Không thể đồng thời “ngồi trên hai chiếc ghế”

Đại tá Lê Thế Mẫu
22:14, ngày 18-12-2013
TCCSĐT - Vừa qua, quyết định của Tổng thống U-crai-na, ông Y-a-nu-cô-vích tạm ngừng ký Hiệp định liên kết U-crai-na với Liên minh châu Âu (EU) vào dịp Hội nghị thượng đỉnh "Đối tác phương Đông" tổ chức vào ngày 28-11-2013 tại thủ đô Vin-nhút (Vilnius) của Cộng hòa Lít-va đã gây ra phản ứng mạnh mẽ ở U-crai-na, Mỹ và nhiều nước châu Âu, làm hé lộ thêm đường nét của một ván cờ địa - chính trị lớn trên lục địa Á - Âu.
Quyết định vì lợi ích quốc gia của U-crai-na

Trước khi Tổng thống Y-a-nu-cô-vích đưa ra quyết định nói trên, Chính phủ U-crai-na đã từng thông báo họ đang hoàn tất công tác chuẩn bị để ký Hiệp định liên kết với EU tại Hội nghị thượng đỉnh ở Vin-nhút vào cuối tháng 11-2013. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị, Chính phủ U-crai-na phát hiện ra rằng, họ không thể ký Hiệp định hội nhập vào EU trong điều kiện do Brúc-xen đang áp đặt. Và, đến phút chót, Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích đã phải quyết định tạm hoãn ký đúng vào dịp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh "Đối tác phương Đông".

Theo Ki-ép, Hiệp định liên kết với EU không bảo đảm cho U-crai-na ổn định và phát triển trong điều kiện hiện nay, cũng như không bảo đảm để U-crai-na có thể gia nhập EU trong tương lai. Để có được cả hai điều này, từ nay tới năm 2017, U-crai-na cần đầu tư ít nhất 20 tỷ USD mỗi năm, nhưng trong nội dung ký kết Hiệp định liên kết EU lại không hề nhắc tới sự bảo đảm này.

Còn các điều kiện mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra đối với U-crai-na để có thể tiếp cận các khoản vay của quỹ này là quá khắt khe đến mức U-crai-na không thể chấp nhận được. Thí dụ, IMF đề nghị U-crai-na tăng giá bán khí đốt sinh hoạt cho người dân và trì hoãn chi trả lương cho cán bộ nhà nước cũng như lương hưu. Do thất bại trong các cuộc đàm phán với IMF đã khiến U-crai-na mất cơ hội được EU hỗ trợ kỹ thuật 610 triệu ơ-rô mà quốc gia này đang rất cần trong giai đoạn chuẩn bị ký Hiệp định liên kết với EU.

Trước khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh "Đối tác phương Đông" lần này, Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích đã không ít lần nhấn mạnh, U-crai-na mong muốn đạt được những điều kiện thuận lợi hơn, nếu không nền kinh tế nước này sẽ rơi vào nguy hiểm và lợi ích quốc gia của họ sẽ bị đe dọa. Tuy nhiên, EU đã không đưa ra bất kỳ lời hứa hay sự bảo đảm nào cho Ki-ép. Với những khó khăn đó, Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích không muốn U-crai-na là một thành viên nghèo trong EU khi phải "chìa tay" xin các nước xung quanh, đồng thời ông cũng cho rằng lợi ích quốc gia là nền tảng của bất kỳ quyết định nào mà chính phủ nước này đưa ra.

Còn về phía EU, theo giới phân tích, trong bối cảnh EU đang lao đao do khủng hoảng kinh tế - tài chính, quyết định của U-crai-na tham gia vào thị trường tự do với EU được ví như một “cơ hội vàng” vì họ đang rất cần một thành viên mới như U-crai-na với thị trường tiêu thụ hàng hóa và thị trường đầu tư có một không hai, có tác dụng như một “liều thuốc thần” để có thể cứu nhiều nền kinh tế trong EU đang chìm sâu vào cuộc khủng hoảng thừa, chưa biết phải giải quyết ra sao hàng loạt kho hàng hóa ứ đọng và hàng loạt dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động do không có cầu.

Chính vì thế, Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích đã phải đưa ra quyết định khó khăn là tạm ngừng ký Hiệp định liên kết với EU, trước hết là để bảo vệ lợi ích quốc gia của U-crai-na.

Không thể “đồng thời ngồi trên hai chiếc ghế”

Trong khi Chính phủ U-crai-na chuẩn bị hoàn tất các thủ tục để ký Hiệp định liên kết với EU, giới phân tích đã từng đưa ra nhận định, việc Ki-ép quyết định tham gia thị trường tự do với EU được nhìn nhận như chuyện “đồng thời ngồi trên hai chiếc ghế”. Chiếc ghế thứ nhất là Liên minh thuế quan, còn chiếc ghế thứ hai là Liên minh châu Âu.

Nhận xét này phản ánh một thực tế khách quan là phía Nga đã nhiều lần mời U-crai-na tham gia Liên minh thuế quan (gồm Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan). Đây là liên minh kinh tế đang được nhiều nước quan tâm và đang đàm phán để tham gia, trong đó có Việt Nam. Đầu năm 2012, Thủ tướng U-crai-na Ni-cô-lai A-da-rốp cũng đã từng tuyên bố, Ki-ép không loại trừ khả năng gia nhập Liên minh thuế quan.

Nếu Chính quyền Ki-ép quyết định ngồi trên chiếc ghế thứ nhất, U-crai-na sẽ có rất nhiều lợi thế. Theo tính toán của các chuyên gia thuộc Ngân hàng Phát triển Á - Âu (EDB), nếu U-crai-na gia nhập Liên minh thuế quan, thì tới năm 2030, nhịp độ tăng trưởng GDP sẽ đạt 6% hằng năm và giá khí đốt sẽ giảm xuống 2 lần. Đây là một triển vọng hoàn toàn thực tế. Ngoài ra, Mát-xcơ-va đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, U-crai-na sẽ có thêm rất nhiều lợi thế về kinh tế một khi gia nhập Liên minh thuế quan và Nga sẽ cho phép Tập đoàn khí đốt Naftagaz của U-crai-na liên doanh với tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga. Đó là chưa kể tới mối quan hệ gắn bó huyết mạch trên nhiều lĩnh vực kinh tế giữa U-crai-na và Nga như năng lượng nguyên tử, công nghệ vũ trụ, công nghệ vật liệu mới...

Trong trường hợp U-crai-na quyết định ngồi trên chiếc ghế EU, họ sẽ rơi vào “chiếc bẫy” đã được giương sẵn. Nhiều nước Đông và Trung Âu vừa qua đã rút ra bài học nhãn tiền sau khi gia nhập EU, thị trường trong nước của họ đang phải chịu sự “tấn công đổ bộ” của các tập đoàn tài chính và công nghiệp Mỹ cũng như châu Âu. Theo các chuyên gia kinh tế, một bài học nhãn tiền là ngành nông nghiệp và công nghiệp của Bun-ga-ri và Hung-ga-ri, sau khi gia nhập EU đã bị tàn lụi do hàng hóa EU tràn ngập tại thị trường hai quốc gia này. Vì thế, ở Bun-ga-ri và Hung-ga-ri sau khi gia nhập EU đã xuất hiện vô số “làng ma” với những cánh đồng hoang phế. Đó cũng sẽ là triển vọng khó tránh khỏi của U-crai-na sau khi gia nhập thị trường tự do của EU.

Tổng thống Nga V. Pu-tin đã từng cảnh báo, nếu U-crai-na ký thỏa thuận chính trị - thương mại lịch sử với EU, thì Liên minh hải quan do Mát-xcơ-va đứng đầu sẽ buộc phải cân nhắc việc thực thi các biện pháp bảo hộ vì một khi U-crai-na hướng tới việc mở rộng đáng kể cơ chế hải quan với EU, thị trường U-crai-na sẽ tràn ngập hàng hóa từ các nước châu Âu khác, và rất có thể là sẽ tràn ồ ạt sang cả nước Nga. Khi đó dĩ nhiên, các nước thuộc Liên minh hải quan sẽ phải cân nhắc các biện pháp bảo hộ. Thậm chí, trong trường hợp Ki-ép ký thỏa thuận về khu vực tự do mậu dịch với EU, Mát-xcơ-va có thể đặt vấn đề hủy bỏ quy chế tự do thương mại với U-crai-na và sẽ buộc phải thắt chặt hệ thống kiểm tra vệ sinh dịch tễ, xem xét lại các dự án liên doanh với U-crai-na như trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, chế tạo tên lửa vũ trụ, công nghiệp hàng không. Do đó, quyết định của Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích hoãn ký kết Hiệp định hội nhập EU trước hết xuất phát từ lợi ích của U-crai-na.

Nhận định về tình hình này, cựu Tổng thống Ba Lan, ông L.Va-len-xa, thừa nhận: "Hiện EU đã cạn kiệt hầu bao để có thể ra tay giúp giúp đỡ U-crai-na”. Trong khi đó, trên trang web của Bloomberg cũng đưa ra nhận định rằng, quyết định của Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích khi hoãn ký kết Hiệp định liên kết EU sẽ tránh cho U-crai-na những rủi ro tài chính đáng kể. Đại diện ngân hàng Pháp “Societe Generale” cũng có nhận định tương tự (1,2,3).

Phản ứng từ phe đối lập U-crai-na, EU, Mỹ và Nga

Ngay sau khi Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích đưa ra quyết định tạm dừng việc ký kết Hiệp định liên kết với EU, các lực lượng đối lập ở U-crai-na, một số chính khách ở châu Âu đã có phản ứng khá gay gắt.

Trong những ngày qua, các lực lượng đối lập ở U-crai-na đã chuẩn bị hàng nghìn lều bạt, tích trữ các kho thực phẩm, chuẩn bị biểu ngữ, khẩu hiệu và các trang mạng xã hội. Kênh truyền hình của châu Âu "Euronews" liên tục đưa tin và hình ảnh về các cuộc biểu tình cảa “người dân U-crai-na” đòi được gia nhập EU và phản đối quyết định của Chính phủ U-crai-na.

Các nhân vật chủ chốt của phe đối lập như Y-át-xe-núc (Yatsenyuk) - người đứng đầu đảng phái chính trị có tên “Mặt trận vì sự thay đổi”, KLít-cô (Klichko) - thủ lĩnh phong trào “Liên minh vì cải cách và dân chủ” và Chia-nhi-búc (Chyagnibok) - thủ lĩnh phong trào “U-crai-na tự do” đã hòa nhập với những người biểu tình trên Quảng trường Độc lập ở Ki-ép. Ông Y-át-xe-núc tuyên bố: “Giờ đây chúng ta có một mục tiêu rõ ràng: một người đứng đầu mới của nhà nước, một quốc hội mới và chính phủ mới sẽ ký hiệp định liên kết giữa U-crai-na và EU. Đó sẽ là một cuộc chiến đẫm máu với Tổng thống Y-a-nu-cô-vích nhưng chúng ta sẵn sàng hành động".

Trong khi đó, một số chính khách ở châu Âu không ngớt ra lời kêu gọi nhà chức trách U-crai-na không được sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình hòa bình. Ngày 25-11-2013, Chủ tịch Đảng Nhân dân châu Âu Đ.Đôn (D.Dol) đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Y-a-nu-cô-vích “cần tôn trọng sự lựa chọn gia nhập EU của nhân dân U-crai-na”. Lời kêu gọi này được giới phân tích nhìn nhận như một kiểu “tối hậu thư chính trị” đối với Ki-ép. Ông R.Cô-van (P.Kowal), một nghị sỹ châu Âu, đã khẩn cấp bay tới U-crai-na và có cuộc gặp với các đại diện của chính phủ cũng như phe đối lập, thậm chí ông còn trực tiếp tham gia hàng ngũ những người biểu tình trên đường phố Ki-ép (5,6,7).

Ở Mỹ, trên trang web của Nhà Trắng, một số nghị sỹ trong Quốc hội Mỹ đề nghị thông qua nghị quyết cấm vận đối với cá nhân Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích và các thành viên trong Chính phủ U-crai-na để “trừng phạt” họ với lý do từ chối quyết định ký kết Hiệp định liên kết với EU vào dịp Hội nghị thượng đỉnh "Đối tác phương Đông" tổ chức ngày 28-11-2013. Hành động này được dư luận nhìn nhận như là sự can thiệp vào công việc nội bộ của một nước có chủ quyền (8).

Trước tình hình đáng lo ngại ở U-crai-na, ngày 26-11-2013, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã yêu cầu giới lãnh đạo EU không nên đưa ra "những phát ngôn gay gắt" về tình hình ở U-crai-na, đồng thời khẳng định rằng, thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa U-crai-na và EU sẽ là "mối đe dọa nghiêm trọng" với nền kinh tế của Nga. Ngày 03-12-2013, phát biểu tại Ê-rê-van (Yerevan) trong chuyến thăm chính thức Ác-mê-ni-a, Tổng thống Nga V. Pu-tin cho rằng, tình hình bất ổn gần đây ở Ki-ép không liên quan trực tiếp đến các thỏa thuận giữa U-crai-na và EU mà đó là nỗ lực của phe đối lập nhằm làm suy yếu Chính phủ hợp pháp của nước này. Theo ông V. Pu-tin, các cuộc biểu tình ở U-crai-na đã được phe đối lập chuẩn bị từ trước, còn những gì đang diễn ra là bước chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử của phe đối lập trong cuộc bầu cử Tổng thống U-crai-na sẽ diễn ra vào tháng 3-2015.

Tổng thống V. Pu-tin nhận xét: “Những hình ảnh từ Ki-ép cho thấy, lực lượng tham gia chống đối được tổ chức tốt và đào tạo bài bản. Họ nói rằng, người U-crai-na đang bị cướp đi giấc mơ của họ nhưng nếu bạn nhìn vào các nội dung của dự thảo thỏa thuận Hiệp định liên kết giữa U-crai-na với EU, bạn sẽ thấy giấc mơ ấy dù có thể mang lại những điều tốt đẹp, nhưng nhiều người có thể không còn sống để được chứng kiến điều đó”. Ông V. Pu-tin cho rằng, những điều kiện mà EU đặt ra đối với nền kinh tế yếu ớt của U-crai-na là “quá khắt khe”. Tổng thống Nga V. Pu-tin yêu cầu các nước không nên chính trị hóa câu chuyện này mà nên tổ chức cuộc đối thoại của giới doanh nghiệp 3 bên EU - Nga - U-crai-na để thảo luận chi tiết cách thức hóa giải mâu thuẫn và đưa ra kiến nghị để lãnh đạo các nước đưa ra quyết định sao cho phù hợp với lợi ích của tất cả các bên. Tổng thống Nga V. Pu-tin cho rằng, U-crai-na cần có sự lựa chọn giữa liên kết với EU hay gia nhập Liên minh thuế quan.

Trong một cuộc nói chuyện với Đại sứ của EU, Mỹ và Ca-na-đa, Thủ tướng U-crai-na Mi-cô-la A-da-rốp đưa ra nhận định: Cuộc biểu tình đang diễn ra tại Ki-ép có đủ mọi dấu hiệu của một cuộc đảo chính. Vấn đề hiện đã trở nên rất nghiêm trọng”.

Biểu hiện cuộc cạnh tranh địa - chính trị


Theo nhận xét của giới phân tích, quyết định của Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích chứng tỏ EU đang chơi một ván cờ địa - chính trị lớn ở châu Âu và họ đã không thành công. Những gì đang diễn ra ở U-crai-na trong những ngày qua là bằng chứng rõ ràng nhất về một kế hoạch địa - chính trị có tầm dài hạn của EU. Vì thế, một số chính khách ở châu Âu đã cổ vũ các cuộc biểu tình phản đối quyết định vừa qua của Tổng thống Y-a-nu-cô-vích. Đây thực chất là âm mưu một cuộc đảo chính.

Phóng viên Hãng thông tấn ABCNews nhận xét, những gì đang diễn ra ở Ki-ép là cuộc chiến của các nước châu Âu giành ảnh hưởng ở quốc gia Đông Âu này và ở các nước cộng hòa Xô-viết trước đây.

Nhà báo Mỹ Đa-vít Phrum (David Frum) cho rằng, cuộc chiến đang diễn ra trên đường phố Ki-ép lúc này sẽ quyết định tương lai của châu Âu, sự thịnh vượng và an ninh của nước Mỹ. Do đó, cuộc chiến giành giật U-crai-na sẽ chưa dừng lại ở đây. Vì thế, Nhà Trắng đã đưa ra tuyên bố hoàn toàn ủng hộ những người biểu tình ở Ki-ép.

Tổng thống Ba Lan Brô-nhi-xláp Cô-mô-rốp-xki (Bronislaw Komorowski) lên tiếng ủng hộ các lực lượng đối lập ở U-crai-na, còn Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken thừa nhận rằng, bà không muốn nhìn thấy sự hình thành liên minh kinh tế giữa Nga với các nước cộng hòa Xô-viết trước đây.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Nghị viện châu Âu En-ma Brốc (Elmar Brok) kêu gọi U-crai-na tổ chức cuộc bầu cử sớm để chọn vị tổng thống mới để đưa ra “quyết định đúng đắn” liên kết với EU. Ông Xti-vân Len-đơ-man (Steven Landman), chuyên gia phân tích độc lập, trong bài viết đăng trên “Global Research” cho rằng, những gì đang diễn ra ở Ki-ép là sự lặp lại cuộc “cách mạng cam” được Mỹ ủng hộ cách đây 10 năm để đưa Vích-to Y-u-sen-cô lên làm Tổng thống ở U-crai-na.

Một chuyên gia phân tích của Kênh truyền hình CNBS nhận xét, một số chính khách ở châu Âu thật dễ dàng khi vẽ ra viễn cảnh đầy ảo vọng trước mắt người U-crai-na khi liên kết với EU. Trong khi đó, Mát-xcơ-va lại đưa ra một lời kêu gọi chân thành rằng, liên kết với Nga, U-crai-na sẽ có mọi điều kiện ăn nên làm ra (9).

Có thể thấy, trong khi lôi kéo Ki-ép liên kết với EU, các nước châu Âu hiểu quá rõ hiện tại cũng như trong tương lai, U-crai-na có lợi ích địa - chính trị rất quan trọng trong không gian hậu Xô-viết. Do đó, việc lôi kéo U-crai-na gia nhập không gian kinh tế EU nhằm mục tiêu quan trọng là làm phá sản đề án xây dựng không gian kinh tế thống nhất Á - Âu của Tổng thống Nga V. Pu-tin, còn được gọi là Liên minh Á - Âu.

Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Vla-đi-vô-xtốc (Nga) năm 2012, Tổng thống Nga V. Pu-tin đề xuất quan điểm chung thống nhất của tất cả các thành viên tham gia Liên minh thuế quan về việc xây dựng không gian kinh tế thống nhất Á - Âu, đánh dấu cột mốc lịch sử không chỉ đối với 3 nước mà còn đối với nhiều quốc gia khác trên lục địa Á - Âu, trong đó có các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trước hết là các quốc gia trong không gian hậu Xô-viết.

Liên minh Á - Âu được hình thành từ Liên minh thuế quan đi vào hoạt động từ ngày 01-6-2011, theo đó trên biên giới 3 nước Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan đã bãi bỏ sự kiểm soát đối với hoạt động di chuyển hàng hóa; hoàn tất việc xây dựng một khu vực có chế độ thuế quan thống nhất nhằm thực hiện những sáng kiến kinh doanh đầy tham vọng. Từ Liên minh Á - Âu, các nước tạo ra thị trường rộng lớn với hơn 165 triệu người tiêu dùng dựa trên hệ thống luật pháp kinh doanh thống nhất, tạo điều kiện tự do di chuyển vốn, dịch vụ và lực lượng lao động.

Liên minh Á - Âu có khả năng trở thành một trong các cực của thế giới hiện đại và đóng vai trò như mối liên kết có hiệu quả giữa châu Âu với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động. Việc phối hợp tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, vốn và nhân lực cho phép Liên minh Á - Âu cạnh tranh trong cuộc chạy đua về công nghiệp và công nghệ, thu hút các nhà đầu tư, tạo việc làm mới và các nền sản xuất tiên tiến, góp phần tạo ra sự ổn định cho sự phát triển toàn cầu. Liên minh Á - Âu còn là một trung tâm của các quá trình liên kết trong tương lai trên lục địa Á - Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không mâu thuẫn với các thể chế của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Theo sáng kiến của Nga, các nước SNG đã xây dựng đề án Hiệp định mới về khu vực thương mại tự do dựa trên các nguyên tắc của Tổ chức thương mại thế giới. Liên minh Á - Âu là một đề án mở có thể kết nạp các đối tác khác, trước hết là các nước châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương dựa trên các nguyên tắc liên kết thống nhất.

Hiện tại, U-crai-na tuy chưa gia nhập Liên minh Á - Âu nhưng trên thực tế là một phần rất quan trọng hình thành nên thị trường của tổ chức này. Trong trường hợp Ki-ép ký thỏa thuận về khu vực tự do mậu dịch với EU, Mát-xcơ-va có thể đặt vấn đề hủy bỏ quy chế tự do thương mại với U-crai-na. Do đó, quyết định của Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích hoãn ký kết Hiệp định hội nhập EU trước hết xuất phát từ lợi ích của U-crai-na nhưng quyết định này sẽ đưa ông vào một “cuộc chiến” kéo dài cho tới cuộc “cách mạng cam” phiên bản 2.0 vào năm 2015 khi U-crai-na tiến hành cuộc bầu cử tổng thống mới (9,10,11).

Tuy nhiên, hiện nay, các lực lượng đối lập ở Ki-ép không thể chờ đến năm 2015 mà họ đang gây sức ép buộc Tổng thống Y-a-nu-cô-vích phải từ chức và tiến hành cuộc tổng tuyển cử sớm ở U-crai-na. Xứ sở của “cách mạng cam” lại một lần nữa rơi vào vòng xoáy khủng hoảng mới mà kết cục của nó phụ thuộc vào những yếu tố có tính quyết định nằm bên ngoài lãnh thổ U-crai-na. Đây cũng là một trong những tâm điểm của cạnh tranh và xung đột địa - chính trị của thế giới trong kỷ nguyên sau Chiến tranh lạnh./.

-----------------------------------
Tài liệu tham khảo

1. Зачем Евросоюзу ассоциация с восточными партнёрами?
http://www.fondsk.ru/news/2013/11/25/zachem-evrosouzu-associacija-s-vostochnymi-partnerami-24206.html

2. Выгодна ли Европе ассоциация с Украиной
http://www.fondsk.ru/news/2013/11/22/vygodna-li-evrope-associacija-s-ukrainoj-24143.html

3. Почему раскачивают Украину
http://www.fondsk.ru/news/2013/12/04/pochemu-raskachivaut-ukrainu-24373.html

4. Новая ситуация в треугольнике ЕС- Украина- Россия
http://www.fondsk.ru/news/2013/11/28/novaya-situacia-v-treugolnike-es-ukraina-rossia-24265.html

5.Европейский Союз потерпел неожиданное, обидное и сокрушительное поражение
http://russiancouncil.ru/inner/?id_4=2739#top

6. Запад нацелился на Украину
http://www.fondsk.ru/news/2013/11/15/zapad-nacelilsja-na-ukrainu-24004.html

7. Украинская миссия Вашингтона и Брюсселя
http://rodon.org/poLít-131129132543

8. В США требуют ввести санкции против Януковича
http://www.fondsk.ru/news/2013/11/27/v-usa-trebujut-vvesti-sankcii-protiv-janukovícha-24260.html

9. Мировые СМИ о протестах на Украине
http://poLítikus.ru/events/9204-mirovye-smi-o-protestah-na-ukraine.html

10. Украина должна сама сделать выбор между сотрудничеством с ЕС или Таможенным союзом
http://www.fondsk.ru/news/2013/11/26/putin-ukraina-dolzhna-sama-sdelat-vybor-mezhdu-s-es-ili-ts-24250.html

11. Евразийский интеграционный проект В.Путина
http://rodon.org/poLít-131201114755