TCCSĐT - Kỳ nghỉ đầu năm mới năm nay kéo dài 4 ngày tạo thuận lợi cho các điểm du lịch ở các địa phương triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút du khách, quảng bá cho các sản phẩm du lịch đặc thù của mình.

Lào Cai đón hơn 5 vạn lượt khách dịp Tết Dương lịch

Trong dịp nghỉ Tết Dương lịch năm nay, Lào Cai đã đón hơn 5 vạn lượt khách; trong đó, riêng huyện Sa Pa đã có trên 4 vạn lượt du khách, tăng gấp rưỡi so với dự kiến. Các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai và Bảo Yên... số khách du lịch cũng tăng mạnh trên 40% so với cùng kỳ 2014.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sa Pa, trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch các điểm tham quan như núi Hàm Rồng, thác Bạc, thác Tình Yêu và một số điểm du lịch bản làng đã thu hút không dưới 40 ngàn lượt du khách đến thăm, ngắm cảnh.

Ngoài núi Hàm Rồng, thác Bạc, thác Tình Yêu... Sa Pa còn có các điểm du lịch khác, như Tả Phìn, Tả Van, Cát Cát cũng rất đông du khách đến tham quan. Vào thời điểm này, những cánh đồng vùng cao người dân vừa thu hoạch xong vụ lúa, để lại những thửa ruộng bậc thang vàng óng rơm rạ. Đây đó thấp thoáng bóng dáng những người bản xứ với con trâu đi trước, cái cày đi sau làm đất gieo trồng cây vụ đông dáng tạc vào bóng núi bên những đụn khói lam chiều trông thật thơ mộng, cuốn hút và làm hài lòng hầu hết du khách khi được ngắm vẻ đẹp vùng sơn cước. Du khách còn được trải nghiệm, khám phá phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc vùng cao từ việc cùng tham gia làm đồng đến rèn đúc và chế biến, thưởng thức những món ẩm thực đậm đà bản sắc của người bản địa đầy thú vị.

Tuyến du lịch Mường Hum, Y Tý và A Mú Sung của huyện Bát Xát là tuyến mới mở, nhưng dịp này cũng đã đón hàng ngàn du khách. Theo ông Bùi Đức Lợi, Bí thư Huyện ủy huyện Bát Xát, năm 2014, huyện Bát Xát đón trên 8.000 lượt khách du lịch, trong đó có trên 1.600 lượt khách nước ngoài. Hiện, huyện Bát Xát đã gửi hồ sơ tới các cơ quan chức năng để được phép khai thác chính thức các điểm, tuyến du lịch trên trong năm 2015, nối tuyến Mường Hum, Y Tý và A Mú Sung với các xã Bản Khoang - Tả Giàng Phình của huyện Sa Pa; Nối Lào Cai với Bản Xèo - Mường Hum - Khu Chu Phìn - Phong Thổ (Lai Châu) và ngược lại. Tuy mới ở giai đoạn thử nghiệm, nhưng đã có hàng ngàn lượt du khách đến tham quan du lịch tuyến này, nhất là giới trẻ ưa khám phá.

Ở các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, và Mường Khương, do nắm được đây là những vùng có chợ phiên đặc sắc vào cuối tuần, nên các ngày 03 và 04-01, lượng khách du lịch cũng tăng mạnh. Một số du khách nắm dược hành trình tour đã thực hiện chu trình khép kín cả tuyến Hà Nội - Thành phố Lào Cai - Sa Pa. Rồi từ Sa Pa qua Thành phố Lào Cai đi Mường Khương - Si Ma Cai đến Bắc Hà và trở về Thành phố Lào Cai - xuôi Hà Nội theo đường cao tốc. Hành trình nhanh thì mất 4 ngày, còn chụp ảnh, khám phá thì vừa trọn một tuần.

Hải Dương: Trên 7 nghìn du khách về với Côn Sơn - Kiếp Bạc trong 3 ngày đầu năm mới 2015

Ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: Chỉ trong 3 ngày đầu năm mới, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã đón trên 7 nghìn lượt khách thập phương đến thắp hương, thưởng ngoạn tại đây.

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương là quần thể di tích đặc biệt quan trọng quốc gia, nơi gắn bó mật thiết với cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; là chốn tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Từ Tổ sơn Yên Tử, muôn ngọn núi dẫn về quần tụ tại đây, tạo thành các huyệt mạch linh thiêng của đất trời, với những thắng cảnh nổi tiếng của vùng Đông Bắc đất nước. Đền Kiếp Bạc được xây dựng ở đầu núi Trán Rồng, chùa Côn Sơn đặt ở đầu núi Kỳ Lân, đền thờ Nhà giáo Chu Văn An ở đầu núi Phượng Hoàng... Mỗi tên núi, tên sông, tên đồng, tên xóm... nơi đây là một địa danh lịch sử, minh chứng cho vùng đất này là một trong những vị trí chiến lược quân sự quan trọng bậc nhất của đất nước ta trong lịch sử chống ngoại xâm.

Lễ hội truyền thống Kiếp Bạc, Côn Sơn được tổ chức vào mùa Xuân từ 15 đến 23 tháng giêng âm lịch và mùa Thu từ 15-8 đến 20-8 âm lịch trong nhiều thế kỷ qua đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng, thể hiện sự sáng tạo, tâm nguyện của hàng triệu đồng bào từ mọi miền đất nước; xuân, thu nhị kỳ đã về đây cùng thành kính bày tỏ ước vọng bồi đắp tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, ý chí bảo vệ nền độc lập dân tộc của cha ông trao truyền lại, mà các anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Tam Tổ Trúc Lâm, Nhà giáo Chu Văn An là tiêu biểu...

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia năm 1962; năm 2012 được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và trong Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc mùa xuân 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận lễ hội mùa xuân Côn Sơn và lễ hội mùa thu Kiếp Bạc là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Được biết, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được xây dựng quy hoạch tổng thể để bảo tồn, tôn tạo với tổng đầu tư ước tính trên 1.600 tỷ đồng trên diện tích 8.340 ha, được phân thành 2 vùng. Vùng bảo tồn, khai thác đặc biệt và vùng đệm. Vùng bảo tồn đặc biệt gồm Khu vực Côn Sơn, Khu vực Kiếp Bạc và khu vực Phượng Hoàng….Hiện nay, tuyến đường dẫn vào đền Kiếp Bạc dài 5,1 km với tổng đầu tư trên 700 tỷ đồng đang được khẩn trương hoàn thiện để sẵn sàng đón Lễ hội mùa Xuân 2015.

Du lịch miệt vườn Bến Tre hút khách ngay từ đầu năm

Theo Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Bến Tre, lượng khách tham quan du lịch tại Bến Tre 4 ngày qua tăng mạnh, trong đó tập trung ở các điểm du lịch chính như các cồn Lân - Long - Quy - Phụng trên sông Tiền, bãi biển xã Thạnh Hải, các xã vùng ven thành phố Bến Tre, làng nghề cây giống, hoa kiểng Cái Mơn (huyện Chợ Lách)… đều tăng hơn gấp đôi so với các dịp lễ cuối tuần, đặc biệt là khách nước ngoài, Việt kiều về quê ăn Tết.

Điểm mới của du lịch Bến Tre trong mấy năm gần đây là hệ thống đường sá, cả đường bộ lẫn đường thủy ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt hơn việc di chuyển của du khách. Thêm nữa, nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn được đầu tư xây dựng cũng giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Dù lượng khách tăng hơn gấp đôi nhưng giá cả các loại dịch vụ đều được giữ ổn định, góp phần tạo nên ấn tượng tốt hơn về du lịch Nam Bộ nói chung và Bến Tre nói riêng.

Năm 2014, tổng lượng khách đến Bến Tre đạt hơn 900.000 người, trong đó gần 40% là khách nước ngoài; tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 560 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2013. Dự kiến, ngành du lịch Bến Tre trong năm 2015 sẽ tăng trưởng mạnh nhờ việc tổ chức Lễ hội dừa vào tháng 3-2015 và nhiều sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng khác.

Thanh Hóa nỗ lực cho Năm Du lịch quốc gia thành công

Đến với Thanh Hóa những ngày cuối năm, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng về một vùng đất, một vùng văn hóa giàu bản sắc đang thay da đổi thịt từng ngày. Thanh Hóa đang tập trung các nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, sẵn sàng tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2015.

Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2010 và Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh hoàn thiện 25 quy hoạch, trong đó có 8 quy hoạch chung và 17 quy hoạch cụ thể. Cơ sở hạ tầng tại các khu du lịch trọng điểm được quan tâm đầu tư với 672 cơ sở lưu trú, 14.000 phòng, trong đó có 85 cơ sở được xếp hạng khách sạn từ 1 đến 4 sao, 351 cơ sở xếp hạng nhà nghỉ đủ tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch. Thanh Hóa đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp các khách sạn lên hạng 3 sao trở lên và các khu nghỉ dưỡng cao cấp, đảm bảo đến khi diễn ra Lễ khạc Năm Du lịch, Thanh Hóa sẽ có khoảng 15.930 phòng phục vụ du khách.

5 năm trở lại đây, Thanh Hóa đã đầu tư tu bổ, tôn tạo hơn 200 di tích với tổng kinh phí trên 400 tỷ đồng, trong đó có những di tích trọng điểm như Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), Khu du lịch Hàm Rồng (TP. Thanh Hóa), Khu du lịch suối cá Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy), Khu du lịch văn hóa - sinh thái Trường Lệ (thị xã Sầm Sơn)… Công tác đầu tư tôn tạo di tích đang từng bước giúp Thanh Hóa phát huy các giá trị văn hóa, khai thác phục vụ du lịch. Các khu du lịch trọng điểm này đã thu hút số lượng lớn du khách tới tham quan hàng năm, đặc biệt là khách quốc tế. Việc đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2015 có thể giúp Thanh Hóa thu hút từ 5 - 5,5 triệu lượt khách trong và ngoài nước và tổng thu từ du lịch ước đạt 158,6 triệu USD.

Thanh Hóa cũng đang tập trung nhân lực, vật lực để thi công, hoàn thiện các hạng mục công trình trọng điểm đảm bảo tiến độ và chất lượng phục vụ cho các sự kiện trong Năm Du lịch Quốc gia 2015. Đó là dự án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới, Khu du lịch văn hóa lịch sử Thành nhà Hồ, dự án bảo tồn tôn tạo cổng Nam và cổng Bắc khu di sản văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ; Dự án bảo tồn và phỏng dựng chính điện Lam Kinh; Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo tỉnh; Dự án đầu tư xây dựng Đền thờ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ Hàm Rồng; Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị Khu du lịch Hàm Rồng…

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách, công tác xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cũng được Thanh Hóa quan tâm với việc tập trung triển khai một số đề án phát triển sản phẩm du lịch nội tỉnh như: “Phát triển tuyến du lịch ngược xuôi sông Mã”, “Quản lý khai thác phát triển du lịch di sản văn hóa thế giới thành Nhà Hồ”, “Đổi mới công tác quản lý, khai thác phát triển Khu du lịch Lam Kinh”, đồng thời phát huy các lễ hội truyền thống như Lễ hội Lam Kinh, lễ hội biển Sầm Sơn, lễ hội đền Bà Triệu, mô hình du lịch cộng đồng tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa… Bên cạnh đó, tỉnh cũng liên kết với Ninh Bình để kết nối khu, điểm du lịch, hình thành và phát triển tour du lịch di sản thế giới: Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Sầm Sơn - Bái Đính, Tràng An…

Công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch cũng được Thanh Hóa quan tâm bằng việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho thuyết minh viên, hướng dẫn viên, người lao động và cộng đồng tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý, nghiệp vụ du lịch, văn hóa giao tiếp ứng xử, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ quản lý, lao động trong ngành du lịch…

Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đến thời điểm này các cấp, các ngành, các đơn vị ở Thanh Hóa đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các công việc một cách đồng bộ, cụ thể, trong đó công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật tại các khu, điểm du lịch trọng điểm phục vụ Năm Du lịch đã đạt khoảng 80% yêu cầu đề ra. Công tác chuẩn bị và các yếu tố đảm bảo cho tổ chức các sự kiện chính của Năm du lịch, nhất là Lễ khai mạc đã cơ bản hoàn thiện. Tỉnh đang chuẩn bị cho sự kiện khởi động Năm Du lịch quốc gia 2015 bằng việc tổ chức hoạt động "Những ngày Văn hóa Nhật Bản tại Thanh Hóa" từ ngày 06 đến 09-01-2015 tại Nhà hát Lam Sơn./.