Biến động nhân lực ngành ngân hàng tại Việt Nam - thực trạng và giải pháp
TCCSĐT - Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố cơ bản và quan trọng không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp nói chung và các ngân hàng nói riêng trong quá trình tồn tại và phát triển. Sau giai đoạn tăng đột biến khi số lượng các ngân hàng tại Việt Nam được thành lập mới và mở rộng phạm vi hoạt động giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2012, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và tái cơ cấu, hệ thống các ngân hàng đã có xu hướng biến đổi giảm dần theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng.
Trong những năm trước đây, hệ thống ngân hàng đã phát triển về chiều rộng khá nhanh, thể hiện qua việc tăng số lượng ngân hàng và mở ra hàng loạt chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp cả nước, dẫn đến số lượng nhân viên ngân hàng phát triển đột biến. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, quy mô nhân lực ngành ngân hàng đã tăng lên nhanh chóng, từ 67.558 người năm 2000 lên 180.000 người năm 2012. Trong đó, nhân sự làm việc trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước là hơn 6.000 người, số còn lại làm việc trong các ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng nhân dân. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ đào tạo trong ngành ngân hàng cao hơn các ngành khác, tuy vậy tỷ lệ đào tạo chuyên ngành lại thấp hơn các ngành khác: nguồn nhân lực có trình độ đại học ngân hàng là 30,06%, ngành khác 34,9%, cao học ngân hàng 1,35%, ngành khác 1,75%
Trong giai đoạn tiếp theo, theo dự báo, nhu cầu về nhân lực cho ngành ngân hàng vẫn đang tiếp tục tăng lên. Đến năm 2015, nhu cầu nhân sự cấp cao của ngành tài chính ngân hàng cần khoảng 94.000 người, nếu không kịp thời nâng cao chất lượng đào tạo từ cấp độ cơ bản đến chuyên sâu, lực lượng lao động cấp cao trong ngành sẽ thiếu trầm trọng từ năm 2015.
Thực trạng nhân lực ngành ngân hàng
Theo báo cáo tài chính quý II-2014 và tình hình 6 tháng đầu năm 2014 mới công bố của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), số nhân viên tại ngân hàng này là 2.969 người, giảm 77 người so với đầu năm. Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) cũng có số lượng nhân sự giảm 143 người so với cuối năm 2013. Theo SCB, số lượng cán bộ nhân viên giảm là do cơ cấu tách nhân sự tạp vụ, tài xế để thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Sinh tài. Tại báo cáo tài chính riêng lẻ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), điểm khiến giới tài chính “giật mình” là việc ngân hàng này đã quá mạnh tay trong việc cắt giảm nhân sự. Chỉ trong 6 tháng, 666 nhân viên phải rời SHB khiến cho tổng số nhân sự tại ngân hàng này chỉ còn 4.256 người.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên SHB cắt giảm nhân sự lớn. Trước đó, vào quý III-2013, ngân hàng này cũng đã cắt giảm 134 người và cắt đến 70% lương so với cùng kỳ năm 2012. Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) có tổng số cán bộ tính đến cuối tháng 6-2014 là 19.503 người, giảm 383 người so với đầu năm. Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (Bac A Bank) tính đến thời điểm hiện tại có 2.630 nhân sự, giảm 41 người so với quý I-2014. Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cũng giảm 379 người.
Bên cạnh hàng loạt ngân hàng mạnh tay cắt giảm nhân sự thì cũng có vài ngân hàng vẫn tiếp tục tuyển dụng nhân sự nhưng quy mô tuyển không lớn, có thể kể đến vài cái tên như ABBank, VietBank, Vietinbank, Vietcombank, Oceanbank, OCB, VIB… Điển hình như Ngân hàng Quân đội tăng thêm gần 500 người trong 6 tháng, Ngân hàng Sacombank tăng hơn 200 người…
Kết quả khảo sát của Viện Nhân lực ngân hàng - tài chính (BTCI) cho thấy trong 2 năm 2012 và 2013 có khoảng 30.000 - 32.000 sinh viên tài chính ngân hàng ra trường nhưng chỉ có khoảng một nửa trong số đó được nhận vào làm việc trong các ngân hàng. Đội ngũ nhân lực trên đã cơ bản đáp ứng được sự phát triển của ngành ngân hàng trong thời gian qua, song khách quan nhìn nhận, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn thấp. Đại đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm tại các ngân hàng còn “hổng” cả về kỹ năng (thái độ làm việc, kỹ năng làm việc nhóm, trình độ tiếng Anh, khả năng giao tiếp) và kiến thức (các kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói chung). Do đó, hầu như các ngân hàng đều phải mất thời gian đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.
Một số lĩnh vực chuyên sâu thiếu rất nhiều nhân lực và các ngân hàng phải mất nhiều chi phí để thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn, thực hiện. Theo khảo sát được thực hiện bởi Viện Nhân lực ngân hàng - tài chính và Tập đoàn HayGroup, lượng sinh viên ra trường trong ngành này các năm 2012 - 2013 vào khoảng 29.000 - 32.000 người và đến năm 2016 là khoảng 61.000 người. Tuy nhiên, số sinh viên được tuyển chọn chỉ khoảng 15.000 - 20.000 người. Khảo sát tại các ngân hàng Việt Nam cho thấy, có 3 vị trí rất khó tuyển dụng hiện nay là quản trị rủi ro, quản lý và đầu tư…
Hiện cả nước có khoảng 40 cơ sở đào tạo ngành tài chính - ngân hàng, trong đó có 24 trường Đại học, mỗi năm có khoảng 11.000 cử nhân ra trường và 16 trường Cao đẳng, mỗi năm có khoảng 7.000 sinh viên ra trường. Nhưng trong số này, rất ít người được các ngân hàng tuyển dụng.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2014 của Vụ Dự báo thống kê tiền tệ Ngân hàng Nhà nước vừa qua cho thấy những tín hiệu tích cực trong lĩnh vực nhân sự ngân hàng. Theo đó, 40% ngân hàng cho rằng họ vẫn đang thiếu người và chắc chắn sẽ tuyển thêm trong tương lai. Phần còn lại nhận thấy nguồn nhân lực hiện tại đủ đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị vẫn nhận định ngành ngân hàng sẽ phục hồi và sẵn sàng tăng lao động để nắm bắt, đón đầu.
Đầy thách thức nhưng nhiều cơ hội
Thị trường lao động ngành tài chính - ngân hàng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của khủng hoảng kinh tế kéo dài và hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đang diễn ra. Áp lực mất việc làm trở nên rõ ràng hơn đối với từng cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng, buộc mỗi người phải tự học hỏi, trau dồi thêm các kiến thức chuyên môn để có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công việc. Bên cạnh đó, cơ hội dành cho những nhân viên có kinh nghiệm, có năng lực và muốn thử sức ở những môi trường tốt hơn, chuyên nghiệp và có chế độ đãi ngộ tốt hơn hay thử sức thể hiện mình ở những vị trí cao hơn tại các ngân hàng khác cũng rất rộng mở. Trong bối cảnh các ngân hàng tập trung tuyển dụng về chất lượng, tìm kiếm những ứng viên có đủ kinh nghiệm và năng lực cho vị trí quản lý và nhân viên thì làn sóng dịch chuyển nhân sự trong ngành ngân hàng sẽ vẫn tiếp tục diễn ra.
Xu hướng cắt giảm nhân sự của các ngân hàng thời gian qua đã có những tác động nhất định đến xu hướng chọn ngành nghề của học sinh và các phụ huynh trong kỳ thi tuyển sinh đại học hằng năm. Số sinh viên đăng ký theo học ngành ngân hàng, chứng khoán tại một số trường đại học lớn đã giảm khoảng 20% sau khi thị trường tài chính, ngân hàng gặp khó khăn. Theo Ông Trần Hoàng Ngân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, một trong hai đơn vị đào tạo nhiều nhân lực ngành tài chính ngân hàng khu vực phía Nam cho biết, giai đoạn 2005 - 2010, chỉ tiêu tuyển sinh của khoa ngân hàng trên 500 sinh viên/năm (chưa tính số sinh viên đào tạo sau đại học), sau năm 2010 giảm còn 400 sinh viên/năm, nay thì vào khoảng 350 sinh viên/năm. Số sinh viên đăng ký học ngành tài chính ngân hàng, bao gồm phân ngành chứng khoán giảm khoảng 20% so với thời điểm đỉnh cao của khoa ngân hàng và cũng là thời điểm rực rỡ của thị trường tài chính, ngân hàng, chứng khoán. Hiện nay, trước sự khủng hoảng và khó khăn của thị trường, các học sinh sợ ra trường không xin được việc làm nên số lượng đăng ký giảm đi, bản thân nhà trường cũng linh hoạt giảm chỉ tiêu tuyển sinh của khoa xuống cho phù hợp thực tế.
Một số kiến nghị - giải pháp
- Một trong những yếu tố quan trọng và cơ bản nhất để một ngân hàng có thể tồn tại và phát triển đó là chất lượng nguồn nhân lực. Ngân hàng nào có chất lượng nguồn nhân lực tốt sẽ có cơ sở để tăng khả năng cạnh tranh. Chính vì vậy, các ngân hàng cần chủ động thực hiện việc đánh giá chất lượng đào tạo hằng năm, rà soát và xây dựng các chương trình đào tạo nghiệp vụ theo yêu cầu của công việc và theo nhu cầu học hỏi nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của nhân viên. Hiện nay, công tác đào tạo cán bộ tại nhiều ngân hàng vẫn mang tính hình thức, chưa thực chất. Công tác đào tạo cần phải gắn liền với kiểm tra, tổng kết, phải thực sự mang lại lợi ích cho ngân hàng (thể hiện qua năng suất lao động, cũng như trình độ chuyên môn của mỗi nhân viên được tham gia các khóa đào tạo).
- Xây dựng chế độ đãi ngộ tương xứng để người lao động gắn bó với ngân hàng: Trong bối cảnh các ngân hàng khác luôn đưa ra chế độ đãi ngộ, lương, thưởng cao hơn để tuyển dụng những ứng viên có kinh nghiệm và năng lực sang làm việc, để bảo đảm “giữ chân” được những cán bộ có năng lực, mỗi ngân hàng căn cứ vào điều kiện và quy mô của mình để xây dựng các chế độ đãi ngộ tương xứng với khả năng, trình độ chuyên môn và mức độ đóng góp sức lao động vào hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
- Đối với các trường đào tạo ngành tài chính - ngân hàng cần xây dựng lại khung chương trình giảng dạy phù hợp hơn với thực tế, để làm được điều này, các trường cần phải có sự phối hợp với các ngân hàng. Do các ngân hàng có nhiều vị trí tuyển dụng, cần có khung đào tạo riêng đối với từng vị trí để sau này ra trường các sinh viên có thể đảm nhận được công việc ngay theo nhu cầu của nhà tuyển dụng.
- Các trường cần xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh trường hợp chỉ đào tạo chạy theo số lượng dẫn đến tình trạng thất nghiệp của sinh viên tài chính - ngân hàng như hiện nay.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả và chất lượng đào tạo sinh viên, qua đó, điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo phù hợp với quy mô và khả năng của mỗi đơn vị đào tạo ./.
Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Saitama đẩy mạnh hợp tác kinh tế  (29/10/2014)
Thương mại nội khối ASEAN tăng trưởng nhanh hơn ngoài khối  (29/10/2014)
Công khai minh bạch thu chi để tránh thất thoát vốn ngân sách  (29/10/2014)
Đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án xây sân bay Long Thành  (29/10/2014)
Thủ tướng tiếp nguyên Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama  (29/10/2014)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên