TCCSĐT - Bằng lá phiếu trưng cầu dân ý, ngày 16-3-2014 đại đa số nhân dân Crưm (96,77%) đã thể hiện khát vọng sáp nhập bán đảo này vào thành phần Liên bang Nga. Trước đó, ngày 11-3, Quốc hội Cộng hòa tự trị Crưm cũng đã ra tuyên bố về nền độc lập của nước này. Đây chính là một điều kiện pháp lý quan trọng để Crưm tiến hành cuộc trưng cầu dân ý.
Phương Tây đẩy U-crai-na trượt dài trong bạo loạn

Ngay từ cuối tháng 11 năm ngoái, khi bắt đầu những cuộc biểu tình tại quảng trường Độc lập ở thủ đô Ki-ép, các nhà nghiên cứu chính trị và bình luận quốc tế đã coi đây là cuộc “Cách mạng Cam lần thứ hai” (cuộc “Cách mạng Cam lần thứ nhất” diễn ra cuối năm 2004). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết từ những mẫu thuẫn nội tại: chính quyền điều phối và quản lý kinh tế kém cỏi, khiến sản xuất đình đốn, đất nước tụt hậu, có nguy cơ phá sản; trong khi đó nạn tham nhũng hoành hành, bộ máy chính quyền tùy tiện, mất dân chủ và điều nguy hiểm nhất chính là sự tranh giành quyền lực và lợi ích giữa các phe phái.

Hơn nữa, trong bối cảnh xung đột lợi ích và chiến lược địa - chính trị giữa Liên minh châu Âu (EU) và Liên bang Nga hiện nay, phương Tây rất muốn lôi kéo U-crai-na tham gia vào EU, đẩy quốc gia này xa lánh Nga. Các nước phương Tây hy vọng một khi lôi kéo được “người anh em thân thiết từ bao đời nay” tách khỏi Nga, tương lai không xa họ có thể “bịt kín cửa ngõ” của nước Nga xuống các vùng biển ấm phía Nam. Với tham vọng đó, các nước phương Tây đã không tiếc tiền của, “đầu tư” hàng trăm triệu USD để đào tạo, huấn luyện các phương pháp tổ chức biểu tình quần chúng, gây áp lực, lật đổ chính quyền bằng bạo lực đường phố, đấu tranh nghị trường.

Thời gian gần đây, kinh tế U-crai-na gặp nhiều khó khăn, đời sống sa sút nghiêm trọng, quan chức chính quyền tham nhũng, tiêu xài sa hoa, lãng phí, khiến nhân dân bất bình. Cuộc biểu tình chống chính quyền của Tổng thống Vích-to Y-a-nu-cô-vích (Victor Yanukovych) được nhen nhóm từ quảng trường Độc lập ở Ki-ép đã biến thành làn sóng lan ra khắp đất nước. Trong bối cảnh đó, phương Tây đã ra sức khuyến khích, kích động phe đối lập U-crai-na. Đương nhiên, họ cũng tung ra nhiều hứa hẹn. Các nhà quan sát không khó để nhận ra rằng, có nhiều “phần tử lạ mặt”, không phải dân bản xứ đã trà trộn trong làn sóng đường phố, cùng với đó là những tay súng thiện xạ nấp trên các mái nhà bắn tỉa vào đám người biểu tình, rồi đổ vấy cho cảnh sát.

Với cách hành xử thiên vị của phương Tây, dư luận quốc tế cũng không quá bất ngờ, khi Thỏa thuận nhằm ổn định tình hình đất nước U-crai-na được ký ngày 21-02 giữa chính quyền của Tổng thống Vích-to Y-a-nu-cô-vích và các phe phái đối lập còn chưa ráo mực, thì ngày 22-02 làn sóng biểu tình đường phố đã chuyển thành “bạo lực đường phố” lật đổ chính quyền hợp hiến, chớp nhoáng dựng lên ở Ki-ép một chính quyền “ngoan ngoãn, biết vâng lời”.

Chính quyền tạm thời ở Ki-ép đang khẩn trương thành lập Vệ binh quốc gia nhằm tăng cường phòng thủ và an ninh trong nước. Báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng U-crai-na I-go Tê-ni-úc (Igor Tenyukh) hôm 09-3 cho biết, các lực lượng vũ trang U-crai-na đang ở trong tình trạng rệu rã, chỉ có khoảng 6 nghìn trong tổng số 41 nghìn binh sĩ “đáp ứng tốt với các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu”. Các phương tiện kỹ thuật quân sự cũng rất ọp ẹp, chỉ có một phần rất ít máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, xe tăng và tàu chiến hải quân trong tình trạng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo điều động. Hiện Chính quyền tạm thời của U-crai-na rất cần một đơn vị vũ trang trung thành, sẵn sàng thực hiện bất kỳ nhiệm vụ quân sự nào. Theo nguồn tin thân cận với chính quyền mới, Vệ binh quốc gia cần một đội quân ít nhất gồm 20 nghìn binh sĩ, được trang bị những vũ khí tối tân (mà Mỹ và các nước EU đã hứa viện trợ). Đây là những đơn vị trung thành với chính quyền mới và những đơn vị tự vệ được thành lập từ quảng trường Độc lập.

Nhiều quan chức chính quyền mới của U-crai-a tiết lộ, các nhóm cực đoan và lính đánh thuê nước ngoài là lực lượng chủ yếu đứng đằng sau cuộc nổi dậy ở xứ sở này. Ngoài lực lượng “nòng cốt” đó, hiện nay chính phủ tạm quyền của U-crai-na chủ trương tuyển quân với điều kiện số 1 là “trung thành với chính phủ”. Bộ Quốc phòng cũng dự định kéo dài thời hạn nghĩa vụ quân sự từ một năm rưỡi hiện nay lên 3 năm, đồng thời nới rộng độ tuổi tuyển tân binh trong khoảng 18 đến 27 tuổi.

Mẫu số chung của các cuộc bạo loạn là sự chia ly

Sau khi Tổng thống hợp hiến Vích-to Y-a-nu-cô-vích buộc phải lánh nạn sang Nga, Oa-sinh-tơn đã hối thúc Ki-ép nhanh chóng dựng lên một chính quyền tạm thời để đến tháng 5-2014 tiến hành các cuộc bầu cử quốc hội và bầu ra tổng thống mới.

Và cũng chỉ mươi ngày sau đó, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã vội vã mời “tân lãnh đạo” U-crai-na sang Oa-sinh-tơn để “thảo luận” về tình hình U-crai-na, về nhiệm vụ và lộ trình vực dậy đất nước cũng như khả năng hỗ trợ tài chính của Mỹ và EU, đặc biệt là sự trợ giúp về kỹ thuật quân sự của NATO cho Ki-ép. Ông chủ Nhà Trắng và vị khách mới nổi lên từ Quảng trường Độc lập đã bàn bạc những gì, hiện chưa được thông tin chi tiết, song mọi người đều biết rõ, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma hôm 12-3 đã bày tỏ sự ủng hộ Ki-ép trong cuộc đối đầu với Mát-xcơ-va khi khẳng định rằng, việc Nga ủng hộ khả năng sáp nhập khu vực Crưm vào nước này là vi phạm luật pháp quốc tế. Ông B. Ô-ba-ma còn tuyên bố: “Nước Mỹ sẵn sàng kề vai sát cánh với U-crai-na”. Còn Thủ tướng tạm quyền U-crai-na Ác-xê-ni Y-át-xê-ni-úc (Arseny Yatseniuk) khẳng định: “Đất nước chúng tôi sẽ là một phần của phương Tây”.

Sau chuyến thăm Oa-sinh-tơn, phát biểu trước báo giới tại sân bay quốc tế Bô-rư-xpin (Boryspil), ngày 14-3, Thủ tướng tạm quyền  A. Y-át-xê-ni-úc cho biết: “Chúng tôi đã có những cuộc hội đàm song phương và đa phương liên quan đến sự trợ giúp quân sự và tài chính. Hiện Bộ Quốc phòng U-crai-na đang có cuộc hội đàm với Bộ Quốc phòng Mỹ trong khuôn khổ hợp tác giữa hai nước”.

Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã hứa sẽ bảo trợ cho Chính phủ tạm quyền U-crai-na vay của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) 1 tỷ USD, các nước EU cũng hứa sẽ cho nước này vay 15 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế đang bên bờ phá sản. Hứa là một chuyện, có thực hiện được hay không lại là chuyện khác bởi đó còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thực tế ở nước này trong tương lai và nhất định nó sẽ phải có lợi cho những người sẵn sàng mở hầu bao.

Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố, việc Mỹ viện trợ tài chính cho quốc gia Đông Âu này là bất hợp pháp và vượt ra ngoài các tiêu chuẩn pháp lý của Mỹ. Chính quyền Mát-xcơ-va cho rằng, Oa-sinh-tơn đang tài trợ cho một chính quyền được thành lập một cách vi hiến. Bộ Ngoại giao Nga cũng cảnh báo Mỹ về hậu quả của việc “dung túng vô điều kiện các phần tử cực đoan” ở U-crai-na. Và ngay cả người dân các nước phương Tây cũng không đồng tình với việc chính quyền nước họ sử dụng đồng tiền người dân đóng thuế vào những vụ việc triển vọng hết sức mù mịt.

Tình hình trật tự, an ninh ở thủ đô Ki-ép, cũng như tại nhiều địa phương trong những ngày qua khiến dư luận quốc tế hết sức lo ngại, đặc biệt là Nga, bởi quốc gia này có số lượng lớn công dân đang làm ăn, sinh sống ở U-crai-na. Trước thềm cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm, các thế lực ủng hộ chính quyền mới đã tiến hành nhiều vụ khiêu khích, trả thù, nhằm vào người Nga và những người ủng hộ Tổng thống hợp hiến Vích-to Y-a-nu-cô-vích. Vụ xô xát, ẩu đả tại một cuộc mít tinh ở thành phố Đô-nét-xcơ (Donetsk) hôm 13-3, giết hại 03 người, làm hàng chục người khác bị thương. Tại Khác-cốp, ngày 14-3, đã xảy ra bắn súng vào đám đông biểu tình ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý Crưm, làm hàng chục người thương vong.

Tiết lộ từ cuộc trao đổi thư tín giữa Tùy viên Quân sự Mỹ ở U-crai-na Gia-xơn Gre-xơ (Jason Gresh) và quan chức cấp cao U-crai-na I-go Prót-xi-úc (Igor Protsiuk) cho thấy, hiện Lầu Năm góc là tổ chức đứng đằng sau chính quyền tạm thời U-crai-na sử dụng các phần tử dân tộc cực đoan khiêu khích gây ra các vụ lôn xộn ở các địa phương phía Đông - Nam U-crai-na, rồi đổ diệt do “Nga gây ra” để từ đó lấy cớ cho Mỹ và các nước đồng minh “bắt đầu hoạt động”. Thậm chí, G. Gre-xơ còn trao nhiệm vụ cụ thể cho I. Prót-xi-úc chỉ thị cho người tổ chức tấn công vào căn cứ của Lữ đoàn số 25 Không quân U-crai-na đóng tại Me-li-tô-pôn (Melitopol). Viên sĩ quan CIA khoác áo nhà ngoại giao này còn hối thúc quan chức U-crai-na “phải làm gấp việc này trước ngày 15-3. Vì sao, thì anh tự suy nghĩ !”

Đây chỉ là một số vụ việc trong rất nhiều hành động mà Oa-sinh-tơn ra sức ngăn cản cuộc trưng cầu dân ý tại Crưm. Đương nhiên, ngay cả sau ngày 16-3, khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý đã được công bố, tâm nguyện của người dân trên bán đảo Crưm muốn trở về “Ngôi nhà Nga thân yêu” của họ cũng đã quá rõ ràng, phương Tây chắc chắn vẫn còn có những âm mưu khác. Crưm sẽ còn phải đương đầu với sự bao vây không chỉ trên lĩnh vực thông tin, mà còn cả trên mặt trận chính trị, quân sự và kinh tế.

Nga đã sẵn sàng phản công đòn trừng phạt

Đúng như phương Tây đã dự định và cảnh báo, ngày 17-3 họ bắt đầu thực hiện kế hoạch trừng phạt nhằm vào Nga vì nước này “đã không có những biện pháp ngăn cản cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm”. Tuần trước, EU công bố kế hoạch trừng phạt theo 03 bước: Trước hết đình chỉ các hoạt động thương mại và các cuộc đàm phán về tự do hóa thị thực; Tiếp theo, đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh đối với một số quan chức Nga liên quan đến vấn đề U-crai-na; Cuối cùng, là những biện pháp “mạnh tay hơn”, nếu Nga làm cho tình hình ở xứ sở Đông Âu này bất ổn thêm.

Thật ra, ngay trước ngưỡng cửa cuộc trưng cầu dân ý, họ đã bắt đầu gây sức ép với Nga theo kế hoạch trừng phạt này. Anh đã tổ chức cuộc họp để lên danh sách những nhân vật Nga có thể bị trừng phạt. Mỹ đã cấm cấp visa cho một số quan chức Nga. Ngay từ đêm 16 sang ngày 17-3, các ngoại trưởng EU đã bắt đầu nhóm họp tại Brúc-xen để xem xét việc đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các chính trị gia và lãnh đạo các doanh nghiệp Nga.

Đương nhiên, những lời đe dọa của phương Tây không khiến Tổng thống Vla-đi-mia Pu-tin e ngại. Phát biểu trước báo giới, ngay từ hôm 04-3, ông V. Pu-tin đã tuyên bố: “Trong thế giới ngày nay, tất cả mọi thứ đều có liên hệ qua lại và mọi người phụ thuộc lẫn nhau theo cách này hay cách khác. Dĩ nhiên là các bên có thể gây thiệt hại cho nhau, nhưng đó sẽ là cả hai bên sẽ đều cùng bị thiệt!”

Ông Đmi-tơ-ri Pê-xcốp (Dmitry Peskov), phát ngôn viên của Tổng thống V. Pu-tin cho biết, trong một cuộc họp kín với các quan chức cao cấp Nga diễn ra ở Xô-chi, hôm 13-3, người đứng đầu điện Krem-lin đã thúc giục Chính phủ phải đảm bảo nước Nga “có đủ khả năng phản ứng trước các rủi ro bên trong và bên ngoài”, đặc biệt là triển vọng kinh tế Nga trong môi trường kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn.

Chính phủ Nga cũng đã công khai “đòn trả đũa”. Một cố vấn của Tổng thống V. Pu-tin, ông Xéc-gây Gla-gi-ép khuyến nghị, người Nga sẽ bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ, nếu các công ty và cá nhân của Nga trở thành mục tiêu trừng phạt vì vấn đề U-crai-na. Theo lời quan chức này, Mỹ sẽ là nước đầu tiên phải hứng chịu hậu quả, nếu có bất kỳ hành động trừng phạt nào nhằm vào Nga. Ông X. Gla-gi-ép nhấn mạnh, “chúng tôi đang nắm giữ hơn 200 tỷ USD trái phiếu của Chính phủ Mỹ. Nếu Mỹ phong tỏa tài sản của các công ty và công dân Nga, chúng tôi sẽ không còn xem họ là một đối tác đáng tin cậy. Và khi đó, chúng tôi sẽ khuyến khích tất cả mọi người bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ, từ bỏ đồng đô la, coi đó là một đồng tiền không đáng tin cậy, đồng thời rời bỏ thị trường Mỹ”.

Phương Tây sẽ thua thiệt nhiều hơn

Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã tỏ ra rất tức giận, khi tung ra hết lời đe dọa này đến lời đe dọa khác, mà “đối tác Pu-tin” vẫn không hề nao núng. Tổng thống Nga V. Pu-tin trước sau như một vẫn cho rằng, khủng hoảng tại U-crai-na là do những nguyên nhân nội tại, nước Nga không chịu trách nhiệm. Cuộc trưng cầu dân ý tại Cộng hòa Crưm là hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Bất kỳ lệnh cấm vận nào nhằm vào nước Nga đều sẽ bị phản đòn mạnh mẽ, đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới Mỹ và những nước a dua theo Mỹ.

Sáng 17-3, trong cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma với Tổng thống Nga V. Pu-tin, ông B. Ô-ba-ma đã nhấn mạnh rằng, cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm, với kết quả 96,77% cử tri ủng hộ ly khai khỏi U-crai-na và sáp nhập vào Nga, là vi phạm Hiến pháp U-crai-na. Ông B. Ô-ba-ma cảnh báo “các hành động của Nga vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của U-crai-na và chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các đối tác châu Âu để áp đặt những cái giá tiếp theo đối với Nga vì hành động của họ”.

Từ lời tuyên bố đó đến thực hiện, đương nhiên, không dễ. Bởi nước Nga quá lớn, tiềm lực kinh tế rất vững vàng. GDP tính theo đầu người của Nga hiện nay đứng đầu nhóm nước có nền kinh tế mới nổi - BRICS. Đến năm 2020 Nga sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Năm 2013, đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào Nga lên đến 94 tỷ USD, trở thành nước thứ ba trên thế giới về thu hút đầu tư (sau Mỹ và Trung Quốc). Như vậy có nghĩa là rất nhiều người muốn đến nước Nga làm ăn, chứ không phải muốn tẩy chay.

Thế giới ngày nay có nhiều sự ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau. Chính cộng đồng doanh nghiệp Mỹ cũng không muốn Oa-sinh-tơn đơn phương trừng phạt nhằm vào Nga, do lo ngại các đối thủ cạnh tranh châu Âu có thể giành thị trường ở nước này. Phó Chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ Mi-on Bri-li-an (Myon Brilliant) cho rằng “cộng đồng doanh nghiệp Mỹ không muốn bị lôi vào cuộc chiến”. Châu Âu cũng có những lợi ích của họ. EU hiện là đối tác thương mại số 1 của Nga, chiếm 41% thị trường trao đổi thương mại, kim ngạch buôn bán hằng năm Nga - EU lên tới 460 tỷ USD. Đức đầu tư rất lớn vào các ngành công nghiệp sản xuất ở Nga, còn Anh cũng có đến hơn 6 nghìn nhà xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nga.

Mạng lưới đường ống dẫn dầu, khí đốt của Nga với tổng chiều dài lên đến gần 260 nghìn km (gấp 6 lần đường xích đạo). Đây là “mạch máu” nuôi sống châu Âu. Một nửa lượng dầu tiêu thụ hàng ngày của Đức, khoảng 2,8 triệu thùng là nhập khẩu từ Nga, qua tuyến đường ống Đru-giơ-ba (Druzhba - Hữu nghị) xuyên qua lãnh thổ Bê-la-rút. Năm 2013, lượng khí đốt xuất khẩu của Nga chiếm tới gần 40% thị trường Đức, hơn 20% thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, 24% thị trường các nước Đông Âu. Nếu phong tỏa nguồn khí đốt của Nga cấp cho châu Âu, đương nhiên, sẽ không thể nhanh chóng bù đắp được.

Nga có nguồn dự trữ ngoại hối lớn và đang tham gia thị trường nợ ở Mỹ. Hiện Nga nắm giữ 490 tỷ USD và là nước đứng thứ năm về dự trữ ngoại tệ. Theo ông X. Gla-gi-ép, cố vấn kinh tế của Tổng thống V. Pu-tin, nếu Oa-sinh-tơn bắt đầu thực hiện lệnh trừng phạt tài chính, thì trước khi thực hiện quy định cấm dự trữ bằng đồng USD, Mát-xcơ-va có thể sử dụng ngay biện pháp giảm thanh toán bằng đồng tiền này trong các giao dịch thương mại quốc tế. Nếu Mỹ phong tỏa tài khoản của các doanh nghiệp và cá nhân Nga, Mát-xcơ-va sẽ hối thúc các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu Mỹ bán ra, tạo nên nhiều hệ lụy đối với đồng USD.

Về phần mình, Tổng thống V. Pu-tin đã nhiều lần nêu rõ: “Các biện pháp mà bộ máy lãnh đạo hợp pháp tại Cộng hòa tự trị Crưm ban hành là dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế và đảm bảo quyền lợi cũng như lợi ích chính đáng của người dân trên bán đảo này. Chính quyền Ki-ép đã không làm gì để hạn chế sự hung hăng của các lực lượng dân tộc chủ nghĩa, cực đoan và cấp tiến ở thủ đô Ki-ép và nhiều khu vực khác”. Theo đó, bất chấp sự lên án, đe dọa trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga V. Pu-tin khẳng định: “Nước Nga có quyền bảo vệ những công dân Nga đang sinh sống tại Crưm”.

Sự kiện nhân dân Crưm ủng hộ việc sáp nhập bán đảo này vào thành phần Liên bang Nga đang dấy lên hồi chuông cảnh báo về một cuộc “Chiến tranh Lạnh lần thứ hai”. Ông Pi-ốt Cô-xin-xki (Pios Kosinsky), Giám đốc Chương trình phương Đông tại Viện Quan hệ quốc tế Ba Lan, thậm chí còn cho rằng, trên thực tế sự kiện này “đã bắt đầu cuộc Chiến tranh Lạnh mới”. Giáo sư Mi-xen Xlô-bốt-xi-cốp (Michael Slobodchikoff) người chuyên nghiên cứu Khoa học Chính trị, Đại học Troy của Mỹ cũng cảnh báo: “Chúng ta đang bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”. Thế nhưng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công Vla-đi-mia Ép-xê-ép (Vladimir Evseev) lại có quan điểm ngược lại, ông cho rằng chính thái độ “nhìn sự vật một chiều”, “thiển cận về chính trị” của phương Tây mới có thể gây nên Chiến tranh Lạnh. Theo lời ông V. Ép-xê-ép, “điều kiện tiên quyết của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới không phải là vấn đề trưng cầu dân ý của Crưm nhằm sáp nhập vào Nga, mà là quan điểm của phương Tây, vốn một chiều và thiển cận về chính trị". Ông V. Ép-xê-ép khẳng định, phương Tây đang cố gắng tìm mọi cách để gây áp lực với Nga, đồng thời “đã sẵn sàng lợi dụng điều này để gây ra sự bất ổn trên toàn bộ lãnh thổ của U-crai-na”. Đấy mới là nguyên nhân thật sự có thể dẫn tới “Chiến tranh lạnh”.

Tuy nhiên, chúng ta đều thấy rõ, chính nội bộ các nước phương Tây cũng không hoàn toàn nhất trí dốc tiền, dốc của, hết lòng ủng hộ để vực dậy đất nước U-crai-na. Nhiều người lo ngại rằng, nếu phương Tây và Nga không thể ngồi lại với nhau, không thể cùng nhau tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng này, thì tình hình U-crai-na sẽ còn diễn biến phức tạp./.