TCCSĐT - Biển đảo - lãnh thổ là chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nhận thức rõ đặc điểm phức tạp và vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của các vùng biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta đã sớm quan tâm tới việc quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giải quyết tranh chấp trên biển, đảo và phát triển kinh tế biển.

Ngay sau ngày hòa bình lập lại (năm 1954), trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung mọi nguồn lực để bảo vệ vùng biển, hải đảo và khai thác tài nguyên biển. Đánh giá về vị trí, vai trò của biển nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Biển của ta rất giàu và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Trước khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã có quyết định lịch sử: giải phóng quần đảo Trường Sa, giữ vững thế đứng của Việt Nam trên Biển Đông. Sau khi đất nước thống nhất, ngày 12-5-1977, Chính phủ ta ra Tuyên bố về các vùng biển, đảo của Việt Nam. Đây là một trong những tuyên bố sớm nhất ở trong khu vực Đông Nam Á. Biển, đảo nước ta có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đánh giá  biển, đảo là một lợi thế rất lớn của đất nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; trong đó, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh là một nội dung cơ bản, quan trọng.

Trong những năm qua, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước, nước ta đã đạt được những kết quả bước đầu trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh trên các vùng biển, đảo. Nhưng do nhận thức có chỗ chưa thống nhất, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, hiệu quả tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành nhìn chung còn hạn chế, nhất là trên vùng biển, đảo xa bờ nên việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán vùng biển, đảo còn rất phức tạp. Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến sự kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của nước ta thời kỳ hội nhập quốc tế. Ở đây, xin tập trung nghiên cứu đề xuất một số giải pháp cơ bản nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển đảo Việt Nam trong tình hình mới.

Một là, giáo dục, nâng cao nhận thức cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về nhiệm vụ tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới

Trước hết, cần giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tiềm năng của biển, đảo đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương đối với nhiệm vụ tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Các địa phương có biển, đảo phải tuyên truyền, giáo dục bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về tầm quan trọng và giá trị chiến lược của biển, đảo; mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển; nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm và những biện pháp phối hợp, kết hợp với các lực lượng đứng chân trên các vùng biển, đảo đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đưa nội dung giáo dục về biển, đảo vào các nhà trường để tăng cường sự hiểu biết và tình yêu đối với biển, đảo trong học sinh, sinh viên. Làm cho học sinh, sinh viên nói riêng và nhân dân nói chung thay đổi tư duy, nhận thức về lãnh thổ của đất nước không chỉ giới hạn là một dải “từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng cái”, mà còn bao gồm cả vùng trời, vùng biển, đáy biển rộng lớn.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương các cấp về phát triển kinh tế biển, đảo và tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh trên các vùng biển, đảo bằng các nghị quyết, chủ trương, chính sách, nhất là các địa phương ven biển.

Hai là, xây dựng và phát triển kinh tế biển gắn chặt với nhiệm vụ tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ biển, đảo

Mục tiêu kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh nhằm từng bước khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trên biển, đảo của Tổ quốc; khai thác, sử dụng nguồn lợi của quốc gia có hiệu quả để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kết hợp trong từng cơ sở nuôi trồng, đánh bắt hải sản, khai thác tài nguyên, phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại; nghiên cứu khoa học biển; kết hợp theo quy hoạch, kế hoạch của từng địa phương, từng vùng biển, đảo nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương (tỉnh, thành phố); sức mạnh tổng hợp của quốc phòng - an ninh quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Xây dựng tuyến ven biển và tuyến đảo Cô Tô, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Hòn Mê, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu, Phú Quốc thành những điểm kinh tế mạnh và căn cứ hậu cần kỹ thuật vững chắc. Xây dựng hoàn chỉnh hai huyện đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Từ nay đến năm 2015, tầm nhìn 2020, thực hiện thí điểm tại một số khu vực gồm: xây dựng thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn. Tại các xã đảo, trước mắt xây dựng các công trình trọng yếu: nước ngọt, điện, trường học, trạm xá, bưu điện và dịch vụ hai đầu để người dân yên tâm định canh, định cư, sản xuất.

Có chính sách đặc thù khuyến khích dân ra các vùng biển, đảo xa. Tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng hoàn chỉnh các khu kinh tế - quốc phòng; quốc phòng - kinh tế tại quần đảo Trường Sa, khu quốc phòng - kinh tế trên các huyện đảo vùng biển Đông Bắc. Lực lượng nòng cốt trong khu quốc phòng - kinh tế là Hải quân theo mô hình: cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá và nuôi trồng hải sản trên vùng biển xa bờ, các kết cấu hạ tầng du lịch sinh thái biển. Các điểm triển khai khu quốc phòng - kinh tế phải gắn với tuyến và khu vực phòng thủ biển, đảo.

Ba là, kết hợp xây dựng và phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh trên các vùng biển đảo

Khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển phải thể hiện được sự gắn bó giữa phát triển kinh tế với quốc phòng - an ninh trên từng vùng biển, đảo của Tổ quốc với các bước đi phù hợp. Xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn có khả năng khai thác tài nguyên kết hợp làm nhiệm vụ bảo vệ ở những vùng biển, đảo xa bờ, kế hoạch điều tra nghiên cứu khoa học - công nghệ phải gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo vệ biển, đảo. Xây dựng các chương trình, chính sách, quy chế hợp lý về hợp tác quốc tế của các lĩnh vực về biển với các đối tác có chọn lọc, giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ, không để hình thành các khu vực “mậu dịch tự do” hoặc “khu đặc quyền kinh tế” do nước ngoài quản lý trên bất cứ vùng biển nào của Tổ quốc.

Phát triển kinh tế biển bền vững, xóa đói nghèo cho nhân dân lao động trên các vùng biển, đảo xa bờ để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Nhà nước cần có chính sách thỏa đáng đầu tư cho nhân dân nuôi trồng, đánh bắt hải sản xa bờ; huy động sức dân đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa tuyến ven biển. Xây dựng các đảo lớn như Phú Quốc, Côn Sơn, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Hòn Mê, Cát Bà, Cô Tô,… thành những huyện đảo có đông dân cư trù phú và phát triển kinh tế, du lịch, trở thành những pháo đài bất khả xâm phạm trong chiến lược bảo vệ biển. Xây dựng các đảo xa bờ như Bạch Long Vĩ, Trường Sa, Côn Sơn, Thổ Chu trở thành những pháo đài vững chắc, vừa có khả năng phát triển kinh tế tốt, vừa có sức mạnh về quốc phòng - an ninh để bảo vệ biển, hải đảo.

Bốn là, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, nắm chắc luật pháp, tập quán quốc tế và các quy tắc ứng xử trên Biển Đông để giải quyết các tranh chấp bằng phương pháp hòa bình

Phương châm chỉ đạo chiến lược trong đấu tranh với các đối tượng tranh chấp, lấn chiếm phải lấy đối ngoại hòa bình, hợp tác là cơ bản; giải quyết tranh chấp trên biển, đảo chủ yếu bằng đàm phán, bằng tòa án quốc tế, bằng việc dựa vào các tổ chức trong khu vực, tăng cường hợp tác quốc tế. Đàm phán là giải pháp mà luật pháp quốc tế đặt lên hàng đầu. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục đàm phán với các bên hữu quan để xác lập chủ quyền và phải chuẩn bị tốt các điều kiện để phục vụ cho đàm phán có kết quả, đàm phán có thể được tiến hành song phương hoặc đa phương.

Trên cơ sở đàm phán, sớm đạt được một thỏa thuận với các nước xung quanh Biển Đông để phân định biên giới trên biển, tạo sự gắn bó, xây dựng lòng tin giữa Việt Nam với các nước xung quanh khu vực Biển Đông. Đây là biện pháp quan trọng để vô hiệu hóa âm mưu độc chiếm Biển Đông và ngăn chặn tham vọng bành trướng của một số nước.

Giải quyết tranh chấp bằng tòa án quốc tế là một trong những biện pháp hòa bình được luật pháp quốc tế quy định. Nhưng điều kiện để áp dụng biện pháp này đòi hỏi phải được sự đồng ý của các bên có liên quan, phải chuẩn bị thật đầy đủ, chu đáo về hồ sơ, tài liệu và cả đội ngũ chuyên gia pháp lý, tranh thủ dư luận quốc tế,... để đưa vấn đề các bên tranh chấp biển với Việt Nam ra toà án quốc tế, không để phải chấp nhận rủi ro khi toà án phán quyết.

Giải quyết tranh chấp bằng việc dựa vào các tổ chức khu vực cũng là một biện pháp. Việt Nam là một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Lập trường chung của tổ chức này đã được thể hiện trong Tuyên bố Ma-ni-la năm 1992 là kêu gọi các nước giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. ASEAN có khả năng thiết lập cơ chế đặc biệt ngoại giao đa phương để xây dựng lòng tin, thiết lập sự hợp tác chính trị và an ninh khu vực nhằm giải quyết các cuộc tranh chấp bằng con đường đàm phán, bảo đảm ổn định chính trị khu vực.

Để hạn chế sức ép đối với các nước thành viên của ASEAN và tăng cường vai trò của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp trong khu vực Biển Đông, cần mở rộng diễn đàn hợp tác giữa ASEAN với các nước lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Mỹ, Nhật Bản, Nga,... Tăng cường hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để đi đến một giải pháp mà tất cả các nước liên quan có thể chấp nhận. Thông qua các hội nghị quốc phòng - an ninh để tiếp xúc, gặp gỡ song phương, đa phương, duy trì cơ chế đối thoại, tăng cường hợp tác giữa các lĩnh vực, từng bước thỏa thuận về các nguyên tắc ứng xử, xây dựng lòng tin, tạo điều kiện để giải quyết các vấn đề tranh chấp biển, đảo.

Gắn hoạt động đối ngoại và pháp lý với quốc phòng và an ninh trên biển. Tiếp tục nghiên cứu để nắm chắc pháp luật quốc tế về tranh chấp trên biển, đảo và có các phương án đấu tranh phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.

Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong cứu hộ cứu nạn, chống khủng bố, chống cướp biển, bảo đảm an ninh trên biển và bảo vệ môi trường biển. Nghiên cứu phương thức đấu tranh quốc phòng phù hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Phương thức đấu tranh quốc phòng - an ninh trên biển là nội dung trọng tâm, cốt lõi trong hoạt động bảo vệ biển đảo của các lực lượng quốc phòng - an ninh trên biển. Nội dung phương thức đấu tranh phải dựa trên cơ sở quán triệt quan điểm, phương châm chỉ đạo chiến lược và nhiệm vụ cơ bản của lực lượng quốc phòng - an ninh trên biển. Phương thức đấu tranh quốc phòng bao gồm: đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý và quân sự. Dù vận dụng phương thức đấu tranh nào thì cũng phải tiến hành các bước cụ thể sau: Lựa chọn đối tượng, mục tiêu cho từng loại lực lượng; Lựa chọn khu vực và thời cơ hoạt động; Xác định các hình thức và phương pháp hoạt động.

Năm là, quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng quốc phòng - an ninh trên các vùng biển, đảo

Xây dựng, quy hoạch toàn diện về cơ sở hạ tầng quốc phòng - an ninh trên các vùng biển, đảo. Từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng phục vụ cho bảo vệ biển, đảo và phát triển kinh tế biển. Nâng cấp và xây dựng mới những công trình biển phục vụ cho quốc phòng - an ninh ven bờ và trên các đảo như: các khu kinh tế - quốc phòng, các căn cứ hậu cần, kỹ thuật, căn cứ hậu phương tại chỗ, sân bay, cầu cảng; hệ thống cảnh giới, trinh sát, thông tin liên lạc, nhất là các căn cứ hậu cần, kỹ thuật ở hai đầu đất nước phục vụ cho nhiệm vụ tác chiến trên biển đảo. Trong xây dựng phải quán triệt quan điểm lưỡng dụng, vừa phục vụ cho quốc phòng - an ninh vừa phát triển kinh tế biển.

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng trên các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa, như: các công trình quốc phòng, công trình phục vụ cho bộ đội trên đảo, chống xói lở ở đảo nổi để nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ độ trên đảo. Trước mắt, từ nay đến năm 2015, tầm nhìn năm 2020, tập trung xây dựng âu tàu cá, khu neo đậu tàu thuyền ở các đảo xa bờ; xây dựng cầu cảng sửa chữa tàu lưỡng dụng ở một số cảng lớn. Xây dựng mạng thông tin trên biển, đảo thành hệ thống vững chắc phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế biển. Trọng điểm là khu vực quần đảo Trường Sa, DK1, DK2, biển Tây Nam và các quần đảo xa bờ.

Đối với các đảo gần bờ, ven biển kết hợp thông tin quân sự với thông tin bưu chính viễn thông, phát triển đầy đủ các dịch vụ như điện thoại, fax, thông tin di động, in-tơ-nét, bưu chính để bảo đảm cho ngư dân hoạt động phát triển kinh tế biển.

Sáu là, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quốc phòng - an ninh, nắm chắc luật pháp và tập quán quốc tế để giải quyết các tranh chấp biển, đảo kịp thời, không để xảy ra các điểm nóng kéo dài

Kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Củng cố và mở rộng hợp tác về quốc phòng - an ninh với các nước ASEAN và Trung Quốc dưới các hình thức thoả thuận tuần tra chung, thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa Hải quân nhân dân Việt Nam với Hải quân các nước ven Biển Đông. Tăng cường hợp tác trong các hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường và giữ gìn an ninh trên biển. Nghiên cứu hình thức đấu tranh quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo phù hợp với từng giai đoạn, từng đối tượng, tránh để xuất hiện những điểm nóng trên biển, đảo. Đối với những vùng biển, đảo bị đối phương tạm thời chiếm giữ, cần kiên quyết đấu tranh bằng ngoại giao, pháp lý để tiến tới khôi phục chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia./.