TCCSĐT - Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2015 diễn ra sáng ngày 24-12 tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu giữ ổn định tỷ giá USD/VND, tương tự như định hướng đã đưa ra ba năm qua.


CPI tăng thấp 1,84% không phải do nhu cầu tiêu dùng

Ngày 24-12, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,24% so với tháng 11. Với mức giảm này, CPI trong 12 tháng qua chỉ tăng 1,84% so với tháng 12 năm 2013 và CPI bình quân năm 2014 so với năm 2013 tăng 4,09%.

Cụ thể Báo cáo chỉ ra, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tổng hợp tính vào rổ CPI đã có 2 nhóm chỉ số giá giảm, đó là nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,99%, giao thông giảm 3,09% đồng thời có 4 nhóm tăng rất nhẹ, gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,08%; thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục đều tăng 0,03%; văn hóa, thể thao và du lịch tăng 0,07%.

Theo Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, nguyên nhân CPI tháng 12 giảm chủ yếu vẫn bắt nguồn từ việc giảm giá xăng, dầu trong nước (hai đợt giảm giá vào ngày 22-11 và 06-12-2014, khiến giá xăng giảm 1.460 đồng/lít, giá dầu diezel giảm 830 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 730 đồng/lít). Theo đó, chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,09% đóng góp 0,27% vào mức giảm chung của CPI. Ngoài ra, giá gas thế giới giảm mạnh đã điều chỉnh giá gas trong nước giảm 13.000 đ/bình (từ ngày 01-12) càng góp phần cho CPI tháng 12 giảm hơn so với tháng trước.

Đáng chú ý trong vòng 10 năm trở lại đây, CPI tháng 12 giảm so với tháng 11 là lần thứ hai (trước đó rơi vào năm 2008). Thời điểm, năm 2008 khủng hoảng kinh tế thế giới lan rộng, giá cả các mặt hàng trên thế giới tăng đột biến vào 6 tháng đầu năm và khiến giá cả sau đó lại giảm mạnh vào những tháng cuối năm. Cụ thể, CPI tháng 12 năm 2008 giảm tới 0,68% do giá một số mặt hàng thiết yếu giảm mạnh như lương thực, gas, xăng dầu, thép xây dựng…

Đánh giá tổng quan thị trường năm 2014, bà Ngọc cho rằng, CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013, đây là tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây.

“Như vậy, năm 2014, CPI bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,15%, mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra đã được thực hiện thành công. Khi CPI giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành..., kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm sẽ tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn, từ đó có tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng” bà Ngọc nhận định.

Về việc một số nhà kinh tế cho rằng CPI tăng thấp do sức cầu của nền kinh tế yếu, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng vẫn chưa có cơ sở. Bởi, số liệu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố giá, tốc độ tăng về lượng vẫn cao hơn các năm trước (năm 2014 ước tăng 6,5%, trong khi đó các năm 2011, 2012, 2013 lần lượt tăng là 4,7%, 6,2% và 5,6% đồng thời lạm phát của các năm này lần lượt là 18,13%, 6,81% và 6,04%) nên CPI năm 2014 tăng thấp không phải do nhu cầu tiêu dùng.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, năm 2014, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và thị trường tự do được thu hẹp, tỷ lệ đô la hóa giảm mạnh. Các tổ chức kinh tế và cá nhân đẩy mạnh bán ngoại tệ cho ngân hàng, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, cùng với lượng kiều hối gửi về trong năm nên lượng dự trữ USD dồi dào đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu.

Năm 2015 sẽ không điều chỉnh tỷ giá quá 2%

Cũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2015 diễn ra sáng ngày 24-12 tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu giữ ổn định tỷ giá USD/VND, tương tự như định hướng đã đưa ra ba năm qua. Thống đốc nhấn mạnh, mục tiêu trong năm tới sẽ giữ ổn định thị trường ngoại hối và mức điều chỉnh không quá 2%.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, điều hành ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp quản lý thị trường vàng là một trong tám nhiệm vụ và lĩnh vực trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2015. Khoảng biến động tỷ giá 2% trong năm 2015 cũng là khoảng định hướng như một cam kết mà nhà điều hành đưa ra và đã thực hiện được trong ba năm trước.

Cũng trong năm 2015, Thống đốc cho biết, ngành ngân hàng phấn đấu kiểm soát tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16 - 18%, tín dụng tăng khoảng 13 - 15%; điều hành ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam, tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp quản lý thị trường vàng; thực hiện các giải pháp về lãi suất, tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn, tập trung vào vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, các dự án hiệu quả và tạo ra nhiều việc làm.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đề án xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm bảo đảm an toàn hoạt động và kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động ngân hàng.

Năm 2014 là năm thứ ba liên tiếp Ngân hàng Nhà nước thực hiện đúng cam kết ổn định tỷ giá, mức biến động không quá 2%. “Đến giờ này tỷ giá mới chỉ điều chỉnh hơn 1%, song quan trọng hơn là Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều chỉnh”, Thống đốc cho biết.

Đối với thị trường vàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, thị trường vàng năm qua tiếp tục diễn biến ổn định, Ngân hàng Nhà nước không phải tổ chức đấu thầu bán vàng miếng, góp phần hạn chế việc sử dụng ngoại tệ của Quỹ Bình ổn tỷ giá và giá vàng để nhập khẩu vàng trên thị trường quốc tế. Diễn biến ổn định của thị trường vàng đã góp phần duy trì sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Thị trường vàng trong nước từ chỗ biến động, gây bất ổn cho hoạt động ngành ngân hàng, tác động tiêu cực trong điều hành chính sách tiền tệ, đã trở nên hết sức ổn định mặc dù thị trường vàng thế giới biến động mạnh. Nếu bình thường như trước đây thì đó là môi trường hết sức thuận lợi cho các hoạt động đầu cơ nhưng thời gian qua, các hoạt động đầu cơ hầu như được loại bỏ. Điều đó thể hiện các chính sách đã đúng hướng, hoạt động dự báo phân tích cũng ngày càng được nâng lên, thể hiện sự chính xác cao”.

Mặt bằng lãi suất cho vay cũng đã giảm mạnh, từ mức 18 - 24%, thì đến nay, mặc bằng lãi suất đã được đưa về 10%, giảm 2% so với đầu năm đúng như mục tiêu đã đề ra.

Khẳng định thành công trong điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp trong mấy năm qua, Thống đốc dẫn chứng, ví dụ năm 2013, Quốc hội, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 7%. Tuy nhiên, thực tế điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt đã góp phần kiểm soát lạm phát dưới 6%. Năm 2014 cũng vậy, Quốc hội, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 6%, song đến nay lạm phát chỉ ở mức rất thấp. Ngay cả loại trừ yếu tố bất thường là giá dầu giảm mạnh thì lạm phát cũng chỉ khoảng 4,9%. Có được thành công này là nhờ chính sách được điều hành nhất quán, kiên trì; hoạt động phân tích dự báo được cải thiện; công tác tổ chức thực hiện hết sức quyết liệt.

"Chưa có lúc nào sự gắn kết các cấp từ Trung ương đến địa phương, ngân hàng thương mại được phối hợp nhuần nhuyễn thông suốt như trong thời gian qua", Thống đốc chia sẻ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: Trong những năm qua, với điều kiện nợ xấu cao, thị trường tiền tệ thế giới có nhiều diễn biến phức tạp... đã ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng. Song Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, kiên định và nhất quán chính sách tiền tệ và đã tạo được niềm tin trong nhân dân và niềm tin đối với các nhà đầu tư.

Phó Chủ tịch nước cũng nhận định, là một ngành kinh doanh đặc biệt, ngân hàng đã giữ vai trò quan trọng trong lưu thông tiền tệ, chi phối toàn diện sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh của đất nước. Thành tích của ngành ngân hàng năm qua khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, sự năng động của đội ngũ lãnh đạo và chuyên viên ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội./.