TCCSĐT - Ngày 20-6-2014, Mặt trận tổ quốc tỉnh Lào Cai cùng Oxfam đã phối hợp đồng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chia sẻ kết quả báo cáo Khảo sát việc triển khai và tiếp cận Chương trình 30a”.

Tham dự hội thảo có đại diện của Ủy ban nhân dân, Mặt trận tổ quốc, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai; đại diện từ một số huyện, xã thuộc Lào Cai và Nghệ An được hưởng lợi từ chương trình 30a; cùng nhiều phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí.

Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện thuộc 20 tỉnh có số hô nghèo trên 50% được phê duyệt theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP (gọi tắt là Chương trình 30a) là một trong những chương trình trọng điểm của Chính phủ nhằm đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2011, Chính phủ đã chi hơn 400 triệu đô-la Mỹ cho chương trình này, bình quân mỗi huyện nhận được khoảng 2 triệu đô-la Mỹ/năm.

Để đánh giá việc triển khai chương trình, Oxfam cùng với các chuyên gia và đơn vị nghiên cứu đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên 1.440 hộ gia đình ở 3 huyện, trong đó, mỗi huyện chọn ra 4 xã được thụ hưởng chương trình. Đó là huyện Si Ma Cai (Lào Cai), Tương Dương (Nghệ An), Ba-tơ (Quảng Ngãi). Kết quả nghiên cứu đã đưa ra một số phát hiện chính sau:

- Một số mục tiêu, trọng tâm của chương trình 30a sẽ khó đạt được hoặc không thực tế, ví dụ mục tiêu của chương trình đặt ra là giảm lao động nông nghiệp còn dưới 60% lao động xã hội (đến năm 2015), tuy nhiên trên thực tế cơ cấu lao động việc làm trong nông nghiệp tại các huyện khảo sát không thay đổi nhiều…

- Việc thông thạo tiếng Kinh và là thành viên của các đoàn thể có ảnh hưởng đến việc tham gia tích cực hay không vào các chương trình tập huấn, khuyến nông.

- Chương trình 30a tập trung nhiều vào xây dựng kết cấu hạ tầng, nhưng vẫn chưa đáp ứng đúng nhu cầu hàng đầu người dân là được cung cấp nước sạch.

Và, nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị: cần đổi mới cơ chế giám sát, đánh giá các chương trình giảm nghèo; xác định lại mục tiêu ưu tiên trọng tâm của Chương trình 30a tại từng huyện, thay vì mới chỉ tập trung phần lớn vào xây dựng kết cấu hạ tầng như hiện nay; tổ chức các lớp khuyến nông, tập huấn bằng tiếng dân tộc hay có người phiên dịch nhằm bảo đảm sự tham gia bình đẳng cho các đối tượng dân tộc thiểu số; khảo sát thứ tự ưu tiên đối với người dân, trong đó chú trọng nhu cầu nước sạch đang là cấp thiết tại nhiều nơi.

Sau trình bày của đại diện Oxfam, đại diện của các tổ chức, chính quyền, cơ quan, đoàn thể ở những nơi được thụ hưởng chương trình đã thảo luận, phản biện nội dung được trình bày. Trong đó, các đại biểu nêu lên sự chưa chính xác của những số liệu đã nêu do thời điểm khảo sát; một số chỉ tiêu đề ra không đạt được vì gặp nhiều khó khăn; lý giải lý do vì sao các thành viên tham gia vừa là người của các tổ chức đoàn thể, vừa là chính người dân của cộng đồng nên có thể truyền đạt lại trong cộng đồng; việc triển khai thực hiện đều có các tổ chức giám sát và tuân thủ theo các quy định pháp luật,…

Đồng thời, các đại biểu cũng kiến nghị chương trình nên nâng mức cho vay (không tính lãi suất) để hỗ trợ sản xuất; cho các hộ cận nghèo được vay không tính lãi mới giúp họ không tái nghèo; tăng mức hỗ trợ mua cây, con giống cho phù hợp với giá cả thị trường; đề nghị phê duyệt, thẩm định kế hoạch kịp thời cho việc triển khai chương trình ở từng năm…

Hội thảo có ý nghĩa trong việc nhìn nhận, đánh giá việc thực hiện một chương trình lớn của Chính phủ nhằm góp phần nâng cao hiệu quả xóa đói, giảm nghèo bền vững ở Việt Nam./.