TCCSĐT - Thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 05-11-2012, của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, thời gian qua, Thủ đô Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn thành phố; đồng thời coi đây là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Kết quả đáng ghi nhận

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước, “những người tiểu quốc dân của một nước độc lập”. Người coi công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những công việc thường làm và thường trực trong suy nghĩ của chính mình. Việc chăm lo cho thế hệ trẻ, cho trẻ em đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được xác định là sự nghiệp lâu dài, góp phần vào sự hưng thịnh của dân tộc, sự tồn tại và phát triển đất nước. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đã chỉ rõ cần chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ; phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền trẻ em. Nhận thức rõ điều đó, Hà Nội đã chủ động, tích cực chỉ đạo các cấp chính quyền và nhân dân thực hiện Chỉ thị số 55-CT/TW, ngày 28-6-2000 của Bộ Chính trị khóa VIII và Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05-11-2012, của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Bên cạnh những thành tựu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, Hà Nội cũng là địa phương dẫn đầu cả nước trong công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em. Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch để đẩy mạnh hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn thành phố, như: Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 19-6-2013, của Thành ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của thành phố Hà Nội trong tình hình mới”; Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 154/KH-UBND, ngày 02-10-2013, triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Thành ủy Hà Nội; Kế hoạch số 56/KH-UBND, ngày 21-4-2010, về việc tổ chức, triển khai, thực hiện Chỉ thị số 1408/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Kế hoạch số 135/KH-UBND, ngày 21-11-2011, về việc thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015; phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2013 - 2020. Hệ thống cơ chế, chính sách và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được quan tâm và triển khai toàn diện. Ngân sách đầu tư cho hoạt động này cũng ngày càng tăng. Nhờ thế, môi trường sống an toàn và lành mạnh cũng như đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được cải thiện và nâng lên đáng kể. Các quyền của trẻ em cơ bản được thực hiện, đáp ứng lợi ích và nhu cầu chính đáng cho thế hệ tương lai của đất nước. Toàn thành phố có 496/577 xã, phường đạt tiêu chuẩn xã phường phù hợp với trẻ em, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2013. Các địa phương cũng thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Hiện nay, số trẻ em từ 1 đến 16 tuổi của Hà Nội là hơn 1,6 triệu, trong đó ít nhất 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc, hỗ trợ và giúp đỡ dưới nhiều hình thức. Công tác chăm sóc trẻ em được Thủ đô thực hiện toàn diện trên nhiều lĩnh vực, cụ thể là:

Về y tế: Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện chương trình y tế học đường ở 100% các trường học và các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn thành phố. Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng được tuyên truyền và triển khai ở các xã, phường trên toàn thành phố kể từ năm 1985. Từ năm 1992 đến nay, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 6 loại vắc-xin gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi cho trẻ dưới 01 tuổi đều đạt khoảng 99%, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn và khống chế các dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho trẻ em. Kết quả tiêm chủng đối với trẻ em dưới 01 tuổi cần tiêm đủ 09 loại vắc-xin năm 2012 là 1.273.974 lượt (đạt 99,95%), tỷ lệ phụ nữ tiêm vắc-xin phòng uốn ván trước sinh đạt 178.829 lượt (đạt 99,96%). Năm 2000, thành phố đã thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc các bệnh ho gà, bạch hầu giảm rõ rệt từ hàng chục đến hàng trăm lần. Song song với việc phòng, chống các dịch bệnh, ngành Y tế của thành phố cũng phối hợp hiệu quả với các ngành khác và các tổ chức xã hội trên địa bàn Thủ đô tích cực triển khai sâu rộng chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thông qua các hoạt động cụ thể, như: Chiến dịch ngày vi chất dinh dưỡng thường vào tháng 6 và tháng 12 hằng năm; hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai, hướng dẫn thực hành nuôi con nhỏ cho các bà mẹ, xây dựng chế độ, khẩu phần ăn hợp lý cho trẻ dưới 5 tuổi; phát động Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển”; tổ chức các cuộc thi với chủ đề “Bữa ăn gia đình hợp lý”... Nhờ đó, Hà Nội là 1 trong 3 tỉnh, thành phố có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thấp nhất trong toàn quốc. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 05 tuổi của Hà Nội tính theo cân nặng là 8,1% (tỷ lệ này trên toàn quốc là 16,5%). Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 05 tuổi của Hà Nội tính theo chiều cao là 16,9% (tỷ lệ này trên toàn quốc là 26,7%).

Về giáo dục và đào tạo: Với phương châm giáo dục là quốc sách hàng đầu, Hà Nội đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để đầu tư, chăm lo sự nghiệp giáo dục thành phố, nâng cao chất lượng dạy và học, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành giáo dục Thủ đô, đồng thời tích cực hưởng ứng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội còn ban hành các chương trình hành động, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13-4-2007 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, một cách nghiêm túc. Đến nay, thành phố có hơn 180 nghìn gia đình hiếu học; hàng chục nghìn lượt học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, con gia đình chính sách được nhận học bổng khuyến học, khuyến tài mỗi năm. Quỹ khuyến học của thành phố huy động được khoảng 60 triệu đồng/năm để phục vụ các hoạt động phong phú, thiết thực, góp phần động viên, khuyến khích trẻ em học tập và rèn luyện không ngừng. Hà Nội cũng là địa phương làm tốt công tác vận động trẻ em đến trường và hạn chế tỷ lệ học sinh bỏ học. Số trẻ em 5 tuổi đi mẫu giáo đạt gần 100%, trẻ em đúng độ tuổi được vào lớp 1 và lớp 6 đạt 100%, tỷ lệ trẻ em bỏ học thấp.

Bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn trong giáo dục - đào tạo, Hà Nội còn chú trọng quan tâm giáo dục đạo đức trong các trường phổ thông. Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo biên soạn và đưa vào giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh phổ thông Hà Nội”. Ở một số quận, huyện, thị xã, lịch sử truyền thống, cách mạng địa phương đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường như ở huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, thị xã Sơn Tây…

Về văn hóa, thể dục - thể thao: Hướng tới mục tiêu chăm lo phát triển toàn diện cho trẻ em, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện để trẻ em có thể rèn luyện, phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Nhiều địa điểm sinh hoạt, vui chơi của trẻ em, cung thiếu nhi, nhà văn hóa được thành phố cải tạo và xây mới. Các phong trào văn nghệ hay luyện tập thể dục thể thao dành cho trẻ em được phổ biến rộng rãi trong nhà trường và các khu dân cư. Ngoài ra, thực hiện Kế hoạch 173/KH-UBND, ngày 20-12-2012, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em đến năm 2015, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã dạy bơi được trên 8.000 em/năm, tiêu biểu là huyện Gia Lâm, huyện Đông Anh, huyện Thanh Trì, huyện Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây, quận Hà Đông, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình… Thành phố trực tiếp đầu tư trên 01 tỷ đồng cho cơ sở để mở từ 35- 40 lớp/năm, dạy bơi cho khoảng 6.000 em. Tỷ lệ các em biết bơi đạt hằng năm là 86%. Từ năm 2014, Hà Nội phấn đấu có khoảng trên 10.000 em biết bơi mỗi năm. Chương trình phổ cập bơi, phòng, chống tai nạn sông nước được gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội hưởng ứng và quan tâm đặc biệt, vì đây không chỉ là hoạt động thể thao đơn thuần mà còn là một chương trình mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, góp phần bảo vệ trẻ em khỏi những tai nạn sông nước đáng tiếc. Hà Nội cũng đã ban hành hướng dẫn và đầu tư triển khai 10 mô hình tại các địa bàn trọng điểm có số trẻ bị tai nạn thương tích, đuối nước cao; đồng thời chú trọng công tác truyền thông tại cộng đồng về ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ; rà soát, bổ sung hệ thống biển chỉ dẫn, biến báo ở những nơi có nguy cơ cao gây tai nạn thương tích. Vì thế trong năm 2013, số trẻ em bị tử vong do đuối nước giảm 12 trẻ so với năm 2012. Ngoài ra, Hà Nội còn tổ chức thành công Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em với chủ đề “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số”. Tại Lễ phát động, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã tài trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, với tổng số tiền 9,9 tỷ đồng. Đặc biệt, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã trao cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội số tiền 1 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng các điểm vui chơi cho trẻ em và tặng xe đạp cho trẻ em nghèo vượt khó vươn lên học giỏi; trao tặng 20 xe đạp cho trẻ em nghèo. Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội cũng vận động được 7,365 tỷ đồng (cả tiền mặt và hiện vật) đạt 105% kế hoạch để hỗ trợ kinh phí phẫu thuật tim bẩm sinh cho 29 trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo; phẫu thuật nụ cười cho 60 em, phẫu thuật mắt cho 26 ca; trao trên 400 suất học bổng và nhiều phần quà cho trẻ em vượt khó học giỏi.

Năm 2013, thành phố ban hành 06 văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tổ chức các đợt kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em ở một số đơn vị thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, quận, huyện, xã, phường. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đã hoàn thành dự thảo Đề án Xây dựng đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa bàn dân cư, xây dựng và ban hành bộ chỉ tiêu thu thập số liệu định kỳ về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; tiến hành thường xuyên các thủ tục đưa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vào các trung tâm bảo trợ xã hội; giúp đỡ trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; đẩy mạnh các hoạt động của văn phòng tư vấn bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thành phố cũng tổ chức Diễn đàn trẻ em năm 2013 với chủ đề “Trẻ em với vấn đề sửa đổi một số điều của Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em” để các em có cơ hội đối thoại trực tiếp với đại diện lãnh đạo thành phố; tổ chức “Đêm hội trăng rằm” cho 1.000 trẻ em thuộc các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số của huyện Ba Vì. Tại đêm hội, thành phố đã trao 1.000 suất quà cho các em với tổng trị giá 80 triệu đồng; tặng xe đạp cho 31 em có thành tích tiêu biểu; tặng đồ dùng học tập cho 330 trẻ em các xã dân tộc thiểu số của các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, với tổng trị giá 165 triệu đồng.

Hành động cho tương lai của trẻ em Thủ đô

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em Hà Nội vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, như cơ chế, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa được thực hiện đồng bộ ở các địa phương trên địa bàn thành phố; nguồn lực trong xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; công tác phát huy sức mạnh cộng đồng vào chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là ở nông thôn còn yếu; tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, bị lạm dụng sức lao động có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng; tình trạng trẻ em phạm tội, bị tai nạn, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đang là những vấn đề xã hội bức xúc. Tính đến cuối năm 2013, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn cao (12.936 em); vẫn còn số trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học trên địa bàn thành phố; các điểm vui chơi và các hình thức giải trí phù hợp với trẻ em còn thiếu. Bên cạnh đó, hằng năm, trẻ em từ các địa phương khác di cư ra Hà Nội chiếm một số lượng không nhỏ nên công tác quản lý và chăm sóc trẻ em của Thủ đô gặp không ít khó khăn; thêm nữa, đội ngũ cán bộ và cộng tác viên làm công tác trẻ em ở địa bàn dân cư còn thiếu...

Hà Nội luôn xác định chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là sự nghiệp trồng người, là đầu tư cho tương lai bền vững của Thủ đô và đất nước. Trong năm 2014, Hà Nội phấn đấu số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc đạt trên 95%, 502 xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em. Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố đang tích cực triển khai các hành động cụ thể như sau:

Thứ nhất là, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tăng cường giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tổ chức thực hiện tốt Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em; phê phán, lên án, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, lôi kéo trẻ em vào hoạt động tội phạm và cản trở việc thực hiện các quyền của trẻ em. Thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động, như: Tháng hành động vì trẻ em, Ngày Quốc tế thiếu nhi, Ngày Gia đình Việt Nam, Tết Trung thu; các hoạt động bảo trợ xã hội và từ thiện vì trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật,... Tiếp tục triển khai Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015; Đề án bảo vệ, chăm sóc và phát triển trẻ em vùng dân tộc, vùng khó khăn của thành phố; Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến 2010 và tầm nhìn đến 2020, Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Thứ hai là, rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng mở rộng chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, trẻ em thuộc gia đình nghèo, vùng xa trung tâm thành phố, vùng dân tộc thiểu số, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% trẻ em trong các hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, gắn với việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng trường học an toàn, thân thiện và xây dựng cộng đồng vững mạnh. Từng bước bố trí tăng nguồn ngân sách, ưu tiên kinh phí đầu tư các công trình cho trẻ em nông thôn, miền núi, vùng khó khăn, trẻ em các gia đình chính sách, gia đình nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trong đó, tập trung ưu tiên bố trí quỹ đất và huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Thứ ba là, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; củng cố, kiện toàn tổ chức và tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em các cấp của Thủ đô. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, thực hiện các chính sách liên quan đến trẻ em. Thực hiện chính sách đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và bình đẳng giới.

Thứ tư là, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội, các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; trong đó, gia đình có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em, cùng với nhà trường giáo dục hình thành nhân cách và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em phát triển toàn diện. Thực hiện có hiệu quả việc giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em; phát hiện, ngăn chặn, lên án các hành vi bạo lực, vi phạm quyền trẻ em.

Thứ năm là, mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, huy động tổng hợp các nguồn lực trong và ngoài nước cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em./.