TCCSĐT - Sáng 27-11-2013, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề đặt ra và giải pháp thúc đẩy công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong thời kỳ phát triển mới của đất nước”.
Đến dự hội thảo có các đồng chí: GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; PSG, TS. Trương Thị Thông, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS. Phạm Văn Linh, Phó trưởng ban, Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu lý luận thuộc Ban Tuyên giáo, các Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy.

 
 Quang cảnh Hội thảo

Chủ trì Hội thảo, PGS, TS. Phạm Văn Linh phát biểu, từ khi đổi mới đến nay, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc triển khai đường lối đổi mới của Đảng, bổ sung, phát triển nhiều vấn đề lý luận, hình thành đường hướng phát triển của đất nước; xây dựng mô hình, bước đi phù hợp trong từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn và yêu cầu của cách mạng: một số vấn đề lý luận chưa được làm rõ, chậm được tổng kết; nhiều vấn đề mới nảy sinh chưa được tập trung nghiên cứu sâu…

Các đại biểu đã đi sâu thảo luận những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu lý luận. GS. Lê Hữu Nghĩa cho rằng, công tác nghiên cứu lý luận hiện nay còn được nhìn nhận chưa đúng tầm mà nguyên nhân chủ yếu tập trung ở mấy vấn đề: công tác chỉ đạo lý luận còn yếu, nhiều cấp ủy coi lý luận như việc của người khác; đội ngũ cán bộ làm nghiên cứu lý luận thiếu về số lượng và yếu về chất lượng;…

 
 GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo

GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng chỉ ra cách tiếp cận, đánh giá và trách nhiệm của các nhà nghiên cứu lý luận khi đưa ra đề tài. Lý luận phải gắn với thực tiễn trong khi thực tiễn lại thay đổi quá nhanh nên nếu lý luận không đủ vững sẽ không có giá trị thuyết phục.

Tại Hội thảo, nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn đã được đưa ra. Đó là giải pháp đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nghiên cứu lý luận, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò của công tác nghiên cứu lý luận đối với sự phát triển của đất nước; gắn kết giữa nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn; tổ chức lại các cơ quan lý luận của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, khắc phục tình trạng xa rời thực tiễn, phân tán, trùng lắp, kém hiệu quả; xây dựng quy chế hoạt động nghiên cứu và quản lý công tác lý luận nhằm phát huy tính sáng tạo trong quá trình tìm tòi, khám phá, mở rộng quan hệ quốc tế. Ngoài ra, còn có giải pháp về xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lý luận có trình độ cao đủ sức giải quyết những vấn đề do thực tiễn đất nước và thời đại đặt ra; tăng ngân sách đầu tư cho hoạt động lý luận, phân bổ hợp lý nguồn kinh phí nhà nước cấp nhằm bảo đảm từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ công tác nghiên cứu lý luận./.