Phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, trong những ngày qua, truyền thông nước này đưa tin rất đậm nét về kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong hai ngày 27 và 28-10, kèm theo những nhận định lạc quan về sự phát triển của quan hệ hai nước sau chuyến thăm.

Các hãng tin PTI, UNI, ANI, Times Now và các báo lớn như The Hindu, The Hindustan Times, The Economic Times, The Indian Express, Times of India, India Writes… đều đưa tin về kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với những thỏa thuận mà hai nước đạt được trong chuyến thăm, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và dầu khí. Các báo cũng phân tích triển vọng mở rộng và phát triển quan hệ toàn diện giữa hai nước.

Cụ thể, hầu hết các báo đều cho rằng quan hệ chiến lược Việt-Ấn đã được thúc đẩy đáng kể sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ngoài quyết định tăng cường mạnh mẽ quan hệ an ninh - quốc phòng và kinh tế, hai nước còn thống nhất quan điểm về vấn đề Biển Đông, cho rằng "tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông không thể bị cản trở", yêu cầu các bên liên quan không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phải giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc đã được công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Ấn Độ đồng ý thăm dò thêm 2 lô dầu khí ở Biển Đông.

Trước cam kết của Ấn Độ sẽ giúp Việt Nam hiện đại hóa các lực lượng an ninh và quốc phòng, trong những bài viết trên các báo, giới phân tích cho rằng đây là một động thái rõ rệt và đầy quyết tâm của Ấn Độ nhằm thách thức các hành động phô trương quyền lực trong khu vực, nhất là tại Biển Đông. Khi đặt Việt Nam vào trung tâm chính sách châu Á-Thái Bình Dương của mình, Chính phủ Ấn Độ đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng New Dehli sẽ chủ động theo đuổi và bảo vệ các quyền lợi của mình trong khu vực.

Tờ Times of India cho biết Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nêu bật chính sách này trên trang cá nhân Twitter khi nói rằng Chính phủ của ông đã “chủ động đẩy mạnh chính sách tích cực can dự vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương vì khu vực này có vai trò thiết yếu đối với tương lai của Ấn Độ”.

Báo The Hindustan Times cho rằng Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ lâu năm. Ấn Độ đã ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và từ năm 2007, quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Ấn đã bước vào thực chất. Hiện nay, Ấn Độ muốn thúc đẩy đa dạng hóa đầu tư tại Việt Nam và đang thảo luận với Việt Nam về khả năng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ba bên với Nhật Bản.

Trong bài viết của tác giả Manish Chand đăng ngày 30-10 trên báo điện tử India Writes, tác giả cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết thúc bằng những kết quả rõ ràng trong lĩnh vực quân sự và chiến lược. Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại New Delhi ngày 28-10, Thủ tướng Narendra Modi thông báo rằng Ấn Độ sẽ nhanh chóng “kích hoạt” khoản tín dụng 100 triệu USD, tạo điều kiện cho Việt Nam mua 4 tàu tuần tra hải quân của Ấn Độ nhằm góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền tại Biển Đông. Ấn Độ cũng ngỏ ý sẵn sàng cung cấp tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos cho Việt Nam nhưng cần phải chờ đến khi New Delhi tham gia Cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR).

Theo bình luận của báo The Indian Express ngày 31-10, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ là bước tiến mới trong quan hệ giữa New Delhi và Hà Nội. Công ty ONGC Videsh Ltd (OVL) của Ấn Độ vừa ký thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) về khai thác dầu khí tại Biển Đông.

Cùng với đó, New Delhi cam kết sẽ bán tàu tuần tra, hiện đại hóa lực lượng quốc phòng và an ninh cho Hà Nội. Hợp tác quốc phòng, hàng hải giữa Ấn Độ và Việt Nam, cũng như sự mở rộng đến nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, sẽ góp phần duy trì tự do hàng hải tại các tuyến giao thông trên biển (SLOCs).

Trong cuộc trả lời phóng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi ngày 31-10, Giáo sư S.D. Muni, chuyên viên đặc biệt tại Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ (IDSA) cũng nhận định rằng quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ rất gần gũi, hữu nghị và không có bất cứ vấn đề hiểu nhầm hoay căng thẳng nào. Hai nước không hề có tranh chấp hay nảy sinh bất cứ vấn đề gì. Không những vậy, hai nước còn tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, an ninh và quốc phòng, nhất là sau chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee hồi tháng 9, chỉ chưa đầy một tháng sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Sushma Swaraj.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nâng cấp sự hiểu biết và quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó chắc chắn quan hệ hợp tác về an ninh và quốc phòng sẽ phát triển mạnh.

Theo Giáo sư Muni, năm tới Việt Nam sẽ là nước điều phối viên của ASEAN, vị trí sẽ giúp Việt Nam ở vị thế đặc biệt để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ với ASEAN nên khả năng hợp tác giữa hai nước sẽ càng được mở rộng trong nhiều lĩnh vực./.