Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Bỉ Elio Di Rupo, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Manuel Baroso, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italy M.Renzi và Giáo hoàng Francis, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Liên minh châu Âu (EU), Cộng hòa Liên bang Đức từ ngày 13 đến 15-10, tham dự Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 10 (ASEM 10) tại Milan, Italy từ ngày 16 đến 17-10-2014 và thăm Tòa thánh Vatican ngày 18-10.

Chuyến thăm nhằm trao đổi phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ toàn diện, thực chất và hiệu quả giữa Việt Nam và các đối tác ở châu Âu.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Bỉ

Việt Nam và Bỉ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22-3-1973. Quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Bỉ thời gian qua phát triển tốt đẹp. Về chính trị, hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao, phối hợp tích cực trên các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc và trong khuôn khổ ASEM, ASEAN-EU.

Quan hệ thương mại, đầu tư gia tăng liên tục. Giai đoạn 2000-2010, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng nhanh, ổn định, từ 395,4 triệu USD năm 2000 lên đến 1,2 tỷ USD năm 2010. Việt Nam liên tục xuất siêu khá lớn trong giai đoạn này. Kim ngạch hai chiều năm 2013 đạt 1,8 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2012.

Bảy tháng đầu năm 2014, kim ngạch thương mại tăng trưởng khả quan, đạt 1,3 tỷ USD. Tuy Bỉ là một thị trường nhỏ nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bỉ ở mức cao so với nhiều nước châu Âu khác, do hàng hóa từ Việt Nam vào Bỉ để đưa sang các nước Tây Âu khác (cảng Antwerp của Bỉ là một trong những hải cảng trung chuyển hàng hóa lớn ở châu Âu). Hiện Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU (sau Đức, Anh, Hà Lan, Pháp và Tây Ban Nha).

Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ chủ yếu là giày dép, dệt may, thủy sản, càphê, túi xách. Ngoài ra, gỗ, cao su, sản phẩm nhựa, đá và kim loại quý là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh và tiềm năng còn lớn.

Việt Nam nhập từ Bỉ chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, sắt thép, hóa chất, tân dược; Bỉ là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong EU và thứ 3 châu Âu (sau Nga và Ukraine) về sắt thép; là thị trường lớn thứ 4 trong EU về nhập khẩu máy móc thiết bị, phụ tùng.

Tính đến hết tháng Tám, Bỉ có 51 dự án với tổng số vốn đầu tư đạt 155 triệu USD, đứng thứ 35/96 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Đầu tư của Bỉ chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

Các dự án chủ yếu là 100% vốn nước ngoài với quy mô tương đối nhỏ (trung bình 3,16 triệu USD/dự án so với mức trung bình cả nước là 15,6 triệu USD/dự án). Hiện Việt Nam mới có hai dự án là Trung tâm xúc tiến thương mại tại Brussels (152.000 USD) và dự án Công ty cổ phần đầu tư Thương mại Thủy sản châu Âu (90.000 USD). Việt Nam là nước châu Á duy nhất được nhận hỗ trợ phát triển của Chính phủ Bỉ với khoảng 78 triệu USD cho giai đoạn 2011 - 2015.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Vương quốc Bỉ lần này nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực như cảng biển, dịch vụ kho vận, tăng trưởng xanh, công nghệ cao; thúc đẩy hợp tác về viện trợ phát triển...

Trao đổi phương hướng hợp tác Việt Nam - EU

Liên minh châu Âu (EU) hiện bao gồm 28 nước thành viên. Việt Nam và EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1990. Quan hệ Việt Nam - EU phát triển thực chất và toàn diện với việc hai bên chính thức ký Hiệp định Khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và đang hướng tới kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (EVFTA).

Về chính trị, hai bên duy trì thường xuyên trao đổi và tiếp xúc cấp cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 6 nước thành viên EU (Anh, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp và Italy). Thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - EU.

EU là một trong những đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. EU là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu, đạt khoảng 90% kim ngạch xuất nhập khẩu với khu vực thị trường châu Âu.

Từ 1990 đến 2013, kim ngạch thương mại Việt Nam-EU tăng hơn 100 lần (295 triệu USD lên 33,7 tỷ USD). Trong 7 tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều đạt 20,5 tỷ USD, tăng 7,33% so với cùng kỳ 2013 chủ yếu do tăng xuất khẩu.

Đặc điểm nổi bật trong thương mại hai chiều Việt Nam-EU là tính bổ sung cao, ít cạnh tranh. Việt Nam liên tục xuất siêu sang EU, đặc biệt trong 10 năm gần đây với mức xuất siêu trung bình từ 3-5 tỷ USD, tương đương 50% kim ngạch xuất khẩu.

Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa chất lượng cao, thực phẩm sạch, thủ công mỹ nghệ, giảm tỷ trọng hàng chất lượng trung bình, hàng nông sản thô.

Năm 2012, EU lần đầu tiên vượt Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tính đến hết tháng Tám, đã có 23/28 nước EU đầu tư vào Việt Nam 1.503 dự án với tổng vốn đăng ký 18,55 tỷ USD.

EU và các nước thành viên là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về ODA và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. EU cam kết tăng viện trợ cho Việt Nam 400 triệu Euro trong giai đoạn 2014 - 2020, tăng 30% so với giai đoạn 2007-2013.

Chuyến thăm EU của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm trao đổi phương hướng hợp tác Việt Nam - EU trong thời gian tới, thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán EVFTA và thảo luận về việc tăng cường phối hợp tác tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN - EU.

Triển khai Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam - Đức

Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23-9-1975. Từ nhiều năm nay, Đức là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Âu. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 10-2011, Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của Việt Nam sang EU (bằng cả Anh và Pháp cộng lại) và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Kim ngạch thương mại song phương tăng đều khoảng trên 10%/năm.

Năm 2013 đạt 7,7 tỷ USD (tăng 18% so với năm 2012); 8 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 4,9 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Đức là hàng dệt may, điện thoại và linh kiện, giày dép, càphê, thủy sản… và nhập từ Đức chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận tải, ôtô, hóa chất, dược phẩm. Đức coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ).

Tính đến tháng Tám, Đức có 232 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,25 tỷ USD, đứng thứ 22/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Những lĩnh vực đầu tư của Đức tập trung vào sản xuất thiết bị, năng lượng, hóa chất, y dược…

Đức hiện cam kết cung cấp 100 triệu USD viện trợ phát triển cho Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2015, tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên là môi trường, năng lượng và dạy nghề. Năm 2015, hai nước sẽ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức nhằm triển khai Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam - Đức; thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực lao động, đào tạo nghề, giáo dục và triển khai các dự án lớn đã ký kết; chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức trong năm 2015...

Xây dựng quan hệ Việt Nam - Vatican

Quan hệ Việt Nam - Vatican được duy trì tích cực. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gặp Giáo hoàng nhân các chuyến thăm tới Italy.

Hai bên đã tổ chức 5 vòng đàm phán của Nhóm Công tác hỗn hợp về quan hệ Việt Nam - Vatican. Từ tháng 4-2011, Đặc phái viên không thường trú của Vatican tại Việt Nam đã thực hiện nhiều chuyến thăm tại Việt Nam, tham gia các hoạt động tôn giáo lớn của Giáo hội Công giáo Việt Nam và thăm các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Tòa thánh Vatican nhằm thúc đẩy xây dựng quan hệ Việt Nam - Vatican; đề nghị Giáo hoàng Francis tiếp tục hướng dẫn Giáo hội Công giáo Việt Nam thực hiện đường hướng “Đồng hành với dân tộc,” “giáo dân tốt đồng thời là công dân tốt”./.