Đêm 11-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Nay Piy Taw, Myanmar.

Với những vấn đề xung quanh việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu Hải Dương 981 (HD-981) vào sâu trong Thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu lên trong bài phát biểu tại các phiên họp, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị và Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị, thể hiện sự đoàn kết trong ASEAN để đối phó với thách thức nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh của ASEAN trong nhiều năm trở lại đây.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 được tiến hành vào một thời điểm mà thách thức đối với hòa bình và an ninh của khu vực có những diễn biến nghiêm trọng nhất trong vài thập niên gần đây, sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu HD-981 và đưa 80 tàu hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự vào sâu trong khu vực Thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hơn 80 hải lý, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 và Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hội nghị diễn ra chỉ 3 ngày sau khi Việt Nam công bố những bằng chứng không thể chối cãi về việc các tàu của Trung Quốc chủ động đâm húc vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, gây leo thang căng thẳng trong khu vực. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này,cũng diễn ra ngay sau khi các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần đầu tiên trong 20 năm đã ra một Tuyên bố riêng về tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN. Và cũng không phải vô cớ khi Trung Quốc thực hiện hành động này chỉ 10 ngày trước khi các nhà Lãnh đạo ASEAN tiến hành cuộc họp cấp cao lần này.

Tại các phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp giữa các nhà Lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo chính thức tới các nhà Lãnh đạo ASEAN về hành động cực kỳ nguy hiểm này của Trung Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam cũng luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của Khu vực và Thế giới. Song, lãnh thổ là thiêng liêng, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với Luật pháp quốc tế.

Kể từ thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì đến thời điểm hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam thông báo với thế giới và phản đối hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc, đồng thời khẩn thiết kêu gọi ASEAN và Thế giới tiếp tục phản đối hành động của Trung Quốc.

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị đã gây sự chú ý đặc biệt của các nhà lãnh đạo và giới truyền thông quốc tế. Thảo luận về vấn đề này, Tổng thống Philippines Aquino đã kêu gọi Hiệp hội ASEAN cần tiếp tục tăng cường thống nhất và đoàn kết, trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn với Trung Quốc trên Biển Đông, và cho rằng đó là cách duy nhất để Hiệp hội với 10 nước thành viên này có thể trở thành một tổ chức được tôn trọng và đáng tin cậy.

Tổng thống Indonesia Yudhoyono thì đề nghị ASEAN phải thể hiện và có dũng khí, cũng như phải ngăn chặn chính sách ngoại giao dựa trên sự đe dọa dùng vũ lực. Còn Thủ tướng Malaysia Najib Razak thì đề nghị trước hành động của Trung Quốc ASEAN phải thể hiện sự quyết tâm.

Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thì cho rằng vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 xảy ra ngay tại cửa ngõ của ASEAN, nên ASEAN phải có quan điểm vì an ninh và ổn định của khu vực phụ thuộc vào những gì xảy ra tại Biển Đông. Điều này cho thấy, các nước ASEAN đều nhận thấy đây là hành động nghiêm trọng nhất từ trước đến nay trên Biển Đông, vì với giàn khoan HD-981, Trung Quốc cũng có thể có thực hiện hành động như vậy với các nước khác, không phải như lập luận của Trung Quốc, đây chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc với một vài nước ASEAN.

Như vậy là sau rất nhiều năm, ASEAN đã có được một tiếng nói thống nhất đối với vấn đề Biển Đông, vấn đề đã khiến ASEAN không thể đạt được quan điểm đồng thuận cách đây 2 năm.

Việc Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN-24 bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông và khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Cùng với việc Tuyên bố Nay Pyi Taw khẳng định việc tăng cường hợp tác bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của Luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đặc biệt là việc các nhà Lãnh đạo ASEAN kêu gọi tất cả các bên thực hiện kiềm chế và không sử dụng vũ lực, cũng như không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng và sớm đạt được Bộ Quy tắc về Ứng xử ở Biển Đông như đã được thể hiện trong Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, theo đúng với đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Việc này đã cho thấy ASEAN đang tiếp tục tăng cường sự thống nhất và đoàn kết và dần nắm giữ được vai trò trung tâm trong việc giải quyết các thách thức trực tiếp đối với hòa bình, an ninh của mỗi nước và cùng là của khu vực./.