TCCSĐT - Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội nước ta vẫn tiếp tục ổn định và đạt được một số kết quả khá: Sản xuất trong nước có nhiều cải thiện, tăng trưởng theo xu hướng tích cực, các cân đối vĩ mô giữ ổn định.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2015 ước tính tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó quý I tăng 6,08%; quý II tăng 6,44%. Đây là mức tăng cao nhất so với các năm gần đây (năm 2013: 4,9%, năm 2014: 5,22%). Trong mức tăng 6,28% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,36%, đóng góp 0,42 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,09%, đóng góp 2,98 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,90%, đóng góp 2,22 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành lâm nghiệp đạt mức tăng cao nhất với 8,07% so với cùng kỳ năm 2014, đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành nông nghiệp tăng thấp ở mức 1,90%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,30%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm.

Công nghiệp tăng 9,53% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ của một số năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao với 9,95%, góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung (đóng góp 1,57 điểm phần trăm). Ngành xây dựng tăng 6,60%, cao hơn mức tăng 6,11% của cùng kỳ năm 2014.

Trong khu vực dịch vụ, bán buôn và bán lẻ tăng 8,35% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 2,90%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,85%; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 2,72%, cao hơn mức tăng 2,51% của cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,73%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,45%; khu vực dịch vụ chiếm 39,61%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,21%.

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 45.406 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 282,4 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% về số doanh nghiệp và tăng 22,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 10.988 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 308,8 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2015 là 591,2 tỷ đồng. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 8.507 doanh nghiệp, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm là 4.708 doanh nghiệp, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 27.051 doanh nghiệp, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm nay có sự cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm trước, thể hiện sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và tính hiệu quả của các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.572,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2014, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 8,3%, cao hơn mức tăng cùng kỳ của một số năm gần đây.

Khách quốc tế đến Việt Nam ước tính 3,8 triệu lượt người, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 9,1%; đường bộ giảm 19,7%; đường biển giảm 26,5%. Khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực (năm 2014, Malaixia đón 27,4 triệu lượt; Thái Lan 24,8 triệu lượt; Singapore 15,1 triệu lượt; In-đô-nê-xia 9,4 triệu lượt trong khi Việt Nam là 7,8 triệu lượt). Nguyên nhân chủ yếu do Việt Nam chưa thu hút được nhiều khách đến cho cả mục tiêu du lịch, tham quan và mục tiêu công việc trong khi các nước có sự phát triển đồng đều cho các mục tiêu này. Mặt khác, công tác quản lý các hoạt động có liên quan đến du lịch ở trong nước chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, ngành chức năng.

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là những mục tiêu ưu tiên được Quốc hội đề ra và được thực hiện khá tốt trong 6 tháng đầu năm, thể hiện qua một số chỉ tiêu chủ yếu như:

Về tiền tệ, tín dụng, tính đến thời điểm 19-6-2015, tăng trưởng tín dụng đạt 6,28% so với tháng 12 năm trước, có nhiều cải thiện so với mức tăng 2,03% của cùng thời điểm năm 2014. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục được cải thiện, đảm bảo khả năng thanh toán và chi trả của hệ thống. Tỷ giá ngoại tệ tăng hết biên độ cho phép 2% của năm 2015.

Về đầu tư phát triển, nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhiều biện pháp hiệu quả được thực hiện nhằm đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình đã góp phần thúc đẩy thu hút và giải ngân dòng vốn trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng theo giá hiện hành ước tính đạt 553,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31,1% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 214 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,7% tổng vốn và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước; vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 202,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,6% và tăng 11,4%; vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 137 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,7% và tăng 9,9%.

Về đầu tư trực tiếp của nước ngoài, đến thời điểm 20-6-2015 có 757 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3.839,2 triệu USD, tăng 15,4% về số dự án và giảm 21% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời có 281 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 1.654,2 triệu USD. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 5.493,4 triệu USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 6,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Về thu, chi ngân sách nhà nước, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15-6-2015 ước tính đạt 406,2 nghìn tỷ đồng, bằng 44,6% dự toán năm, trong đó thu nội địa 298,8 nghìn tỷ đồng, bằng 46,8%; thu từ dầu thô 32,6 nghìn tỷ đồng, bằng 35%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 73,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9%. Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15-6-2015 ước tính đạt 501,2 nghìn tỷ đồng, bằng 43,7% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển là 80,8 nghìn tỷ đồng, bằng 41,4% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 78,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể là 345,3 nghìn tỷ đồng, bằng 45%; chi trả nợ và viện trợ 71 nghìn tỷ đồng, bằng 47,4%.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 77,7 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 15,4% của 6 tháng năm 2014. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng ước tính đạt 80,7 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Mức giảm mạnh thể hiện ở một số mặt hàng như: dầu thô giảm 47,6%; cao su giảm 22,4%; gạo giảm 4,7%; sắn và các sản phẩm sắn giảm 5,3%... Trong tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng, khu vực kinh tế trong nước đạt 22,8 tỷ USD, giảm 2,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 54,9 tỷ USD, tăng 15,3%, thấp hơn mức tăng 16,1% của cùng kỳ năm 2014 và chiếm 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, mức cao nhất từ trước đến nay. Mức tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp 10,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong khi khu vực kinh tế trong nước làm giảm 1 điểm phần trăm của mức tăng chung.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 81,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng 10,5% của cùng kỳ năm 2014, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 32,7 tỷ USD, tăng 7,7%, thấp hơn mức tăng 10,6% của 6 tháng năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 48,8 tỷ USD, tăng 25,5%, cao hơn nhiều mức tăng 10,4% của cùng kỳ năm 2014. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước tính đạt 84,6 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm nay nhập siêu ước tính 3,7 tỷ USD, bằng 4,8% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, chủ yếu do nhập siêu của khu vực đầu tư trong nước 9,8 tỷ USD, tăng 44% (3 tỷ USD) so với mức 6,8 tỷ USD của cùng kỳ năm 2014. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất siêu với 6,1 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6-2015 tăng 0,55% so với tháng 12-2014 và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng trong 6 tháng đầu năm nay, CPI chỉ tăng 0,1%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Một số vấn đề xã hội

Về lao động, việc làm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước đến thời điểm 01-7-2015 ước tính là 53,86 triệu người, tăng 147 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2014, bao gồm lao động nam 27,75 triệu người, chiếm 51,53%; lao động nữ 26,11 triệu người, chiếm 48,47%. Xét theo khu vực, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 16,81 triệu người, chiếm 31,2%; khu vực nông thôn là 37,05 triệu người, chiếm 68,8%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm nay ước tính là 2,44%, trong đó khu vực thành thị là 3,35%; khu vực nông thôn là 2,00%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) 6 tháng đầu năm ước tính là 6,71%, trong đó khu vực thành thị là 11,04%; khu vực nông thôn là 5,15%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động từ 25 tuổi trở lên trong 6 tháng đầu năm là 1,38%, trong đó khu vực thành thị là 1,89%; khu vực nông thôn là 1,13%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2015 ước tính là 2,52%, trong đó khu vực thành thị là 1,29%; khu vực nông thôn là 3,11%.

Để đảm bảo đời sống dân cư và an sinh xã hội, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 6 tháng đầu năm là 3.268 tỷ đồng, bao gồm: 2.179 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 765 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 324 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, đã có hơn 5,9 triệu bảo hiểm y tế được cấp phát miễn phí cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.

Tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 tính theo chuẩn nghèo của Chính phủ giai đoạn 2015-2020 là 8,4%, giảm 1,4 điểm phần trăm so với năm 2013, trong đó tỷ lệ hộ nghèo khu vực thành thị là 3%, giảm 0,7 điểm phần trăm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn là 10,8%, giảm 1,9 điểm phần trăm.

Giáo dục và đào tạo tiếp tục có nhiều cải tiến thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Kỳ thi chung quốc gia (xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học) lần đầu tiên sẽ được tổ chức trong những ngày tới được kỳ vọng giảm chi phí thi cử cho thí sinh và ngân sách nhà nước.

Nhiều hoạt động văn hóa thể thao trong 6 tháng đầu năm được tổ chức với quy mô lớn tại các địa phương... Trong hoạt động thể thao thành tích cao, đoàn thể thao Việt Nam giành 155 huy chương vàng, 121 huy chương bạc và 121 huy chương đồng. Trong đó, tại đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 28, Việt Nam xếp vị trí thứ 3/11 quốc gia tham dự với 73 huy chương vàng, 53 huy chương bạc và 60 huy chương đồng, phá 13 kỷ lục SEA Games.

Tính chung 6 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 11.179 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 5.161 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 6.018 vụ va chạm giao thông, làm 4.478 người chết; 2.983 người bị thương và 7.166 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm giảm 12,8% ; số người chết giảm 4,5%; số người bị thương giảm 5,2% và số người bị thương nhẹ giảm 21,4%.

Nhìn chung, kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục ổn định và đạt được một số kết quả khá: sản xuất trong nước có nhiều cải thiện, tăng trưởng theo xu hướng tích cực, các cân đối vĩ mô ổn định.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và để tiếp tục vượt qua, thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, các ngành, các cấp, các địa phương cần tập trung nỗ lực thực hiện:

Một là, tiếp tục thực hiện việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…Tăng cường quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả để bảo vệ sản xuất trong nước. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục hải quan, cải cách thủ tục thuế.

Hai là, tăng cường xuất khẩu, giảm nhập siêu thông qua việc chuẩn bị các nguồn hàng đảm bảo yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất sang các thị trường đã ký được hiệp định thương mại (Hàn Quốc...).

Ba là, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hình thành chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ nhằm tạo thương hiệu cho nông sản.

Bốn là, tiếp tục tập trung xử lý nợ công, giải quyết và kiểm soát vấn đề nợ xấu trên cơ sở xây dựng chiến lược cụ thể, minh bạch và rõ ràng. Thực hiện đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chủ động điều hành tỷ giá linh hoạt, hợp lý... hỗ trợ giải quyết nợ xấu.

Năm là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan đến công tác an sinh xã hội./.