện nay, thông qua nhiều hoạt động, quan hệ giữa Tạp chí và các địa phương, đơn vị nhìn chung đều tốt. Tuy nhiên, còn đôi lúc trong công việc, một số thông tin, nhận định, đánh giá cần thiết cho hoạt động tác nghiệp của đội ngũ biên tập viên Tạp chí (phải có được thông qua sự phối hợp của các đối tác) chưa được như mong muốn. Đây cũng là khó khăn mà cá nhân biên tập viên không giải quyết được.
Với đội ngũ cộng tác viên, phải nói rằng, xây dựng được một cộng tác viên đáp ứng được tất cả những yêu cầu như, bài bảo đảm về tiến độ, chất lượng nội dung, gắn với yêu cầu tuyên truyền trong từng thời điểm… là rất khó. Trong khi đó, những bài có chất lượng, chuyên sâu trên các lĩnh vực phần nhiều do các cộng tác viên thực hiện. Do đó, xây dựng và duy trì đội ngũ cộng tác viên chiến lược trên các lĩnh vực của Tạp chí là yêu cầu sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của Tạp chí. Thời gian qua, Tạp chí đã có những biện pháp nhằm xây dựng và duy trì đội ngũ này, như tập hợp nhóm theo lĩnh vực; tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi; bước đầu nâng một phần mức nhuận bút theo chất lượng bài… Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm hơn nữa để thắt chặt quan hệ giữa Tạp chí với đội ngũ này, đó là: sớm sử dụng các bài viết của đội ngũ này trong các ấn phẩm phù hợp của Tạp chí; nhuận bút của Tạp chí cũng nên có sự phân biệt nhất định, đôi khi mang tính đặc thù đối với từng tác giả, áp dụng cho một số bài viết có chất lượng cao (thưởng thêm ngoài nhuận bút cho những tác giả có bài hay)./.
Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tuyên giáo  (30/07/2015)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đại sứ Bỉ đến chào từ biệt  (29/07/2015)
Anh sẽ duy trì hỗ trợ cho Việt Nam qua các tổ chức quốc tế  (29/07/2015)
Toàn văn Tuyên bố chung hai nước Việt Nam và Vương quốc Anh  (29/07/2015)
Việt Nam - Anh quan ngại về thay đổi hiện trạng ở Biển Đông  (29/07/2015)
Tiếp tục tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc  (29/07/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên