Trong khuôn khổ chuỗi hội thảo/tọa đàm về Việt Nam tổ chức tại khoa Việt học thuộc trường Đại học Paris Diderot, chiều 21-5, nhóm nghiên cứu Biển Đông tại Pháp đã tổ chức buổi tọa đàm có chủ đề "Các tranh chấp trên Biển Đông: Khía cạnh pháp lý, cách tiếp cận của Việt Nam".

Diễn giả chính trình bày tại buổi tọa đàm là nghiên cứu viên Nguyễn Hoài Tưởng, thành viên của nhóm Biển Đông tại Pháp, Phó Chủ tịch Hội Chuyên gia và Khoa học Việt Nam (AVSE).

Buổi tọa đàm hướng tới đối tượng là các sinh viên và bạn trẻ người Pháp hoặc người Pháp gốc Việt, đặc biệt là những sinh viên đang học tiếng Việt tại khoa Việt học.

Tại buổi tọa đàm, diễn giả Nguyễn Hoài Tưởng đã tập trung phân tích các tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải trên Biển Đông, đề cập đến lập luận vô lý về cái gọi là "đường 9 đoạn" cũng như các yêu sách vô căn cứ về chủ quyền của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Hoài Tưởng cũng giới thiệu văn kiện đã được tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và văn kiện đang hướng tới xây dựng như Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông (COC).

Diễn giả cũng điểm lại những diễn biến xung đột và căng thẳng gần đây liên quan vấn đề Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động xây dựng quy mô lớn của Trung Quốc tại các khu vực đang có tranh chấp, đồng thời nhấn mạnh Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) vẫn là cơ sở pháp lý nền tảng để giải quyết các tranh chấp này.

Sau phần trình bày, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến liên quan đến các tài liệu lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tên gọi của Biển Đông, việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp chủ quyền…

Biển Đông tại Pháp là một nhóm nghiên cứu tập hợp các trí thức trẻ được thành lập năm 2011 với mục tiêu trao đổi các thông tin, kiến thức và thực hiện các dự án hòa bình nhằm vận động bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Khoa Việt học thuộc trường Đại học Paris Diderot là một trong số ít các nơi ở Pháp dạy tiếng Việt và nghiên cứu về Việt Nam một cách chính thống. Chuỗi hội thảo/tọa đàm về Việt Nam nhằm thu hút sự chú ý của các sinh viên đang theo học tại các trường đại học nhằm góp phần phát triển việc dạy ngôn ngữ và văn hóa, lịch sử Việt Nam tại Pháp./.