Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp
Trẻ em không chỉ là lực lượng đông đảo của hiện tại mà là nguồn nhân lực của tương lai. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hôm nay chính là tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tố tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai. Đó không chỉ là nhiệm vụ của riêng các cấp, các ngành nào, mà chính là nhiệm vụ của toàn xã hội. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và các địa phương xem là chính sách ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước.
Hiện nay, cả nước có hơn 26 triệu trẻ em, trong đó có khoảng 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gần 2,5 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặt biệt. Các chỉ số cơ bản về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em liên quan đến vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, văn hóa, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bảo vệ trẻ em được quan tâm thực hiện. Việc hoàn thành và thực hiện tốt các chỉ số cơ bản này là cơ sở để đánh giá hiệu quả của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Những năm qua, bên cạnh thành quả đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và cần có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn này. Những thành quả, hạn chế cũng như việc đưa ra các giải pháp được tập trung chủ yếu ở một số nội dung như hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường truyền thông, giáo dục, vận động xã hội; vận động nguồn lực dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về trẻ em; thực hiện phối hợp liên ngành trong thực hiện quyền trẻ em và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng, kiện toàn hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Một số văn bản chính sách quan trọng đã được ban hành như Hiến pháp năm 2013 (Khoản 1 Điều 37 quy định “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”); Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05-11-2012, của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”; các chương trình, chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt như Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020; Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015; Kế hoạch triển khai thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc; Chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2013 - 2015; Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020. Đặc biệt là việc nghiên cứu, xây dựng sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 và các chương trình liên quan đến trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp, chính sách về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện nay còn chưa tập trung, thiếu đồng bộ. Cơ chế, chính sách trợ giúp trẻ em vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, trong đó mới chú ý đến trợ giúp, hòa nhập mà chưa chú trọng việc phòng ngừa, can thiệp và phát triển.
Bên cạnh hệ thống thể chế, pháp luật đang ngày càng được hoàn thiện, các hoạt động truyền thông, giáo dục và vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực về cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, đồng thời mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ và phúc lợi xã hội dành cho trẻ em. Hằng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức triển khai các chiến dịch truyền thông, phát động phong trào để thúc đẩy xã hội thực hiện bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Tháng hành động vì trẻ em được phát động từ Trung ương đến địa phương; Diễn đàn trẻ em các cấp được tổ chức hằng năm; Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 duy trì hoạt động 24/7 và tiếp nhận trên 300.000 cuộc gọi mỗi năm. Chương trình truyền hình Vì trẻ em, An sinh xã hội, các phóng sự ngắn liên quan đến trẻ em được tổ chức sản xuất và phát sóng trên kênh VTV1, VTV2. Trung bình mỗi năm có hơn 60.000 điểm tổ chức Tết trung thu cho trẻ em trên cả nước với gần 10 triệu trẻ em tham gia. Tuy nhiên, hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức.
Một nội dung quan trọng, nhân tố góp phần quyết định hiệu quả của hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em là yếu tố nguồn lực (gồm nguồn lực tài chính và con người). Thời gian qua, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm bố trí kinh phí thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tuy nhiên nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp này vẫn còn chưa đáp ứng được các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Bộ máy, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang từng bước được kiện toàn. Tính đến năm 2014, tổng số cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp tỉnh là 351 người, số cán bộ kiêm nhiệm hoặc trực tiếp làm công tác này ở cấp huyện là 1.117 người, cấp xã có 11.708 cán bộ (kiêm nhiệm là 10.598 người, chuyên trách là 1.110 người). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở cấp huyện; chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ và cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở còn rất eo hẹp và mới chỉ có 16/63 tỉnh, thành phố (25%) bố trí nguồn ngân sách địa phương để chi trả thù lao cho đội ngũ cộng tác viên thôn, bản với mức thù lao từ 50.000đ - 830.000đ/tháng.
Để công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đạt hiệu quả thì hoạt động kiểm tra, giám sát, cơ sở dữ liệu về trẻ em cũng là một yếu tố quan trọng. Hằng năm, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan đã tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra liên ngành về tình hình thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại trung ương và địa phương. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang từng bước được nghiên cứu, xây dựng và đưa vào vận hành như Cổng thông tin tích hợp điện tử về trẻ em; Bộ chỉ số xếp hạng địa phương về thực hiện quyền trẻ em, Bộ chỉ số về bảo vệ trẻ em; Phần mềm quản lý trẻ em,... Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu về trẻ em chưa đồng bộ và độ tin cậy chưa cao vì chủ yếu sử dụng từ nguồn báo cáo hành chính.
Công tác phối hợp liên ngành trong việc thực hiện quyền trẻ em đã được các bộ, ngành quan tâm ủng hộ với những hình thức, nội dung đa dạng, phong phú và cam kết mạnh mẽ hơn, từng bước đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể có liên quan tổ chức nhiều hoạt động phối hợp liên ngành trong việc thực hiện quyền trẻ em, như phối hợp liên ngành trong việc xây dựng luật pháp, chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch hành động; phối hợp liên ngành trong việc tổ chức các hoạt động thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em; phối hợp liên ngành trong việc kiểm tra, theo dõi, đánh giá về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em... Tuy nhiên, công tác phối hợp liên ngành trong việc thực hiện quyền trẻ em vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như trách nhiệm phối hợp liên ngành chưa đầy đủ; phối hợp trong tổ chức các hoạt động đôi khi vẫn còn bị động; hoạt động phối hợp cụ thể vẫn còn mang tính hình thức; năng lực cán bộ tham gia phối hợp còn hạn chế và điều kiện để tham gia phối hợp chưa đầy đủ.
Để huy động nguồn lực trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, dự án trợ giúp, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong những năm qua, Việt Nam đã tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNICEF, ILO, WHO, Save the Children, Plan, World Vision, ChildFund,...; đồng thời cũng tích cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến trẻ em. Trong khuôn khổ Sáng kiến phối hợp cấp Bộ trưởng về phòng, chống mua bán người tiểu vùng sông Mê Kông (COMMIT), Việt Nam đã phê chuẩn Chương trình hành động phòng, chống mua bán người giai đoạn 2011 - 2015. Đặc biệt, trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam rất năng động trong hoạt động của Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) nhằm góp phần tăng cường thực hiện các văn kiện quốc tế và khu vực liên quan đến các quyền của phụ nữ và trẻ em, đồng thời tập trung vào việc kết nối giữa Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc và ACWC để thực hiện hiệu quả hơn những kết luận, khuyến nghị của các Ủy ban này ở cấp quốc gia và khu vực.
Tác động kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, sự phân hóa giàu nghèo, thất nghiệp, sức ép của kinh tế thị trường đến việc làm, thu nhập bảo đảm đời sống của nhiều gia đình, tình trạng nghèo đói, đô thị hóa với tốc độ cao,… làm cho môi trường sống hiện tại tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các vụ xâm hại trẻ em, trẻ em bị bỏ rơi, mua bán trẻ em, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm,… Trong thời gian tới, chúng ta cần có những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em để đạt mục tiêu đề ra, cụ thể:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em nhằm tạo môi trường luật pháp đầy đủ, thân thiện với trẻ em và tạo môi trường xã hội phù hợp với trẻ em; cụ thể là trình Chính phủ, Quốc hội xem xét dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), trong đó có quy định việc hình thành, củng cố hoạt động của hệ thống bảo vệ trẻ em ở ba cấp độ phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; xây dựng, hoàn thiện và vận hành có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về trẻ em; thực hiện đầy đủ công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, chính sách cho giai đoạn 2016 - 2020, như Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em; Chương trình xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Chương trình phòng, chống bạo lực đối với trẻ em; Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng; Chính sách trợ giúp trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt.
Ba là, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Phân cấp rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện, bảo đảm điều kiện cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương. Tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp; từng bước chuyên nghiệp hóa mạng lưới tổ chức và đội ngũ cán bộ công tác xã hội làm việc với trẻ em; mở rộng mạng lưới cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cấp thôn, bản.
Bốn là, cần tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em như tổ chức các chiến dịch truyền thông; xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên các báo, đài; nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm truyền thông mẫu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; nâng cao năng lực truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho lực lượng truyền thông đại chúng.
Năm là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tại các địa phương tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện quyền trẻ em giữa các ngành, các cấp; đặc biệt là việc nghiên cứu, xây dựng và thành lập tổ chức phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em. Thúc đẩy thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Sáu là, cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc huy động nguồn lực xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, dự án trợ giúp, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền tham gia của trẻ em; hỗ trợ kỹ thuật, kiến thức và kinh nghiệm cho công tác xây dựng, sửa đổi và hoàn thiện chính sách, hướng dẫn thực hiện cũng như xây dựng kế hoạch, giám sát, đánh giá thực hiện mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em./.
Đại hội Đảng bộ cơ quan Tổng cục Chính trị lần thứ XVIII  (21/07/2015)
Bộ Công an tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng  (21/07/2015)
Việt Nam tích cực thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN  (21/07/2015)
Tăng cường hợp tác giữa Busan với các địa phương của Việt Nam  (21/07/2015)
Năm APEC 2017: Cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế của Việt Nam  (21/07/2015)
Ủy ban Quốc gia APEC 2017 ra mắt và họp phiên toàn thể đầu tiên  (21/07/2015)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên