Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 20-10 đến ngày 26-10-2014)
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 21
Ngày 22-10-2014, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã thông qua Tuyên bố chung, khẳng định trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với tổng cầu yếu, tăng trưởng không đồng đều và vẫn thấp hơn mức độ cần thiết để tạo việc làm, nguy cơ suy giảm tăng trưởng tiếp tục lên cao. Khu vực APEC, với vai trò là động lực của nền kinh tế thế giới, cần dẫn đầu quá trình phục hồi toàn cầu, hướng tới mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng.
Về đầu tư và tài trợ kết cấu hạ tầng, tuyên bố kêu gọi nỗ lực hơn nữa, bao gồm cả những cải cách chính sách, để thu hút nguồn tài chính dài hạn và thúc đẩy các nguồn lực của khu vực tư nhân đáp ứng nhu cầu thiếu hụt, bao gồm cả việc phát triển quan hệ đối tác công - tư (PPP).
Các bộ trưởng APEC cũng cam kết thực hiện chính sách tài khóa và chính sách thuế phù hợp; nỗ lực hơn nữa để tạo thêm việc làm cho tất cả các công dân thông qua những biện pháp như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), tăng cường giáo dục và đào tạo,... Tuyên bố thừa nhận tầm quan trọng của việc củng cố các tổ chức tài chính, thúc đẩy hệ thống thuế công bằng và minh bạch.
Tuyên bố khẳng định ủng hộ Quỹ Khí hậu xanh; đồng thời, cho rằng tài chính là một vấn đề quan trọng để giải quyết biến đổi khí hậu.
Giới chức Mỹ thừa nhận nguồn tài chính khổng lồ của IS
Phát biểu ngày 23-10-2014 tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Carnegie Endowment của Mỹ, ông Đây-vít Cô-hen (David Cohen), Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách vấn đề khủng bố và tình báo tài chính, nhận định Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang làm giàu với một tốc độ “nhanh chưa từng có”.
Theo Thứ trưởng Đ. Cô-hen, chỉ riêng việc khai thác các mỏ dầu chiếm giữ tại I-rắc và Xy-ri đã cho phép IS sản xuất khoảng 50.000 thùng dầu mỗi ngày. Với việc bán giá thấp hơn mức thị trường thông qua các mối tiêu thụ “ngầm”, IS đã kiếm được khoảng 1 triệu USD/ngày. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, nhóm khủng bố này còn “bỏ túi” khoảng 20 triệu USD từ tiền chuộc con tin bắt cóc, cụ thể là các nhà báo và con tin người châu Âu. IS còn có “thủ đoạn tống tiền tinh vi” để đòi tiền từ các doanh nghiệp địa phương, cướp bóc đồ cổ và buôn bán phụ nữ.
Thực tế này tạo ra một thách thức đối với Mỹ trong nỗ lực phong tỏa nguồn tài chính của lực lượng này. Thứ trưởng Đ. Cô-hen nêu rõ Oa-sinh-tơn không thể hoàn thành nhiệm vụ này trong thời gian ngắn mà đây là một cuộc chiến dài hơi. Thời gian tới, Oa-sinh-tơn sẽ có các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với những đối tượng mua bán dầu bất hợp pháp. Mỹ cũng đang hợp tác với các nước đồng minh để triển khai một chương trình hành động quyết liệt hơn, như từ chối nộp tiền chuộc con tin. Không chỉ vậy, Mỹ cũng chú trọng tới vận động ngoại giao đối với các quốc gia vùng Vịnh trong quá khứ từng hỗ trợ tài chính cho các nhóm khủng bố.
Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh EU
Ngày 24-10-2014, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã bế mạc tại Thủ đô Brúc-xen (Bỉ). Thông báo của Liên minh châu Âu công bố sau cuộc họp đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến kinh tế vĩ mô mới đây trong toàn khối. Thông báo nhấn mạnh cải cách cơ cấu, hành chính công vững chắc là những điều kiện cốt yếu bảo đảm nguồn đầu tư; đồng thời cho biết Hội đồng châu Âu đề nghị Ủy ban châu Âu và các nước thành viên ngay lập tức biến những yêu cầu cấp thiết này thành những hành động chính sách cụ thể.
Lãnh đạo Liên minh châu Âu hoan nghênh chương trình đầu tư do Ủy ban châu Âu mới công bố tháng 7 vừa qua, “bơm” 300 tỷ ơ-rô (tương đương khoảng 380 tỷ USD) cho nền kinh tế khu vực nhằm tạo ra một nền kinh tế mạnh, bền vững, đặc biệt trong phát triển năng lượng, vận tải,...
Ngoài vấn đề tăng trưởng kinh tế, Liên minh châu Âu cũng cam kết tiếp tục can dự đầy đủ trong việc hỗ trợ tìm giải pháp chính trị cho U-crai-na; kêu gọi các bên liên quan nhanh chóng thực hiện mọi cam kết trong Thỏa thuận tại Bê-la-rút giữa Chính quyền U-crai-na và phe đòi độc lập, đặc biệt lệnh ngừng bắn, những dàn xếp về kiểm soát biên giới và tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn ở Cộng hòa Đô-nhét-xcơ và Cộng hòa Lu-han-xcơ tự xưng theo đúng luật pháp U-crai-na. Hội đồng châu Âu nhắc lại cam kết sẵn sàng hỗ trợ U-crai-na tiến hành cải cách chính trị và kinh tế, bao gồm khu vực năng lượng, theo đúng tinh thần Thỏa thuận Liên kết.
Ô-xtrây-li-a cấy ghép thành công tim đã ngừng đập
Bệnh viện St Vincent và Viện nghiên cứu tim mạch Victor Chang ở Xít-ni đã phát triển công nghệ cho phép “làm sống lại” những quả tim đã bị ngừng đập tới 20 phút để cấy vào cơ thể người nhận. Hiện đã có 3 bệnh nhân được cấy ghép tim thành công theo cách này, trong đó 2 người đang hồi phục tốt và một người đang được chăm sóc đặc biệt do vừa được phẫu thuật. Cả 3 bệnh nhân được nhận tim cấy ghép từ các bệnh viện khác nhau và các quả tim này vẫn còn đập trong thời gian vận chuyển kéo dài từ 5 - 8 giờ.
Lâu nay, các bác sĩ phẫu thuật chỉ sử dụng những quả tim vẫn còn đập của những người hiến tặng để tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân cần thay tim. Để thực hiện, các bác sĩ mổ lấy tim hiến tặng, đặt quả tim vào thùng bảo quản chuyên dụng và chuyển ngay tới bàn mổ của người nhận. Các ca cấy ghép chỉ được thực hiện khi cả người hiến tặng và người nhận ở trong cùng một bệnh viện để tránh trường hợp tim bị ngừng đập trước khi được đưa vào cơ thể người nhận.
Giám đốc Viện nghiên cứu Victor Chang, ông Bốp Gra-ham (Bob Graham) cho biết, công nghệ mới này sẽ cho phép Ô-xtrây-li-a tăng thêm 20% - 30% số ca cấy ghép tim mỗi năm./.
Chính thức thành lập Hội hữu nghị Việt Nam - Philippines  (29/10/2014)
Công điện tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả  (29/10/2014)
Kim ngạch thương mại Malaysia - Việt Nam dự kiến đạt hơn 10 tỷ USD  (29/10/2014)
Bế mạc Kỳ thi Tay nghề ASEAN lần thứ 10  (29/10/2014)
Lễ kỷ niệm 60 năm đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc  (29/10/2014)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên