Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 05-5 đến ngày 11-5-2014)
Các nước G7 thảo luận về an ninh năng lượng và đa dạng nguồn cung
Trong hai ngày 06 và 07-5 tại Thủ đô Rô-ma (I-ta-li-a) diễn ra Hội nghị các Bộ trưởng Năng lượng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Tại Hội nghị, các bộ trưởng năng lượng G7 tập trung phân tích các chiến lược hướng tới giảm thiểu phụ thuộc năng lượng và những rủi ro liên quan, đồng thời củng cố chính sách bảo đảm tốt nguồn cung năng lượng. Bộ trưởng Phát triển Kinh tế I-ta-li-a Phê-đê-ri-ca Gui-đi (Federica Guidi) cho biết, các nước G7 đều nhất trí ủng hộ đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ khai và hoạt động sản xuất năng lượng, cũng như phát triển các công nghệ mới. Bên cạnh đó là việc đồng lòng giữ vững cam kết bảo đảm đủ nguồn cung năng lượng cũng như mở rộng nghiên cứu và khai thác các nguồn năng lượng thay thế cho năng lượng thủy điện.
Ngoài ra, tại hội nghị lần này, việc phát triển và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng cũng là một vấn đề quan trọng được thảo luận, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra sự liên kết giữa các nước thành viên. Các quốc gia cần có sự phối hợp nhất quán hơn cho các kế hoạch mới nhằm sản xuất, tiếp nhận và phân phối khí hóa lỏng, bên cạnh việc mở rộng các tuyến đường ống vận chuyển và tăng thêm hệ thống kho dự trữ.
WEF tìm kiếm cơ hội, giải pháp cho các thách thức kinh tế của châu Phi
Từ ngày 07-5 đến 09-5-2014, tại Thủ đô A-bu-gia của Ni-giê-ri-a diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 24 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về châu Phi - còn được gọi là “Đa-vốt châu Phi” - với chủ đề “Tiến tới tăng trưởng toàn diện, tạo việc làm”. Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận về biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, khắc phục các khó khăn kinh tế của châu lục, cũng như tìm kiếm giải pháp cho vấn đề cải cách cấu trúc kinh tế ở các quốc gia châu Phi.
Hội nghị đã thu hút được hơn 68 tỷ USD tiền đầu tư vào các dự án thúc đẩy nông nghiệp, cải thiện kết cấu hạ tầng, giáo dục, phát triển kỹ năng và công nghệ thông tin,... Trong các cam kết đầu tư này, 16 tỷ USD sẽ do một công ty Ni-giê-ri-a đầu tư trong vòng bốn năm tới, tạo ra 180.000 việc làm và 1 tỷ USD của một công ty khác đầu tư trong vòng 10 năm, tạo ra 20.000 việc làm. Trong khi đó, khoản cam kết 2 tỷ USD từ các cơ quan tài trợ sẽ được rót vào nâng cấp hệ thống cung cấp điện tại Ni-giê-ri-a và 700 triệu USD dành cho chương trình tiêm chủng.
Hơn 1/3 dân số thế giới chưa được tiếp cận các điều kiện vệ sinh cơ bản
Ngày 08-5-2014, báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết: Hơn 1/3 dân số thế giới không được tiếp cận các thiết bị vệ sinh cơ bản - yếu tố làm tăng nguy cơ phát sinh các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Theo WHO, hiện trên thế giới vẫn còn hơn 700 triệu người chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch, một nửa trong số này đang sống ở các nước châu Phi và châu Á. Khoảng 2,5 tỷ người chưa được tiếp cận với các điều kiện vệ sinh tiên tiến, trong đó có tới 1 tỷ người không sử dụng nhà vệ sinh.
Báo cáo của WHO và UNICEF nhấn mạnh, từ năm 1990 có thêm gần 2 tỷ người được tiếp cận với các thiết bị vệ sinh cơ bản và 2,3 tỷ người được sử dụng nguồn nước sạch. Tới năm 2012, đã có 71 quốc gia thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) về tiếp cận nguồn nước sạch, 77 quốc gia thực hiện tốt MDG về tiếp cận các điều kiện vệ sinh tiên tiến. Tuy nhiên, còn 45 nước chưa đáp ứng được các mục tiêu này. Nước sạch và điều kiện vệ sinh là hai nhân tố sống còn để nâng cao sức khỏe con người và phát triển. Theo báo cáo, mỗi năm trên thế giới có khoảng 842.000 người tử vong vì tiêu chảy do chất lượng nguồn nước không bảo đảm và vệ sinh kém. Do vậy, việc cung cấp nước sạch và các thiết bị vệ sinh tiên tiến là nền tảng để chống lại các bệnh như dịch tả, tiêu chảy, kiết lỵ, viêm gan B và thương hàn.
Dư luận quốc tế về hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông
Giàn khoan dầu HD-981 trái phép của Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam. Ảnh: Xinhua/TTXVN
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam khiến người Việt Nam trong nước và nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế bày tỏ sự phẫn nộ và phản đối.
Ngày 08-5-2014, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, khẳng định tình hình căng thẳng hiện nay là do Trung Quốc gây ra. Trả lời phỏng vấn tại trung tâm báo chí ở Thủ đô Oa-sinh-tơn, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ma-ri-e Háp (Marie Harf) nêu rõ việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển hiện nay là một hành động khiêu khích.
Người phát ngôn của Liên hợp quốc Phơ-han Hác (Ferhan Haq) nêu rõ Liên hợp quốc mong muốn các bên liên quan giải quyết tranh chấp một cách hữu nghị.
Ngày 09-5, Nhật Bản một lần nữa khẳng định nước này coi các hoạt động khoan thăm dò dầu khí của Trung Quốc ở Biển Đông là “hành động khiêu khích” đối với an ninh khu vực, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh cần làm rõ với Việt Nam và cộng đồng quốc tế về những hoạt động hàng hải đang ngày càng gia tăng của nước này ở Biển Đông.
Trong buổi họp báo quốc tế về việc hạ đặt giàn khoan HD-981 tại Biển Đông do phía Trung Quốc tổ chức, sau khi nghe phía Trung Quốc diễn giải sự việc và trình bày quan điểm, các phóng viên của các hãng tin quốc tế như AP, AFP, các phóng viên Nhật Bản,... đều tỏ ra hoài nghi về những nội dung mà phía Trung Quốc công bố, đồng thời thể hiện quan điểm ủng hộ Việt Nam. Phía Trung Quốc đã không đưa ra được những bằng chứng thực tế hay luận chứng có tính thuyết phục, các câu trả lời chỉ chung chung.
Trước đó, nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới như AP (Mỹ), AFP (Pháp), Reuters (Anh), DPA (Đức),... cùng các tờ báo uy tín như New York Times, Wall Street Journal, Deutsch Welles, Straits Times,… đều nhấn mạnh vụ việc này đã khiến căng thẳng trong khu vực leo thang và “sự hung hăng của Trung Quốc là đáng báo động với nhiều nước trong khu vực”. Các báo cũng đánh giá hành vi này của Trung Quốc là “một trong những bước đi khiêu khích nhất” có thể dẫn đến “những xung đột nghiêm trọng hơn”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức cùng một số tổ chức, hội đoàn người Việt ở Đức, chiều 11-5, khoảng 5.000 người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập ở mọi miền nước Đức đã tề tựu về khu vực đại sảnh Quảng trường Pốt-xđam ở trung tâm Thủ đô Béc-lin để bày tỏ tình đoàn kết, hướng về Tổ quốc cũng như biểu tình, lên án các hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc.
Chiều 11-5, hơn 2.000 người Việt đang sinh sống, làm ăn và học tập tại Cộng hòa Séc đã tham gia cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Pra-ha. Họ giương cao biểu ngữ bằng tiếng Việt, tiếng Séc, tiếng Anh phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc và hô vang các khẩu hiệu: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, “Trung Quốc rút khỏi Biển Đông”, “Trung Quốc đưa ngay giàn khoan dầu ra khỏi vùng biển Việt Nam”…
Trước đó, ngày 10-5, trước tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Thủ đô Nây Pi-tô (Mi-an-ma) đã ra Tuyên bố về Biển Đông. Trong đó, các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định ASEAN cần thiết phải có tiếng nói chung bày tỏ quan ngại sâu sắc và nhấn mạnh tầm quan trọng phải triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và DOC; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp tình hình; nhấn mạnh sự cấp thiết sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)./.
Lãnh đạo các nước ASEAN lo ngại sâu sắc về vấn đề Biển Đông  (11/05/2014)
Tàu Trung Quốc tấn công, cướp tài sản của ngư dân Việt Nam  (11/05/2014)
Cảnh sát Biển Việt Nam đang vững vàng bảo vệ vùng biển của Tổ quốc  (11/05/2014)
Ngư dân Quảng Nam phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam  (11/05/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên