Công nhận “Huyện nông thôn mới” đầu tiên trên cả nước
Tham dự buổi lễ còn có Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, lãnh đạo một số địa phương trên cả nước.
Giá trị sản xuất và thu nhập người dân đều tăng
Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết Xuân Lộc và Long Khánh là vùng đất mà lợi thế chỉ có đất đai. Từ khi triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, tỉnh và các cấp của hai huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nông thôn mới, đào tạo cán bộ cùng với dân thực hiện phong trào. Đặc biệt, Xuân Lộc và Long Khánh đã hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xác định được sản phẩm chủ lực, hỗ trợ mô hình sản xuất hiệu quả và vùng sản xuất tập trung.
Để trở thành huyện nông thôn mới, Xuân Lộc và Long Khánh đã vượt chỉ tiêu 75% số xã phải đạt chuẩn nông thôn mới, theo đó Long Khánh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và với Xuân Lộc hiện có 12/14 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới (chiếm 85,7%, 2 xã còn lại chỉ còn tiêu chí giao thông là chưa đạt).
Huyện Xuân Lộc đã hình thành các vùng chuyên canh như xoài, tiêu, ngô, cây ăn trái đặc sản, nhân rộng mô hình trồng trọt và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao giúp giá trị sản xuất trên 1 ha diện tích trồng trọt và chăn nuôi đạt bình quân 115,5 triệu đồng/ha. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 75% và 90,9% lao động có việc làm thường xuyên. Thu nhập bình quân của người dân đạt 37,6 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo giảm 7% hiện còn 1%.
Trong khi đó ở Long Khánh, sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chú trọng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 6,1%/năm, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha diện tích trồng trọt, chăn nuôi thủy sản đạt 170 triệu đồng/ha - mức cao nhất trên toàn tỉnh Đồng Nai. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 38,6 triệu đồng/người/năm, tăng 2,13 lần so với năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh hiện còn dưới 1%.
Ở cả 2 đơn vị, kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân trên địa bàn; hệ thống chính trị được xây dựng ngày càng vững mạnh, dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững.
Theo ông Đinh Quốc Thái, xây dựng nông thôn mới ở Xuân Lộc và Long Khánh không chỉ đơn thuần là hoàn thành các tiêu chí đề ra mà còn tạo ra người nông dân mới có cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao, có nhiều điều kiện tiếp cận thông tin. Thực tế người nông dân ở hai nơi này đã thực hiện được “4 xóa”: xóa tư tưởng trông chờ, ỷ lại, xóa vườn tạp, độc canh, xóa tư tưởng lạc hậu và xóa nghèo. Đồng thời từ phong trào cũng hình thành đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn, bám sát thực tiễn và nguyện vọng của nông dân.
Không chỉ có 2 đơn vị cấp huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn huyện nông thôn mới, mà Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai cũng đạt được những thành tựu to lớn. Hiện toàn tỉnh có 52/138 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 32,8%, gấp gần 4 lần tỷ lệ chung cả nước. Có được kết quả này là nhờ vào sự chủ động trong chỉ đạo và thực hiện chương trình ngay từ ngày đầu thực hiện. Theo đó, Bộ Tiêu chí của tỉnh không chỉ gồm 39 chỉ tiêu (thuộc 19 tiêu chí nông thôn mới) mà Đồng Nai còn cụ thể hóa, phát triển thành 54 tiêu chí. Đồng Nai đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Nông thôn mới - cụ thể hóa tái cơ cấu nông nghiệp
Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng của tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Đồng Nai đã đóng góp tích cực vào thành tựu chung cả nước trong những năm qua. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế bình quân 4 năm qua đạt 12%, gấp hơn 2 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Kết cấu hạ tầng được phát triển khá toàn diện, theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đời sống người dân trong tỉnh. Riêng giảm nghèo toàn tỉnh chỉ còn 1%, giảm 5% trong 4 năm qua, thấp nhất cả nước.
Về xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng đánh giá cao thành tựu của Đồng Nai với nhiều kết quả rất ấn tượng. “Hiện 32,8% tổng số xã đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và hết năm 2015 tỉnh sẽ có thêm 36 xã đạt chuẩn nâng tỷ lệ lên 64,7% là những con số thực chất của một tỉnh đi đầu trong xây dựng nông thôn mới”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cho biết các yêu cầu của chương trình xây dựng nông thôn mới đều được thể hiện ở 19 tiêu chí là nông thôn có kinh tế phát triển bền vững lâu dài, hiệu quả; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại hơn; nhân dân trên địa bàn nông thôn có đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện tốt hơn; có môi trường sống xanh sạch, đẹp; địa bàn nông thôn mới có khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh trên cơ sở dân chủ, pháp quyền và hệ thống chính trị vững mạnh.
“Nếu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện được nội dung này trên địa bàn nông thôn thì chính là cụ thể hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trên địa bàn nông thôn, là thực hiện thành công CNH, HĐN trên địa bàn nông thôn và cũng là nội dung cụ thể của tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn nông thôn và những kết quả ở Đồng Nai đã cho thấy rõ”, Thủ tướng nói.
Về mục tiêu tới năm 2020 toàn tỉnh Đồng Nai sẽ có 100% số xã đạt nông thôn mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng khi tỉnh sẽ góp phần cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu 50% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới với 4 giải pháp
Để đạt được yêu cầu này, Thủ tướng nêu 4 nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng nông thôn mới có kết quả nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Thứ nhất là cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể phải nhận thức sâu sắc ý nghĩa quan trọng của nông thôn mới, thực sự xem nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của mình. Từ đó cán bộ mới giúp nhân dân nhận ra lợi ích của chương trình vì chính bản thân người nông dân. Theo Thủ tướng, đã là phong trào tự nguyện của nhân dân thì chắc chắn thành công, đây là bài học đã có từ xưa đến nay.
Thứ hai, cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, lãnh đạo một cách sáng tạo việc xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Tiếp tục nâng cao các tiêu chí, chỉ tiêu của các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thứ ba, Đồng Nai và các địa phương khác vận dụng sáng tạo các chính sách xây dựng nông thôn mới như: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ ngay trong địa bàn nông thôn, chính sách hỗ trợ cho việc nhân rộng mô hình sản xuất, chính sách khuyến khích hợp tác đa dạng, liên kết với người nông dân với doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ để dạy nghề.
Thứ tư, Thủ tướng đề nghị địa phương phải chủ động huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, xã hội, người dân, không trông chờ ngân sách Nhà nước, đồng thời lồng ghép các chương trình, đầu tư không chỉ cho hạ tầng mà còn cho cả phát triển sản xuất. Ngoài ra, Chính phủ sẽ xin ý kiến các cấp thẩm quyền bổ sung nguồn ngân sách cho chương trình.
Với việc trao danh hiệu “Huyện nông thôn mới” cho huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh và những thành tích của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn Đồng Nai sẽ dẫn đầu cả nước về chương trình này./.
“Festival Macadamia 2015” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam  (24/01/2015)
Nga tuyên bố ngừng tham gia Hội đồng Nghị viện châu Âu  (24/01/2015)
Tháng Một, CPI giảm 0,2% do giá xăng dầu tiếp tục giảm  (24/01/2015)
Kỷ niệm 23 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ukraine  (24/01/2015)
Việt Nam và EU kết thúc vòng đàm phán cuối cùng về FTA  (24/01/2015)
Vinh danh Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới  (24/01/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển