Quốc hội bắt đầu các phiên chất vấn thành viên Chính phủ

Đức Nguyễn tổng hợp
21:54, ngày 10-06-2014
TCCSĐT - Chiều 10-6, Quốc hội khóa XIII tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên chất vấn. Phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp để đồng bào, cử tri cả nước theo dõi và giám sát.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ tại Kỳ họp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Đồng thời, các bộ trưởng, trưởng ngành hữu quan sẽ tham gia giải trình làm rõ thêm các nhóm vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề nợ công; vấn đề cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, kỷ luật tài khóa; tình trạng chuyển giá, hoàn thuế sai và trốn thuế, gian lận trong kê khai thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước; công tác quản lý, kiểm soát và bình ổn giá thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp tới đời sống nhân dân…

Phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tập trung vào các nội dung chất lượng đào tạo hệ đại học, dạy nghề còn thấp, chưa phù hợp yêu cầu của thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường cao, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Việc triển khai thực hiện cải cách về giáo dục; đổi mới chương trình, sách giáo khoa…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ trong việc triển khai thi hành Hiến pháp; việc triển khai Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; việc thẩm định để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật đối với các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay…

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài; thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của Thanh tra các cấp trong thời gian qua; công tác phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng; công tác phối hợp, tổng hợp, đánh giá, dự báo và kiến nghị giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Sau khi các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn trực tiếp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm những vấn đề có liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Những vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn

Trước khi bắt đầu phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ với báo chí, cho biết rất quan tâm đến các vấn đề như quản lý giá, cổ phần hóa, hỗ trợ khối doanh nghiệp dân doanh, chống tham nhũng, cải cách giáo dục… và sẽ đưa ra để chất vấn các thành viên Chính phủ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các vấn đề của Bộ Tài chính như quản lý và kiểm soát giá vì đây là những vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân.

Theo đại biểu, Bộ Tài chính cần quản lý, minh bạch hóa các mặt hàng thiết yếu đồng thời vấn đề kiểm soát giá cần triển khai tích cực hơn nữa để ổn định nền kinh tế. Giai đoạn vừa rồi, Bộ Tài chính mới làm được một việc là niêm yết trần giá sữa nhưng đây mới chỉ là bước đầu.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần xây dựng các chính sách để hỗ trợ khối doanh nghiệp dân doanh vì đây là khối làm ra của cải vật chất và tạo nguồn thu cho ngân sách. Hiện nay, nguồn thu nội địa từ khu vực sản xuất dân doanh và đặc biệt là khu vực ngoài quốc doanh có giảm so với dự toán. Vì thế, để tăng được nguồn thu ngân sách thì đòi hỏi phải có sự bồi dưỡng, có sự ưu đãi ngược lại để khối doanh nghiệp có thể phục hồi. Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cần phải triển khai mạnh hơn nữa vì đây là hướng đi tạo ra nguồn lực tài chính lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đại biểu rất quan tâm là số tiền (cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước) này sẽ được Bộ Tài chính sử dụng như thế nào.

Đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đoàn Quảng Trị quan tâm đến những vấn đề lớn mà trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhắc tới là cần phải phòng chống tham nhũng trong lực lượng phòng chống tham nhũng. Đó là vấn đề quan trọng vì thời gian qua, Thanh tra Chính phủ cũng có những vấn đề như tài sản "khủng" của đồng chí nguyên là lãnh đạo và việc trong thời gian ngắn đã bổ nhiệm đến mấy chục lãnh đạo cấp vụ, rồi vấn đề hiệu quả công tác thanh tra. Theo đại biểu, ở đây, chắc chắn là có trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc giám sát tài sản, kiểm soát, minh bạch tài sản, kê khai tài sản gắn với công khai và cho rằng kê khai tài sản phải gắn với công khai ở nơi lãnh đạo đó công tác và cư trú, chứ không phải kê khai rồi nộp cho đơn vị có thẩm quyền cất vào đâu đó.

Đại biểu cũng cho rằng, vừa qua, chúng ta đã đưa ra một loạt vụ án lớn để xử với mức án nghiêm khắc, chứng tỏ quyết tâm phòng chống tham nhũng, tuy nhiên trong báo cáo của Chính phủ thì vẫn khẳng định công tác phòng chống tham nhũng và lãng phí chưa đạt yêu cầu. Theo ý kiến đại biểu, có nhiều nguyên nhân nhưng chắc là có trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình và công khai minh bạch về tài sản cũng như việc bổ nhiệm và sử dụng cán bộ.

Đại biểu Nguyễn Đức Hiền - Trưởng ban Dân nguyện cho rằng đổi mới, cải cách giáo dục phải đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Bộ Giáo dục và Đào tạo có rất nhiều biện pháp chấn chỉnh khoản lạm thu ở các trường. Thế nhưng, rõ ràng vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều phụ huynh vẫn phản ánh là còn nhiều khoản lạm thu trong trường học, đặc biệt là các trường phổ thông. Cần có cơ chế để tháo gỡ vấn đề này, hạn chế triệt để lạm thu.

Một vấn đề nữa là phải quan tâm, tạo điều kiện cho các giáo viên, đặc biệt giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều người được điều động lên miền núi nhưng chúng ta chưa có ưu đãi, ưu tiên, đặc biệt chưa tạo điều kiện để các giáo viên sau thời gian hoàn thành nghĩa vụ với miền núi thì có điều kiện trở về thành thị, về với gia đình… Nhiều giáo viên đi lên miền núi và "không có đường về" nhưng lại không có cơ chế ưu tiên, khuyến khích.

Cũng đề cập đến vấn đề giáo dục, đại biểu Bùi Thị An, đoàn Hà Nội băn khoăn, làm thế nào để không lãng phí thời gian, tiền bạc của người dân để đạt được hiệu quả giáo dục như mong muốn. Theo đại biểu, vấn đề ở đây là quản lý nhà nước về giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chọn cái gì làm khâu đột phá, chọn như thế nào, lộ trình ra sao, nhưng không được quá lâu mà phải giải quyết ngay chuyện này. Mặc dù Bộ Giáo dục đã cố gắng nhưng vẫn chưa chọn đúng vấn đề để đột phá.

Về vấn đề sách giáo khoa, theo đại biểu, không phải là viết hết bao nhiêu tỷ đồng mà nội dung sách giáo khoa phải lược bỏ tối đa những điều không cần thiết, không phải là lược bỏ cái khó mà bỏ những cái không cần thiết. Và chỉ những người có tầm nhìn xa trông rộng mới lựa chọn được.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nợ công trong tầm kiểm soát

Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ nghi ngại nợ công không an toàn như Bộ Tài chính báo cáo trong khi nền kinh tế nhiều khó khăn, thu ngân sách thấp và đặt câu hỏi về giải pháp để Việt Nam trả nợ hiệu quả tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định nợ công vẫn nằm trong ngưỡng an toàn nhưng, Bộ Tài chính luôn kiểm soát nợ công, đồng thời sẽ giám sát việc vay nợ ở cả trong và ngoài nước để chống lãng phí.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lý giải nếu xét số tuyệt đối thì nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên. Nhưng nợ công có an toàn hay không thì phải đánh giá về cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ.

“Trên cơ sở đánh giá các yếu tố này thì nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Cụ thể, tỷ lệ nợ công trên GDP không thay đổi nhiều qua các năm. Năm 2010 là 51,7%, 2011 là 50 %, 2012 là 50,8% và 2013 là 53,4%. Các tỷ lệ này nằm trong ngưỡng cho phép là 65%. Riêng nợ Chính phủ hiện nay là 44%, thấp hơn chỉ tiêu 55% mà Quốc hội cho phép.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa hỏi thêm, nợ Chính phủ bảo lãnh các doanh nghiệp nhà nước có được tính vào nợ công không? Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời là có và cho rằng cũng giống như chính phủ các nước khác thực hiện với doanh nghiệp trong nước của họ.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Chính phủ đã cấp bảo lãnh phát hành trái phiếu tái cơ cấu lại nợ của Vinashin. Việc này thực hiện trên cơ sở nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp lý về cấp và bảo lãnh nợ của Chính phủ. Việc xử lý nợ cũng chỉ trong giới hạn phạm vi số nợ của công ty mẹ - tập đoàn Vinashin và 8 công ty con được Nhà nước giữ lại. Số liệu nợ cũng đã được đối chiếu, rà soát kỹ lưỡng, kết quả là giảm 70% nghĩa vụ nợ của Vinashin.

Cùng với tăng trưởng GDP thì khả năng trả nợ tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, thời hạn trả nợ là rất quan trọng. Do kinh tế khó khăn nên ta phải vay thời hạn ngắn, đặc biệt là huy động trong nước (có khi chỉ trong 1 đến 3 năm). Việc này Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để có giải pháp cơ cấu nợ công. Theo đó, Chính phủ sẽ phải tìm cách vay vốn ở trong và ngoài nước dài hạn, lãi suất thấp hơn nợ cũ để đảo nợ, trả nợ có lợi nhất.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm trong tỷ lệ trả nợ trên tổng số nợ công thì năm 2013 là 25%. Trong số này có 10% được trả là do đảo nợ, không làm phát sinh thêm nghĩa vụ trả nợ.

Ngoài ra, số nợ cho vay lại hiện chiếm khoảng 6,9% GDP. Năm 2014, Chính phủ rút vốn nước ngoài là 96.000 tỷ đồng và cho vay lại khoảng 60.000 tỷ đồng. Năm 2013, dư nợ nước ngoài của Chính phủ là 760.000 tỷ, trong đó số dư cho vay lại là 266.000 tỷ đồng.

Thời gian qua, Bộ Tài chính thường xuyên đánh giá danh mục nợ công trên các chỉ tiêu đánh giá an toàn, đúng tinh thần Luật Quản lý nợ công.

Thời gian tới, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục đánh giá, giám sát việc quản lý tiền vay trong, ngoài nước. “Đây là vấn đề đại sự”, theo lời Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, để phòng ngừa tối đa lãng phí, chống đầu tư dàn trải không hiệu quả.

Ngoài vấn đề nợ công thì tình hình điều hành giá xăng dầu cũng là một chủ đề được đại biểu Quốc hội quan tâm và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời trong phiên chất vấn hôm nay.

Trong phiên họp sáng ngày 11-6, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội./.