Bảo đảm vũ khí kỹ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đại tá, PGS, TS. Dương Hồng Anh Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
21:09, ngày 02-05-2014

TCCSĐT - Trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành kỹ thuật quân sự đã vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt ở vùng địch tạm chiếm, kịp thời đáp ứng các yêu cầu tác chiến của bộ đội trên các hướng, tạo điều kiện cho quân và dân ta hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Giai đoạn chuẩn bị Chiến dịch: chu đáo, đúng kế hoạch

Ngày 06-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Các đại đoàn bộ binh 308, 304, 312, 316, Đại đoàn công pháo 351 được lệnh chuẩn bị tham gia chiến dịch. Hai nhiệm vụ cấp bách khó khăn nhất cần giải quyết lúc này là mở đường vào Điện Biên Phủ, đưa lương thực và vũ khí trang bị đến khu vực chiến đấu, nhất là lực lượng pháo binh, pháo phòng không.

Đại đoàn công pháo 351 gồm Trung đoàn pháo binh 45 có 2 tiểu đoàn pháo 105mm, 24 khẩu; Trung đoàn sơn pháo 675 có 5 đại đội sơn pháo 75mm, 15 khẩu; Trung đoàn pháo phòng không 367 có 2 tiểu đoàn phòng không 37mm, 24 khẩu và 2 đại đội súng máy phòng không 12,7mm có 24 khẩu(1).

Trung đoàn 45 là trung đoàn pháo binh hạng nặng đầu tiên của quân đội ta, được huấn luyện ở Mông Tự (Vân Nam - Trung Quốc). Trung đoàn pháo cao xạ 367, sau 6 tháng huấn luyện ở Tân Cương (Quảng Tây - Trung Quốc), cuối năm 1953 hành quân về nước và được điều ngay lên mặt trận Điện Biên Phủ. Cả 2 trung đoàn trên đều được Liên Xô, Trung Quốc giúp trang bị vũ khí. Quân giải phóng Trung Quốc giúp đỡ đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật và huấn luyện bộ đội.

Ngoài Trung đoàn công binh 151, Bộ Chỉ huy chiến dịch điều động hàng vạn thanh niên xung phong, dân công, công nhân làm nhiệm vụ mở đường. Anh chị em phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 151 làm việc không kể ngày đêm. Đến ngày 27-11-1953, một số tuyến đường vào địa bàn chiến dịch đã được sử dụng. Các đoàn xe vận tải chở vũ khí, lương thực phục vụ chiến dịch đã đến được Tuần Giáo. Ngày 16-01-1954, Trung đoàn 45 (24 khẩu l05mm), Trung đoàn pháo cao xạ 367 (24 khẩu 37mm) đã có mặt ở km số 70 đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ.

Nhận thức rõ việc bảo đảm vũ khí và lương thực cho các lực lượng tham gia Chiến dịch (khoảng 55.000 người) là một việc hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi, Trung ương Đảng và Chính phủ đã huy động 260.000 dân công, trên 20.000 xe đạp thồ, 17.000 ngựa thồ, trên 11.800 thuyền bè các loại và 628 xe ô tô phục vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí đạn dược cho Chiến dịch.

Do địa bàn chiến dịch xa hậu phương, lại qua nhiều địa hình hiểm trở, việc tổ chức vận chuyển cung cấp vũ khí đạn dược được tổ chức thành hai tuyến. Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần), Hội đồng cung cấp mặt trận các Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3-4 đảm nhiệm. Tuyến chiến dịch do Tổng cục Cung cấp tiền phương và Hội đồng cung cấp mặt trận khu Tây Bắc phụ trách. Vũ khí trang bị kỹ thuật từ Việt Bắc sang giao hàng ở Ba Khe trên đường 13; hướng từ Liên khu 3, 4 ra giao hàng ở Suối Rút. Tổng cục Cung cấp ở hậu phương phụ trách việc chuyển vũ khí, trang bị kỹ thuật lên đến Ba Khe và giao lại cho Tổng cục Cung cấp tiền phương. Tổng cục Cung cấp tiền phương sau khi nhận được hàng hóa tổ chức vận chuyển từ Ba Khe, Suối Rút lên Điện Biên Phủ.

Ngoài ra, để phục vụ cho việc cất trữ, bảo quản vũ khí, Tổng cục Cung cấp tiền phương tổ chức bố trí các kho dự trữ ở quanh thị xã Sơn La và các kho trung tuyến trong phạm vi từ km số 31 đến km số 87 đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ. Các kho được bố trí hợp lý, bí mật, an toàn, thuận tiện cho việc tiếp nhận và cấp phát.

Phương châm vận tải trong chiến dịch là “cơ giới là chủ yếu, triệt để phát huy cơ giới đồng thời tranh thủ mọi phương tiện thô sơ”(2). Lần đầu tiên ta sử dụng một số lượng lớn xe ô tô làm nhiệm vụ vận chuyển. Từ tháng 12-1953, tuyến vận tải tiền phương tập trung xe ô tô vận tải từ Ba Khe, Suối Rút, Bãi Sang lên Sơn La và Tuần Giáo. Sang tháng 01-1954, khi đường Tuần Giáo đã thông xe, cơ quan hậu cần tập trung lực lượng, phương tiện tranh thủ vận chuyển vật chất hậu cần kỹ thuật lên khu vực tập kết chiến dịch. Để chỉ huy tuyến vận tải dài 500 km từ hậu phương ra mặt trận, cơ quan hậu cần được Bộ Chỉ huy chiến dịch tăng cường các phương tiện thông tin bảo đảm chỉ huy trên từng chặng và toàn tuyến.

Sau khi Bộ Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ quyết định thay đổi phương châm tác chiến chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, lực lượng tham gia chiến dịch tăng lên, thời gian tác chiến dài hơn, khối lượng vật chất tăng lên gấp nhiều lần. Theo phương châm tác chiến ban đầu, dự kiến nhu cầu bảo đảm đạn cho chiến dịch là 434 tấn. Nhưng sau khi chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, tổng số đạn cần cho chiến dịch lên tới l.455 tấn. Đây là lượng đạn lớn nhất kể từ đầu cuộc kháng chiến mà ngành kỹ thuật quân sự phải bảo đảm cho một chiến dịch.

Trước nhiệm vụ nặng nề và đầy khó khăn đó, Cục Quân khí huy động tất cả số đạn dự trữ ở các kho, chuyển về nước toàn bộ số đạn pháo 105mm ta thu được trong Chiến dịch Biên giới đang gửi ở Long Châu (Trung Quốc) gồm 11.715 viên, 400 viên đạn pháo 105mm thu được trong trận Ba-Na-Phào (chiến dịch Trung Lào) cũng được chuyển gấp lên Điện Biên Phủ. Trong những ngày cuối của chiến dịch, có loại vũ khí đạn các nước bạn viện trợ không nhập kịp vào kho mà được gửi thẳng ra mặt trận (như hỏa tiễn H6). Để giải quyết việc cung cấp tiếp tế đạn cho mặt trận, Tổng cục Cung cấp thành lập Ban Quân khí tiền phương do đồng chí Nguyễn Văn Nam, Cục trưởng Cục Quân khí làm Trưởng ban; đồng chí Phan Tử Lăng, Cục phó Cục Quân khí làm Phó ban. Ban Quân khí tiền phương trong chiến dịch này có tới 139 cán bộ các cấp. Đây là số cán bộ của cơ quan quân khí đi phục vụ chiến dịch đông nhất kể từ trước tới nay (chưa kể số cán bộ được Chính phủ điều động bổ sung và 4 đội thanh niên xung phong gồm 478 người tham gia cấp phát đạn cho bộ đội).

Ngày 11-3-1954, các khẩu pháo được kéo vào trận địa. Công tác chuẩn bị cho Chiến dịch đã được chuẩn bị chu đáo, đúng kế hoạch. Lực lượng tham gia chiến đấu sẵn sàng chờ mệnh lệnh nổ súng tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương châm tác chiến mới.

Giai đoạn thực hành chiến dịch: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Đúng 17 giờ ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận pháo kích mở màn chiến dịch đạt hiệu quả cao: sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm của địch bị trúng đạn, các trận địa pháo của địch ở khu trung tâm hoàn toàn bị tê liệt. Trận đánh kết thúc vào hồi 23 giờ 30 phút. Trung tâm đề kháng Him Lam bị tiêu diệt hoàn toàn. Đêm ngày 14 rạng ngày 15-3, ta tiếp tục tiến công và tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập. Tiếp theo đó, quân địch ở Bản Kéo ra hàng. Thừa thắng, Trung đoàn 36 tiến vào chiếm các ngọn đồi ở phía trước sân bay Mường Thanh. Thắng lợi ở Bản Kéo kết thúc đợt một của chiến dịch. Toàn bộ phân khu phía Bắc của tập đoàn cứ điểm bị tiêu diệt. Cánh cửa vào trung tâm Mường Thanh được mở tung.

Kết thúc đợt một chiến dịch, Đại đoàn công pháo 351 vinh dự được nhận lá cờ thưởng luân lưu “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông báo khen thưởng của Bộ chỉ huy chiến dịch nêu rõ: “Đội công binh mở đường thắng lợi... giữ vững giao thông, không có con đường ấy, không có chiến dịch này”.

Để chuẩn bị cho đợt hai, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định xây dựng trận địa tiến công và bao vây địch, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian chuẩn bị. Các chiến sĩ công binh ngày đêm theo sát bộ binh gỡ mìn, đào và bảo vệ chiến hào. Bộ đội pháo binh tìm mọi cách khắc phục khó khăn, đưa pháo từ trên cao xuống các mỏm đồi ở sát cánh đồng Điện Biên Phủ để dễ dàng tiêu diệt địch và chi viện cho bộ binh. Ngoài các đơn vị đã có từ trước Chiến dịch, trong thời gian này, Đại đoàn công pháo còn tổ chức thêm 1 đại đội súng cối 120mm với 4 khẩu súng cùng đạn thu được của địch trong đợt một.

Bị thất bại nặng nề, Bộ Chỉ huy Pháp tìm mọi cách tăng quân, vũ khí, đạn cho Điện Biên Phủ, đồng thời tập trung hầu hết lực lượng không quân ở Đông Dương lập cầu hàng không khẩn cấp chi viện cho tập đoàn cứ điểm. Chỉ trong nửa cuối tháng 3, Bộ Chỉ huy Pháp đã huy động 770 lần chiếc máy bay ném hơn 1.000 tấn bom xuống các vị trí quân ta ở Điện Biên Phủ. Các nhà cầm quân Pháp cho rằng, lúc này Việt Minh chưa thể đưa được các loại pháo phòng không lên mặt trận Điện Biên Phủ, vì vậy lực lượng không quân Pháp hoàn toàn bất ngờ và bị tổn thất nặng trước lưới lửa phòng không của ta.

Qua thực tế chiến đấu và sửa chữa tại trận địa, cán bộ, chiến sĩ quân khí còn phát hiện những bộ phận hay hỏng trong khẩu pháo cao xạ như máy nạp đạn, máy ngắm, càng kéo... Chủ nhiệm Quân khí tiền phương Trung đoàn 367 đã đề nghị Tổng cục Cung cấp sản xuất gấp cho bộ đội cao xạ một số phụ tùng thay thế. Chỉ trong thời gian ngắn, các xưởng quân giới đã nghiên cứu, sản xuất thành công trục máy tống đạn, bướm tống đạn, cán ngoắc pháo cao xạ 37mm, kim hỏa súng phòng không 12,7mm, kịp thời gửi lên Điện Biên Phủ.

Bám sát, chỉ đạo giúp đỡ các đơn vị, cán bộ quân khí cũng tích cực nghiên cứu sáng chế phụ tùng thay thế bảo đảm sửa chữa kịp thời súng, pháo hỏng. Anh em còn tiến hành phân loại súng đạn chiến lợi phẩm để cấp phát bổ sung cho các đơn vị chiến đấu. Do có tổ chức và kiểm tra chu đáo nên ta đã phát hiện trong số đạn pháo 105mm thu được của địch có gài bẫy (lắp ngòi nổ tức thì). Nếu đưa vào sử dụng, đạn sẽ nổ ngay trong nòng, phá hủy pháo và gây thương vong cho pháo thủ. Việc phát hiện này đã được bộ đội quân khí kịp thời xử lý, phân loại và vô hiệu hóa số đạn pháo 105mm bị gài bẫy, bảo đảm đưa vào chiến đấu an toàn. Trong chiến đấu với máy bay địch, súng phòng không 12,7mm của ta do sử dụng liên tục, ngoài việc hỏng kim hỏa còn hay bị gãy phiến khóa nòng. Loại thiết bị này cũng không có dự trữ mà phải chờ tiếp tế từ hậu phương. Để giải quyết tại chỗ, bảo đảm kịp thời cho bộ đội chiến đấu liên tục, cán bộ, chiến sĩ quân khí khắc phục bằng cách lập lò rèn, lấy sắt từ cuốc chim rèn phiến khoá nòng phục vụ kịp thời nhu cầu thay thế.

Sau 2 đợt tiến công, lượng đạn của ta tiêu hao khá lớn. Đạn dự trữ còn rất ít, đặc biệt là đạn pháo 105mm. Chính vì vậy, việc sử dụng phải tính đến từng viên. Trước tình hình đó, Tổng cục Cung cấp tích cực đôn đốc tổ chức vận chuyển gấp đạn từ hậu phương lên Điện Biên Phủ, đồng thời điều chỉnh lượng đạn giữa các đơn vị, tổ chức cấp phát, phân phối hợp lý, có kế hoạch sử dụng tiết kiệm đạn và xử lý đạn chiến lợi phẩm cung cấp cho các đơn vị.

Trên các tuyến đường vận chuyển tiếp tế cho Điện Biên Phủ, quân Pháp tập trung máy bay, bom đạn đánh phá ác liệt. Các đèo Sơn La, Chiếng Phốc, đèo Meo, Pha Đin,... trở thành những trọng điểm - nơi diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa công binh, cao xạ, dân công của ta với máy bay và bom đạn địch. Các đội phá bom đã kiên cường bám trụ trên các trọng điểm, nghiên cứu các quy luật hoạt động của máy bay, cũng như tính năng tác dụng của các loại bom, từ đó đúc kết thành kinh nghiệm phá bom, góp phần bảo đảm giao thông thông suốt.

Đến giữa tháng 4-1954, các đơn vị cao xạ đã bắn rơi 50 máy bay địch trên bầu trời Điện Biên Phủ. Đại đoàn 316 là đơn vị đoạt được nhiều dù tiếp tế nhất, trong đó có 4.500 viên đạn pháo l05mm, hàng trăm tấn lương thực và đạn dược. Đại đoàn 304 thu được 600 viên đạn pháo l05mm, 3.000 viên đạn cối 120mm và 81mm. Có ngày Đại đoàn 304 đoạt được 5 tấn hàng các loại từ dù tiếp tế của địch.
Sau 2 đợt tiến công của ta, Bộ Chỉ huy Pháp đã thấy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đứng trước nguy cơ có thể bị tiêu diệt. Mọi cố gắng của Pháp và Mỹ sau đó cũng không cứu vãn được tình thế nguy kịch. Bị pháo binh, cao xạ của ta khống chế chặt chẽ, từ ngày 27-3-1954, không một máy bay nào của địch có thể hạ cánh xuống Mường Thanh. Địch chỉ còn một cách duy nhất là thả quân, thả hàng xuống Điện Biên Phủ bằng dù. Nhưng biện pháp này vô cùng tốn kém và hiệu suất thấp vì vấp phải lưới lửa phòng không của ta. Các máy bay địch không dám bay thấp để thả dù vì dễ bị các đơn vị cao xạ của ta tiêu diệt. Chúng buộc phải thả dù từ trên cao. Bay cao tuy an toàn hơn nhưng phần lớn dù thả xuống lại rơi vào khu vực trận địa vây lấn của ta.

Cuối tháng 4-1953, công tác bảo đảm cung cấp tiếp tế cho bộ đội đã cơ bản hoàn thành, các đơn vị được bổ sung đầy đủ vũ khí, đạn, trang bị,... sẵn sàng bước vào đợt tiến công mới.

Trưa ngày 01-5-1954, pháo các cỡ của ta bắn mãnh liệt vào khu vực trận địa địch, mở đầu cho đợt tiến công thứ ba. Trong đợt bắn phá này, lần đầu tiên hỏa tiễn H6 của ta xuất trận. Tiếng nổ dữ dội của các viên đạn hỏa tiễn H6 khiến cho binh lính địch vô cùng khiếp sợ. Cụm pháo địch ở Hồng Cúm bị tê liệt không bắn được viên đạn nào. Sau đợt pháo kích kéo dài gần 1 giờ, bộ đội ta từ các hướng đồng loạt tiến công vào các vị trí của địch, áp sát hơn tung thâm.

Đêm ngày 01-5, Trung đoàn 98 tiêu diệt cứ điểm C1l, Trung đoàn 88 tiêu diệt cứ điểm 311, Đại đoàn 312 tiêu diệt cứ điểm 505 và 505A, Trung đoàn 57 tiêu diệt khu C Hồng Cúm. Ngày 03-5, Cô-nhi lệnh cho Đờ Cát phá súng đạn và các phương tiện, chuẩn bị mở đường máu rút chạy về Lào. Chúng dự kiến rút chạy vào 20 giờ ngày 07-5. Kế hoạch rút chạy của chúng chưa kịp triển khai thì ngày 05-5, quân ta lại tiến công mãnh liệt, nhanh chóng chiếm các vị trí còn lại và khép chặt mọi con đường rút chạy của địch.

Nắm chắc tình hình địch đang tan rã và căn cứ vào sự phát triển thuận lợi trên các hướng tiến công, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định hạ lệnh cho các đơn vị chuyển sang tổng công kích vào hồi 20 giờ 30 phút ngày 06-5-1954, lấy tiếng nổ của khối bộc phá đánh đồi A1 làm hiệu lệnh.

Trước đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch thông qua phương án đánh cứ điểm đồi A1. Bộc phá được đưa theo đường hầm mới đào vào đặt dưới hầm ngầm. Ban đầu nhiệm vụ được giao cho đại đội công binh thuộc Đại đoàn 316, nhưng do anh em chưa có kinh nghiệm nên nhiệm vụ được chuyển giao cho Trung đoàn công binh 151. Trung đoàn đã tổ chức một đội đặc biệt gồm 20 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung phụ trách. Sau 15 ngày đêm kiên cường, bền bỉ, đường hầm dài 49m đã hoàn thành. Khối thuốc nổ 1.000kg chia làm 49 gói được xếp vào cuối đường hầm, 6 đường dây cháy chậm truyền nổ nụ xòe và 1 đường điểm hỏa bằng điện đã được nối xong.

18 giờ ngày 06-5, ta tập trung hỏa lực pháo bắn dữ dội vào các cứ điểm còn lại. Ngoài lực lượng pháo 105mm và 75mm, cối 120mm và 81mm, ta còn sử dụng 12 dàn hỏa tiễn H6. 20 giờ 30 phút cùng ngày, khối bộc phá 1.000kg ở đồi A1 được lệnh phát nổ. Cùng lúc bộ binh ta đồng loạt tiến công, 4 giờ sáng ngày 07-5, Trung đoàn 174 làm chủ đồi A1. Cùng trong đêm, Trung đoàn 98 tiêu diệt cứ điểm C2, Trung đoàn 165 diệt cứ điểm 506 ở Bắc Mường Thanh. Đại đoàn 308 đánh chiếm cứ điểm 310 ở phía Tây Mường Thanh. Trận địa tiến công của ta chỉ còn cách hầm chỉ huy của Đờ Cát khoảng 300m.

Bộ Chỉ huy chiến dịch lệnh cho các đơn vị tổng công kích tập đoàn cứ điểm. Sau 56 ngày đêm chiến đấu, ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm. Trong chiến dịch, các lực lượng kỹ thuật quân sự đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào thắng lợi; khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng kỹ thuật quân sự, nhất là ngành quân khí, quân giới, vận tải, đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ kỹ thuật quân sự những năm tiếp theo./.

-----------------------------------------------

(1). Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Từ điển Lịch sử Quân sự Việt Nam. Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 85

(2). Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử Hậu cần - Kỹ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 509