Đoàn cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm và làm việc tại Pháp
Ngày 08-10 tại trụ sở Quốc hội Pháp, trong cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Pháp Laurence Dumont, thay mặt Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng cảm ơn lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp đã dành cho Việt Nam tình cảm tốt đẹp, sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước những năm qua.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng cũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ nhiều mặt với Pháp do Pháp là một thành viên quan trọng của Liên hợp quốc cũng như Liên minh châu Âu.
Phó Chủ tịch cho rằng sau chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 9-2013, sự kiện đánh dấu quan hệ giữa Việt Nam và Pháp được nâng tầm đối tác chiến lược, hàng loạt nội dung hợp tác song phương được thực hiện hiệu quả, cùng với nhiều hoạt động có ý nghĩa được tổ chức năm nay trong khuôn khổ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, đã góp phần tạo ra những bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Phó Chủ tịch bày tỏ mong muốn hai Quốc hội tiếp tục có những trao đổi đoàn cấp cao và ủng hộ hai Chính phủ thực hiện tốt các chương trình hợp tác thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược; đồng thời cho rằng hai bên đã cam kết thảo luận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, do vậy cần có những chương trình thúc đẩy hợp tác, trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.
Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế, trong đó có các công ước chống tra tấn, bảo vệ trẻ em và phụ nữ, chống buôn bán người..., cũng như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Quốc hội Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp để Việt Nam có thể tham gia đầy đủ và có hệ thống và vì vậy rất mong nhận được sự ủng hộ và chia sẻ kinh nghiệm của Pháp trong các lĩnh vực này.
Trong lĩnh vực kinh tế, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng bày tỏ mong muốn Pháp nói riêng và Liên minh châu Âu nói chung sớm công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam.
Liên quan đến cộng đồng Pháp ngữ, Phó Chủ tịch khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức mình để góp phần vào sự phát triển chung, cho rằng hai bên có thể hợp tác để đề xuất những chương trình hành động hiệu quả và thiết thực. Việt Nam mong Pháp hỗ trợ đào tạo giáo viên tiếng Pháp và đưa học sinh sang Pháp học tập trong khuôn khổ các chương trình hợp tác giáo dục đã ký kết.
Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng cũng bày tỏ mong muốn Pháp hợp tác và hỗ trợ Việt Nam về nguồn lực cho các chương trình bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, ngăn nước biển dâng, giảm khí thải, đặc biệt là xử lý nước thải công nghiệp mà Pháp rất có kinh nghiệm và tiềm năng.
Tháng 3-2015, Quốc hội Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-132) và nhân dịp này, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đã trân trọng chuyển lời của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng mời lãnh đạo Thượng viện, Hạ viện Pháp tham dự sự kiện này đồng thời thăm Việt Nam. Phó Chủ tịch cũng khẳng định mong muốn sớm được đón Tổng thống Pháp sang thăm chính thức Việt Nam.
Về phần mình, Phó Chủ tịch thứ nhất Laurence Dumont khẳng định Quốc hội Pháp luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Quốc hội Việt Nam, cho rằng các cuộc trao đổi đoàn cấp cao đã đem lại nhiều kinh nghiệm bổ ích cho cả hai phía. Trong Quốc hội Pháp có rất nhiều nhóm nghị sĩ hữu nghị với các nước, trong đó Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Pháp - Việt đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Phó Chủ tịch Laurence Dumont bày tỏ mong muốn Việt Nam nâng cao hơn nữa vai trò trong khối Pháp ngữ, cho rằng việc ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam sang Pháp nghiên cứu và học tập đã cho thấy hợp tác giáo dục giữa hai nước đã có bước phát triển tốt đẹp.
Bà Laurence Dumont cũng ghi nhận các chủ đề hợp tác mà Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đề nghị, trong đó có chủ đề biến đổi khí hậu mà Pháp đặc biệt quan tâm và được đề cập trong nhiều cuộc họp của Quốc hội nước này; đồng thời cam kết sẽ chuyển những đề nghị hợp tác của Việt Nam đến các bộ ngành liên quan của Chính phủ Pháp.
Cùng ngày, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng đã có cuộc gặp Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Pháp - Việt, làm việc với Phó Chủ tịch Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Pháp và với Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF).
Tại cuộc gặp Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu Nghị Pascal Deguilhem và một số nghị sĩ khác tại Quốc hội, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đã cảm ơn tình cảm tốt đẹp mà Quốc hội Pháp nói chung và Nhóm nói riêng đã dành cho nhân dân và Quốc hội Việt Nam, cho rằng các nghị sĩ trong Nhóm thực sự đóng vai trò cầu nối giữa quốc hội và nhân dân hai nước.
Ông Pascal Deguilhem cho biết, không chỉ các thành viên Nhóm nghị sĩ hữu nghị ở Quốc hội (Hạ viện), mà ngay cả trong Thượng viện Pháp cũng có những nghị sĩ có tình cảm rất lớn đối với Việt Nam. Chính tình cảm này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam và làm cấu nối giữa Quốc hội và nhân dân hai nước.
Tại buổi làm việc với ông Dominique Raimbourg, Phó Chủ tịch Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Pháp, hai bên đã có những trao đổi liên quan đến khía cạnh hướng dẫn thực hiện luật pháp giữa các cấp địa phương.
Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng bày tỏ mong muốn tìm hiểu kinh nghiệm của Pháp về phương thức sửa đổi và xây dựng luật, về luật giám sát của hội đồng các cấp, từ cấp vùng đến cấp cơ sở, cũng như học hỏi Pháp các vấn đề liên quan đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cấp trên đối với cấp dưới, cũng như về xây dựng luật tổ chức chính quyền địa phương theo hiến pháp.
Trong buổi làm việc với Tổng Thư ký Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF) Pascal Terrasse, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đã cảm ơn ngài Tổng Thư ký và các nghị sĩ Pháp đã có tiếng nói ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp biển đảo bằng đàm phán hòa bình, đánh giá cao vai trò của ngài Tổng Thư ký trong việc ra nghị quyết giúp các nước thành viên bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Phó Chủ tịch cũng đánh giá cao hoạt động thiết thực và hiệu quả của APF, đặc biệt trong khía cạnh quan hệ hữu nghị, bình đẳng và hợp tác cùng phát triển giữa các nước thành viên APF, đồng thời nhấn mạnh vai trò của quan hệ Pháp - Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết trong cộng đồng Pháp ngữ và khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức mình để tổ chức này ngày càng lớn mạnh.
Phó Chủ tịch đề nghị APF tiếp tục ủng hộ Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền; đồng thời khẳng định Việt Nam sẵn sàng đăng cai tổ chức các hội nghị của khối pháp ngữ hoặc của APF tại Việt Nam, cũng như ủng hộ Pháp đăng cai hội nghị quốc tế và biến đổi khí hậu năm 2015.
Tổng Thư ký Pascal Terrasse đã đánh giá cao vai trò và các đóng góp của Việt Nam trong khuôn khổ khối Pháp ngữ và APF, cho rằng việc Việt Nam tham gia không gian Pháp ngữ là rất quan trọng và trên thực tế, Việt Nam đã chứng tỏ là thành viên rất năng động của APF.
Ông đề xuất Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị cấp cao APF ở một thời điểm thích hợp trong năm 2017. APF có thể tài trợ các công chức hoặc đại biểu Quốc hội Việt Nam học tiếng Pháp thông qua các chương trình đào tạo của tổ chức này.
Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Pascal Terrasse cho đây là một thách thức to lớn đối với APF nói chung, đòi hỏi một quyết tâm lớn của tất cả các nước thành viên. Tổng Thư ký Pascal Terrasse bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ ủng hộ APF trong nỗ lực giải quyết thách thức này bằng cách đóng một vai trò nhất định trong phát triển kinh tế bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo./.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Moldova trình Quốc thư  (09/10/2014)
Chủ tịch nước gặp cựu chiến binh lực lượng vũ trang tinh nhuệ ba miền  (09/10/2014)
Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ chia sẻ với Lào để cùng phát triển  (09/10/2014)
Việt Nam - Nga nhất trí thường xuyên chia sẻ thông tin an ninh quốc tế  (09/10/2014)
Báo chí - Cầu nối giữa doanh nghiệp và cộng đồng  (09/10/2014)
Qatar ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc  (09/10/2014)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay