TCCSĐT - Ngày 25-4, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ, thông báo kết quả phiên họp Chính phủ tháng 4-2015. Tham dự họp báo có đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trong nước.

Bộ trưởng, Chú nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương chủ trì họp báo và trả lời các câu hỏi của phóng viên.

 
 Đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương chủ trì họp báo.

Mở đầu họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên thông báo, ngày 25-4-2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2015, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2015; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và một số báo cáo quan trọng khác.

Tiếp đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khái quát một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2015, theo đó, tình hình tiếp tục chuyển biến và đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, các cân đối kinh tế lớn được bảo đảm. Lạm phát (CPI) tháng 4 tăng 0,14%, 4 tháng tăng 0,04%. Kinh tế phát triển tích cực ở tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục xu hướng tăng, 4 tháng tăng 9,4%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng hơn 10%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 4,2 tỷ USD, tăng 5%; vốn ODA giải ngân đạt hơn 550 triệu USD, tăng 11,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 8,84%.

Trong những tháng đầu năm cũng nổi lên một số hạn chế, khó khăn như nhập siêu gia tăng, có thể sẽ tạo sức ép lên tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế; số lượng khách du lịch tháng 4 tăng so với tháng trước nhưng tính chung cả 4 tháng lại giảm; tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nhất là hạn hán gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ; việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn…

 
 Quang cảnh buổi họp báo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng thông báo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rằng tuy tình hình kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực, nhưng không được chủ quan, đặc biệt khi tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp. Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng.

Trong thời gian tới, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trên cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, xuất hiện khó khăn nào cần tập trung xử lý. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, triển khai kịp thời các phương án bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định cuộc sống của người dân; đồng thời xử lý, tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ một số mặt hàng nông sản. “Trước mắt phải tập trung vào các giải pháp về thị trường và tiêu thụ, về lâu dài, phải tính toán chuyển đổi cơ cấu sản xuất”.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, trong đó triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ theo tinh thần các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị kế hoạch của địa phương, ngành mình báo cáo cụ thể để Thủ tướng xem xét, tiếp tục chỉ đạo. Quan trọng là người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải chủ động đề ra kế hoạch cụ thể, có chỉ đạo để giải quyết vướng mắc, làm thế nào tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Báo chí nên tập trung theo dõi để nắm bắt được bộ, ngành, địa phương nào tích cực và làm có hiệu quả trong lĩnh vực này và nơi nào chưa làm tích cực để phản ánh kịp thời, tạo sự tác động từ bên ngoài, từ nhân dân, từ dư luận để thúc đẩy cuộc cải cách này ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng tốt hơn.

Chính phủ cũng rất quan tâm quyết liệt xử lý những vấn đề bức xúc hiện nay còn tồn tại theo thời gian, không để tích tụ thành vấn đề lớn, tạo thành điểm nóng. Điều này đã được phân cấp rạch ròi cho các cấp, các ngành thay mặt Chính phủ xử lý những kiến nghị, đề xuất, vướng mắc, bức xúc của người dân. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh chúng ta nên làm thật tốt hơn nữa, đừng để xảy ra những tình trạng như trong thời gian qua, làm ảnh hưởng không chỉ đến kinh tế - xã hội mà còn trật tự, trị an.

Về kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu không được chủ quan dù đang được kiểm soát khá tốt. Phải theo dõi sát diễn biến lạm phát, giá dầu và biến động kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời. Bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý trong năm theo chỉ tiêu cả năm đã đề ra; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; bảo đảm điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến của lạm phát. Tập trung kiểm soát chi ngân sách nhà nước, bảo đảm triệt để tiết kiệm, mức bội chi đã được Quốc hội thông qua. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công.

Về nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng quyết liệt chỉ đạo và trọng tâm là kế hoạch cổ phần hóa. Giao Bộ Giao thông vận tải sớm xây dựng, hoàn thiện Đề án về xã hội hóa các công trình hạ tầng giao thông trình Chính phủ xem xét. Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tái Đề án cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2 đã được thông qua gắn với quyết liệt xử lý nợ xấu. “Đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng. Kiên quyết không để lặp lại tình trạng ngân hàng thương mại yếu kém”.

Tiếp đó, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương trả lời câu hỏi của các nhà báo. Câu hỏi được sự quan nhất là Đề án quy hoạch báo chí. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết: Theo chức năng của mình, cơ quan quản lý nhà nước ban hành các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch để triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí. Việc triển khai nhiệm vụ rất quan trọng này đã bắt đầu cách đây 9 năm, từ năm 2006. Sau đó có một thời gian chúng ta dừng lại. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định sẽ triển khai quy hoạch báo chí này. Đây là một quy hoạch rất nhạy cảm, phức tạp, liên quan, ảnh hưởng tới nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cơ quan báo chí trong cả nước.

Vai trò báo chí rất lớn trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng thời gian vừa qua. Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của báo chí.

Trong quá trình phát triển, không tránh khỏi có những cái trùng lắp về tôn chỉ mục đích, như chúng ta chỉ ra trong đề án. Quá trình xây dựng đề án rất dài, và triển khai qua nhiều cấp, được sự chỉ đạo rất sát sao của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng dự thảo này. Tháng 7-2013, Bộ đã trình lên Chính phủ. Ngày 25-11, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã họp và cho ý kiến vào dự thảo, xác định đây là một văn bản theo quyết định, tức là văn bản cá biệt. Chính vì vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan chủ quản, các tỉnh, thành phố, thậm chí gửi cả văn bản để lấy ý kiến về các phương án. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến bằng kết luận số 437, căn cứ vào kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị. Chính phủ đã trình Bộ Chính trị 2 lần. Đến ngày 7-11-2014, Bộ Chính trị đã xem xét lần 2. Thấy rằng quy hoạch báo chí toàn quốc là vấn đề lớn, rất nhạy cảm, cấp bách và có tác động, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, cơ quan, địa phương và đối tượng nên Bộ Chính trị yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ trình ra kỳ họp Trung ương 10. Trong Trung ương đã có trên 100 ý kiến đóng góp về vấn đề này, cơ bản là nhất trí với các nội dung, mục tiêu, yêu cầu quan điểm và các định hướng trong quá trình quy hoạch báo chí. Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự Đảng Chính phủ tiếp thu ý kiến Trung ương, hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị xem xét quyết định và triển khai thực hiện. Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã được Ban cán sự Đảng Chính phủ giao xem xét lại để hoàn chỉnh. Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ sẽ xem xét để ban hành.

Ngoài ra, nhiều vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm như tác động môi trường tại nhà máy điện Vĩnh Tân, việc đứt cáp quang quốc tế AAG, việc ngân hàng nhà nước mua lại ngân hàng Ocean Bank với giá 0 đồng,… cũng được đề cập trong buổi họp báo./.