Đồng chí Trần Phú với công tác xây dựng liên minh công nông trong cách mạng Việt Nam
TCCSĐT - Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, đồng chí đã kịp hoàn thành nhiều việc lớn có ý nghĩa đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trong đó, những cống hiến của đồng chí đối với xây dựng liên minh công - nông trong cách mạng Việt Nam là một nội dung quan trọng, mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng liên minh công - nông giai đoạn hiện nay.
Nhà lý luận cách mạng của Đảng
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01-5-1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngay từ khi còn nhỏ, đồng chí Trần Phú đã thấu hiểu nỗi khổ cực của người dân mất nước và sớm nung nấu ý chí, quyết tâm tìm con đường cứu dân, cứu nước.
Vốn là một thanh niên có lòng yêu nước tha thiết, căm thù giặc sâu sắc, năm 1925, khi Hội Phục Việt được thành lập, đồng chí Trần Phú nhanh chóng gia nhập tổ chức này và sớm trở thành một yếu nhân của Hội. Sau đó, đồng chí Trần Phú đã được cử sang Quảng Châu để liên lạc với Hội thanh niên cách mạng Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập và lãnh đạo. Tại đây, đồng chí dự lớp huấn luyện chính trị do Người giảng dạy, được kết nạp vào Cộng sản Đoàn và được Người giới thiệu sang học tại Trường Đại học Phương Đông (Mát-xcơ-va, Nga). Qua những hoạt động trên, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, đồng chí Trần Phú đã đến với lý tưởng cộng sản.
Tháng 4-1930, trở về nước theo giới thiệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, mảnh đất đầu tiên đồng chí Trần Phú đặt chân là Hải Phòng. Sau đó, đồng chí trở về Hà Nội làm việc và đi khảo sát tình hình ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, gồm Nam Định, Thái Bình, khu mỏ Hòn Gai (Quảng Ninh) - những nơi tập trung lực lượng công nhân và nông dân lớn trong cả nước, để thâm nhập thực tế, tìm hiểu hoàn cảnh, cuộc sống của những người công nhân và nông dân, cũng như tinh thần giác ngộ cách mạng của họ.
Đồng chí Trần Phú đã đóng góp những ý kiến cụ thể về tổ chức quần chúng, mục tiêu và phương pháp đấu tranh, nhất là công tác xây dựng Đảng. Quá trình thâm nhập thực tế tại nhiều tỉnh không chỉ giúp đồng chí Trần Phú có điều kiện hiểu sâu sắc hơn về đời sống của công nhân và quần chúng lao động, mà còn giúp đồng chí sau này đề ra những chủ trương, phương hướng đúng đắn nhằm phát huy sức mạnh của khối liên minh công nông trong các phong trào cách mạng chống xâm lược và áp bức bóc lột bất công.
Thời gian tuy không dài, nhưng cũng đủ để đồng chí Trần Phú có cái nhìn tổng thể về giai cấp công nhân, giai cấp nông dân Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, giúp đồng chí hiểu rõ hơn về sợi dây liên hệ thực tế giữa hai giai cấp này trong đời sống xã hội Việt Nam; đồng thời, đó cũng là một trong những cơ sở để đồng chí Trần Phú chuẩn bị dự thảo Luận cương chính trị của Đảng tháng 10-1930.
Tháng 7-1930, đồng chí Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Tiếp đó, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương, giữ trọng trách dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Dự thảo Luận cương chính trị được soạn thảo dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928; các Văn kiện của Đảng, như Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng, Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời được bổ sung bằng những kết quả khảo sát thực tế ở nhiều vùng miền Bắc; cũng như ý kiến góp ý của Ban Thường vụ Trung ương lâm thời, các đồng chí trong các xứ ủy và nhiều đồng chí khác. Tháng 10-1930, dự thảo Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú trình bày, đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, diễn ra tại Hương Cảng (Trung Quốc).
Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và trong nước, đặc điểm xã hội và mâu thuẫn giai cấp ở Đông Dương, dự thảo Luận cương chính trị đã nêu rõ tính chất cách mạng ở Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền do chính đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo, có nhiệm vụ đánh đổ đế quốc thực dân và phong kiến tay sai, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng, bỏ qua thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Trong cách mạng tư sản dân quyền, công nhân và nông dân là hai động lực chính, nhưng giai cấp công nhân phải nắm quyền lãnh đạo, cách mạng mới thành công. Dự thảo Luận cương chính trị cũng khẳng định, Cách mạng Đông Dương là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới.
Ngày nay, với độ lùi của thời gian, mặc dù văn kiện còn một số hạn chế mang tính lịch sử nhất định, song trên những vấn đề cơ bản của cách mạng tư sản dân quyền do giai cấp công nhân lãnh đạo, Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo đã tuân thủ chặt chẽ chỉ thị và các điều hướng dẫn của Quốc tế Cộng sản, phản ánh trung thành những quan điểm và đường lối của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. Đồng thời, cống hiến lý luận của bản dự thảo Luận cương chính trị đã làm rõ mục đích, nhiệm vụ, bước đi, động lực cách mạng, vai trò lãnh đạo của Đảng và giai cấp vô sản…
Đánh giá ý nghĩa của Luận cương, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng ta đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng tha thiết của đại đa số nhân dân là nông dân. Vì vậy, Đảng ta đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình… Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân không ngừng được củng cố và tăng cường (1).
Cùng với Luận cương chính trị, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời cũng thông qua Án nghị quyết của Trung ương về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng. Án Nghị quyết đề ra nhiệm vụ chính trị của Đảng là phải mở rộng phong trào đấu tranh khắp Đông Dương, nhằm làm cho phong trào đấu tranh cách mạng ngày càng sâu rộng khắp nơi trong cả nước.
Về công tác quần chúng, Án nghị quyết của Trung ương nhấn mạnh, Đảng phải tăng cường vận động công nhân, lãnh đạo công nhân đấu tranh; tổ chức công hội trong các nhà máy, đồn điền, hầm mỏ…; tổ chức đội tự vệ công nhân; công hội phải tổ chức có hệ thống theo quy tắc Quốc tế Công hội Đỏ; chuẩn bị lập Tổng Công hội Đông Dương; mở rộng phong trào đấu tranh của nông dân, tổ chức đội tự vệ nông dân, chỉnh đốn tổ chức nông hội theo điều lệ mới, chuẩn bị lập Tổng Nông hội Đông Dương…
Ngoài những nội dung quan trọng trên, Hội nghị đã thông qua Điều lệ Đảng, đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương; thông qua các nghị quyết và điều lệ của các tổ chức công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, Hội cứu tế, quân đội; bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức gồm 7 đồng chí và đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng; đồng thời quyết định khôi phục lại cấp bộ xứ ủy, cơ quan lãnh đạo của Đảng ở ba miền Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ.
Những đóng góp quan trọng trong xây dựng khối liên minh công nông
Chỉ trong vòng một năm, từ ngày trở về nước, được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Hồng Công và nhận nhiệm vụ công tác, đồng chí Trần Phú đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, với việc chỉ rõ và khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với giai cấp nông dân trong sự nghiệp cách mạng, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng, củng cố khối liên minh công nông nhằm thực hiện thành công những nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới.
Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta. Đồng chí đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương xây dựng và củng cố tổ chức đảng các cấp từ Trung ương tới các xứ ủy, tỉnh ủy, huyện ủy và chi bộ cơ sở của Đảng. Nhờ những cố gắng phấn đấu không mệt mỏi của Tổng Bí thư Trần Phú và Ban Thường vụ Trung ương, trong khoảng từ tháng 12-1930 đến tháng 01-1931, các xứ ủy Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ đã chính thức được thành lập và từng bước được củng cố.
Cùng với việc chú trọng công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Trần Phú và Ban Thường vụ Trung ương đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng Hội phản đế đồng minh và các tổ chức cách mạng quần chúng do Đảng lãnh đạo. Theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương đã ra Chỉ thị về thành lập Hội phản đế đồng minh, trong đó vạch rõ tầm quan trọng của liên minh công nhân với nông dân trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân Pháp và phong kiến phản cách mạng, cũng như tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở “công nông là gốc”. Ngoài ra, công việc củng cố tổ chức công hội và đẩy mạnh phong trào công nhân, củng cố tổ chức nông hội, thúc đẩy phong trào yêu nước và cách mạng của nông dân cũng rất được chú trọng.
Ngày 20-01-1931, Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng, với sự tham gia của đại biểu Tổng Công hội Bắc Kỳ, Nam Kỳ và Trung Kỳ để bàn về công tác vận động và củng cố tổ chức công hội các cấp theo tinh thần Án Nghị quyết về công nhân vận động của Hội nghị Trung ương lần thứ nhất và Án Nghị quyết của Đại hội lần thứ V Quốc tế Công hội Đỏ về nhiệm vụ công hội vận động ở Đông Dương.
Tiếp đó, thực hiện Án Nghị quyết về nông dân vận động của Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, ngày 20-3-1931, Ban Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị về vấn đề chỉnh đốn Nông hội Đỏ gửi các cấp ủy Đảng và đảng đoàn các cấp trong Nông hội…; khẳng định lại vấn đề Nông hội Đỏ là vấn đề quan trọng, bởi giai cấp nông dân là lực lượng chính của cách mạng, là bạn đồng minh sinh tử của giai cấp công nhân trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền.
Trước sự quan tâm theo dõi chặt chẽ và chỉ đạo sát sao của đồng chí Trần Phú cũng như Ban Thường vụ Trung ương Đảng, trong thời kỳ năm 1930 - 1931, khí thế phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân trong cả nước đã bùng lên mạnh mẽ. Tổ chức Nông hội đỏ phát triển nhanh chóng, đội ngũ hội viên lên tới 64.000 người (năm 1931). Tại một số tỉnh và thành phố lớn như Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Mỹ Tho, Bến Tre, Quảng Ngãi, Quảng Ninh…, những cuộc biểu tình, bãi công của công nhân diễn ra liên tiếp. Bộ Tham mưu tối cao của Đảng đặt tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, do Tổng Bí thư Trần Phú đứng đầu đã thực hiện sứ mệnh lịch sử, tạo ra cao trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Tuy nhiên, do biến động của tình hình thế giới và tình hình cách mạng Đông Dương, cách mạng Việt Nam ngày càng bị kẻ thù khủng bố gắt gao. Để giải quyết tình hình, Tổng Bí thư Trần Phú và Ban Thường vụ Trung ương đã tiến hành Hội nghị Trung ương lần thứ hai, từ ngày 13-3 đến 01-4-1931 tại Sài Gòn, nhằm phân tích và đánh giá phong trào cách mạng sôi nổi diễn ra trên khắp cả nước, ưu điểm và thiếu sót của các phong trào công nhân, nông dân ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Mỹ Tho, Bến Tre…, giúp Đảng ta rút ra những kinh nghiệm quý báu để chỉ đạo quần chúng đấu tranh chống lại kẻ thù.
Hội nghị đề ra những nhiệm vụ cấp bách trước mắt lúc đó là tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, chấn chỉnh các xứ ủy, tăng cường đào tạo cán bộ Đảng, kiên quyết chống chủ nghĩa cơ hội, thực hiện nghiêm Nghị quyết của Đảng; chú ý xây dựng chi bộ nhà máy, tăng cường công tác báo chí tuyên truyền; nhanh chóng thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản; phát triển công hội, củng cố nông hội, nhất là bộ máy lãnh đạo; chú ý vận động phụ nữ, vận động binh lính địch, thành lập Hội Cứu tế đỏ. Các cấp bộ đảng và đảng viên phải tăng cường vận động tổ chức quần chúng đấu tranh, đưa ra các khẩu hiệu thích hợp với từng giai cấp, tầng lớp. Tổ chức các đội tự vệ công nông để bảo vệ phong trào, lập ra các ủy ban tranh đấu có tổ chức, mục tiêu đấu tranh chặt chẽ và rõ ràng.
Có thể thấy, cùng với việc giải quyết nhiều vấn đề về công tác xây dựng Đảng cũng như duy trì phong trào cách mạng trước sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù, Hội nghị Trung ương lần thứ hai do đồng chí Trần Phú chủ trì tiếp tục đề cập đến việc phát triển công hội, củng cố nông hội, tổ chức ra các đội tự vệ của công nông để bảo vệ phong trào. Qua đó cho thấy, vấn đề xây dựng và củng cố khối liên minh công - nông trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù luôn là một nội dung quan trọng trong các hoạt động của Đảng; đồng thời, đó cũng là đóng góp quan trọng của đồng chí Trần Phú trong xây dựng khối liên minh công nông qua các thời kỳ cách mạng, lúc khó khăn cũng như lúc thuận lợi.
Tuy nhiên, giữa lúc cao trào cách mạng Việt Nam có những bước phát triển mới, Trung ương Đảng đang triển khai nhiều chủ trương quan trọng, do kẻ thù phản bội khai báo, ngày 18-4-1931, đồng chí Trần Phú đã bị bắt và giam tại Khám Lớn (Sài Gòn). Biết đồng chí Trần Phú là lãnh đạo cấp cao của Đảng ta, kẻ thù dùng mọi cực hình tra tấn, song chúng đã phải lùi bước trước tinh thần gang thép của đồng chí.
Những người bạn tù với đồng chí Trần Phú khi ấy, sau này có dịp kể lại: “Nói đến sự hy sinh của những người cộng sản trong 20 năm trường, phải hàng pho sách lớn... Như anh Trần Phú, lãnh tụ Đảng Cộng sản Đông Dương, khi bị bắt, giặc rạch da nhét bông tẩm dầu mà đốt. Tuy chúng thừa biết tên anh, nhưng tra tấn trăm lần, anh vẫn ngậm miệng, nửa lời không nói. Khi đưa anh ra tòa, thấy tên quan tòa hỏi mãi, anh chép miệng: Ông đã thiết tha muốn biết tên tôi quá như thế, thì đây: tên tôi là Trần Phú. Thế rồi im bặt, cho đến khi anh hy sinh” (2).
Nói về đồng chí Trần Phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ca ngợi: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng. Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng” (3).
Thời gian càng lùi xa, những cống hiến xuất sắc trong xây dựng liên minh công nông của đồng chí Trần Phú càng được thực tiễn cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm, chứng minh là đúng đắn, sáng tạo. Bởi, liên minh công nông là nhân tố quan trọng góp phần làm nên những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX; đã, đang và sẽ tiếp tục giữ vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
----------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.10
(2) Tập san tuyên truyền của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dịp kỷ niệm Đảng Cộng sản Đông Dương hai mươi tuổi (1930 - 1950)
(3) T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 56 - 57
Công điện của Thủ tướng: Bảo đảm vui tươi, lành mạnh, an toàn cho nhân dân dịp nghỉ Lễ  (30/04/2014)
Quảng Trị: Tổ chức Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông  (30/04/2014)
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gửi thư chúc mừng Đại lễ Phật đản 2014  (30/04/2014)
Khai hội Carnaval Hạ Long 2014  (30/04/2014)
Việt Nam - Hàn Quốc xúc tiến hợp tác trong xây dựng nông thôn mới  (30/04/2014)
Thỏa thuận về Liên minh kinh tế Âu - Á được ký vào 29-5  (30/04/2014)
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay