Vai trò của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng
TCCSĐT - Sau ngày 30-4-1975, Quân giải phóng miền Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, hòa nhập chung vào tổ chức quân đội nhân dân cả nước, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Miền còn tiếp tục tồn tại 14 tháng 7 ngày sau đó để tham mưu, chỉ đạo các lực lượng vũ trang Nam Bộ và Nam Trung Bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng, tổ chức lại quân đội cho phù hợp với điều kiện thời bình.
Tiếp quản, quân quản
Trong lúc chỉ đạo các lực lượng vũ trang B2 (gồm khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ) tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy, tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, Bộ Tư lệnh Miền (là cơ quan tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh ở chiến trường tại miền Nam thời chống Mỹ, bao gồm các quân khu 6, 7, 8, 9, thành phố Sài Gòn - Gia Định và một số tỉnh trực thuộc) khẩn trương triển khai Chỉ thị 06/TWC ngày 10-4-1975 của Trung ương Cục miền Nam về việc chuẩn bị công tác tiếp quản các tỉnh thành còn lại trên địa bàn Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đặc biệt là thành phố Sài Gòn - Gia Định. Theo đó: “Khi đánh đổ chính quyền trung ương địch, cần thực hiện chế độ quân quản trong một thời gian nhất định… Nhiệm vụ của Ủy ban Quân quản là: 1. Tiêu diệt các ổ đề kháng, thanh toán triệt để các lực lượng phản động của địch; 2. Nhanh chóng ổn định tình hình và thiết lập trật tự trị an của thành phố, xây dựng lực lượng tự vệ của quần chúng; 3. Từng bước khôi phục những cơ sở bảo đảm cho cuộc sống của nhân dân; 4. Chuẩn bị những điều kiện để chuyển sang chính quyền cách mạng”(1). Hàng loạt cán bộ quân sự, chính trị các cấp được Bộ Tư lệnh Miền cử tham gia Ủy ban Quân quản và chính quyền cách mạng các địa phương. Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh được thành lập chuẩn bị đảm nhiệm chức năng chính quyền sau ngày giải phóng. Sau khi tiếp quản các căn cứ quân sự địch, Ủy ban Quân quản các địa phương lần lượt ra mắt và bắt tay thực hiện chức năng của chính quyền cách mạng lâm thời: Ban bố mệnh lệnh kêu gọi tất cả đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tích cực cùng chính quyền cách mạng nhanh chóng thiết lập trật tự, duy trì các hoạt động dân sinh trở lại bình thường; Kêu gọi nhân viên chính quyền, các binh sĩ quân đội Sài Gòn ra trình diện, các công nhân viên chức cũ trở lại nhiệm sở và ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm. Các lực lượng tiếp quản đã tịch thu, quản lý toàn bộ tài liệu quân sự, chính trị, kỹ thuật, thiết bị doanh trại của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - ngụy; Các cơ sở vật chất kỹ thuật quân sự của địch từ trung ương tới địa phương.
Phối hợp với ủy ban quân quản các địa phương, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo mỗi sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực và địa phương phụ trách một số quận, huyện, xã. Riêng Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định cử 5.500 cán bộ chiến sĩ, tổ chức 4 đoàn, 34 đội công tác. Các đơn vị vũ trang chia nhỏ lực lượng trên khu vực hành chính được phân công, thành lập từng đội công tác thực hiện nhiệm vụ cứu trợ(2), tổ chức đưa đồng bào chạy nạn về quê cũ sinh sống, khôi phục sản xuất(3), rà phá tháo gỡ bom mìn vật nổ, thu dọn phế liệu chiến tranh và văn hóa phẩm độc hại, khám chữa bệnh cho nhân dân... Các đội công tác vũ trang tổ chức tuyên truyền về chính sách của cách mạng, vạch rõ những luận điệu xuyên tạc của chế độ cũ, vận động nhân dân tham gia vào xây dựng xã hội mới. Trong năm 1975, lực lượng vũ trang B2 đã tuyên truyền phát động cho hàng triệu lượt quần chúng, phát triển hàng trăm chi đoàn, hàng nghìn đoàn viên, hàng trăm nghìn hội viên công đoàn giải phóng, nông hội thanh niên giải phóng và phụ nữ giải phóng. Trên cơ sở lực lượng chính trị mới xây dựng, các địa phương lựa chọn cán bộ xây dựng bộ máy chính quyền ở cơ sở. Chỉ riêng trong hai tháng 5 và 6-1975, miền Đông Nam Bộ đã thành lập 104 ủy ban xã và 404 ủy ban ấp với hơn 3.000 ủy viên.
Vừa thực hiện các nhiệm vụ tiếp quản, tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân, các lực lượng vũ trang B2 triển khai công tác tiếp nhận trình diện và cải huấn sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn. Không kể đối tượng hạ sĩ quan, binh lính không phải là ác ôn ra trình diện được học tập ngắn ngày rồi trở về địa phương, số người phải tập trung cải huấn lên đến 64.395. Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo thành lập 5 đoàn quản giáo làm nhiệm vụ quản lý, tổ chức học tập, điều trị cho số sĩ quan nói trên. Ngoài ra còn tổ chức một số liên trại quản giáo các đối tượng thuộc diện tệ nạn xã hội như gái điếm, trộm cướp, xì ke ma túy.
Tháng 02-1976, ủy ban quân quản các cấp hoàn thành nhiệm vụ, ủy ban nhân dân cách mạng được thành lập thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Sau khi chuyển một số cán bộ quân sự sang cơ quan dân - chính - đảng các địa phương, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo lực lượng vũ trang B2 kết thúc nhiệm vụ quân quản, chuyển sang hoạt động thường xuyên, xây dựng lực lượng, truy quét tàn quân địch, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện thời bình.
Truy quét tàn quân địch, thu hồi cơ sở vật chất do quân đội Sài Gòn để lại
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, phần lớn sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn ra trình diện, học tập đều được trở lại địa phương làm ăn sinh sống. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những phần tử ngoan cố không ra trình diện, sống lẩn khuất, móc nối tìm cách chống phá cách mạng bằng nhiều thủ đoạn hoặc ngấm ngầm hoặc công khai. Nhiều nơi tàn quân tập hợp đến cấp đại đội, rải truyền đơn, khẩu hiệu xuyên tạc chính sách của cách mạng, sát hại cán bộ, tổ chức vượt biên, phá hoại tài sản công cộng. Nhiều đảng phái, tổ chức phản động vẫn tiếp tục tồn tại, lén lút hoạt động. Một bộ phận dân cư bị ảnh hưởng tuyên truyền, xuyên tạc của Mỹ - Ngụy, sống bất hợp tác với chính quyền cách mạng hoặc che giấu các phần tử phản động.
Trước thực trạng trên, triển khai nghị quyết Hội nghị Quân ủy Miền ngày 03-5-1975 về “Tiếp tục truy lùng, truy quét địch, trấn áp các lực lượng phản động để bảo vệ thành quả của cách mạng; đồng thời, lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu, đánh địch còn phá rối, bất luận lúc nào, ở đâu, trong phạm vi mình phụ trách để bảo vệ chính quyền, bảo vệ tài sản, cơ sở vật chất, quốc phòng, kỹ thuật, kho tàng... nói chung”, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo các lực lượng vũ trang vừa kiên trì kêu gọi các đối tượng phản động ra trình diện vừa kiên quyết truy quét các nhen nhóm tàn quân, đập tan những đảng phái phản động. Bên cạnh việc truy quét tàn quân, lực lượng vũ trang B2 còn trấn áp, phá nhiều vụ án chống phá cách mạng của các đảng phái phản động, lùng bắt các băng cướp đang hoành hành và nhiều đối tượng tệ nạn xã hội khác. Riêng tại thành phố Sài Gòn - Gia Định, từ tháng 5 đến tháng 11-1975, lực lượng vũ trang đã triệt phá 850 vụ phá hoại chính trị của 288 đối tượng, bắt giam 737 tên lưu manh trộm cướp và 2.437 đối tượng tệ nạn xã hội. Cùng với việc truy quét tàn quân và chiến đấu chống hành động xâm lấn biên giới, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo các lực lượng vũ trang B2 khẩn trương tiếp quản, thu hồi, bảo quản cơ sở vật chất của địch để lại. Quân đội Sài Gòn tan rã nhanh chóng, để lại một khối lượng vũ khí trang bị, cơ sở vật chất rất lớn. Thực hiện Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Cục về “Nhận rõ tài sản đó là do địch vơ vét mồ hôi nước mắt của nhân dân, là xương máu của nhiều cán bộ, đồng chí, đồng đội, đó là những tài sản của nhà nước”(4), Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo các quân khu, quân đoàn, đơn vị binh chủng nhanh chóng bảo vệ, phân loại, quản lý. Các đơn vị vũ trang nhanh chóng tiếp quản các căn cứ, kho tàng quân sự của địch để lại, theo nguyên tắc ngành nào tiếp quản cơ sở ngành đó, cấp nào tiếp quản cấp đó, tiếp quản tới đâu quản lý sử dụng ngay tới đó... đồng thời phối hợp với chính quyền cách mạng và nhân dân thu gom tất cả các loại vũ khí đạn và mìn còn vương vãi đưa ra khỏi thành phố, thị xã. Tính đến cuối tháng 8-1975, toàn B2 đã thu hồi khoảng 27.000 tấn vũ khí, đạn dược, gồm 3.777 tấn súng, 22.128 tấn đạn, 962 tấn thuốc nổ. Riêng tại thành phố Sài Gòn - Gia Định, chỉ trong 7 ngày sau ngày 30-4, lực lượng vũ trang đã thu gom được khoảng 10.000 tấn súng đạn, quân cụ các loại. Ngày 19-8-1975, Bộ Tư lệnh Miền ra chỉ thị số 27/CT về việc mở chiến dịch thu hồi bảo quản trang thiết bị địch để lại. Công việc đầu tiên phải nhanh chóng thực hiện là thu gom vũ khí, xe máy, máy bay, tàu chiến, trang thiết bị công binh thông tin. Đến cuối năm 1975, công tác kiểm kê, phân loại, bàn giao cơ sở vật chất doanh trại, kho tàng, trang bị, vũ khí đạn dược hoàn tất. Một bộ phận được đưa vào sử dụng phục vụ cho nhiệm vụ trước mắt của lực lượng vũ trang toàn miền, bộ phận khác được chuyển giao cho các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn.
Thực hiện công tác chính sách quân đội, tổ chức lại lực lượng vũ trang
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong mùa Xuân 1975, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng vũ trang B2 được phát triển lên mức cao nhất. Tính đến thời điểm tháng 4-1975, quân số bộ đội có 277.659 người, dân quân du kích 112.981 người. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhu cầu giải quyết công tác chính sách, hậu phương quân đội đặt ra một loạt vấn đề không kém phần cấp bách. Thực hiện Chỉ thị số 223/CT-TV ngày 08-7-1975 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác thương binh và xã hội sau chiến tranh, Bộ Tư lệnh Miền ban hành Chỉ thị số 06/CT-75 yêu cầu các đơn vị vũ trang: 1. Nhanh chóng chuyển tin tức của các quân nhân tại ngũ về gia đình; 2. Khẩn trương xác định liệt sĩ, quân nhân từ trần hoặc mất tích, báo tử, an ủi động viên và giải quyết chu đáo quyền lợi gia đình, con cái liệt sĩ; 3. Phát hiện, tu sửa, giữ gìn quy tập mộ liệt sĩ; 4. Thống kê, lập hồ sơ khen thưởng thành tích trong chiến tranh; 5. Từng bước bồi hoàn mất mát và những đóng góp của các gia đình có công trong kháng chiến.
Trong điều kiện công việc hết sức bề bộn, đời sống khó khăn, các đơn vị vũ trang đã tập trung thực hiện tốt chỉ thị của Bộ Tư lệnh Miền. Mỗi đơn vị đều cử 01 phó chính ủy, 01 chính trị viên phó trực tiếp phụ trách công tác chính sách. Cơ quan chính sách các cấp tổ chức tập huấn cán bộ chuyên trách, liên hệ với chính quyền địa phương để cùng phối hợp thực hiện: Lập danh sách, xác minh các trường hợp mất tích, báo tử, quy tập mồ mả; Giám định sức khỏe, xếp hạng thương tật, cấp sổ; Khen thưởng các trường hợp tồn đọng sau chiến tranh (trong thời kỳ kháng chiến, riêng trong chiến dịch Hồ Chí Minh) gồm các loại thi đua quyết thắng và đề nghị huân huy chương, danh hiệu đơn vị và cá nhân anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiệm vụ hết sức khó khăn phức tạp, mặc dù vậy, chỉ trong một thời gian ngắn lực lượng vũ trang B2 đã hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ.
Song song, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo các lực lượng vũ trang B2 sắp xếp lại lực lượng và tổ chức quân sự vùng lãnh thổ theo tinh thần Nghị quyết 24 Trung ương Đảng về nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Theo đó, về tổ chức quân sự theo lãnh thổ, Quân khu 6 (T6) nhập về Quân khu 5, Quân khu 8 (T2) nhập về Quân khu 9, Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh nhập về Quân khu 7. Trên địa bàn Nam Bộ chỉ còn 02 quân khu: 7 và 9. Quân khu 7 có thành phố Hồ Chí Minh (thành phố Sài Gòn - Gia Định cũ) và các tỉnh Đồng Nai (gồm 03 tỉnh cũ: Biên Hòa, Tân Phú, Bà Rịa - Long Khánh, kể cả Vũng Tàu), Sông Bé (gồm 02 tỉnh cũ: Bình Dương, Bình Phước), Tây Ninh. Về lực lượng chủ lực, Quân đoàn 4 được kiện toàn gồm 03 sư đoàn bộ binh (7, 9, 341) và một số đơn vị bộ binh trực thuộc, các đơn vị binh chủng. Một số đơn vị khác được điều chuyển trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc bổ sung về các quân khu. Sư đoàn bộ binh 5 chuyển về Quân khu 7.
Các tổ chức vũ trang nói trên khẩn trương sắp xếp lại lực lượng theo biên chế thời bình đủ các khối: Thường trực sẵn sàng chiến đấu (bộ binh và binh chủng); Cơ quan (tham mưu, chính trị, hậu cần - kỹ thuật); Nhà trường (quân chính, hạ sĩ quan, quân y, văn hóa, thiếu sinh quân); Hậu cần, kỹ thuật (bệnh viện quân y, xưởng sửa chữa, kho trạm) và đơn vị trực thuộc khác (đối ngoại, pháp chế, tổng kết chiến tranh, trạm khách, điều dưỡng…). Đặc biệt, các quân khu đều tổ chức một lực lượng lớn làm nhiệm vụ sản xuất.
Việc sắp xếp lại tổ chức quân sự và lực lượng vũ trang, đến giữa năm 1976 mới cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, từ tháng 02-1976, khi Ủy ban Quân quản kết thúc nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Miền cũng giảm dần hoạt động chỉ đạo đối với lực lượng vũ trang trên địa bàn B2. Các quân khu, quân đoàn từng bước chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp từ Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Và, ngày 07-7-1976, Bộ Tư lệnh Miền chính thức giải thể, hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang sau 15 năm hoạt động./.
-----------------------------------------------
(1) Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954 - 1975), Nxb Chính trị quốc gia, 2003, tr.1083.
(2) Chỉ tính riêng ở miền Đông Nam Bộ, trong 2 tháng 5 và 6 - 1975, bộ đội bớt khẩu phần ăn và thu gom từ các kho tàng cứu đói cho dân 661 tấn gạo, 27 tấn và 475 giạ lúa, 8 triệu đồng.
(3) Tính riêng các đồn điền cao su ở miền Đông Nam Bộ, đến cuối tháng 6 - 1975, đã khôi phục hoạt động sản xuất tại 11 đồn điền cao su, cho vay vốn: 53.200.000 đồng; cứu tế, cứu đói cho công nhân: 450.000 đồng, 42.000kg gạo.
(4) Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954 - 1975), Nxb Chính trị quốc gia, 2003, tr.1084.
Một hướng phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh  (05/05/2015)
Một hướng phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh  (05/05/2015)
Người cao tuổi: Vốn quý vô giá cần gìn giữ, phát huy  (05/05/2015)
FTA Việt Nam - Hàn Quốc sẽ là động lực thúc đẩy quan hệ hai nước  (05/05/2015)
Thỏa thuận “lịch sử”  (05/05/2015)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên