Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 22 đến ngày 28-12-2014

Đức Toàn tổng hợp
22:39, ngày 29-12-2014
TCCSĐT - Phát biểu tại cuộc họp về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ được giao cho Bộ Tư pháp nhưng đây không phải là công việc riêng của Bộ Tư pháp mà các bộ, ngành khác cũng cần có trách nhiệm.

Cải cách thủ tục hành chính là trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành

Sáng 25-12, Phát biểu tại cuộc họp về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho rằng thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, đây cũng là lĩnh vực rất khó làm, phức tạp, có nhiều đụng chạm, đổi mới đã khó, cải cách còn khó hơn. Phó Thủ tướng cho rằng cần đặt lại vấn đề “Chung tay cải cách thủ tục hành chính” để các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, đoàn thể cùng chung tay thực hiện.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp và các bộ, ngành tiếp tục coi nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền, không để bộ máy ôm đồm quá nhiều việc; bên cạnh đó chú trọng đến công tác đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, đảm bảo giải quyết kịp thời thủ tục cho người dân và doanh nghiệp, tăng cường công tác kiểm tra.

Phó Thủ tướng chỉ rõ cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ được giao cho Bộ Tư pháp nhưng đây không phải là công việc riêng của Bộ Tư pháp mà các bộ, ngành khác cũng cần có trách nhiệm, mỗi bộ, hoặc bộ trưởng hoặc thứ trưởng phải phụ trách công tác này. Các bộ không chỉ cải cách thủ tục hành chính ở bộ mình mà cần có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện để đạt được hiệu quả cao nhất.

Ba điểm nhấn của ngành Thuế năm 2014

Đó là thu ngân sách vượt kế hoạch, tăng cường quản lý thu và chống thất thu, cải cách hành chính trong thủ tục nộp thuế. Nhận định này được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2014 của ngành Thuế, sáng 26-12.

Trong cải cách thủ tục hành chính đi đôi với hiện đại hóa công tác thu, Tổng cục Thuế đã tham mưu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi nhiều văn bản pháp luật quản lý thuế, khiến số giờ làm thủ tục về thuế từ 537 giờ xuống còn 167 giờ/năm. Nhiệm vụ còn lại của ngành Thuế là phải giảm tiếp 45,5 giờ nữa. Ngoài ra, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin mà đến nay đã có gần 95% số doanh nghiệp kê khai thuế điện tử.

Ban hành 18 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 11-2014

Theo Bộ Tư pháp, trong tháng 11-2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 18 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 14 Nghị định của Chính phủ và 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có các nghị định liên quan trực tiếp đến cải cách hành chính.

Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10-11-2014, của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được ban hành để khắc phục những tồn tại, bất cập trong việc triển khai thi hành Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11-11-2009 của Chính phủ, đồng thời đảm bảo điều kiện để tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013.

Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế được ban hành vào ngày 20-11-2014 để triển khai "Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức", góp phần vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân. Nghị định quy định cụ thể về nguyên tắc tinh giản biên chế; quản lý và sử dụng số biên chế đã thực hiện tinh giản; các trường hợp tinh giản biên chế; các trường hợp chưa xem xét tinh giản biên chế; chính sách tinh giản biên chế; trình tự, thời hạn giải quyết tinh giản biên chế; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện tinh giản biên chế.

Gần 5 vạn doanh nghiệp tham gia thủ tục hải quan điện tử

Tính đến 15-12, đã có 49.492 doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan trên Hệ thống VNACCS/VCIS (hệ thống thủ tục hải quan điện tử); tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua Hệ thống VNACCS/VCIS đạt 182,45 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu là 91,24 tỷ USD, nhập khẩu là 91,21 tỷ USD.

Đến nay, Hệ thống VNACCS/VCIS đã được thực hiện trong cả nước với 34/34 Cục Hải quan địa phương và tổng cộng 170/170 chi cục thực hiện. Việc vận hành chính thức VNACCS/VCIS là sự kiện đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020.

Hệ thống VNACCS/VCIS do Chính phủ Nhật Bản viện trợ trị giá 2,661 tỷ yên, được thực hiện từ năm 2012 đến 2014. Hệ thống được triển khai chính thức ngày 01-4-2014 tại 2 đơn vị đầu tiên là Cục Hải quan Hà Nội và Cục Hải quan Hải Phòng.

TP. Hồ Chí Minh thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương

Ngày 28-12, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính trên địa bàn năm 2015 là chính thức triển khai đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; tiến tới tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành và tương đương của các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Bên cạnh đó, Thành phố tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm, thái độ của cán bộ, công chức trong việc giải quyết hồ sơ hành chính, đồng thời kỷ luật nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm khiến người dân, doanh nghiệp bức xúc.

Trong năm 2015, Thành phố đặt ra mục tiêu trên 60% các văn bản, tài liệu chính thức được trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước thông qua mạng điện tử; thành lập đoàn kiểm tra thường xuyên và đột xuất về công tác cải cách hành chính ít nhất 30% số cơ quan, đơn vị trực thuộc để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế./.