Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại - Yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là sự gắn kết chặt chẽ hoạt động của các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong một thể thống nhất, có sự chỉ đạo, điều hành và quản lý của Nhà nước nhằm thúc đẩy, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển.
Chủ nghĩa Mác-Lênin đã khẳng định rằng, giữa kinh tế, chính trị, quân sự, quốc phòng, an ninh và đối ngoại có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, gắn bó hữu cơ với nhau, trong đó, kinh tế bao giờ cũng giữ vai trò quyết định. Phát triển kinh tế nhằm tạo ra của cải cho xã hội, tạo tiền đề vật chất kỹ thuật để tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh. Nhiệm vụ chủ yếu của quốc phòng - an ninh là bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền và chế độ xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động đối ngoại.
Tuy nhiên, không phải cứ có kinh tế mạnh là có quốc phòng - an ninh mạnh, mà phải trên cơ sở kết hợp chặt chẽ một cách hợp lý, hài hoà giữa kinh tế với quốc phòng - an ninh và đối ngoại, sao cho các hoạt động kinh tế - xã hội gắn kết hữu cơ với các hoạt động quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Hoạt động đối ngoại phải phục vụ cho hoạt động kinh tế, củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh. Từng mặt hoạt động kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại có yêu cầu riêng và tuân theo các quy luật vận động riêng, nhưng chúng có quan hệ biện chứng, hữu cơ trong một thể thống nhất, gắn kết chặt chẽ với nhau, cái này là điều kiện tồn tại và phát triển của cái kia. Nếu quá nhấn mạnh mặt này và không kết hợp chặt chẽ, hài hòa thì sẽ hạn chế mặt kia, thậm chí dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, xây dựng kinh tế, củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh và hoạt động đối ngoại cần phải được kết hợp chặt chẽ để tạo ra sức mạnh tổng hợp quốc gia và đạt hiệu quả cao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và đối ngoại được xác định trước hết là bảo đảm hoà bình và ổn định để phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đánh bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; ngăn chặn không để xảy ra bạo loạn lật đổ, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Đồng thời, chuẩn bị mọi mặt của đất nước, xây dựng tiềm lực và thế trận nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, sẵn sàng và nhanh chóng dập tắt bạo loạn lật đổ, đánh thắng mọi thế lực thù địch, nếu chúng liều lĩnh gây ra xung đột vũ trang hoặc chiến tranh. Sức mạnh của quốc phòng - an ninh không chỉ là sức mạnh quân sự mà bao gồm cả sức mạnh phi quân sự trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, khoa học kỹ thuật, ngoại giao; là sức mạnh tổng hợp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó sức mạnh phi quân sự là cơ sở, sức mạnh quân sự là nòng cốt.
Xây dựng và phát triển kinh tế tạo ra tiền đề vật chất quan trọng cho xây dựng lực lượng, thế trận và tiềm lực các mặt để bảo vệ đất nước. Đồng thời, trong quá trình triển khai nhiệm vụ củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh cũng tạo ra những nhân tố tích cực cho công cuộc xây dựng kinh tế. Vì vậy, ở đâu có hoạt động kinh tế, ở đó cần phải triển khai và kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và ngược lại.
Ngày nay, chúng ta ngày càng nhận thức sâu, đầy đủ, toàn diện hơn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời bình; về những yếu tố cấu thành và những chủ trương, biện pháp để tạo nên sức mạnh quốc phòng của đất nước trong điều kiện mới; về âm mưu và hành động của các thế lực thù địch đối với nước ta không chỉ bằng biện pháp vũ trang mà thâm độc và xảo quyệt hơn là dùng biện pháp phi vũ trang là chính, kết hợp với vũ trang theo mức độ, quy mô khác nhau, khi cần và thời cơ cho phép.
Chúng ta ngày càng thấy rõ hơn vai trò ngày càng quan trọng của an ninh và đối ngoại đối với quốc phòng; sự cần thiết phải kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng - an ninh - đối ngoại với kinh tế; giữa quốc phòng với an ninh và đối ngoại vì mục tiêu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ xa.
Đối ngoại có vai trò rất quan trọng, thể hiện ở chỗ, đối ngoại góp phần giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và thuận lợi cho xây dựng, phát triển đất nước thông qua ngoại giao song phương, ngoại giao đa phương, đấu tranh đối ngoại, công tác biên giới lãnh thổ. Đối ngoại góp phần đưa quan hệ của nước ta với các nước, đặc biệt là với các nước láng giềng và các nước lớn từng bước đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững. Đấu tranh đối ngoại góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các âm mưu và hành động lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, sắc tộc để can thiệp vào công việc nội bộ của ta nhằm thực hiện “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, gây bạo loạn chính trị của các thế lực thù địch.
Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là một chủ trương đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, là nội dung cốt lõi và bao trùm của sự kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới. Nó kế thừa truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của ông cha ta trước đây, đồng thời, có bước phát triển mới.
Trên thực tế, trong những năm qua, việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại đã được chú trọng thực hiện và đạt được những kết quả nhất định, tạo ra sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội chủ nghĩa, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được củng cố, nhất là trên các địa bàn chiến lược, xung yếu, phức tạp. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần tạo ra thế và lực mới của đất nước, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đối ngoại đã phục vụ tốt cho việc giữ vững hoà bình ổn định để xây dựng và phát triển kinh tế; góp phần quan trọng vào việc tạo dựng và mở rộng thị trường hàng hoá, dịch vụ và đầu tư, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tranh thủ ODA và các nguồn tài trợ quốc tế khác.
Mục tiêu kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại
Mục tiêu tổng quát của việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là tạo môi trường quốc tế và trong nước thuận lợi cho phát triển kinh tế. Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng từng bước hiện đại, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang được trang bị vũ khí, kỹ thuật ngày càng hiện đại. Trên cơ sở chiến lược chung và chiến lược từng vùng lãnh thổ, từng địa phương mà kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại; từng bước hình thành các vùng chiến lược kinh tế - quốc phòng - an ninh, vừa có kinh tế mạnh, vừa có quốc phòng - an ninh mạnh, nhất là ở các địa bàn xung yếu về quốc phòng - an ninh; tăng cường được khả năng phòng thủ ở vùng biển đảo và vùng biên giới. Bảo đảm cho nền kinh tế đất nước phát triển nhanh, ổn định và bền vững, vừa có khả năng tự bảo vệ và được bảo vệ một cách vững chắc; vừa có khả năng và luôn ở tư thế sẵn sàng cao nhất về kinh tế bảo đảm cho quốc phòng - an ninh trong mọi tình huống. Đồng thời, trong quá trình xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh phải lấy yêu cầu ổn định và phát triển kinh tế làm mục đích, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát trên, cần thực hiện tốt các mục tiêu cụ thể:
Thứ nhất, kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả cao nhất nguồn lực tổng hợp của quốc gia, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược.
Mọi hoạt động kinh tế - xã hội phải quán triệt quan điểm đã được xác định, đó là, phát triển kinh tế - xã hội theo con đường củng cố độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kiên quyết đấu tranh và khắc phục mọi khuynh hướng chỉ chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần, không chú trọng đến mặt củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, mất cảnh giác trong quan hệ đối ngoại.
Thứ hai, kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh và đối ngoại nhằm bảo đảm cho kinh tế - xã hội phát triển ổn định, nhanh và bền vững.
Cần đẩy lùi và xoá bỏ các nhân tố mất ổn định bắt nguồn từ kinh tế; thông qua các hoạt động kinh tế - xã hội mà làm thất bại các mưu toan gây rối và “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; giải quyết từng bước, có xác định thứ tự ưu tiên thích hợp trong việc kinh tế đảm bảo cho quốc phòng - an ninh. Từng cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, loại hình sở hữu phải đạt được lợi ích kinh tế cao, vừa thực hiện đầy đủ yêu cầu ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo ra thế trận vững chắc của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đủ sức ngăn chặn và đẩy lùi mọi nhân tố gây mất ổn định.
Thứ ba, kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại nhằm xây dựng, củng cố quốc phòng - an ninh.
Các địa phương, các địa bàn chiến lược phải được xây dựng theo mô hình đã được xác định, được củng cố và không ngừng hoàn thiện, thật sự là khu vực phòng thủ có cơ sở kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh vững chắc; nhất là các vùng trọng điểm: các vùng ven biển và hải đảo, các vùng biên giới, các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, các vùng dân tộc ít người và tôn giáo.
Thứ tư, kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại phải tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển.
Tất cả các tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại đều là tiềm lực tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; do vậy, mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội phải là một bước nâng cao sức mạnh giữ nước, củng cố quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển.
Thứ năm, khoa học công nghệ của đất nước phải được định hướng đúng đắn và tổ chức hoạt động có hiệu quả, đủ sức đáp ứng các nhu cầu hiện đại hoá nền kinh tế; đồng thời, cải tiến, đổi mới, đồng bộ hóa trang bị kỹ thuật quân sự, trang bị kỹ thuật công an, khắc phục tình trạng xuống cấp, mất cân đối về trang bị kỹ thuật của quân đội và công an.
Quan điểm chiến lược trong chỉ đạo kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại
Một là, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là một tất yếu khách quan, một vấn đề có tính quy luật trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, là một nhu cầu bức thiết của mọi ngành, mọi cấp nhằm góp phần xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia, không chỉ để sẵn sàng chống các nguy cơ từ bên ngoài, mà còn khắc phục các nguy cơ từ bên trong, giữ vững an ninh chính trị và ổn định chính trị - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Hai là, giải quyết tốt mối tương quan giữa lợi ích kinh tế, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh, sao cho mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; chủ động ngăn ngừa và loại trừ ngay từ đầu mưu toan lợi dụng hoạt động kinh doanh để chuyển hoá về chính trị; mặt khác, cũng không vì bảo đảm quốc phòng - an ninh mà gây cản trở hợp tác, giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế.
Ba là, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại trước hết phải phát huy nội lực của các lĩnh vực, các ngành, các cấp, các địa phương và đơn vị cơ sở; kết hợp chặt chẽ giữa tự bảo vệ, tham gia bảo vệ với được bảo vệ trong quan hệ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, mở rộng đối ngoại; biết khai thác thế mạnh của từng lĩnh vực để tự bảo vệ và được bảo vệ một cách vững chắc; đồng thời, biết tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài, biến nó thành nội lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là trách nhiệm của các ngành, các cấp, các địa phương và của toàn dân; là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, có một hệ thống tổ chức điều hành thống nhất, theo cơ chế và những chính sách phù hợp.
Năm là, nắm vững quan điểm tự lực, tự cường, độc lập, tự chủ, sáng tạo trong thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cơ sở và mỗi người phải có ý thức trách nhiệm, tự giác dựa vào sức mạnh của nền kinh tế, của từng địa phương, đơn vị và từng người để thực hiện có hiệu quả cao nhất các yêu cầu kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Nội dung và phương thức kết hợp chủ yếu
Nội dung kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại:
Một là, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong xây dựng chiến lược, trong quy hoạch, kế hoạch tổng thể quốc gia, trong từng lĩnh vực, từng vùng, từng địa phương, từng ngành, trong thực thi nhiệm vụ của từng đơn vị, từng doanh nghiệp, từng thành phần kinh tế, cả vĩ mô và vi mô.
Hai là, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong xây dựng tiềm lực tổng hợp quốc gia, bao gồm các tiềm lực: chính trị - văn hoá, kinh tế, khoa học - công nghệ, quân sự, quốc phòng, an ninh,…
Ba là, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong xây dựng thế bố trí chiến lược về kinh tế và thế bố trí về quốc phòng - an ninh để tạo sức mạnh tổng hợp.
Bốn là, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để có thể khai thác, sử dụng chung cho các khu vực kinh tế, cho quốc phòng - an ninh.
Phương thức kết hợp chủ yếu:
Một là, quán triệt và thực hiện việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại ở tất cả các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, từ trung ương đến địa phương, cơ sở; từ trong quy hoạch tổng thể đến các bước triển khai, theo sự chỉ đạo và quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước.
Hai là, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại theo vùng lãnh thổ nhằm từng bước hình thành các vùng chiến lược kinh tế - quốc phòng - an ninh, tạo sức mạnh tổng hợp của quốc phòng - an ninh tại địa bàn.
Ba là, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại theo ngành kinh tế kỹ thuật nhằm xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh trong các ngành kinh tế và phát triển hợp lý ngành công nghiệp quốc phòng, xây dựng các khu công nghiệp quốc phòng ở những địa bàn trọng điểm, hình thành nền công nghiệp quốc phòng của đất nước, từng bước bảo đảm trang bị vũ khí, kỹ thuật và những phương tiện cần thiết cho quốc phòng - an ninh đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống./.
Việt Nam - Hoa Kỳ thúc đẩy triển khai quan hệ đối tác toàn diện  (18/05/2015)
Chủ tịch nước bổ nhiệm Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao  (18/05/2015)
Thực hiện các giao dịch về bảo hiểm xã hội qua mạng Internet  (18/05/2015)
Nhân dân - cội nguồn sức mạnh bảo vệ an ninh Tổ quốc  (18/05/2015)
Phát động cuộc thi sáng tác tranh cổ động “Tuổi trẻ Việt Nam tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”  (18/05/2015)
Thống nhất kế hoạch phối hợp tiếp công dân phục vụ Kỳ họp thứ 9  (18/05/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển